SỰ HÀO PHÓNG: BÍ QUYẾT PHÁ BỎ SỰ KÌM KẸP CỦA CỦA CẢI (LU 10:38-42; 14:12-14; 24:13-15)
Các phân đoạn Kinh Thánh này cho biết phương cách của Đức Chúa Trời để phá bỏ sự kìm kẹp của của cải là lòng rộng rãi. Nếu bởi năng quyền của Chúa bạn có thể ban cho rộng rãi, thì của cải mất dần sự kìm kẹp trên đời sống bạn. Chúng ta đã thấy tấm lòng cực kỳ rộng rãi của bà góa nghèo khổ. Để một người giàu ban cho rộng rãi còn khó hơn nhiều, nhưng Chúa Giê-xu đã dạy cách để cả người giàu lẫn người nghèo đều có thể sống rộng rãi. Bí quyết để trở thành người ban cho rộng rãi đó là hãy giúp đỡ những người quá nghèo không có khả năng trả ơn cho bạn. Ngài cũng phán với người mời Ngài rằng:
“Khi ngươi đãi ăn trưa hoặc ăn tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con hay xóm giềng giàu có, e họ cũng mời lại mà trả ơn cho ngươi. Nhưng khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù thì ngươi sẽ được phước, vì họ không thể trả ơn cho ngươi; đến ngày người công chính sống lại, ngươi sẽ được đền ơn.” (Lu 14:12-14)
Rộng rãi để được trả ơn thì không phải là hào phóng mà là mua chuộc sự quý mến. Thật sự rộng rãi là sự ban cho mà người được nhận không có khả năng trả ơn, được xem như phần thưởng trong cõi đời đời. Dĩ nhiên, cách hiểu ban cho rộng rãi để được phần thưởng trong cõi đời đời vẫn có thể xem là một cách đền ơn “trì hoãn” chứ chưa phải là sự rộng rãi thật sự; bởi vì vẫn còn mong sẽ được (Chúa) đền đáp khi sống lại trong đời sau. Theo góc nhìn này thì mong ước có được phần thưởng trong cõi đời đời vẫn giống như một cách mua chuộc sự quý mến, chỉ là khôn khéo hơn, nhưng vẫn là một hình thức trao đổi. Trong lời dạy của Chúa Giêxu không thể hoàn toàn loại bỏ cách giải thích sự hào phóng, ban cho rộng rãi là sự trao đổi, tích trữ phước lành cho cõi đời đời. Nhưng đó không phải là cách giải thích duy nhất, còn có cách diễn giải thỏa đáng và sâu sắc hơn. Sự rộng rãi thật, là sự hào phóng không mong đợi được đáp trả trong đời này hay đời sau, phá vỡ sự kìm kẹp của của cải bằng sự đầu phục Đức Chúa Trời. Chỉ khi bạn cho đi của cải mà hoàn toàn không trông đợi sẽ được nhận lại ích lợi gì từ những của cải đó, trong đời này và đời sau, thì khi đó bạn phá hủy vĩnh viễn sự kìm kẹp của của cải trên bạn. Đây là một thực tại về phương diện tâm lý, vật chất và tâm linh của con người. Sự ban cho cách rộng rãi khiến bạn một lần nữa tôn Đức Chúa Trời là chủ của mình, và dẫn đến phần thưởng thật của sự sống lại: được sống đời đời với Đức Chúa Trời.
Ma-Ri và Ma-Thê (Lu 10:38-42)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsCâu chuyện Ma-ri và Ma-thê (Lu 10:38-42) cũng đặt sự rộng rãi trong bối cảnh lòng yêu mến Chúa. Ma-thê bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, trong khi Ma-ri ngồi và lắng nghe Chúa Giê-xu dạy dỗ. Ma-thê muốn Chúa Giê-xu khiển trách em mình vì đã không phụ giúp công việc, nhưng Chúa Giê-xu lại khen ngợi Mari. Thật đáng tiếc, câu chuyện này thường bị giải thích sai hay giải thích không rõ ràng. Ma-thê trở thành hình tượng đại diện cho tất cả những gì được cho là sai trật, phân tâm, chia trí, bận rộn với cuộc sống. Giáo hội thời Trung cổ thì quan niệm rằng đời sống làm việc tích cực như Ma-thê không phải là việc cấm làm nhưng vẫn thấp kém hơn, không thể so sánh với đời sống hoàn hảo của việc chuyên tâm suy niệm về Chúa hay là sống biệt lập trong tu viện. Nhưng câu chuyện này phải được xem xét theo bối cảnh tổng thể của sách Tin Lành Lu-ca là sự hiện đến của nước Trời. Trong thế giới Cận Đông cổ, việc tiếp khách là một cách thức quan trọng thể hiện sự rộng rãi. Tại đây, Lu-ca đã sử dụng việc tiếp khách như một trong những dấu hiệu chính cho thấy vương quốc Đức Chúa Trời đang đến trong thế giới.[1]
Ma-ri và Ma-thê là hai chị em chứ không phải kẻ thù của nhau. Việc tranh cãi giữa hai chị em về bổn phận làm việc nhà không thể là yếu tố để khái quát hóa thành sự tranh chiến giữa hai lối sống xung khắc. Chúa Giê-xu không đánh giá thấp tinh thần phục vụ nhiệt thành của Ma-thê, nhưng sự lo lắng của Ma-thê cho thấy tinh thần phục vụ của cô cần được gắn kết tấm lòng yêu mến Chúa giống như Ma-ri. Hai chị em cùng là hiện thân cho lẽ thật rằng sự nhiệt thành phục vụ và tấm lòng yêu mến Chúa đan xen, kết hợp với nhau, không thể tách rời. Ma-thê thực hành sự rộng rãi mà Chúa Giê-xu đã đề cập trong Lu-ca 14:12-14, vì Chúa Giê-xu không thể “trả ơn” lại Ma-thê theo cách cô đã phục vụ Ngài. Bằng cách ngồi dưới chân và lắng nghe Chúa Giê-xu, Ma-ri minh chứng mọi sự phục vụ của chúng ta phải dựa trên mối liên hệ cá nhân sống động với Chúa. Bước theo Đấng Christ nghĩa là trở nên giống Ma-thê và Ma-ri: phục vụ và yêu mến Đức Chúa Trời.