Bootstrap

CHÚA GIÊ-XU BỊ CÁM DỖ TỪ BỎ CÔNG TÁC HẦU VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI (LU 4:1-13)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Ngay trước khi Chúa Giê-xu bắt đầu công việc của một vị vua thì Sa-tan cám dỗ Ngài từ bỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đi vào đồng vắng, ở đó Ngài kiêng ăn trong 40 ngày (Lu 4:2). Sau đó, Chúa Giê-xu đối diện với những cám dỗ tương tự như dân Y-sơ-ra-ên đã đối diện trong đồng vắng Si-nai.[1] Trước tiên, Ngài bị cám dỗ cậy sức riêng để đáp ứng nhu cầu của bản thân, thay vì nương cậy vào sự chu cấp của Đức Chúa Trời (Lu 4:1-3; Phục 8:3,17-20). “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời hãy khiến đá này thành bánh” (Lu 4:3). Kế đó, Chúa Giê-xu bị cám dỗ thay đổi lòng trung thành của mình với Đức Chúa Trời mà hướng về một đối tượng khác là Sa-tan. Sa-tan cám dỗ Ngài dùng phương cách dường như dễ dàng, nhanh chóng hơn để đạt được quyền lực và sự vinh hiển (Lu 4:5-8; Phục 6:13; 71-26). “Nếu ngươi thờ lạy ta, tất cả thế gian này sẽ là của ngươi.” Thứ ba, Chúa Giê-xu bị cám dỗ nghi ngờ liệu Đức Chúa Trời có thật sự ở với Ngài không, rồi tìm cách khiến Đức Chúa Trời phải hành động (Lu 4:9-12; Phục 6:16-25). “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời hãy từ đây gieo mình xuống đi” (từ đền thờ). Không giống như dân Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-xu chống lại những cám dỗ này bằng cách tin cậy vào Lời của Đức Chúa Trời. Hai con người đầu tiên, A-đam và Ê-va đã phạm tội khi bị cám dỗ, Y-sơ-ra-ên dân tộc được Đức Chúa Trời tuyển chọn cũng không tốt hơn. Chỉ có Chúa Giê-xu là hình mẫu nhân loại hoàn hảo theo đúng ý định ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài dựng nên loài người.

Những cám dỗ này không phải chỉ xảy đến cho Chúa Giê-xu, dân Y-sơ-ra-ên cũng đã đối diện với những cám dỗ tương tự trong Phục truyền Luật lệ Ký 6-8. Chúa Giê-xu cũng đã phải đối diện với nhiều cám dỗ chẳng khác gì chúng ta. “Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê 4:15). Giống như Y-sơ-ra-ên và Chúa Giê-xu, chúng ta cũng sẽ bị cám dỗ, trong công việc và trong cuộc sống.

Làm việc chỉ để đáp ứng nhu cầu bản thân là cám dỗ rất lớn. Chúng ta làm việc là để đáp ứng nhu cầu của bản thân (2 Tê 3:10), nhưng không chỉ để đáp ứng nhu cầu của bản thân mà thôi. Công việc cũng nhằm mục đích phục vụ người khác nữa. Không giống như Chúa Giê-xu, chúng ta không bị cám dỗ sử dụng phép lạ để phục vụ nhu cầu bản thân. Nhưng chúng ta có thể bị cám dỗ làm việc chỉ vì tiền lương, bị cám dỗ bỏ công việc ngay khi gặp khó khăn, bị cám dỗ tránh né, không chia sẻ trách nhiệm công việc với người khác, hay để mặc người khác nhận lãnh những hậu quả phát sinh từ việc làm bê bối của chúng ta. Trong công việc cám dỗ chọn lối tắt, nhanh chóng, dễ dàng hơn cũng rất lớn.

Nghi ngờ sự hiện diện và quyền năng của Đức Chúa Trời trong công việc của mình có thể là cám dỗ lớn nhất trong các cám dỗ trên. Chúa Giê-xu đã bị cám dỗ để thử Đức Chúa Trời bằng việc ép buộc Ngài phải hành động. Chúng ta làm điều tương tự khi chúng ta có thái độ lười biếng hay dại dột mà trông đợi Chúa lo liệu cho chúng ta. Thỉnh thoảng, điều này xảy ra khi ai đó cho rằng Chúa đã kêu gọi mình vào một vị trí hay nghề nghiệp nào đó, nhưng cứ thụ động, không làm gì cả mà đợi Chúa khiến điều đó xảy ra. Nhưng có lẽ chúng ta dễ bị cám dỗ khước từ sự hiện diện và quyền năng của Đức Chúa Trời trong công việc của mình. Chúng ta có thể nghĩ công việc của mình chẳng có giá trị gì với Chúa hay chúng ta có thể nghĩ Chúa chỉ quan tâm đến những sinh hoạt trong nhà thờ của chúng ta mà thôi. Những suy nghĩ này có thể khiến chúng ta không thể xin Chúa hiện diện và giúp đỡ chúng ta trong những công việc bình thường mỗi ngày. Chúa Giê-xu trông đợi Đức Chúa Trời dự phần vào công việc mỗi ngày, nhưng Chúa Giê-xu không đòi hỏi Đức Chúa Trời phải thay Ngài làm việc.

Toàn bộ câu chuyện bắt đầu bằng việc Thánh Linh dẫn Chúa Giê-xu vào đồng vắng để kiêng ăn 40 ngày. Thời đó, cũng như ngày nay, kiêng ăn và tham dự các chuyến bồi linh là cách đến gần Chúa trước khi bắt đầu một thay đổi quan trọng trong cuộc sống. Chúa Giê-xu sắp bắt đầu công tác làm vua, và Ngài muốn nhận lấy năng quyền, sự khôn ngoan và sự hiện diện của Đức Chúa Trời trước khi bắt đầu. Đó là cách Ngài đã làm. Khi Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-xu, Ngài đã dành 40 ngày tâm giao với Đức Chúa Trời. Ngài đã chuẩn bị đầy đủ để chống lại Sa-tan. Tuy nhiên, việc kiêng ăn cũng khiến những cám dỗ đến với Chúa Giê-xu mạnh mẽ hơn. “Ngài bị đói” (Lu 4:2). Cám dỗ thường đến với chúng ta nhanh hơn chúng ta tưởng, thậm chí ngay từ lúc chúng ta mới bắt đầu đi làm. Chúng ta có thể bị cám dỗ tham dự vào kế hoạch làm giàu nhanh chóng thay vì bắt đầu từ vị trí thấp nhất trong một công việc hay nghề nghiệp thật sự hữu ích. Chúng ta sẽ phải đối diện với những yếu đuối của bản thân, bị cám dỗ để bù đắp cho những yếu đuối đó bằng cách gian lận, bắt nạt hay dối gạt ai đó. Có lẽ chúng ta cho rằng với những kỹ năng hiện có, chúng ta không thể tìm được công việc như ý, vì thế chúng ta bị cám dỗ thể hiện không đúng về bản thân hoặc gian dối khai nhận những khả năng chuyên môn mình không có hoặc chưa đạt đến. Chúng ta có thể chọn một vị trí có lợi nhưng không thỏa lòng với ảo tưởng “chỉ làm vài năm thôi, đến khi ổn định thì” sẽ kiếm việc gì đó phù hợp hơn với sự kêu gọi của mình.

Chuẩn bị là chìa khóa để chiến thắng cám dỗ. Cám dỗ thường đến mà không hề báo trước. Người chủ, cấp trên của bạn có thể bắt bạn làm báo cáo khống. Bạn có thể sẽ được tiết lộ thông tin mật (về việc kinh doanh của công ty) trước khi thông tin đó công bố rộng rãi cho công chúng. Một cánh cửa quên khóa sẽ đem đến một cơ hội không trông đợi để lấy những thứ không thuộc về mình mà không ai biết. Áp lực để hùa theo đồng nghiệp đồn thổi, bàn tán về một đồng nghiệp khác có thể xảy đến bất ngờ trong bữa trưa. Cách chuẩn bị tốt nhất là hãy tưởng tượng tình huống có thể xảy ra, và cầu nguyện rồi lập kế hoạch để có cách phản ứng thích hợp, thậm chí bạn có thể viết xuống các tình huống có thể gặp cùng với cách phản ứng mà bạn cam kết với Chúa. Một cách khác nữa để giữ chính mình trước cám dỗ là có một nhóm những người biết rõ về bạn, mà bạn có thể gọi để thông báo vắn tắt và thảo luận về vấn đề bạn đang đối diện. Nếu cho họ biết trước, họ có thể giúp khi bạn gặp cám dỗ. Chúa Giê-xu cũng có cộng đồng của Ngài, đó là Ba Ngôi Đức Chúa Trời (nếu chúng ta có thể hiểu và chấp nhận cách mô tả này). Khi bị cám dỗ Chúa Giê-xu đã được sự hỗ trợ từ cộng đồng của mình, đó là mối tâm giao mật thiết với Đức Chúa Cha và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Dù có những điểm tương đồng, những cám dỗ chúng ta đối diện không hoàn toàn giống với những cảm dỗ Chúa Giê-xu đã gặp. Ai cũng có những cám dỗ riêng, lớn và nhỏ, tùy thuộc vào hoàn cảnh và bản chất công việc của chúng ta. Không ai trong chúng ta là Con Đức Chúa Trời, nhưng cách của chúng ta đối diện với cám dỗ sẽ dẫn đến những hệ quả làm thay đổi cuộc sống chúng ta. Thử tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao nếu Chúa Giê-xu từ bỏ sự kêu gọi làm Vua Trời và dùng cuộc đời để tìm kiếm sự xa hoa cho chính mình hay làm theo mệnh lệnh của ông chủ tội ác, hay thụ động không làm gì cả mà chờ Đức Chúa Cha làm thay cho Ngài.