KẾT LUẬN: KẾT NỐI NHỮNG SỰ DẠY DỖ TRONG SÁCH MÁC
Sách Tin Lành Mác không được trình bày như một quyển cẩm nang hướng dẫn về công việc của con người, thế nhưng công việc lại luôn hiển hiện trong từng trang sách. Chúng ta đã rút ra những sự dạy dỗ quan trọng qua mạch truyện với những bức tranh về đời sống và công việc, và đem chúng áp dụng cho những vấn đề trong công sở của thế kỷ 21. Trong sách Mác có rất nhiều công việc và bối cảnh làm việc khác nhau nhưng chủ đề xuyên suốt là tất cả chúng ta đều được kêu gọi để thực hiện công tác chăm sóc, phục hồi và quản trị tạo vật của Đức Chúa Trời, ngay cả khi chúng ta chờ đợi ý định của Đức Chúa Trời cho thế giới này được thành tựu cách trọn vẹn khi Đấng Christ trở lại.
Trong bức tranh toàn cảnh này, điều ngạc nhiên đó là rất nhiều phần ký thuật của Mác xoay quanh chủ đề xác định về chính mình: “Tôi là ai?”. Mác cho thấy bước vào vương quốc Đức Chúa Trời đòi hỏi sự biến đổi trong nhận thức về chính mình và trong những mối liên hệ với cộng đồng. Trong thế giới cổ xưa, địa vị và nhân thân gắn kết chặt chẽ với sự giàu có và công việc hơn là trong thế giới hiện đại. Thế nhưng cốt lõi vấn đề thì không hề thay đổi. Địa vị vẫn ảnh hưởng trên những lựa chọn, quyết định và mục tiêu của những người đi làm như chúng ta. Dù ở thời đại nào, vai trò, danh hiệu, tư cách và mối liên hệ vẫn là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta. Chúng ta đều rất dễ bị cám dỗ khẳng định vị trí trong xã hội bằng phương tiện vật chất, của cải hay tầm ảnh hưởng; và ngược lại tất cả những điều này đều tác động chi phối trên các quyết định trong công việc của chúng ta. Tất cả những yếu tố này hợp lại tạo nên nhận thức về nhân thân, mà qua đó chính chúng ta tự trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” Do đó lời thách thức sẵn sàng từ bỏ mọi địa vị nơi trần gian của Chúa Giê-xu là vô cùng quan trọng. Rất ít người trong chúng ta được kêu gọi trong cùng cách thức phải rời bỏ hoàn toàn công việc mình đang làm như mười hai môn đồ ngày xưa. Tuy nhiên, thách thức đặt những nhu cầu của vương quốc Đức Chúa Trời ưu tiên hơn, quan trọng hơn địa vị trần gian là dành cho tất cả mọi người. Từ bỏ chính mình là yếu tố cốt lõi trong việc đi theo Chúa Giê-xu. Thái độ đó bao gồm việc từ chối để địa vị của chúng ta trong thế giới sa ngã này xác định “Tôi là ai?”
Từ bỏ chính mình cách triệt để như trên là một việc bất khả thi nếu không có ân điển của Đức Chúa Trời. Ân điển của Chúa là phép lạ biến đổi đời sống và công việc của chúng ta, giúp chúng ta có thể sống và phục vụ vương quốc của Đức Chúa Trời trong khi vẫn sống, làm việc giữa thế giới này. Tuy nhiên ân điển của Đức Chúa Trời không biến đổi chúng ta cách tức thời. Câu chuyện về các môn đồ là câu chuyện của thất bại và được phục hồi, câu chuyện về sự thay đổi từng chút theo thời gian chứ không phải thay đổi ngay lập tức. Cũng như họ, công tác phục vụ của chúng ta trong vương quốc Đức Chúa Trời vẫn bị ảnh hưởng bởi tội lỗi và thất bại. Giống như các môn đồ ngày xưa, chúng ta nhận biết ăn năn là điều cần thiết trong suốt hành trình của mình. Có lẽ chúng ta cũng sẽ giống họ trong việc để lại một di sản đời đời cho thế giới này, đó là việc mở mang bờ cõi của vương quốc Đức Chúa Trời qua công việc của chúng ta. Sự sống của vương quốc đó được thêm phần phong phú khi chúng ta sống với vị thế là công dân trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Dẫu việc từ bỏ những thứ ngăn trở chúng ta đi theo Đấng Christ cách trọn vẹn là điều không hề dễ dàng, nhưng chúng ta sẽ thấy phục vụ Chúa qua công việc còn xứng đáng gấp bội phần (Mác 10:29-32) hơn việc phục vụ bản thân hay theo đuổi những sự dại dột của loài người.