Bootstrap

SỰ KIÊN TRÌ: ẨN DỤ VỀ BÀ GÓA KIÊN TRÌ (LU 18:1-8)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Lu-ca 18:1-8 kể lại câu chuyện ẩn dụ về bà góa nghèo, cô thế cứ tiếp tục nài nỉ vị quan có thẩm quyền nhưng bất công phải thực thi sự công bằng cho bà. Ẩn dụ này xác nhận lại sự giảng dạy của Giăng Báp-tít trước đó: khi bạn ở vị trí lãnh đạo và nắm quyền lực thì bạn buộc phải hành động một cách công bằng, đặc biệt vì lợi ích của người nghèo khổ và cô thế. Nhưng trong ẩn dụ này, Chúa Giê-xu tập trung vào một điểm khác, đó là chúng ta phải “cầu nguyện luôn, chớ hề nản lòng” (Lu 18:1). Ngài đồng nhất đám đông nghe Ngài giảng và chúng ta với bà góa, và Đấng chúng ta dâng lời cầu nguyện, tức là Đức Chúa Trời với vị quan án thối nát. Đây là sự ví sánh kỳ lạ. Hiển nhiên Chúa Giê-xu không có ý Đức Chúa Trời là Đấng bất công, trục lợi, do đó ý chính của ẩn dụ này là sự so sánh nếu thái độ kiên trì kêu nài với vị quan bất công và chỉ có quyền lực giới hạn mà còn đem lại kết quả như thế, thì sự kiên trì cầu xin với Đức Chúa Trời là Đấng có quyền năng vô hạn sẽ đem đến những kết quả tốt hơn rất nhiều.

Mục đích của ẩn dụ là để khích lệ Cơ Đốc Nhân bền đỗ trong sự tin cậy Chúa khi đối diện với mọi hoàn cảnh. Trong ẩn dụ này cũng có hai áp dụng cho người lãnh đạo. Trước tiên, việc thiết lập liên kết giữa vị quan bất công với Đức Chúa Trời công chính ám chỉ rằng ý muốn của Đức Chúa Trời vẫn được thực hiện ngay cả trong thế giới hư hoại. Công việc của quan án là thực thi công lý, và bởi vì Đức Chúa Trời, ông ta sẽ phải thực thi sự công bằng cho bà góa. Kinh Thánh dạy rằng người cầm quyền phục vụ dưới thẩm quyền của Đức Chúa Trời, dù họ có thừa nhận điều đó hay không (Giăng 19:11; Rô 13:1; 1 Phi 2:13). Vì thế, ngay trong một chế độ bất công thì chúng ta luôn có hy vọng rằng công lý vẫn có thể được thực thi. Một người lãnh đạo Cơ Đốc phải luôn luôn làm việc với tâm thế hướng đến niềm hy vọng đó. Chúng ta không thể sửa lại mọi sai trật trong thế giới này, nhưng chúng ta không bao giờ được từ bỏ hy vọng, và không bao giờ ngừng hành động vì điều tốt đẹp, vĩ đại hơn[1] giữa những hoàn cảnh không toàn hảo nơi chúng ta làm việc. Đơn cử, những nhà lập pháp ít khi có cơ hội để bỏ phiếu cho một dự luật tốt nhằm loại bỏ một dự luật không tốt. Nhưng họ điều tốt nhất mà họ có thể làm là bỏ phiếu cho những dự luật có nhiều điểm tốt hơn điểm không tốt. Họ phải tiếp tục tìm cơ hội để những dự thảo luật tương tự có thể được bỏ phiếu thành những bộ luật chính thức và được thực thi.

Điểm thứ hai là chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể mang sự công bằng đến cho thế giới hư hoại này. Đó là lý do chúng ta phải cầu nguyện và không được đầu hàng trong công tác của mình. Chúa có thể mang đến sự công bằng kỳ diệu cho thế giới bất công, giống như Ngài đã đến sự chữa lành kỳ diệu cho thế giới khốn khổ, bệnh tật. Bức tường Berlin đã bị phá bỏ, chế độ phân biệt chủng tộc đã sụp đổ, hòa hình được thiết lập. Trong câu chuyện ẩn dụ về bà góa kiên trì không đề cập đến sự can thiệp của Đức Chúa Trời, đơn giản vì sự kiên trì của bà góa đã khiến vị quan phải hành động cách công bằng. Nhưng Chúa Giê-xu cho biết Đức Chúa Trời là Đấng hành động cách không thấy được với lời phán: “Vậy, lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét xử công minh cho những người được chọn của Ngài, là kẻ ngày đêm kêu xin Ngài, mà lại trì hoãn cứu giúp họ sao?” (Lu 18:7).