NHỊP LÀM VIỆC, NGHỈ NGƠI VÀ THỜ PHƯỢNG (MÁC 1-4, 6, 13)
NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA PHONG TRÀO (MÁC 1:21-45)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsPhân đoạn Mác 1:21-34 tường thuật những sự kiện diễn ra trong ngày Sa-bát, ngày dành riêng cho việc nghỉ ngơi và trong số đó có các sự kiện đã xảy ra trong nhà hội (Mác 1:21-28). Điểm nhấn quan trọng của phần này cho thấy đời sống của Chúa Giê-xu gắn kết chặt chẽ với chu kỳ làm việc, nghỉ ngơi và thờ phượng hằng tuần; sách Mác không hề phớt lờ hay phủ nhận điều này. Trong thời đại của chúng ta, chu kỳ này đã bị giảm thiểu rất nhiều; chúng ta cần tự nhắc nhở rằng chính Chúa Giê-xu đã giữ chu kỳ làm việc-nghỉ ngơi mỗi tuần. Ngoài ra, điều quan trọng không kém là Chúa Giê-xu cũng đã thi hành công tác rao giảng chân lý và chữa lành cũng trong ngày Sa-bát. Đó là lý do đã khiến Ngài gặp phải sự chống đối của người Pha-ri-si. Chúa Giê-xu cho thấy ngày Sa-bát không chỉ là ngày nghỉ ngơi khỏi mọi công việc, nhưng cũng là ngày của tình yêu và lòng thương xót.[1]
Ngoài chu kỳ hằng tuần, chúng ta còn có nhịp sống mỗi ngày. Sau ngày Sabát, Chúa Giê-xu đã thức dậy “khi trời vẫn còn tối” để cầu nguyện (Mác 1:35). Mỗi ngày, ưu tiên quan trọng nhất của Chúa Giê-xu là gắn kết với Đức Chúa Trời. Chi tiết Chúa Giê-xu cầu nguyện một mình rất quan trọng cho thấy cầu nguyện không phải là một màn trình diễn trước đám đông, nhưng là cuộc gặp gỡ cá nhân. Cầu nguyện mỗi ngày dường như là điều rất khó thực hiện đối với những người đi làm. Thiết lập giờ cầu nguyện đều đặn mỗi sáng là điều gần như không thể thực hiện được vì nhiều lý do: công việc gia đình, chổ làm xa nhà, giờ làm việc sớm, ước muốn bắt đầu làm việc sớm để nhanh chóng hoàn tất những trách nhiệm trong ngày hay đã thức khuya đêm trước để làm xong những việc còn dang dở hoặc để giải trí. Ngay cả khi chọn thời điểm khác trễ hơn trong ngày để cầu nguyện thì vẫn khó thực hiện. Không có chổ nào trong sách Mác nói đến hình phạt dành cho những người không cầu nguyện hoặc không thể cầu nguyện trước mỗi ngày cho những công tác đang chờ đợi họ. Nhưng sách Mác mô tả Chúa Giê-xu, người bận rộn, cầu nguyện mỗi ngày cho công tác và cho những người Đức Chúa Trời đặt để bên cạnh mình. Giữa những áp lực của trách nhiệm trong đời sống, giờ cầu nguyện mỗi ngày dường như là một điều xa xỉ mà chúng ta không thể có được. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đã không bắt đầu ngày làm việc mà thiếu sự cầu nguyện, giống như chúng ta không thể đi làm việc mà lại không mang giày.
Dành riêng thì giờ cố định để cầu nguyện là một việc tốt, nhưng đó không phải là cách duy nhất để cầu nguyện. Chúng ta vẫn có thể cầu nguyện đang khi làm việc. Một cách rất hữu ích đó là cầu nguyện ngắn vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Phần “Tĩnh Nguyện Hằng Ngày cho Cá Nhân và Gia Đình” (Devotions for Individuals and Families) trong quyển Sách Cầu Nguyện Chung
(Book of Common Prayer) (trang 136-143), cung cấp cho chúng ta những lời cầu nguyện ngắn vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối dựa trên nhịp sinh hoạt và làm việc hằng ngày của chúng ta. Thậm chí có cả những lời cầu nguyện ngắn hơn nữa, chỉ một hoặc hai câu, có thể dùng khi chúng ta thực hiện xong một việc, chuẩn bị chuyển sang làm việc khác. Chúng ta có thể cầu nguyện trong khi mắt vẫn mở, dâng lời cảm tạ cách âm thầm hay lớn tiếng trước khi ăn, hay mang
theo một vật, một câu Kinh Thánh trong túi nhằm nhắc nhở chúng ta cầu nguyện. Có những quyển sách hướng dẫn rất hữu ích giúp chúng ta thiết lập giờ cầu nguyện hằng ngày như Finding God in the Fast Lane của Joyce Huggett[2] và The Spirit of the Disciplines của Dallas Willard.[3]
CHÚA CỦA NGÀY SA-BÁT (MÁC 2:23-3:6)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsKhi phân tích Mác 1:21-34, chúng ta đã biết ngày Sa-bát nằm trong nhịp sinh hoạt hằng tuần của Chúa Giê-xu. Xung đột nảy sinh giữa Chúa Giê-xu và người Pha-ri-si không phải là việc có nên giữ ngày Sa-bát hay không mà là giữ ngày Sabát như thế nào. Với người Pha-ri-si, việc giữ ngày Sa-bát chủ yếu được định nghĩa bởi những điều luật cấm không được làm việc. Điều họ quan tâm là điều răn cấm làm việc trong ngày Sa-bát (Xuất 20:8-11; Phục 5:12-15) khi áp dụng cụ thể nghĩa là không được làm việc gì?[1] Với người Pha-ri-si, ngay cả những việc làm bình thường của các môn đồ như bứt bông lúa cũng bị xem là vi phạm điều răn này. Điều cần lưu ý họ xem hành động này là không đúng luật (Mác 2:24), mặc dù trong điều răn thứ tư của Torah hoàn toàn không có chi tiết này. Người Pha-ri-si cho rằng cách giải nghĩa luật pháp của mình là có thẩm quyền và mang tính bắt buộc, mà không hề xét đến khả năng mình có thể hiểu sai điều răn. Ngoài ra, người Phari-si cũng xem việc Chúa Giê-xu chữa bệnh trong ngày Sa-bát (Mác 3:1-6) là đáng lên án. Đây là sự kiện chính khiến người Pha-ri-si bàn mưu chống lại Chúa Giê-xu. Trái ngược lại với người Pha-ri-si, Chúa Giê-xu có quan niệm tích cực về ngày Sa-bát: là ngày được thảnh thơi không phải làm việc, là món quà Đức Chúa Trời ban cho vì lợi ích của con người. “Sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày Sa-bát” (Mác 2:27). Hơn thế nữa, ngày Sa-bát mở ra những cơ hội để chúng ta bày tỏ tình yêu và lòng thương xót. Quan điểm tích cực này về ngày Sa-bát được hậu thuẫn bởi các sách tiên tri. Ê-sai 58 đã liên kết ngày Sa-bát với lòng thương xót và công bằng xã hội trong công tác phục vụ Đức Chúa Trời, với đỉnh điểm là mô tả ơn phước Đức Chúa Trời dành cho những ai “xem ngày Sa-bát là ngày vui thích” (Ê-sai 58:13-14). Ê-sai 58 đặt lòng thương xót, sự công bình và ngày Sa-bát cùng nhau gợi ý ngày Sa-bát sẽ trở thành ngày thờ phượng trọn vẹn khi chúng ta bày tỏ lòng thương xót và công chính. Mục đích chính của ngày Sa-bát là để ghi nhớ sự công bình và lòng thương xót của Đức Chúa Trời trong việc giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi thân phận nô lệ tại Ai Cập (Phục 5:15).
Phần ký thuật đầu tiên về ngày Sa-bát (Mác 2:23-28) bắt đầu từ việc các môn đồ của Chúa Giê-xu bứt bông lúa.[2] Trong sách Ma-thi-ơ cho biết thêm chi tiết các môn đồ của Chúa Giê-xu đang đói bụng, còn sách Lu-ca thì có thêm hành động họ vò bông lúa trên tay trước khi ăn. Sách Mác chỉ đơn thuần ghi lại các môn đồ của Chúa Giê-xu ngắt bông lúa, cho thấy đây là hành động mang tính ngẫu nhiên. Có thể các môn đồ chỉ vô tình bứt bông lúa và ăn. Khi bị những người Pha-ri-si chất vấn, cách Chúa Giê-xu trả lời mới nghe có vẻ thật kỳ lạ, bởi vì Ngài nhắc lại câu chuyện nói về đền thờ, chứ không phải về ngày Sa-bát.
Các ngươi chưa từng đọc về chuyện Đa-vít đã làm khi người cùng những người đi theo lâm vào cảnh túng đói sao? Trong thời A-bia-tha làm thầy tế lễ thượng phẩm, Đa-vít đã vào nhà Đức Chúa Trời ăn bánh cung hiến và cho những người đi theo ăn nữa, dù bánh ấy chỉ có những thầy tế lễ mới được phép ăn. (Mác 2:25–26)
Các học giả đã tranh luận lời biện hộ của Chúa Giê-xu có thật sự phù hợp với những nguyên tắc phân tích và tranh luận của người Do Thái hay không và nếu có thì phù hợp như thế nào?[3] Tại đây điểm nhấn là việc xác định về khái niệm “sự thánh khiết.” Cả ngày Sa-bát và đền thờ (cùng những vật dụng bên trong) đều được Kinh Thánh xem là “thánh.”[4] Ngày Sa-bát là một thời điểm thiêng liêng; đền thờ là một nơi chốn linh thiêng. Tuy nhiên bài học về thánh khiết rút ra từ điều này vẫn có thể áp dụng cho điều kia.
Điều Chúa Giê-xu muốn nói sự thánh khiết của đền thờ không hề ngăn trở hành động thương xót và công chính. Chốn linh thiêng trên đất là nơi dành cho sự thánh khiết, nhưng không phải để tách biệt khỏi thế giới. Nhưng ngược lại đó là nơi bày tỏ sự hiện diện của Đức Chúa Trời, là nơi Ngài bảo tồn và phục hồi thế giới này. Do đó nơi được biệt riêng cho Chúa về cơ bản phải là chổ bày tỏ sự công chính và lòng thương xót. “Ngày Sa-bát [bao hàm cả đền thờ] được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày Sa-bát” (Mác 2:27). Phần tường thuật của Ma-thi-ơ về câu chuyện này có thêm chi tiết, “Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải sinh tế,” trích từ Ô-sê 6:6 (Ma-thi-ơ 12:7) càng làm rõ hơn ý trên. Quan điểm này cũng đã được nhắc lại trong câu chuyện thứ hai xảy ra trong ngày Sa-bát, khi Chúa Giê-xu chữa lành ngay trong nhà hội (Mác 3:1-6). Câu hỏi then chốt Chúa Giê-xu đặt ra là: “Trong ngày sa-bát được phép làm việc lành hay việc dữ, nên cứu người hay giết người?” Sự im lặng của những người Pha-ri-si trước câu hỏi này như một lời khẳng định rằng ngày Sa-bát được tôn trọng thông qua những việc lành, với việc cứu mạng người.
Thế thì điều này áp dụng như thế nào trong công việc của chúng ta? Nguyên tắc của ngày Sa-bát là chúng ta phải dành riêng một khoảng thời gian không làm việc và dùng khoảng thời gian đó để thờ phượng Chúa. Điều này không có nghĩa ngày Sa-bát là khoảng thời gian duy nhất chúng ta thờ phượng Chúa, hay công việc không thể là hành động thờ phượng. Nhưng nguyên tắc về ngày Sa-bát giúp chúng ta có thời gian để tập trung hướng đến Chúa theo một cách khác hơn những ngày làm việc khác trong tuần cũng như giúp chúng ta vui hưởng ơn phước của Ngài cách đặc biệt. Điều không kém quan trọng đó là nguyên tắc về ngày Sa-bát giúp chúng ta có điều kiện để bày tỏ lòng thờ phượng Chúa qua những việc làm bày tỏ tình yêu, lòng thương xót và sự quan tâm dành cho người xung quanh. Sự thờ phượng vào ngày Sa-bát sẽ giúp công việc chúng ta làm trong tuần thêm ý nghĩa. Bộ giải kinh Thần Học Công Việc nhìn nhận không có một quan điểm (thống nhất) của Cơ Đốc Giáo về ngày Sa-bát, nên trong tập giải kinh sách Lu-ca đã khai triển một góc nhìn khác về đề tài này với tiêu đề “Ngày Sa-bát và Công việc”.
NHỮNG ẨN DỤ VỀ CÔNG VIỆC (MÁC 4:26-29 VÀ 13:32-37)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsSách Mác ghi lại hai ẩn dụ đặc biệt không có trong các sách Tin Lành khác. Cả hai ẩn dụ này đều rất ngắn và liên quan đến công việc. Ẩn dụ thứ nhất so sánh vương quốc Đức Chúa Trời với một hạt giống đang lớn lên trong Mác 4:26-29. Ẩn dụ này có những nét tương đồng với một ẩn dụ khác quen thuộc hơn, ngay sau đó là ẩn dụ về hạt cải (c. 30-34), và có những chi tiết giống với ẩn dụ về người gieo giống trong Mác 4:1-8. Mặc dù ẩn dụ này đặt trong bối cảnh nghề nông, nhưng vai trò của người nông dân bị tối giản cách có chủ ý: “người ấy chẳng biết thể nào” hạt giống mọc lên (Mác 4:27). Điều được nhấn mạnh trong ẩn dụ này là Đức Chúa Trời mở rộng vương quốc của Ngài bởi năng quyền không sao giải thích được. Tuy nhiên, người nông dân vẫn phải “thức khuya dậy sớm” để chăm sóc cây (Mác 4:26) và cầm lưỡi hái để thu hoạch (Mác 4:28). Chúa sẽ ban phép lạ cho những ai làm tốt công việc được giao phó.
Ẩn dụ thứ hai chỉ có trong sách Tin Lành Mác được ghi lại trong 13:32-37. Ẩn dụ này minh họa thái độ cần có của các môn đồ khi chờ đợi Chúa Giê-xu tái lâm. Điểm thú vị của ẩn dụ này được trình bày trong lời phán của Chúa Giê-xu: “cũng như một người kia sắp lên đường đi xa, khi rời nhà, giao quyền cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và dặn người gác cửa phải tỉnh thức” (Mác 13:34) mô tả hình ảnh người chủ đi xa, và giao công việc cho mỗi đầy tớ của mình. Khác với cách suy nghĩ của nhiều người, vương quốc của Đức Chúa Trời không giống như một người chủ đi đến một nơi xa và hứa sẽ gọi (đem) các đầy tớ đến ở với người chủ tại nơi xa đó. Không, người chủ sẽ trở về, vì vậy người chủ giao cho những người đầy tớ trách nhiệm trông nom và đầu tư làm lợi cho cơ ngơi của mình trong lúc họ chờ đợi ngày ông chủ trở về.
CHÚA GIÊ-XU, NGƯỜI THỢ (MÁC 6:1-6)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsSự kiện xảy ra tại quê nhà của Chúa Giê-xu cho chúng ta một ít thông tin hiếm hoi về công việc Chúa Giê-xu đã làm trước khi Ngài đi rao giảng đây đó. Bối cảnh của sự kiện này là những bạn hữu và người quen của Chúa Giê-xu không tin rằng một cậu bé thân quen tại địa phương lại trở thành một người thầy và một tiên tri vĩ đại. Họ phàn nàn rằng: “Làm sao tay ông ta có thể làm được nhiều việc quyền năng như thế! Chẳng phải ông nầy là người thợ mộc, con trai Ma-ri, anh của Giacơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn đó sao? Các em gái ông chẳng phải đang ở đây với chúng ta sao?” (Mác 6:2-3). Đây là phân đoạn duy nhất trong Kinh Thánh trực tiếp nhắc đến công việc của Chúa Giê-xu. Trong Ma-thi-ơ 13:55, Chúa Giê-xu được gọi là “con trai bác thợ mộc”; còn Lu-ca và Giăng đều không nhắc gì đến công việc của Ngài. Trong tiếng Hy Lạp, từ này (tekton) có thể chỉ về một người thợ xây dựng hay thợ thủ công trong bất cứ ngành nghề nào,[1] nhưng thường trong xứ Pa-lét-tin nó chỉ có thể là thợ mộc hoặc thợ gốm. Từ này được dịch sang tiếng Anh là “thợ mộc” có thể vì lúc dịch bản Kinh Thánh đầu tiên sang tiếng Anh, gỗ là nguyên liệu xây dựng phổ biến ở Luân Đôn.
Cho dù như thế nào, Chúa Giê-xu kể rất nhiều ẩn dụ có bối cảnh công trường, công việc xây dựng. Những ẩn dụ này có phản ánh kinh nghiệm của chính Chúa Giê-xu không? Có phải Ngài đã từng xây hàng rào, đào hầm ép rượu hay xây một tòa tháp trong vườn nho và chứng kiến những xung đột giữa chủ đất và những người làm thuê (Mác 12:1-12)? Có phải người ta đã từng mướn Chúa Giê-xu xây một tòa tháp nhưng chỉ mới xây được một nửa thì đã hết tiền trả công và không trả phần còn lại (Lu 14:28-30)? Có phải Ngài nhớ cha mình (Giô-sép) từng dạy cách đào sâu đến đá để xây nền cho căn nhà có thể đứng vững trước mưa bão (Ma-thi-ơ 7:24-27)? Có phải Ngài từng thuê thợ phụ và đối diện với những lời than trách về chuyện tiền công (Ma-thi-ơ 20:1-16)? Có phải Ngài từng làm công cho một tay quản gia muốn Ngài nhúng tay vào kế hoạch lừa gạt ông chủ của hắn (Lu 16:1-16)?
Tóm lại, khi Chúa Giê-xu rao giảng bằng cách kể các ẩn dụ có bao nhiêu phầnđược tích lũy từ chính kinh nghiệm làm việc của Ngài là một người thợ trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở thế kỷ thứ nhất? Chúng ta không có câu trả lời chính xác, nhưng gắn kết những kinh nghiệm của Chúa Giê-xu trong vai trò người thợ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn những ẩn dụ của Ngài.