Bootstrap

THẬP TỰ GIÁ VÀ SỰ PHỤC SINH (MÁC 14:32-16:8)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Chủ đề địa vị và ân điển lại một lần nữa được nhấn mạnh khi Chúa Giê-xu bị xét xử và đóng đinh trên thập tự giá. “Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45). Sự phục vụ của Chúa Giê-xu thậm chí đòi hỏi Ngài phải gạt bỏ tất cả mọi địa vị Ngài có:

Con Người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo. Họ sẽ kết án tử hình Người, rồi giao cho dân ngoại; người ta sẽ chế nhạo Người, khạc nhổ trên Người, đánh đòn và giết chết Người; nhưng sau ba ngày, Người sẽ sống lại. (Mác 10:33–34)

Dân chúng đã đúng khi tung tô Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a và là một vị Vua (Mác 11:8-11). Nhưng Ngài đã từ bỏ địa vị đó mà cam chịu những lời vu oan của tòa án người Do Thái (Mác 14:53-65), cuộc xử án vô lý của chính quyền Rô-ma (Mác 15:1-15), và chịu chết dưới tay những người mà Ngài đến để cứu vớt (Mác 15:21-41). Các môn đồ của Chúa Giê-xu thì phản bội (Mác 14:43-49), chối bỏ (Mác 14:66-72), và bỏ mặc Ngài (Mác 14:50-51), trừ ra một số người phụ nữ đã ủng hộ Chúa Giê-xu trong suốt thời gian Ngài thi hành chức vụ trên đất. Chúa Giê-xu đã nhận lấy địa vị thấp hèn nhất, bị Đức Chúa Trời và cả con người ruồng bỏ để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Kết cuộc đắng cay nhất, Ngài cảm thấy bị chính Đức Chúa Trời bỏ mặc (Mác 15:34). Trong số các sách Tin Lành, chỉ có sách Mác tường thuật lại việc Ngài kêu lên những lời trong Thi Thiên 22:1, “Đức Chúa Trời của Con, Đức Chúa Trời của Con, sao Ngài lìa bỏ Con?” (Mác 15:34).

Công tác cuối cùng của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là chịu đựng sự ruồng rẫy của thế gian. Có lẽ bị hiểu lầm, bị miệt thị và bị bỏ rơi đối với Ngài cũng nặng nề chẳng khác gì phải chịu chết. Chúa Giê-xu ý thức rằng chỉ trong một ít ngày nữa Ngài sẽ vượt qua sự chết, thế nhưng việc Chúa Giê-xu bị hiểu lầm, khinh miệt và chối bỏ vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Rất nhiều người ngày nay cảm thấy bị bạn bè, gia đình, xã hội và thậm chí là chính Chúa bỏ rơi. Cảm giác bị bỏ rơi trong công việc thật sự rất kinh khủng.

Chúng ta có thể bị những đồng nghiệp xa lánh, bị vắt kiệt bởi công việc và hiểm nguy, lo lắng về doanh số, hiệu quả của công việc, sợ hãi vì nguy cơ bị mất việc, thiếu thốn với đồng lương và tiền trợ cấp ít ỏi. Những lời của Sharon Atkins, nhân viên lễ tân trong tác phẩm Working của Studs Terkel, có thể là tiếng nói chung của nhiều người ngày nay. “Sáng nào tôi cũng khóc. Tôi chẳng muốn thức dậy nữa. Tôi sợ cả ngày thứ sáu vì bị ám ảnh rồi ngày thứ hai lại đến. Lại thêm năm ngày nữa đang chờ đợi ở phía trước. Dường như vòng luẩn quẩn này chẳng bao giờ có hồi
kết. Tại sao tôi lại làm việc này?”[1]

Nhưng ân điển của Đức Chúa Trời chiến thắng ngay cả những “đòn chí mạng” mà công việc hay cuộc sống đem đến. Ân điển của Đức Chúa Trời chạm đến con người ngay trong giờ khắc Chúa Giê-xu thuận phục, khi viên đội trưởng thừa nhận rằng: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời!” (Mác 15:39). Ân điển chiến thắng cả sự chết khi Chúa Giê-xu sống lại. Những người phụ nữ được Đức Chúa Trời cho biết “Ngài sống lại rồi” (Mác 16:6). Trong phần trình bày về Mác 1:1-13, chúng ta có nói đến kết thúc đột ngột của sách Mác. Đây không phải là một câu chuyện đẹp dành cho những hoạt cảnh tôn giáo, mà là sự can thiệp quặn thắt tâm can của Đức Chúa Trời vào tận hang cùng ngõ hẻm trong công việc và cuộc sống của chúng ta. Ngôi mộ trống của người tử tù là bằng chứng mạnh mẽ hơn hết của việc “có nhiều người đầu sẽ trở nên cuối, và người cuối sẽ trở nên đầu” (Mác 10:31). Tuy nhiên, ân điển lạ lùng này là cách duy nhất để công việc chúng ta có thể kết quả “gấp trăm lần hơn ngay trong đời này” và đời sống của chúng ta sẽ dẫn đến “sự sống đời đời trong đời sau” (Mác 10:30). Vì vậy, không gì ngạc nhiên khi “các bà đều chạy trốn vì quá kinh ngạc và run sợ. Họ chẳng dám nói gì với ai vì quá khiếp đảm” (Mác 16:8).