Bootstrap

SỰ GIÀU CÓ TRONG SÁCH LU-CA

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Chúa Giê-xu không hề chống đối sự giàu có, nhưng Ngài dạy về sự giàu có với sự nghi ngại. Kinh tế thị trường dựa trên sự phát sinh, trao đổi và tích lũy tài sản cá nhân. Thực tế này gắn chặt trong nhiều nền văn hóa xã hội đến nỗi đối với nhiều người, việc mưu cầu và tích lũy tài sản cá nhân, đã trở thành mục đích tối hậu hay ý nghĩa của đời sống. Trong các phần chú giải trước đã trình bày Chúa Giê-xu không xem việc tích lũy tài sản là mục tiêu đúng đắn. Từ gương mẫu đời sống của Chúa Giê-xu, công việc của con người phải thể hiện sự quan tâm sâu sắc dành cho người khác cũng như không được sử dụng thẩm quyền trong công việc chỉ vì lợi ích cá nhân. Tương tự như vậy sự giàu có phải được sử dụng với sự quan tâm sâu sắc dành cho người lân cận. Dù sách Tin Lành Lu-ca không đề cập nhiều về sự giàu có như sách Công vụ Các Sứ đồ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức quan trọng với những giả định của nhiều người về sự giàu có.

SỰ LO NGẠI DÀNH CHO NGƯỜI GIÀU (LU 6:25; 12:13-21; 18:18-30)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chúa Giê-xu chỉ ra vấn đề đầu tiên của sự giàu có là những người giàu vì lòng đam mê của cải dễ có khuynh hướng loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống. “Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Lu 12:34). Chúa Giê-xu muốn con người hiểu rằng giá trị cuộc sống không được định nghĩa dựa trên của cải, nhưng bằng tình yêu và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Lu-ca mong muốn khi chúng ta được gặp gỡ Chúa Giê-xu thì chúng ta, và công việc chúng ta làm, cũng được biến đổi.

Nhưng sự giàu có dường như khiến chúng ta ngoan cố chống cự bất kỳ sự thay đổi nào trong đời sống. Sự giàu có cho chúng ta có đủ phương tiện để duy trì nguyên trạng, để tự lập, để làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Sự sống đời đời hay sự sống thật là sống trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời (và với người khác).

Sự giàu có khiến chúng ta khước từ Đức Chúa Trời và dẫn đến sự chết đời đời. Chúa Giê-xu phán: “Nếu người nào được cả thế gian mà chính mình bị mất hoặc thiệt thân thì có ích gì?” (Lu 9:25). Của cải có thể dẫn dụ khiến người giàu sống xa cách Chúa, là số phận mà người nghèo (có thể) tránh khỏi. “Phước cho các con là những người nghèo khó, vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về các con” (Lu 6:20). Đây không phải là lời hứa về phần thưởng trong tương lai, nhưng là lời tuyên bố cho hiện tại. Người nghèo không bị của cải cản trở lòng yêu mến Đức Chúa Trời. Nhưng “Khốn cho các ngươi là những người hiện đang no, vì sẽ đói! ” (Lu 6:25). “Đói” dường như là cách nói giảm nhưng có hàm ý rất rõ ràng chỉ về việc “đánh mất sự sống đời đời vì không còn quan tâm đến Chúa”. Tuy vậy, có lẽ vẫn còn hy vọng ngay cả cho những người giàu có xấu xa.

Câu Chuyện Ẩn Dụ Về Người Giàu Dại Dột (Lu 12:13-21)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Sự dạy dỗ về chủ đề của cải được tiếp nối cách kịch tính với câu chuyện ẩn dụ về người giàu dại dột (Lu 12:13-21). “Ruộng của người giàu kia rất được mùa”, nhiều đến nỗi không thể chứa hết trong kho. “Ta sẽ làm gì?” ông ta lo lắng và quyết định phá bỏ kho hiện có để xây kho lớn hơn. Người giàu này thuộc về số người tin rằng càng có nhiều của cải thì càng bớt lo về tiền bạc. Nhưng trước khi ông phát hiện mình đã phải lo lắng vì thứ không thật sự có giá trị, thì người giàu này đối diện với số phận còn bi thảm hơn là cái chết. Khi người giàu sắp chết, câu hỏi của Chúa: “Những thứ mà người đã dự trữ sẽ thuộc về ai?” (Lu 12:20) có ý mỉa mai và đụng đến hai điểm cốt lõi. Thứ nhất là câu trả lời cho của cải: sẽ không thuộc về người giàu. Số của cải người giàu này trông cậy để đáp ứng nhu cầu của ông trong nhiều năm nữa sẽ lập tức được chuyển cho người khác. Điều thứ hai còn thâm sâu hơn là câu trả lời cho linh hồn: sẽ bị đòi lại. Người giàu có ngu dại sẽ nhận được những gì ông đã chuẩn bị cho bản thân: một cuộc sống không có Chúa sau khi qua đời, một cái chết thật sự. Sự giàu có đã ngăn trở ông xây dựng mối liên hệ với Chúa, được thể hiện bằng việc ông chẳng hề mảy may suy nghĩ sẽ dùng vụ mùa bội thu của mình để giúp đỡ những người có nhu cầu. “Ai thu trữ của cải cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu 12:21).

Tại đây, tình bạn với Đức Chúa Trời được diễn tả bằng ngôn ngữ kinh tế. Những người được làm bạn với Đức Chúa Trời và có của cải phải là những người giúp đỡ cho những người cũng là bạn hữu của Chúa và đang nghèo khổ. Vấn đề của người giàu dại dột là ông ta tích trữ mọi thứ cho mình, mà không tạo công ăn, việc làm hay cơ hội sinh sống cho người khác. Chúng ta có thể tưởng tượng một người giàu có yêu mến Chúa thật sự mà không tích trữ của cải cho mình sẽ ban cho cách rộng rãi, giúp người nghèo khổ, hay tốt hơn là đầu tư tiền bạc để sản xuất những sản phẩm và cung cấp những dịch vụ thật tốt, thuê mướn nhân viên, tạo việc làm và đối xử với những người làm việc cho mình bằng sự công bằng và lương thiện. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều người như vậy trong Kinh Thánh (ví dụ: Giô-sép người A-ri-ma-thê, Lu 23:50) và trong thế giới quanh ta. Những người như thế sẽ được phước cả trong đời này lẫn đời sau. Nhưng chúng ta không thể
loại bỏ điểm mấu chốt của ẩn dụ này: nếu con người có thể tích trữ của cải bởi sự tham lam thì cũng có thể tăng trưởng về mặt kinh tế và các phương diện khác trong đời sống nhờ ân sủng của Chúa. Sau hết tất cả, chính Chúa sẽ phán xét việc làm của mỗi người.

Vị Quan Giàu Có (Lu 18:18-30)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-xu với vị quan giàu có (Lu 18:18-30) cho thấy cơ hội được giải cứu khỏi vòng kìm kẹp của vật chất. Vị quan này đã không để sự giàu có của mình hoàn toàn thay thế tấm lòng khao khát Chúa. Ông bắt đầu với câu hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Trong câu trả lời, Chúa Giê-xu tóm tắt Mười Điều Răn. Vị quan giàu có trả lời rằng “Tôi đã giữ các điều ấy từ thời niên thiếu” (Lu 18:21). Chúa Giê-xu đã chấp nhận câu trả lời của vị quan nhưng Ngài nhìn thấy ảnh hưởng sai lạc của sự giàu có trên ông. Chúa Giê-xu cho vị quan một cách để chấm dứt ảnh hưởng nguy hại của sự giàu có. “Hãy bán tất cả những gì ngươi có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời, rồi hãy đến theo Ta” (Lu 18:22). Bất cứ ai thật sự có lòng khao khát tìm kiếm Chúa đều sẽ vui mừng sung sướng trước lời mời gọi bước vào mối liên hệ cá nhân mật thiết với Con Đức Chúa Trời. Nhưng thật quá muộn màng cho vị quan giàu có này, lòng yêu mến của cải của ông lớn hơn tình yêu ông dành cho Đức Chúa Trời. “Ông ta trở nên buồn rầu, vì ông rất giàu có” (Lu 18:23). Chúa Giê-xu nhận ra điều đó và phán rằng “Người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời thật khó biết bao! Vì lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời!” (Lu 18:24-25).

Ngược lại, người nghèo thường bày tỏ sự rộng rãi lạ lùng. Bà góa nghèo sẵn sàng cho đi tất cả những gì bà có vì yêu Chúa (Lu 21:1-4). Đây không phải là tóm tắt sự đoán phạt của Chúa dành cho những người giàu nhưng là một nhận xét dựa trên quan sát về sức cuốn hút và sự kìm kẹp của của cải. Trong câu chuyện này, những người xung quanh Chúa Giê-xu và vị quan giàu có cũng đều nhận ra vấn đề và thất vọng với thắc mắc có ai đủ sức chống lại sự hấp dẫn của của cải, dù chính họ (các môn đồ) đã bỏ tất cả để theo Chúa Giê-xu (Lu 18:28). Nhưng Chúa Giêxu không hề bi quan, vì “điều loài người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được” (Lu 18:27). Chính Đức Chúa Trời là nguồn sức lực để giúp con người khao khát yêu mến Đức Chúa Trời hơn của cải.

Có lẽ ảnh hưởng nguy hại của của cải là ngăn trở chúng ta mong ước một tương lai tốt hơn. Nếu bạn giàu có, mọi thứ đều tốt đẹp, khi đó sự thay đổi trở thành mối đe dọa chứ không phải cơ hội. Trong trường hợp của vị quan giàu có, của cải đã khiến ông mờ mắt, không nhận biết cuộc đời có Chúa tuyệt vời không chi sánh bằng. Chúa Giê-xu ban cho vị quan giàu có này ý nghĩa mới về giá trị bản thân và sự an ổn. Nếu ông ta có thể mường tượng ý nghĩa, giá trị mới Chúa ban vượt trổi hơn sự mất mát của cải, thì có lẽ vị quan đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giê-xu. Đỉnh điểm của câu chuyện là lúc các môn đồ của Chúa Giê-xu đề cập đến những gì họ đã từ bỏ để theo Ngài thì Chúa Giê-xu hứa rằng họ sẽ được giàu có dư dật trong nước Trời. Chúa Giê-xu phán, ngay cả trong đời này, họ sẽ được “nhận lãnh nhiều hơn” cả về những mối liên hệ lẫn vật chất, và trong đời sau sẽ được sự sống đời đời (Lu 18:29-30). Đây là cơ hội mà mà vị quan giàu có để mất. Ông ta chỉ thấy những thứ mình phải từ bỏ, chứ không thấy những điều mình sẽ nhận được.[1]

QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI NGHÈO (LU 6:17-26; 16:19-31)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents
ĐẦU TƯ VÀO CỘNG ĐỒNG CỦA BẠN

Arnold Joseff và cộng sự của ông, George Hill, là những người sáng lập ra Công ty Công nghệ Hóa học Tổng Hợp có trụ sở ở Detroit, Michigan. Arnold nói về chiến lược sử dụng lợi nhuận của họ để khôi phục, xây dựng lại một khu dân cư nghèo.

BÀI PHỎNG VẤN

HATTIE: Ở đây ồn ào quá. Tôi thấy giám đốc chăm sóc khách hàng, Julius Gray, đã đến văn phòng.

JULIUS: Đừng bao giờ nói không! Đừng bao giờ! Đừng bao giờ bỏ cuộc!

HATTIE: Có phải mẹ ông đã dạy như vậy?

JULIUS: Sự kiên trì sẽ được đền đáp. Mẹ tôi đã dạy tôi; cha tôi đã học từ nhiều nơi. Bạn không cần phải trải nghiệm thực tế cuộc sống thì mới có thể học từ kinh nghiệm của người khác. Đó là mấu chốt. Hãy nắm bắt kinh nghiệm của người khác và áp dụng khi thích hợp.

HATTIE: Giống như Julius, Arnold đang chạy đôn chạy đáo. Không có văn phòng, nên ông có thể làm việc ở mọi lúc, mọi nơi.

ARNOLD: Mặc dù bạn là một nhà kinh doanh, công việc bạn làm phải sinh lợi nhuận, nhưng điều đó không thể chối bỏ nguyên tắc là bạn phải có những giá trị đạo đức. Bạn vẫn có thể vừa là người đạo đức chính trực, vừa khao khát đổi mới và là người đem lại nguồn sinh khí mới cho một khu vực nào đó. Điều chúng tôi đã làm một cách kiên định đó là tiếp quản, theo nghĩa đen, những bất động sản bị bỏ hoang và khôi phục lại để sử dụng.

Chúng tôi không bán, nhưng tiếp tục sử dụng những bất động sản đã được khôi phục đó. Chúng trở thành một phương pháp làm kinh tế, giúp lập công ty, xí nghiệp, tạo nên việc làm, phát triển kỹ thuật và tạo nên sự tăng rưởng cho cộng đồng. Đó là bản sắc của công ty chúng tôi và những điều chúng tôi muốn làm và chia sẻ với người khác. Bởi vì, nếu chúng tôi có thể làm điều đó trong giới hạn nhỏ của mình, thì người khác có thể làm ở mức độ lớn hơn.

Khi Chúa Giê-xu đề cập đến vấn đề của cải gây ra, Ngài không chỉ quan tâm đến người giàu nhưng Chúa Giê-xu cũng quan tâm đến người nghèo khổ. Ngài phán: “Hãy bán của cải mình mà làm việc thiện. Hãy sắm cho mình những túi tiền không hư cũ và kho báu không hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không đến gần được, mối mọt không làm hư hại được” (Lu 12:33).

Xuyên suốt sách Tin Lành Lu-ca, đặc biệt trong Bài ca của Ma-ri (Lu 1:46-56), trong Bài giảng của Chúa Giê-xu (Lu 6:17-26), chủ đề Đức Chúa Trời rất quan tâm đối với người nghèo khó và cô thế trong xã hội thường xuyên được đề cập. Chúa Giê-xu đưa đề tài này thành trọng tâm trong trong câu chuyện ẩn dụ về La-xa-rơ và người nhà giàu (Lu 16:19-31). Người giàu có mặc quần áo sang trọng và sống xa xỉ, không làm gì để giúp đỡ La-xa-rơ, là người đang chết dần vì bệnh tật và đói khát. La-xa-rơ chết và người giàu cũng chết. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng đến điểm cuối của
sự sống thì của cải cũng không hề có quyền lực gì. Các thiên sứ đem La-xarơ lên thiên đàng, có lẽ
chỉ vì ông là người nghèo, không có lý do nào khác (Lu 16:22), nếu không thì có lẽ vì trong lòng La-xarơ, của cải chưa bao giờ thay thế cho Đức Chúa Trời. Người giàu xuống âm phủ, dường như vì ông giàu có, cũng không còn lý do nào khác (Lu 16:23), nếu không thì có lẽ vì trong lòng người giàu, của cải đã chiếm chỗ dành cho Đức Chúa Trời và người khác. Câu chuyện có ngụ ý trách nhiệm của người giàu là phải chăm sóc, giúp đỡ La-xa-rơ khi có thể (Lu 16:25). Có lẽ khi làm như thế, người giàu có thể tái lập cho mình mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời và tránh khỏi kết cục bi thảm. Hơn nữa, giống như nhiều người giàu có, ông ta lo lắng cho gia đình mình, muốn cảnh báo họ về sự đoán phạt sắp đến. Tuy nhiên, người giàu đã thiếu quan tâm đến gia đình lớn hơn của Đức Chúa Trời như đã bày tỏ trong luật pháp và lời tiên tri, và ngay cả người trở về từ cõi chết cũng không thể thay đổi điều gì.

ĐẦU TƯ VÀO CÔNG VIỆC CỦA CHÚA GIÊ-XU (LU 8:3; 10:7)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents
HÃY BAN CHO THÌ BẠN SẼ ĐƯỢC NHẬN LẠI

Buddy Roybal là người sáng lập Công ty Sơn và Trang Trí Coronado có trụ sở ở Santa Fe, New Mexico. Nhân viên ở đây được cho thời gian nghỉ phép có lương để làm công tác tình nguyện trong cộng đồng.

Bài Phỏng Vấn

HATTIE: (thuyết minh) Chào mừng Buddy Roybal, người sáng lập và sở hữu Công ty Sơn và Trang Trí Coronado tại Santa Fe, New Mexico.

BUDDY ROYBAL: Công ty Coronado có danh tiếng rất tốt. Doanh thu của công ty là gần 10 triệu đô-la mà hầu như không cần quảng cáo. Có danh tiếng là có tất cả.

HATTIE: (thuyết minh) Irene, vợ của Buddy, làm việc với 24 nhân viên trọn thời gian và 30 nhà thầu phụ. Công ty Sơn và Trang trí Coronado là trung tâm cung cấp dịch vụ trọn gói về trang trí với các nhãn hiệu sơn, thảm, gỗ, rèm cửa. Riêng về mặt hàng gạch men lát sàn công ty cung cấp bộ sưu tập có số mẫu sản phẩm để khách hàng lựa chọn nhiều nhất trong tiểu bang New Mexico. Trước khi khởi nghiệp vào năm 1984, Buddy đã làm quản lý cho công ty Sherwin-Williams.

BUDDY: Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi nhận một dự án của thành phố. Tôi vẫn nhớ lúc đó tôi không vay được tiền từ ngân hàng nên phải mượn tiền của một người bạn để thực hiện dự án. Tôi không ngại làm việc cực nhọc nhưng chuyện vay tiền là vấn đề thật gay go. Thời gian đầu, lương của chúng tôi ít lắm và khi nào có công việc chúng tôi mới nhận lương. Nhưng chúng tôi luôn thanh toán ngay lập tức những hóa đơn và gây dựng chỉ số uy tín tài chính. Bây giờ sau 22 năm, chúng tôi có thể vay ngân hàng để mua bất cứ thứ gì ở bất cứ nơi đâu.

Hãy làm việc chăm chỉ, chịu khó, cần mẫn! Bạn phải sẵn sàng dành thời gian cho công việc. Bạn không được ngại việc lau chùi nhà vệ sinh hay quét dọn sàn hay lau cửa sổ. Đó là một phần công việc của một chủ doanh nghiệp nhỏ. Bạn phải làm mọi thứ. Khi tôi mới bắt đầu, tôi không biết công việc này khó như thế nào, có nhiều thách thức. Bạn học và thay đổi. Điều tôi thích ở một chủ doanh nghiệp nhỏ là chúng tôi thay đổi mỗi ngày. Chúng tôi không được có suy nghĩ bảo thủ. Điều trước tiên tôi nói với một nhân viên mới khi họ bắt đầu công việc là nếu anh đã từng làm việc này ở một nơi nào đó tốt hơn chúng tôi thì hãy cho chúng tôi biết. Chúng tôi rất vui để thay đổi. Chúng tôi rất vui để được học và phát triển. Một trong những lời cầu nguyện của tôi mỗi ngày cho sự thay đổi đó là bạn sẽ tiếp tục trưởng thành trong việc thay đổi. Một khi chúng ta ngừng lớn lên, khi chúng ta có suy nghĩ bảo thủ, thì cánh cửa đã khép lại với chúng ta. Phương châm của chúng tôi là xây dựng mối liên hệ với khách hàng chứ không phải bán hàng. Khi bạn có liên hệ tốt với khách hàng, thì khách hàng luôn trở lại với bạn. Khi bạn bán hàng thì bạn sẽ bị lo lắng về lợi nhuận. Chúng tôi cố gắng đem đến những dịch vụ tốt cho khách hàng, không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà còn khiến họ hài lòng.

Vấn đề ưu tư nhất của tôi là có quá nhiều khách hàng đến nỗi kho chứa hàng bị quá tải. Khi khách hàng đến thì họ tìm sự giúp đỡ. Việc huấn luyện cho nhân việc mới thì khá gian khổ. Chúng tôi muốn khách hàng nhận được lời khuyên, sự tư vấn tốt nhất. Tôi đã có những nhân viên làm việc với tôi từ những ngày đầu khởi nghiệp. Nhân viên kế toán đầu tiên, Claudia, bây giờ là giám đốc tài chính của chúng tôi. Phil Garcia hiện là quản lý mảng sản phẩm sơn của chúng tôi, cũng đã làm việc từ khi công ty bắt đầu. Hầu như những nhân viên ở đây đều làm từ 8-10 năm, 16 năm, 18 năm. Hầu hết những người này được làm việc ở nhà nếu họ muốn.

Mile là trưởng phòng kinh doanh và quản lý bán hàng của chúng tôi, làm việc hoàn toàn từ xa (ở nhà). Ông đến cửa hàng, gặp khách hàng nhưng mọi việc khác đều được thực hiện từ xa. Chúng tôi rất tin tưởng nhau. Với chúng tôi, bạn có thể nói một người có đang làm việc hay không chỉ cần dựa trên doanh số. Sự thành công của họ là thành công của chúng tôi và ngược lại.

HATTIE: (thuyết minh) Nhân viên ở đây được cấp ngày nghỉ phép và hỗ trợ kinh phí để làm công tác cộng đồng. Khi Jeff không làm việc tại bộ phận sơn, thì anh đang huấn luyện cho đội thể thao thiếu nhi được Công ty Sơn và Trang trí Coronado tài trợ. Jeff có một đống cúp thể thao mà ông Buddy trưng bày đầy tự hào.

BUDDY: Tôi thích được ở đây và chưa bao giờ thấy mệt mỏi vì công việc này. Tôi thậm chí có thể làm thêm nhiều giờ. Chúng tôi nhận được nhiều ơn phước và ngày nào chúng tôi cũng biết ơn Chúa về điều đó. Dường như chúng tôi càng cho nhân viên, khách hàng và cộng đồng của chúng tôi nhiều chừng nào thì chúng tôi càng nhận lại nhiều chừng nấy. Sự đáp trả đúng là quá lớn. Có một điều mà tôi muốn chia sẻ cho bất cứ nhà kinh doanh nào đó là: hãy cho đi, hãy cho đi, hãy cho đi và bạn sẽ nhận lại.

Ẩn dụ về người quản gia bất trung (Lu 16:1-3) dạy chúng ta tầm quan trọng của việc sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan. Lu-ca đưa ra ví dụ về những người đầu tư tiền bạc vào công tác của Chúa Giê-xu: Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ và Suxan-nơ được nêu tên cùng với mười hai sứ đồ vì họ đã hỗ trợ tài chính cho công việc của Chúa Giê-xu. Trong thế giới cổ đại, phụ nữ ít có cơ hội sở hữu tài sản nên việc đề cập những người phụ nữ trong danh sách này thật đặc biệt và khiến phải kinh ngạc; và còn có “nhiều người nữ khác nữa đã dùng của cải mình để giúp cho Chúa và các môn đồ Ngài” (Lu 8:3). Về sau, khi Chúa Giê-xu sai các sứ đồ đi ra rao giảng, Ngài bảo họ dựa vào lòng rộng rãi của những người họ đã phục vụ, “vì người làm công đáng được tiền lương mình” (Lu 10:7).

Điều ngạc nhiên là hai lời nhận xét này, dường như không hề được chuẩn bị trước, là tất cả những gì Lu-ca đề cập về sự dâng hiến cho Chúa Giê-xu, công tác của Ngài và các môn đồ. Ngày nay việc dâng hiến cho Chúa, dâng hiến cho công tác của Chúa và dâng hiến để giúp đỡ người tin Chúa thường được hiểu chung là dâng hiến cho Hội Thánh. So sánh với sự quan tâm của Chúa Giê-xu dành cho người nghèo thường xuyên được Lu-ca đề cập, thì Lu-ca không nói nhiều về sự dâng hiến cho Hội Thánh. Ví dụ, không chỗ nào Lu-ca diễn giải phần mười trong Cựu Ước thuộc về Hội Thánh. Điều này không có nghĩa là Chúa Giê-xu đặt sự giúp đỡ người nghèo đối lập với sự dâng hiến cho Hội Thánh. Thay vào đó, điểm cần lưu ý là dâng hiến tiền bạc không phải là cách duy nhất bày tỏ sự rộng rãi. Một người có thể dự phần trong công tác cứu rỗi của Đức Chúa Trời bằng việc sử dụng cách sáng tạo những kỹ năng, lòng đam mê, các mối liên hệ và sự cầu nguyện của mình.

SỰ HÀO PHÓNG: BÍ QUYẾT PHÁ BỎ SỰ KÌM KẸP CỦA CỦA CẢI (LU 10:38-42; 14:12-14; 24:13-15)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Các phân đoạn Kinh Thánh này cho biết phương cách của Đức Chúa Trời để phá bỏ sự kìm kẹp của của cải là lòng rộng rãi. Nếu bởi năng quyền của Chúa bạn có thể ban cho rộng rãi, thì của cải mất dần sự kìm kẹp trên đời sống bạn. Chúng ta đã thấy tấm lòng cực kỳ rộng rãi của bà góa nghèo khổ. Để một người giàu ban cho rộng rãi còn khó hơn nhiều, nhưng Chúa Giê-xu đã dạy cách để cả người giàu lẫn người nghèo đều có thể sống rộng rãi. Bí quyết để trở thành người ban cho rộng rãi đó là hãy giúp đỡ những người quá nghèo không có khả năng trả ơn cho bạn. Ngài cũng phán với người mời Ngài rằng:

“Khi ngươi đãi ăn trưa hoặc ăn tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con hay xóm giềng giàu có, e họ cũng mời lại mà trả ơn cho ngươi. Nhưng khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù thì ngươi sẽ được phước, vì họ không thể trả ơn cho ngươi; đến ngày người công chính sống lại, ngươi sẽ được đền ơn.” (Lu 14:12-14)

Rộng rãi để được trả ơn thì không phải là hào phóng mà là mua chuộc sự quý mến. Thật sự rộng rãi là sự ban cho mà người được nhận không có khả năng trả ơn, được xem như phần thưởng trong cõi đời đời. Dĩ nhiên, cách hiểu ban cho rộng rãi để được phần thưởng trong cõi đời đời vẫn có thể xem là một cách đền ơn “trì hoãn” chứ chưa phải là sự rộng rãi thật sự; bởi vì vẫn còn mong sẽ được (Chúa) đền đáp khi sống lại trong đời sau. Theo góc nhìn này thì mong ước có được phần thưởng trong cõi đời đời vẫn giống như một cách mua chuộc sự quý mến, chỉ là khôn khéo hơn, nhưng vẫn là một hình thức trao đổi. Trong lời dạy của Chúa Giêxu không thể hoàn toàn loại bỏ cách giải thích sự hào phóng, ban cho rộng rãi là sự trao đổi, tích trữ phước lành cho cõi đời đời. Nhưng đó không phải là cách giải thích duy nhất, còn có cách diễn giải thỏa đáng và sâu sắc hơn. Sự rộng rãi thật, là sự hào phóng không mong đợi được đáp trả trong đời này hay đời sau, phá vỡ sự kìm kẹp của của cải bằng sự đầu phục Đức Chúa Trời. Chỉ khi bạn cho đi của cải mà hoàn toàn không trông đợi sẽ được nhận lại ích lợi gì từ những của cải đó, trong đời này và đời sau, thì khi đó bạn phá hủy vĩnh viễn sự kìm kẹp của của cải trên bạn. Đây là một thực tại về phương diện tâm lý, vật chất và tâm linh của con người. Sự ban cho cách rộng rãi khiến bạn một lần nữa tôn Đức Chúa Trời là chủ của mình, và dẫn đến phần thưởng thật của sự sống lại: được sống đời đời với Đức Chúa Trời.

Ma-Ri và Ma-Thê (Lu 10:38-42)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Câu chuyện Ma-ri và Ma-thê (Lu 10:38-42) cũng đặt sự rộng rãi trong bối cảnh lòng yêu mến Chúa. Ma-thê bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, trong khi Ma-ri ngồi và lắng nghe Chúa Giê-xu dạy dỗ. Ma-thê muốn Chúa Giê-xu khiển trách em mình vì đã không phụ giúp công việc, nhưng Chúa Giê-xu lại khen ngợi Mari. Thật đáng tiếc, câu chuyện này thường bị giải thích sai hay giải thích không rõ ràng. Ma-thê trở thành hình tượng đại diện cho tất cả những gì được cho là sai trật, phân tâm, chia trí, bận rộn với cuộc sống. Giáo hội thời Trung cổ thì quan niệm rằng đời sống làm việc tích cực như Ma-thê không phải là việc cấm làm nhưng vẫn thấp kém hơn, không thể so sánh với đời sống hoàn hảo của việc chuyên tâm suy niệm về Chúa hay là sống biệt lập trong tu viện. Nhưng câu chuyện này phải được xem xét theo bối cảnh tổng thể của sách Tin Lành Lu-ca là sự hiện đến của nước Trời. Trong thế giới Cận Đông cổ, việc tiếp khách là một cách thức quan trọng thể hiện sự rộng rãi. Tại đây, Lu-ca đã sử dụng việc tiếp khách như một trong những dấu hiệu chính cho thấy vương quốc Đức Chúa Trời đang đến trong thế giới.[1]

Ma-ri và Ma-thê là hai chị em chứ không phải kẻ thù của nhau. Việc tranh cãi giữa hai chị em về bổn phận làm việc nhà không thể là yếu tố để khái quát hóa thành sự tranh chiến giữa hai lối sống xung khắc. Chúa Giê-xu không đánh giá thấp tinh thần phục vụ nhiệt thành của Ma-thê, nhưng sự lo lắng của Ma-thê cho thấy tinh thần phục vụ của cô cần được gắn kết tấm lòng yêu mến Chúa giống như Ma-ri. Hai chị em cùng là hiện thân cho lẽ thật rằng sự nhiệt thành phục vụ và tấm lòng yêu mến Chúa đan xen, kết hợp với nhau, không thể tách rời. Ma-thê thực hành sự rộng rãi mà Chúa Giê-xu đã đề cập trong Lu-ca 14:12-14, vì Chúa Giê-xu không thể “trả ơn” lại Ma-thê theo cách cô đã phục vụ Ngài. Bằng cách ngồi dưới chân và lắng nghe Chúa Giê-xu, Ma-ri minh chứng mọi sự phục vụ của chúng ta phải dựa trên mối liên hệ cá nhân sống động với Chúa. Bước theo Đấng Christ nghĩa là trở nên giống Ma-thê và Ma-ri: phục vụ và yêu mến Đức Chúa Trời.