BÁNH SỰ SỐNG (GIĂNG 6)
Câu chuyện Chúa hóa bánh cho năm ngàn người ăn trong Giăng 6:1-15 tái hiện nhiều chủ đề trước đó trong câu chuyện về tiệc cưới tại Ca-na và sự chữa lành người bại. Tại đây, Chúa Giê-xu tiếp tục làm việc để duy trì sự sống trong thế giới hiện tại dù dấu lạ Ngài làm là để chỉ về sự sống đầy trọn trong tương lai mà chỉ có Chúa Giê-xu có thể ban cho con người. Tuy nhiên, Giăng 6:27-29 đặt ra vài thách thức cho thần học về công việc:
“Đừng làm việc vì thức ăn hay hư nát, mà vì thức ăn còn mãi đến sự sống đời đời, là thức ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Đấng mà Đức Chúa Trời, là Cha, đã ấn chứng cho.” Họ thưa: “Chúng tôi phải làm gì để được làm công việc của Đức Chúa Trời?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Công việc của Đức Chúa Trời là các ngươi tin Đấng mà Ngài đã sai đến.”
Tại đây có ít nhất hai vấn đề: thứ nhất, dường như Chúa Giê-xu truyền lệnh đừng làm việc; và thứ hai, có vẻ như Ngài gia giảm việc thi hành công tác của Đức Chúa Trời chỉ còn là tin cậy Chúa.
Vấn đề thứ nhất khá dễ giải quyết. Kinh Thánh, giống như trong mọi phương thức truyền thông đều phải xem xét ý nghĩa dựa theo bối cảnh. Trong Giăng 6 đám đông muốn giữ Chúa Giê-xu lại để phục vụ họ như một ông-vua-có-phép-thầnthông cứ hóa bánh mãi không ngừng. Vì vậy khi Chúa Giê-xu phán: “Các ngươi tìm ta không phải vì đã thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Giăng 6:26), Ngài đang quở trách sự thiển cận thuộc linh của họ. Họ ăn bánh, nhưng họ không nhận biết ý nghĩa dấu lạ ấy bày tỏ. Đây chính là điều chúng ta học được từ chương 4. Sự sống đời đời không đến từ nguồn thực phẩm vô tận, nhưng từ Lời sự sống ra từ miệng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu không tiếp tục ban bánh cho đám đông khi việc làm đó không còn dẫn đến kết quả như mong đợi là giúp đám đông có mối liên hệ đúng với Đức Chúa Trời. Người làm công nào cũng đều làm như vậy. Nếu nêm thêm muối mà vẫn không làm cho món súp đậm đà hơn, thì người đầu bếp sẽ không nêm thêm muối nữa. Chúa Giê-xu không có ý “đừng làm việc nữa”, nhưng Ngài dạy đừng làm việc để chỉ có thêm đồ ăn, có thêm nhiều thứ mà con người không cần. Lời dạy này nghe như quá hiển nhiên, không cần phải có Lời Chúa truyền dạy thì chúng ta mới biết, nhưng ai trong chúng ta lại không cần được nghe lại chân lý này một lần nữa? Lời dạy của Chúa Giê-xu cấm làm việc vì những lợi ích chỉ có giá trị tạm thời là một hình thức diễn đạt thậm xưng tập trung vào mối liên hệ của đám đông với Đức Chúa Trời cần được thay đổi, phục hồi.
Còn vấn đề dường như Chúa Giê-xu gia giảm làm việc chỉ là tin cậy Chúa thì cần phải được xem xét dựa trên nền tảng thần học của sách Tin Lành Giăng và các thư tín của Giăng. Sứ đồ Giăng thích đưa mọi thứ đến thái cực. Giăng có quan điểm tôn cao sự tể trị và quyền sáng tạo của Đức Chúa Trời dẫn đến việc ông nhấn mạnh sự lệ thuộc của con người vào Chúa, như trong chương này. Những việc Đức Chúa Trời đã làm vì chúng ta, cho chúng ta là không giới hạn vì vậy chúng ta chỉ cần tin nơi Ngài và tiếp nhận công việc Đức Chúa Trời đã làm (cho chúng ta) qua Đấng Christ. Ở phương diện ngược lại, Chúa Giê-xu cũng nhấn mạnh thái độ thuận phục tích cực. Giăng trình bày điều này trong 1 Giăng 2:6 “Ai nói mình ở trong Ngài thì phải bước đi như chính Ngài đã bước đi” cũng như trong 1 Giăng 5:3 “Yêu Đức Chúa Trời tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài”. Chúng ta có thể kết hợp hai thái cực này lại qua cách diễn đạt của Phao-lô “sự thuận phục của đức tin” (Rô 1:5) hoặc của Gia-cơ 2:18 “tôi sẽ cho bạn thấy đức tin bằng hành động của tôi.”