THẨM QUYỀN VÀ SỰ LÃNH ĐẠO TRONG SÁCH LU-CA
Chúa Giê-xu là vua, Ngài là người lãnh đạo của nước Trời. Sách Tin Lành Luca ghi lại Chúa Giê-xu sử dụng quyền lực của mình bằng nhiều cách. Nhưng Cơ Đốc Nhân thì ngược lại, không sẵn lòng đứng vào vị trí làm người lãnh đạo hay có thẩm quyền, vì xem hai điều có bản chất là xấu. Chúa Giê-xu không dạy điều đó. Cơ Đốc Nhân được kêu gọi để lãnh đạo, để sử dụng quyền lực. Nhưng khác với thế giới sa ngã này, Cơ Đốc Nhân phải sử dụng quyền lực vì mục đích của Đức Chúa Trời chứ không phải vì lợi ích bản thân.
KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ (LU 9:46-50, 14:7-11, 22:24-30)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsTrong ba phân đoạn, Lu-ca 9:46-50, 14:7-11 và 22:24-30, Chúa Giê-xu tuyên bố sự lãnh đạo đòi hỏi tinh thần khiêm nhường phục vụ người khác. Trong Lu-ca 9:46-50, khi các môn đồ của Chúa Giê-xu tranh cãi ai sẽ là người được tôn trọng nhất, Chúa Giê-xu trả lời đó là người vì Ngài mà tiếp đón một đứa trẻ. “Người nào nhỏ nhất trong các con chính là người cao trọng nhất.” Lưu ý khuôn mẫu không phải là đứa trẻ, mà là người tiếp đón một đứa trẻ. Người lãnh đạo vĩ đại phục vụ cho những đối tượng mà những người khác xem là không đáng để quan tâm. Phân đoạn thứ hai (Lu 14:7-11) là nhận xét của Chúa Giê-xu về vấn đề vị thế xã hội trong buổi tiệc. Cách hành xử này không chỉ không ích lợi mà còn phí thời gian, “bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên.” Khi áp dụng vào công tác lãnh đạo, điều này có nghĩa là nếu bạn tìm cách để được mọi người khen ngợi, giành mọi thành tích, kết quả về cho mình, thì người khác sẽ không muốn đi theo sự lãnh đạo của bạn nữa. Họ cũng sẽ không chú tâm vào công việc mà ngược lại tập trung bêu xấu để chứng tỏ bạn không tốt như cách bạn cố gắng thể hiện. Nhưng ngược lại, nếu bạn tôn trọng và thừa nhận những thành quả, công tác của người khác thì họ lại muốn đi theo bạn và chính điều đó xác nhận sự lãnh đạo của bạn trên những người khác.
Phân đoạn Lu-ca 22:24-30 trở lại với câu hỏi ai là người cao trọng nhất trong vòng các môn đồ. Lần này, Chúa Giê-xu đã lấy chính mình làm khuôn mẫu cho tinh thần lãnh đạo qua việc phục vụ. “Nhưng ta ở giữa các con như người phục vụ vậy.” Trong cả ba câu chuyện, khái niệm phục vụ và khiêm nhường được kết nối chặt chẽ. Lãnh đạo hiệu quả đòi hỏi sự phục vụ, hay chính xác hơn lãnh đạo hiệu quả là phục vụ. Sự phục vụ đòi hỏi bạn hành động với suy nghĩ người khác quan trọng hơn chính mình.
SỰ KIÊN TRÌ: ẨN DỤ VỀ BÀ GÓA KIÊN TRÌ (LU 18:1-8)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsLu-ca 18:1-8 kể lại câu chuyện ẩn dụ về bà góa nghèo, cô thế cứ tiếp tục nài nỉ vị quan có thẩm quyền nhưng bất công phải thực thi sự công bằng cho bà. Ẩn dụ này xác nhận lại sự giảng dạy của Giăng Báp-tít trước đó: khi bạn ở vị trí lãnh đạo và nắm quyền lực thì bạn buộc phải hành động một cách công bằng, đặc biệt vì lợi ích của người nghèo khổ và cô thế. Nhưng trong ẩn dụ này, Chúa Giê-xu tập trung vào một điểm khác, đó là chúng ta phải “cầu nguyện luôn, chớ hề nản lòng” (Lu 18:1). Ngài đồng nhất đám đông nghe Ngài giảng và chúng ta với bà góa, và Đấng chúng ta dâng lời cầu nguyện, tức là Đức Chúa Trời với vị quan án thối nát. Đây là sự ví sánh kỳ lạ. Hiển nhiên Chúa Giê-xu không có ý Đức Chúa Trời là Đấng bất công, trục lợi, do đó ý chính của ẩn dụ này là sự so sánh nếu thái độ kiên trì kêu nài với vị quan bất công và chỉ có quyền lực giới hạn mà còn đem lại kết quả như thế, thì sự kiên trì cầu xin với Đức Chúa Trời là Đấng có quyền năng vô hạn sẽ đem đến những kết quả tốt hơn rất nhiều.
Mục đích của ẩn dụ là để khích lệ Cơ Đốc Nhân bền đỗ trong sự tin cậy Chúa khi đối diện với mọi hoàn cảnh. Trong ẩn dụ này cũng có hai áp dụng cho người lãnh đạo. Trước tiên, việc thiết lập liên kết giữa vị quan bất công với Đức Chúa Trời công chính ám chỉ rằng ý muốn của Đức Chúa Trời vẫn được thực hiện ngay cả trong thế giới hư hoại. Công việc của quan án là thực thi công lý, và bởi vì Đức Chúa Trời, ông ta sẽ phải thực thi sự công bằng cho bà góa. Kinh Thánh dạy rằng người cầm quyền phục vụ dưới thẩm quyền của Đức Chúa Trời, dù họ có thừa nhận điều đó hay không (Giăng 19:11; Rô 13:1; 1 Phi 2:13). Vì thế, ngay trong một chế độ bất công thì chúng ta luôn có hy vọng rằng công lý vẫn có thể được thực thi. Một người lãnh đạo Cơ Đốc phải luôn luôn làm việc với tâm thế hướng đến niềm hy vọng đó. Chúng ta không thể sửa lại mọi sai trật trong thế giới này, nhưng chúng ta không bao giờ được từ bỏ hy vọng, và không bao giờ ngừng hành động vì điều tốt đẹp, vĩ đại hơn[1] giữa những hoàn cảnh không toàn hảo nơi chúng ta làm việc. Đơn cử, những nhà lập pháp ít khi có cơ hội để bỏ phiếu cho một dự luật tốt nhằm loại bỏ một dự luật không tốt. Nhưng họ điều tốt nhất mà họ có thể làm là bỏ phiếu cho những dự luật có nhiều điểm tốt hơn điểm không tốt. Họ phải tiếp tục tìm cơ hội để những dự thảo luật tương tự có thể được bỏ phiếu thành những bộ luật chính thức và được thực thi.
Điểm thứ hai là chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể mang sự công bằng đến cho thế giới hư hoại này. Đó là lý do chúng ta phải cầu nguyện và không được đầu hàng trong công tác của mình. Chúa có thể mang đến sự công bằng kỳ diệu cho thế giới bất công, giống như Ngài đã đến sự chữa lành kỳ diệu cho thế giới khốn khổ, bệnh tật. Bức tường Berlin đã bị phá bỏ, chế độ phân biệt chủng tộc đã sụp đổ, hòa hình được thiết lập. Trong câu chuyện ẩn dụ về bà góa kiên trì không đề cập đến sự can thiệp của Đức Chúa Trời, đơn giản vì sự kiên trì của bà góa đã khiến vị quan phải hành động cách công bằng. Nhưng Chúa Giê-xu cho biết Đức Chúa Trời là Đấng hành động cách không thấy được với lời phán: “Vậy, lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét xử công minh cho những người được chọn của Ngài, là kẻ ngày đêm kêu xin Ngài, mà lại trì hoãn cứu giúp họ sao?” (Lu 18:7).
RỦI RO TRONG VIỆC ĐẦU TƯ: ẨN DỤ VỀ MƯỜI NÉN BẠC (LU 19:11-27)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsẨn dụ về mười nén bạc được đặt trong bối cảnh làm việc của thế giới tài chính. Một vị thái tử đi xa để được phong chức làm vua. Ông là người giàu có và sẽ sớm trở thành người đầy quyền thế. Đa phần dân chúng đều ghét vị thái tử và đã sai người báo tin họ phản đối việc ông lên ngôi vua (Lu 19:14). Trong lúc đi vắng, vị thái tử chọn ba người đầy tớ giao cho họ tiền để đầu tư. Hai người đầy tớ đã mạo hiểm đầu tư tiền của chủ và thu được lợi nhuận lớn. Người đầy tớ thứ ba sợ mạo hiểm, vì vậy anh ta đem giấu tiền ở một nơi an toàn và không thu được lợi nhuận gì. Khi người chủ trở về, ông đã trở thành vị vua cai trị cả vùng đất. Vị vua ban thưởng và thăng chức cho hai người đầy tớ đã đầu tư và đem lại lợi nhuận cho ông.
Vua cũng trừng phạt người đầy tớ đã đem giấu tiền ở nơi an toàn và không làm lợi được đồng nào. Sau đó, vua ra lệnh giết tất cả những ai đã chống lại ông. Chúa Giê-xu kể ẩn dụ này ngay trước khi Ngài đi lên Giê-ru-sa-lem, là nơi Ngài được dân chúng chúc tụng và tôn làm vua: “Chúc tụng Vua nhân danh Chúa mà đến!” (Lu 19:38); nhưng không lâu sau đó họ chối bỏ Ngài. Trong câu chuyện ẩn dụ, hình ảnh vị thái tử giống như Chúa Giê-xu được tôn làm vua, còn những người chống đối vị thái tử đăng quang làm vua thì giống như đám đông đã kêu la “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!” (Lu 23:21). Qua cách ví sánh từ câu chuyện ẩn dụ, chúng ta nhận thấy dân chúng đã đánh giá vô cùng sai lầm về Đấng sẽ sớm trở thành vị vua của họ, ngoại trừ số ít người giống như hai người đầy tớ chăm chỉ làm việc khi chủ vắng mặt. Bối cảnh của ẩn dụ này cảnh tỉnh chúng ta về quyết định cá nhân với Chúa Giê-xu. Tôi có thật sự xưng nhận Chúa Giê-xu là vị vua được Đức Chúa Trời thiết lập? Tôi quyết định phục vụ hay chống đối Ngài? Và tôi có sẵn sàng chấp nhận hệ quả từ quyết định của mình?[1]
Ẩn dụ này cho thấy rõ công dân nước Trời có trách nhiệm làm việc vì mục tiêu và ý định của Đức Chúa Trời. Trong ẩn dụ này, vị thái tử nói cụ thể với các đầy tớ điều ông mong đợi nơi họ là dùng tiền ông giao để đầu tư sinh lợi. Sự kêu gọi hay mạng lệnh đặc biệt này cho thấy Đức Chúa Trời không kêu gọi người thuộc về Ngài chỉ để giảng dạy, chữa lành và truyền giảng và ngược lại không phải ai thuộc về nước Trời cũng được kêu gọi để đầu tư. Trong ẩn dụ này, chỉ có ba người đầy tớ được vị thái tử chọn để làm công việc đầu tư. Ẩn dụ này dạy chúng ta bài học quan trọng, dù chúng ta làm việc gì, khi chúng ta xưng nhận Chúa Giê-xu là vua thì chúng ta phải hướng đến mục đích của Ngài trong công việc của mình. Theo sự dạy dỗ từ ẩn dụ này nếu chúng ta tôn Chúa Giê-xu làm vua, thì chúng ta phải chấp nhận mạo hiểm trong cuộc sống. Người đầy tớ đầu tư tiền của chủ đối diện với nguy cơ bị những người xung quanh, là những người đã khước từ thẩm quyền của vị thái tử ngược đãi, tấn công. Họ cũng đối diện với nguy cơ đầu tư thất bại, số tiền chủ giao bị tiêu hao hay bị mất hoàn toàn. Ngay cả sự thành công cũng có thể đem đến những điều không tốt. Khi thành công và được cất nhắc, người đầy tớ có thể bị cám dỗ trở nên tham quyền cố vị. Trong lần đầu tư tiếp theo, họ đối diện với rủi ro lớn hơn khi được giao số tiền đầu tư lớn hơn; và nếu thất bại họ sẽ phải đối diện với hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ở Tây Phương, CEO của các doanh nghiệp hay huấn luyện viên trưởng của các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp thường xuyên bị sa thải khi kết quả kinh doanh, hay kết quả thi đấu chỉ đạt mức trung bình. Nhưng các nhân viên ở vị trí thấp hơn thường chỉ bị sa thải khi có kết quả làm việc rất kém. Trong ẩn dụ này thành công hay thất bại đều không an toàn; thế giới công việc ngày nay cũng vậy. Điều này thường cám dỗ chúng ta tìm cách che giấu hoặc thỏa hiệp, trì hoãn trong lúc chờ đợi hoàn cảnh thay đổi tốt hơn. Nhưng trong ẩn dụ này, Chúa Giê-xu lên án việc né tránh, che đậy. Người đầy tớ cố gắng né tránh rủi ro bị coi là người đầy tớ không trung thành. Chúng ta không biết chuyện gì xảy ra nếu hai người đầy tớ đã đầu tư tiền của chủ bị thất bại và không thu hồi được số tiền chủ đã giao, nhưng ngụ ý trong ẩn dụ này là tất cả những sự đầu tư vì động cơ trung tín phục vụ Chúa dù có đạt được kết quả hay không đều khiến Ngài hài lòng.[2]