Bootstrap

LỜI TẠM BIỆT (GIĂNG 14-17)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Chương 14 đến 17 ghi lại những lời Chúa Giê-xu lời trên phòng cao, thường được biệt riêng thành một phân đoạn vì chứa đựng nhiều ý nghĩa thần học rất sâu sắc mà chúng ta chỉ có thể đề cập vài điểm nổi bật. Nhưng điều quan trọng cần chú ý là những lời Chúa Giê-xu nói không phải là bài diễn thuyết vô cảm. Vì không bao lâu nữa Chúa Giê-xu sẽ phải rời xa những môn đồ, là những người Ngài yêu thương. Chúa Giê-xu đang đau lòng. Những lời Ngài nói trước hết là nhằm an ủi họ trong nỗi buồn đau.

CÔNG VIỆC VÀ CÁC MỐI LIÊN HỆ (GIĂNG 14-17)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Nhấn mạnh vào các mối liên hệ cá nhân là sự kết nối chính về thần học trong những chương này. Chúa Giê-xu không gọi các môn đồ “là đầy tớ nữa… nhưng là bạn hữu” (Giăng 15:15). Họ làm việc vì Ngài, nhưng trong tinh thần bạn bè và đồng nghiệp, như trong một “công ty gia đình” đúng nghĩa. Công việc và mối liên hệ hòa quyện vào nhau vì Chúa Giê-xu không làm việc một mình. “Những lời Ta nói với các con không phải Ta tự nói, nhưng chính Cha là Đấng ở trong Ta đang làm những việc của Ngài. Khi Ta nói Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta thì hãy tin Ta” (Giăng 14:10-11). Các môn đồ cũng không bị từ bỏ như trẻ mồ côi phải rối trí bởi thế gian này (Giăng 14:18). Qua Đức Thánh Linh, Chúa Giê-xu sẽ ở với các môn đồ, và họ sẽ làm những việc mà Ngài đã làm (Giăng 14:12).

Tưởng như đơn giản nhưng điều này thật sâu sắc. Sau khi Chúa Giê-xu chết, các môn đồ/bạn hữu của Ngài vẫn có thể kinh nghiệm Chúa Giê-xu trong sự cầu nguyện, nhưng không chỉ như vậy, điều này còn có nghĩa họ là những người được dự phần cách tích cực vào việc sáng tạo/phục hồi thế giới, đây cũng chính là tác nhân cho mối liên hệ yêu thương giữa Đức Chúa Cha với Đức Chúa Con. Họ được làm công việc của Đức Chúa Con và của Đức Chúa Cha, và được dự phần trong sự thân mật giữa Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha (và Đức Thánh Linh, như chúng ta sẽ thấy ngay sau đó). Đức Chúa Cha bày tỏ tình yêu của Ngài đối với Đức Chúa Con bằng cách cho phép Đức Chúa Con chia sẻ vinh hiển trong việc sáng tạo và tái tạo thế giới này.[1] Đức Chúa Con bày tỏ tình yêu đối với Đức Chúa Cha bằng cách luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, sáng tạo và tái tạo thế giới
cho vinh hiển của Đức Chúa Cha, theo ý muốn của Đức Chúa Cha, trong năng quyền của Đức Thánh Linh. Các môn đồ/bạn hữu được dự phần trong tình yêu mãi tuôn tràn của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Họ không chỉ được trải nghiệm sự huyền nhiệm trong mối liên hệ này mà còn được tiếp nối thi hành sứ mạng và công tác của Đức Chúa Con như Ngài đã làm. Sự kêu gọi chia sẻ trong tình yêu không thể tách rời với sự kêu gọi chia sẻ trong công việc. Lời cầu
nguyện của Chúa Giê-xu cho các môn đồ “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hiệp nhất trọn vẹn” (Giăng 17:23) được gắn kết với lời hiệu triệu cho sứ mạng “Như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai họ vào thế gian” (Giăng 17:18), và rồi sau đó được trao ban với lời mời gọi “Con yêu ta chăng?... Hãy chăm sóc chiên Ta” (Giăng 21:17).

Một khía cạnh thiết yếu trong công việc của con người là tạo cơ hội cho sự giao tiếp khi cùng làm việc với nhau. Đối với nhiều người, công sở là môi trường hình thành những mối liên hệ cá nhân quan trọng nhất bên ngoài gia đình. Ngay cả những người làm việc một mình cũng thường phải kết nối với một “nùi” các mối liên hệ với nhà cung cấp, với khách hàng, v.v… Như đã đề cập trong phần trước, Chúa Giê-xu không chỉ gọi các môn đồ là những đồng nghiệp mà còn là những bạn hữu. Trong công việc các khía cạnh thường được nhắc đến là thực dụng, sinh lợi; còn mối liên hệ trong công việc thường bị xem là phụ phẩm, ngoài kế hoạch. Nhưng thật ra từ lúc ban đầu, khi A-đam và Ê-va cùng nhau làm việc trong khu vườn Ê-đen thì mối liên hệ trong công việc đã là điều chính yếu. “Giêhô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm
nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng 2:18). Sự sáng tạo chính là cách thức tạo nên sự kết nối giữa con người với nhau khi họ cùng làm việc, và khi con người làm việc với nhau, họ dự phần trong công tác của Đức Chúa Trời là đem cõi tạo vật đến sự đầy trọn.

Đây có thể là sự khích lệ to lớn đối với những người của công việc. Họ là những người thường miễn cưỡng khi phải bày tỏ cảm xúc của mình nên đôi khi họ bị người khác dán nhãn là ít thân thiện, thực dụng. Chia sẻ với người khác là một việc cần thiết để phát triển các mối quan hệ, nhưng chúng ta cũng không quên tầm quan trọng của công việc như một phương tiện để nuôi dưỡng các mối liên hệ. Cùng làm việc với nhau có thể giúp xây dựng các mối quan hệ; không phải
ngẫu nhiên mà chúng ta dành rất nhiều thời gian làm việc với nhau và làm việc cho người khác. Chúng ta có thể tìm được mối liên hệ trong công việc từ chính khuôn mẫu về công việc diễn ra bên trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Làm việc hướng đến mục tiêu chung là một trong những phương cách chính Đức Chúa Trời mang chúng ta lại với nhau và khiến cho chúng ta trở thành những con người thật sự.

CÔNG VIỆC VÀ TÍNH HIỆU QUẢ (GIĂNG 15)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Hình ảnh ẩn dụ cây nho và nhánh nho bắt đầu bằng phước hạnh của mối liên hệ với Chúa Giê-xu và với Đức Chúa Cha thông qua Chúa Giê-xu (Giăng 15:1). “Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta” (Giăng 15:9). Tuy nhiên, kết quả của tình yêu này không phải là được thụ hưởng niềm hạnh phúc đầy trọn nhưng là lao động hiệu quả, được thể hiện qua hình ảnh “kết quả”. “Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả” (Giăng 15:5). Đức Chúa Trời là Đấng làm việc và cõi hoàn vũ chính là kết quả công việc của Ngài; chính Đấng sáng tạo vũ trụ muốn người thuộc về Ngài cũng làm việc và có kết quả. “Bởi điều này Cha Ta được tôn vinh, ấy là các con kết quả nhiều và trở nên môn đồ Ta” (Giăng 15:8). Đức Chúa Trời ban cho chúng ta món quà tuyệt vời đó chính là khả năng làm việc để tạo nên sự biến đổi có ảnh hưởng lâu dài trên thế giới này. “Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha thì Ngài ban cho các con” (Giăng 15:16). Lời hứa “kết nhiều quả” lặp lại lời hứa trước đó của Chúa Giê-xu “người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa” (Giăng 14:12).

Đôi khi hình ảnh ẩn dụ những người tin theo Chúa Giê-xu “kết quả” được giải nghĩa là qua họ có nhiều người tin và gia nhập Cơ Đốc Giáo. Theo cách giải nghĩa này cụm từ “những việc lớn hơn nữa” được hiểu là “(khiến) nhiều người tin hơn Ta đã làm”. Với những người được kêu gọi thực hiện việc giảng đạo, làm chứng thì điều này hoàn toàn đúng. Nếu phân đoạn này Chúa Giê-xu chỉ phán cho các sứ đồ, là những người được kêu gọi để rao truyền Tin Mừng thì có lẽ “kết quả” là chỉ về những người tin Chúa. Nhưng nếu Chúa Giê-xu đang nói chung cho mọi người theo Ngài, thì “kết quả” phải chỉ về những thành tựu đạt được trong mọi thức hình công việc của các tín hữu. Vì cả thế giới này đều được Chúa tạo dựng, nên “những việc Ta làm” bao gồm mọi việc “tốt lành” mà chúng ta có thể nghĩ đến.

Do đó ý nghĩa làm “những việc lớn hơn” có thể là: thiết kế phần mềm tốt hơn, cung cấp thức ăn cho nhiều người hơn, dạy nhiều học sinh giỏi hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các cơ quan và tổ chức, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng, sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả hơn và cai trị đất nước một cách công bằng hơn. Giá trị của “kết quả” không phụ thuộc vào lãnh vực làm việc của chúng ta, đó có thể là kinh doanh, quản lý, y tế, giáo dục, tôn giáo hay bất cứ lĩnh vực nào khác phục vụ nhu cầu của con người. “Ta truyền dạy điều nầy cho các con để các con yêu thương nhau” (Giăng 15:17). Phục vụ là yêu thương cách tích cực.