KHỞI ĐẦU CỦA TIN LÀNH (MÁC 1:1-13)
Phần tường thuật về sự rao giảng của Giăng Báp-tít và việc Chúa Giê-xu chịu phép báp-têm rồi bị cám dỗ không có mối liên hệ trực tiếp đến công việc. Tuy nhiên, vì là phần mở đầu sách, phân đoạn này cung cấp cho chúng ta bối cảnh chính của tất cả những việc diễn ra sau đó. Vì vậy chúng ta không thể bỏ qua phần này mà chỉ tập trung vào những phân đoạn áp dụng thực tiễn. Điểm thú vị ở đây là tiêu đề của sách Mác (Mác 1:1) mô tả quyển sách này là “khởi đầu Tin lành của Đức Chúa Giê-xu Christ.” Thu hút sự chú ý của độc giả ngay từ phần mở đầu là điều đặc biệt đối với thể loại văn tường thuật, bởi vì sách Tin Lành này dường như thiếu phần kết. Theo những bản chép tay cổ nhất của sách Mác thì sách Tin Lành này đã kết thúc cách đột ngột ở Mác 16:8, “Vừa ra khỏi mộ, các bà đều chạy trốn vì quá kinh ngạc và run sợ. Họ chẳng dám nói gì với ai vì quá khiếp đảm.” Vì bản văn bị cắt ngang cách đột ngột, nên những người sao chép bản văn đã thêm vào phân đoạn Mác 16:9-20, được tổng hợp từ nhiều phần khác trong Tân Ước tạo nên bản
văn sách Mác như chúng ta có ngày nay. Tuy nhiên, dường như Mác không hề có ý định chấm dứt sách Tin Lành của mình. Sách Mác chỉ đơn thuần là sự “khởi đầu Tin lành của Đức Chúa Giê-xu Christ,” và những ai đọc sách Mác sẽ là người tham dự trong phần tiếp theo của sách Tin Lành này. Nếu đó thực sự là ý định của Mác thì đời sống chúng ta chính là phần tiếp theo của những sự kiện trong sách Mác, và chúng ta có đủ lý do để tin rằng quyển sách này chứa đựng những áp dụng cụ thể cho công việc của mình.[1]
Khi quan sát chi tiết, chúng ta nhận thấy Mác luôn mô tả những người đầu tiên theo Chúa Giê-xu là những người không hoàn hảo, ngay cả mười hai sứ đồ. Sách Mác cung cấp nhiều chi tiết hơn các sách Tin Lành khác trong việc mô tả các sứ đồ là những người thiếu nhận thức, thiếu hiểu biết và thường xuyên thất bại trong việc làm theo lời dạy của Chúa Giê-xu. Với những người dù muốn nhưng cảm thấy không thể áp dụng sự dạy dỗ của Đấng Christ trong công việc của mình thì sách Tin Lành Mác khích lệ hãy mạnh mẽ lên vì các sứ đồ cũng không khác gì chúng ta cả!
Mác 1:2-11 mô tả Giăng Báp-tít như vị sứ giả đã được đề cập trong Ma-la-chi 3:1 và Ê-sai 40:3; ông công bố sứ điệp “Chúa” sắp đến. Cách mô tả về Giăng Báp-tít kết hợp với việc xưng nhận Chúa Giê-xu chính là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời” (1:1) đã giới thiệu chủ đề chính của sách Mác là “vương quốc của Đức Chúa Trời,” mặc dù đến Mác 1:15 cụm từ này mới được đề cập và liên kết với “Tin Lành”. Trong sách Mác, “Vương quốc của Đức Chúa Trời” không phải là một khái niệm địa lý. Đó là triều đại của Đức Chúa Trời khi con người ở dưới sự cai trị của Ngài thông qua công tác biến đổi của Đức Thánh Linh. Công tác này được nhấn mạnh qua phần mô tả ngắn gọn Chúa Giê-xu chịu phép Báp-têm và bị cám dỗ (Mác 1:9-13). Chính phần mô tả này đã làm nổi bật hình ảnh Đức Thánh Linh được ban xuống trên Chúa Giê-xu và vai trò của Đức Thánh Linh trong việc đưa Chúa Giêxu vào sự cám dỗ và giúp Ngài đắc thắng.
Phân đoạn này phủ nhận cả hai quan điểm phổ biến nhưng đối lập nhau về vương quốc Đức Chúa Trời. Một quan điểm cho rằng vương quốc Đức Chúa Trời vẫn chưa hiện hữu, và sẽ không hiện hữu cho đến khi Đấng Christ trở lại để cai trị thế giới này. Theo quan điểm này, công sở giống như những lĩnh vực khác thuộc trần gian đều là lãnh địa của kẻ thù. Vì vậy trách nhiệm của người tin Chúa là không để mình bị tiêu diệt và tiếp tục truyền giảng; người tin Chúa làm việc là để đáp ứng những nhu cầu của bản thân và dâng hiến cho Hội Thánh. Quan điểm ngược lại thì cho rằng vương quốc Đức Chúa Trời là một phạm trù tâm linh, không liên quan đến thế giới xung quanh. Theo quan điểm này, ngoại trừ cầu nguyện và những công tác liên quan đến Hội Thánh thì tất cả những việc khác người tin Chúa làm kể cả làm việc ở công sở đều không có liên hệ gì với Chúa.
Trái ngược với hai quan điểm trên, Mác khẳng định Chúa Giê-xu đã đến để bắt đầu vương quốc của Đức Chúa Trời ngay trong hiện tại. Chúa Giê-xu đã phán rõ ràng: “Giờ đã trọn, vương quốc Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành” (Mác 1:15). Tất nhiên, trong hiện tại, vương quốc của Chúa vẫn chưa được trọn vẹn, vẫn chưa cai trị trên cả thế giới cho đến khi Đấng Christ trở lại. Nhưng Nước Trời đã đến và đã hiện diện trong thế giới này. Vì vậy, khi chúng ta quy phục sự cai trị của Đức Chúa Trời và công bố về vương quốc của Ngài sẽ đem lại những kết quả thực tế cho thế giới. Thực hiện việc này có thể khiến chúng ta bị xem thường, dẫn đến xung đột, và đôi lúc có thể phải trả giá. Giống như Ma-thi-ơ 4:12, Mác 1:14 nhấn mạnh đến việc Giăng Báp-tít bị bỏ tù và liên kết điều này với lời công bố của Chúa Giê-xu “vương quốc Đức Chúa Trời đã đến gần” (Mác 1:15). Vương quốc Đức Chúa Trời được đặt đối lập với những thế lực của trần gian này. Sách Mác trình bày cách hùng hồn, không lẩn tránh rằng tôn vinh Đức Chúa Trời và rao truyền Tin Lành không hẳn đem lại thành công cho chúng ta trong đời này. Nhưng bởi năng quyền của Đức Thánh Linh, người tin Chúa được kêu gọi để phục vụ Đức Chúa Trời vì lợi ích của những người xung quanh, cũng giống như việc Chúa Giê-xu thi hành phép lạ đem đến sự chữa lành cho nhiều người (Mác 1:23-34, 40-45).
Tầm quan trọng của việc Đức Thánh Linh đến trong thế giới này sẽ được làm rõ hơn trong phần tranh luận về Bê-ên-xê-bun (Mác 3:20-30). Đây là một phân đoạn khó giải nghĩa nhưng là phần quan trọng của thần học về vương quốc Đức Chúa Trời cũng chính là nền tảng cho thần học công việc. Phân đoạn này dường như có ý khi Chúa Giê-xu đuổi quỷ, Ngài đã giải phóng thế giới khỏi sự cai trị của Sa-tan. Ý tưởng này được mô tả với hình ảnh một người có sức mạnh đã bị trói. Giống như Chúa Giê-xu, người tin Chúa cũng cần nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh để biến đổi thế giới này, thay vì xa lánh cuộc đời hay đồng hóa với nó.