CÁC PHƯỚC LÀNH (MA-THI-Ơ 5:1-12)
Bài Giảng Trên Núi mở đầu với tám câu bắt đầu bằng từ “phước cho”[1] mô tả các phước lành. Chính từ này xác nhận hiện trạng hay tình cảnh đã được phước. Mỗi phước lành công bố một nhóm người thường bị xem là những người khốn khổ, trên thực tế lại là những người được phước. Họ không cần làm điều gì để được nhận lãnh ơn phước. Chúa Giê-xu chỉ đơn thuần công bố rằng họ là những người có phước. Vì vậy, các phước lành là sự công bố đầu tiên về ân sủng của Đức Chúa Trời. Đây không phải là những điều kiện phải có để được cứu hay một chỉ dẫn cho chúng ta cách bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời.
Những người được kể là có phước được trải nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời bởi vì nước thiên đàng đã đến gần. Ví dụ phước lành thứ hai, “Phước cho những người than khóc” (Mat 5:4). Thông thường, không ai cho rằng than khóc là có phước. Than khóc là sầu khổ. Tuy nhiên, với việc nước thiên đàng đã gần đến, sự than khóc lại trở nên một ơn phước bởi vì người than khóc “sẽ được an ủi.” Hàm ý ở đây là chính Đức Chúa Trời sẽ an ủi người than khóc. Vì sầu khổ nên than khóc nhưng giờ đây than khóc trở nên một ơn phước vì dẫn vào mối liên hệ sâu đậm với Đức Chúa Trời.
Mặc dù mục đích chính của phân đoạn các phước lành là công bố những ơn phước sẽ được vương quốc Đức Chúa Trời đem đến; phần lớn các học giả cho rằng chúng cũng mô tả những đặc điểm của vương quốc ấy.[2] Khi bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời, chúng ta trông mong được trở nên giống như những người được kể là có phước. Chúng ta mong muốn chính mình trở nên nhu mì hơn, thêm lòng thương xót, khát khao sự công chính, đem lại nhiều sự hòa giải, v.v... Đặc điểm này khiến phân đoạn các phước lành còn có giá trị là các mệnh lệnh đạo đức. Về sau, khi Chúa Giê-xu phán, “hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (Mat 28:19), phân đoạn các phước lành mô tả những đặc điểm cần có của người trở thành môn đồ Chúa Giê-xu.
Các phước lành mô tả đặc điểm của vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng đó không phải là những điều kiện cần có để được cứu. Chúa Giê-xu không hề nói rằng, “chỉ những người có lòng trong sạch mới được vào nước thiên đàng.” Đây thật sự là tin mừng vì các phước lành là những điều con người khó có thể làm được. Chúa Giê-xu đã dạy, “…hễ ai nhìn phụ nữ mà ham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm với người ấy rồi” (Mat 5:28) thì còn ai dám khẳng định mình “có lòng trong sạch” (Mat 5:8)? Nếu không bởi ân điển của Đức Chúa Trời, không ai trong chúng ta được kể là có phước. Mục đích của các phước lành không phải để lên án những người chưa đạt đến tiêu chuẩn nhưng là trình bày ơn phước cho những ai đồng ý bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời đã “đến gần.”
Một khía cạnh khác về ân điển trong các phước lành là chúng không phải chỉ dành cho những cá nhân nhưng được ban cho cả cộng đồng dân sự của Đức Chúa Trời. Khi bước đi theo Chúa Giê-xu, chúng ta trở nên những người được phước thuộc về cộng đồng vương quốc của Đức Chúa Trời, cho dù bản tính của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn trở nên giống Chúa. Xét trên phương diện cá nhân, có thể chúng ta thất bại không thực hiện được một hay tất cả những đặc điểm mà phân
đoạn các phước lành đã mô tả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được phước nhờ vào đặc tính của cộng đồng mà chúng ta là thành viên. Địa vị (và ơn phước) là công dân vthuộc vương quốc của Đức Chúa Trời đã có giá trị ngay bây giờ. Cộng đồng thuộc vương quốc Đức Chúa Trời sẽ trọn vẹn khi Chúa Giê-xu trở lại, “Con Người lấy đại quyền, đại vinh ngự trên mây trời mà đến” (Mat 24:30).
Với những điểm tổng quan đã trình bày chúng ta sẵn sàng để khám phá đặc tính cụ thể của từng phước lành. Chúng ta sẽ tìm hiểu cách áp dụng những điều này vào việc làm của chúng ta. Dù không thể phân tích chi tiết từng phước lành, nhưng chúng tôi hy vọng có thể trình bày nền tảng căn bản để nhận lãnh các ơn phước cũng như cách sống bày tỏ những ơn phước ấy trong công việc hằng ngày.[3]
“Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ” (Ma-thi-ơ 5:3)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsNgười “nghèo khó tâm linh” là người thừa nhận sự hư hoại tâm linh và đặt mình lệ thuộc nơi ân điển của Đức Chúa Trời [1] giống như người thâu thuế trong đền thờ đấm ngực và cầu nguyện, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân” (Lu 18:9-14). Đây là lời xưng nhận từ tận đáy lòng mình là một tội nhân và không có điều gì tốt có thể khiến Đức Chúa Trời hài lòng. Đây là sự đối lập với sự kiêu ngạo. Cốt lõi của điều này là chúng ta thừa nhận con người cần
đến Đức Chúa Trời cách khẩn thiết. Chúa Giê-xu công bố người được phước là người nhận biết nhu cầu của chính mình cần được đáp ứng bởi ân điển của Đức Chúa Trời.
Mở đầu Bài Giảng Trên Núi chúng ta được biết chính mình không có đủ năng lực thuộc linh để áp dụng những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong đời sống. Chúng ta không thể làm trọn sự kêu gọi của Đức Chúa Trời bằng năng lực bản thân. Ai nhận thức sự hư hoại thuộc linh của mình là người có phước, vì chính nhận thức đó sẽ đem họ quay lại với Đức Chúa Trời. Nếu không có Chúa, không
ai có thể hoàn thành mục đích mà Chúa đã dựng nên họ và giao phó để thực hiện. Phần còn lại của Bài Giảng Trên Núi nhằm giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng về bản thân có đủ năng lực để đạt đến tiêu chuẩn được phước. Điều này giúp thành hình trong chúng ta ý thức về tình trạng nghèo khó tâm linh của mình.
Thế thì, đâu là kết quả thực tiễn của phước lành này? Trong công việc, nếu chúng ta là người nghèo khó tâm linh thì chúng ta sẽ đánh giá về bản thân cách chân thật. Chúng ta biết rất khó làm việc với những người luôn cố gắng duy trì một hình ảnh giả tạo về bản thân vì những người đó không chịu tiếp thu, không chịu phát triển và không chịu tiếp nhận những lời góp ý. Do đó chúng ta cần hết sức trung thực với bản thân của mình. Chúng ta sẽ không thổi phồng bản sơ yếu lý lịch hay khoe khoang về vị trí của mình. Chúng ta cần nhớ ngay cả Chúa Giê-xu, khi Ngài khởi sự làm thợ mộc, chắc hẳn Ngài cũng cần đến sự hướng dẫn và chỉ dạy. Đồng thời, chúng ta cũng xác nhận chỉ khi có Đức Chúa Trời hành động bên trong, thì chúng ta mới có thể áp dụng những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu vào công việc của mình. Chúng ta cần tìm kiếm sự hiện diện và sức lực của Chúa mỗi ngày để sống đúng với địa vị là những Cơ Đốc Nhân tại nơi làm việc của mình.
Trong thế giới sa ngã này, sự nghèo khó tâm linh dường như là lực trì kéo khiến chúng ta khó đạt đến thành công hay sự thăng tiến. Nhưng đó thường là ảo giác đánh lừa chúng ta. Trên chặng đường dài, mẫu người nào sẽ là thành công? Phải chăng đó là mẫu người lãnh đạo tuyên bố, “Đừng sợ, tôi có thể xử lý mọi việc, cứ làm theo những gì tôi nói,” hay một người lãnh đạo nói rằng, “chúng ta có thể làm được điều này cùng với nhau, nhưng mỗi người cần cố gắng hết sức mình.” Đã từng có giai đoạn mà những người lãnh đạo kiêu ngạo, khoe khoang được kể là tốt hơn những lãnh đạo khiêm nhường, biết chia sẻ thẩm quyền. Nhưng hiện nay quan niệm đó không còn, ít nhất là với những tập đoàn hàng đầu thế giới. Theo nghiên cứu nổi tiếng của Jim Collin, người lãnh đạo khiêm nhường là đặc điểm trước tiên của rất nhiều những công ty đạt được thành công và duy trì trong suốt một thời gian dài.[2] Tất nhiên, vẫn có rất nhiều nơi làm việc còn vướng phải tình trạng khoe khoang và tự thổi phồng bản thân. Trong một số trường hợp, thì lời khuyên tốt nhất cho chúng ta là: nếu có thể, hãy tìm việc làm ở một nơi khác. Tuy nhiên trong các trường hợp khác, khi tìm kiếm một nơi làm việc khác là không khả thi, hay không phải là điều nên làm, bởi vì việc sống đúng với địa vị là Cơ Đốc Nhân trong một môi trường như vậy có thể sẽ đem lại những thay đổi tích cực. Trong những trường hợp đó, người nghèo khó tâm linh sẽ trở nên nguồn phước cho những người xung quanh mình.
“Phước cho những người than khóc, vì sẽ được an ủi” (Ma-thi-ơ 5:4)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsPhước lành thứ hai dựa trên nhận thức của chúng ta về sự nghèo nàn tâm linh của mình và bày tỏ đáp ứng với cảm xúc đau buồn. Khi chúng ta phải đối diện với những tội lỗi trong cuộc sống của mình, chúng ta đau buồn. Khi chúng ta đối diện với những tội lỗi trong thế giới này, kể cả tại làm việc của mình, chúng ta cũng đau buồn. Tội lỗi hay điều ác có thể đến từ chính chúng ta, từ những người khác hay vì những nguyên nhân nào đó không xác định. Nhưng dù là trường hợp nào, khi chúng ta thật lòng than khóc về những ngôn từ độc ác, những việc làm xấu xa, những chính sách sai trái, Đức Chúa Trời sẽ thấy lòng đau buồn của chúng ta và Ngài sẽ an ủi chúng ta rằng không phải lúc nào cũng như vậy.
Những người than khóc cho thất bại bản thân có thể nhận sự an ủi bằng việc thừa nhận những lỗi lầm của mình; nhờ đó họ được phước. Nếu chúng ta có lỗi với đồng nghiệp, sinh viên, khách hàng, nhân viên hay ai khác, thì chúng ta cần phải nhận lỗi của mình và xin được tha thứ. Điều này đòi hỏi sự can đảm! Chúng ta chỉ có đủ can đảm để làm điều này khi chúng ta đã được nhận lãnh ơn phước qua trải nghiệm đau buồn về những việc làm sai trái của mình.
Khi thừa nhận việc làm sai trái của mình với người khác và xin lỗi họ, chúng ta sẽ ngạc nhiên về sự sẵn lòng tha thứ của họ dành cho chúng ta. Nếu trong một số trường hợp, những người chúng ta đến xin lỗi lợi dụng việc này, thì chúng ta vẫn có chỗ dựa vững chắc nơi phước lành thứ nhất dành cho những ai không lên mình kiêu ngạo.
Một số doanh nghiệp nhận thấy việc bày tỏ lòng đau buồn là cách làm việc hiệu quả. Toro là công ty sản xuất đầu máy kéo và thiết bị cắt cỏ, đã áp dụng chính sách bày tỏ sự quan tâm đối với những người gặp tai nạn khi sử dụng những sản phẩm của công ty. Ngay khi công ty biết có tai nạn xảy ra, họ sẽ liên hệ trực tiếp với người bị nạn để bày tỏ lòng đau buồn và đề nghị được giúp đỡ người bị nạn. Đồng thời Toro cũng xin được góp ý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Điều ngạc nhiên là nhờ áp dụng chính sách này, số lượng khách hàng đâm đơn kiện công ty đã giảm hẳn trong suốt nhiều năm.[1] Bệnh viện Virginia Mason cũng gặt hái được những kết quả tương tự khi thừa nhận trách nhiệm của bệnh viện đã sai sót khi chữa trị khiến bệnh nhân thiệt mạng.[2]
“Phước cho những người nhu mì, vì sẽ thừa hưởng đất” (Ma-thi-ơ 5:5)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsRất nhiều người đi làm ngày nay không hiểu ý nghĩa của phước lành này. Một phần vì họ không hiểu nhu mì là như thế nào. Một số cho rằng từ này có nghĩa là yếu đuối, hiền lành, hay thiếu can đảm. Tuy nhiên, Kinh Thánh định nghĩa sự nhu mì là khả năng kiểm soát quyền lực. Trong Cựu Ước, Môi-se được gọi là người nhu mì hơn hết mọi người trên thế gian (Dân 12:3). Chúa Giê-xu mô tả chính Ngài như là một người “nhu mì và khiêm nhường” (Mat 11:28-29), nhưng điều đó vẫn nhất quán với việc Ngài quyết liệt dọn sạch đền thờ (Mat 21:12-13).
Việc kiểm soát quyền lực bao gồm hai điều: thứ nhất, không tôn cao bản thân; và thứ hai, không làm bất cứ việc gì vì lợi ích của cá nhân. Phao-lô đã mô tả đặc điểm thứ nhất này rất rõ trong Rô-ma 12:3. “Vì nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em, đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người.” Người nhu mì luôn ý thức mình là đầy tớ của Đức Chúa Trời và không tôn cao bản thân hơn những gì mình có. Nhu mì có nghĩa là chấp nhận những điểm tốt và những giới hạn thay vì luôn cố gắng tìm mọi cách tô vẽ bản thân. Tuy nhiên, người nhu mì không phải là người phủ nhận những điểm mạnh và khả năng của mình. Khi người ta hỏi Chúa Giê-xu rằng Ngài có phải là Đấng Mê-si-a hay không, Chúa Giê-xu đã trả lời rằng, “Người mù được sáng, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết được sống lại, và người nghèo được nghe Tin Lành. Phước cho người nào không vấp phạm vì cớ Ta” (Mat 11:4-6). Chúa Giê-xu không hề tôn cao hay tự ti về bản thân, nhưng bày tỏ tấm lòng “đúng mực” của một người đầy tớ mà Phao-lô nói trong Rô-ma 12:3.
Khía cạnh thứ hai của sự nhu mì có điểm mấu chốt là tấm lòng của người phục vụ: không làm bất cứ việc gì vì lợi ích cá nhân, không sử dụng quyền lực mình có vì lợi ích của bản thân, nhưng phải vì lợi ích của mọi người. Khía cạnh thứ hai này đã được mô tả rõ trong Thi Thiên 37:1-11a. Phân đoạn này bắt đầu bằng câu “chớ phiền lòng vì kẻ làm dữ,” và kết thúc bằng câu “còn người nhu mì sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp.” Điều này có nghĩa chúng ta cần kiềm chế bản thân không trả thù người khác vì những điều xấu họ đã làm cho chúng ta, nhưng hãy dùng bất cứ quyền lực nào chúng ta có để phục vụ những người khác. Đây là hệ quả từ phước lành thứ hai, khi chúng ta đau buồn về sự yếu đuối của chính mình. Nếu chúng ta thật sự đau buồn về tội lỗi chính mình, thì làm sao chúng ta có thể trả thù những người khác vì tội lỗi của họ?
Việc giao phó quyền lực của chúng ta ở nơi làm việc dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời thật sự là một điều vô cùng thách thức. Trong thế giới sa ngã này, dường như những người trơ trẽn, biết đề cao bản thân lại luôn là những kẻ thành công. “Bạn có là nhờ bạn mặc cả chứ không hẳn vì bạn xứng đáng.”[1] Trong nơi làm việc, kẻ kiêu ngạo và quyền thế luôn chiến thắng, nhưng đến cuối cùng họ sẽ là người thua cuộc. Họ không có những mối thân tình cá nhân. Không ai muốn có một
người bạn kiêu ngạo, luôn chỉ tìm điều lợi cho chính mình. Những người thèm khát quyền lực luôn là những người đơn độc. Họ cũng không có được sự đảm bảo về tài chính. Họ nghĩ mình sở hữu cả thế giới, nhưng thật ra, thế giới đang sở hữu họ. Càng có nhiều tiền bao nhiêu, họ lại càng cảm thấy bất an bấy nhiêu.
Ngược lại Chúa Giê-xu đã dạy “người nhu mì sẽ thừa hưởng đất”. Chúng ta đã đề cập trong phần trước, nước thiên đàng đã vào thế giới này. Chúng ta thường cho rằng nước thiên đàng là một nơi hoàn toàn khác lạ so với những gì chúng ta từng biết. Ví dụ những con đường lót vàng, những cánh cổng ngọc trai, ngôi nhà lớn trên đỉnh đồi. Nhưng lời hứa của Đức Chúa Trời về thiên đàng là trời mới và đất mới (Khải 21:1). Những ai bằng lòng phó thác quyền lực của mình dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời sẽ thừa hưởng một vương quốc trọn vẹn đến trên đất này. Trong vương quốc đó, bởi ân điển của Chúa chúng ta sẽ được nhận lãnh những điều tốt lành mà kẻ kiêu ngạo trên đất này đang nhọc công tìm kiếm nhưng chẳng đạt được. Điều này không chỉ xảy đến trong tương lai nhưng ngay trong đời này, những ai biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình vẫn có thể kinh nghiệm một đời sống bình an. Những người biết sử dụng quyền lực của mình vì lợi ích của
người khác luôn được khen ngợi. Người nhu mì biết lắng nghe những người khác khi đưa ra quyết định nhờ đó họ có những kết quả tốt hơn cùng những mối liên hệ sâu sắc hơn.
“Phước cho những người đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ” (Ma-thi-ơ 5:6)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsĐể hiểu phước lành thứ tư chúng ta cần hiểu ý nghĩa của sự công chính mà Chúa Giê-xu đề cập. Trong thời của Chúa Giê-xu, Do Thái Giáo dạy sự công chính có nghĩa là “được tha bổng, minh oan, hay phục hồi mối liên hệ đúng đắn.”[1] Người công chính là người giữ mối liên hệ đúng với Đức Chúa Trời và với những người xung quanh. Trên căn bản của những mối liên hệ này, dù một người có vi phạm vẫn được kể là vô tội.
Có bao giờ các bạn nhận phước lành vì cuộc sống ngập tràn trong những mối liên hệ đúng đắn hay chưa? Điều này phát xuất từ lòng nhu mì trong phước lành thứ ba bởi vì chúng ta chỉ có thể thiết lập những mối liên hệ đúng đắn với người khác khi chúng ta từ bỏ tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Các bạn có khao khát thiết lập những mối liên hệ đúng với Chúa, với những đồng nghiệp, với gia đình và cộng đồng xung quanh? Đói khát là dấu hiệu của sự sống. Chúng ta sẽ thật sự đói khát những mối liên hệ đúng đắn nếu chúng ta thật lòng mong muốn điều ích lợi cho người khác. Nếu chúng ta nhận thức ân điển của Chúa ở cùng chúng ta khi làm điều này thì chúng ta sẽ càng khao khát có được mối liên hệ đúng đắn, không chỉ với Chúa, nhưng còn với những người chúng ta sống hay làm việc chung. Chúa Giê-xu dạy rằng, những ai đói khát sự công chính sẽ được (Chúa ban cho) no đủ. Thật dễ dàng để chúng ta thấy những sai trật trong nơi mình làm việc và mong muốn đấu tranh để thay đổi. Khi đó chúng ta đói khát sự công bình, mong muốn điều sai bị bãi bỏ và điều đúng được thiết lập. Niềm tin Cơ Đốc Giáo từng là khởi nguồn của rất nhiều cuộc cải cách vĩ đại trong nơi làm việc, nổi bật nhất là việc bãi bỏ chế độ nô lệ ở nước Anh và sự khởi đầu của phong trào Dân Quyền tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cần nhắc lại điều quan trọng ở đây là sự nối kết giữa các phước lành. Chúng ta không đấu tranh dựa trên sức lực của chính mình, nhưng bởi nhận thức về sự cạn kiệt, bất lực của bản thân, than khóc vì sự bất công, và giao phó quyền lực mình có dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời.
“Phước cho những người có lòng thương xót, vì sẽ được thương xót” (Ma-thi-ơ 5:7)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsNếu chúng ta được nhận lãnh phước lành thứ hai khi đau buồn về những thất bại của bản thân và được nhận lãnh phước lành thứ tư nhờ có những mối liên hệ đúng đắn, thì chúng ta sẽ dễ dàng bày tỏ lòng thương xót cho những người chúng ta gặp tại nơi mình làm việc hoặc bất kỳ nơi nào khác. Thương xót là khi chúng ta đối đãi với người khác tốt hơn mức độ họ xứng đáng nhận. Tha thứ là một hình thức của sự thương xót. Việc giúp đỡ những người chúng ta không có trách nhiệm phải giúp đỡ, hay không lợi dụng điểm yếu của người khác cũng là sự thương xót. Thương xót chính là động lực trong việc Đấng Christ xuống thế làm người, chịu chết và phục sinh. Nhờ Ngài, chúng ta được tha tội và nhận được sự giúp đỡ từ Thánh Linh của Đức Chúa Trời (I Cô 12). Lý do vì sao Thánh Linh lại bày tỏ lòng thương xót đối với chúng ta đơn giản vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta (Giăng 3:16).
Trong môi trường làm việc, lòng thương xót là điều rất thực tiễn. Chúng ta phải giúp đỡ người khác đạt được kết quả tốt nhất mà không phụ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta về họ. Khi chúng ta giúp đỡ người cùng làm việc mà chúng ta không thích hay là người đã từng làm tổn thương chúng ta trong quá khứ, thì lúc đó chúng ta đang bày tỏ lòng thương xót. Khi chúng ta báo cho những thí sinh dự thi sau mình rằng các giám khảo không được vui vẻ cho lắm, dù điều này có thể giúp họ chiếm ưu thế, thì đó là lòng thương xót. Khi nhân viên thuyết trình cho đối thủ cạnh tranh của chúng ta có con bị bệnh và chúng ta đồng ý dời lại buổi thuyết trình với khách hàng để nhân viên đó không phải chọn lựa giữa việc chăm sóc con hay thuyết trình để giành hợp đồng, đó là hành động của lòng thương xót.
Những hành động bày tỏ lòng thương xót như trên có thể tước mất những ưu thế của chúng ta. Tuy nhiên, chúng đem lại ích lợi cho công việc của chúng ta cũng như ích lợi cho người khác. Giúp đỡ những người chúng ta không thích có thể giúp nhóm làm việc của chúng ta đạt mục tiêu, mặc dù điều đó có thể không đem lại ích lợi gì cho bản thân. Trong trường hợp nhân viên thuyết trình của đối thủ cạnh tranh có con bị bệnh, nếu quyết định dời lại buổi thuyết trình của các bạn không có lợi cho công ty, thì nó đem lại lợi ích cho khách hàng của các bạn, khi họ có thêm sự lựa chọn. Nền tảng của lòng thương xót là đem lại ích lợi cho người khác thay vì cho bản thân.
Một tổ chức có sự tha thứ trong môi trường làm việc sẽ đem lại những kết quả bất ngờ, sẽ góp phần nâng cao kết quả công việc. Trong một môi trường làm việc thiếu sự tha thứ, nếu một ai đó phạm lỗi, họ sẽ không dại gì nói ra và hy vọng không bị ai phát hiện và chỉ ra lỗi lầm của họ. Điều này sẽ làm giảm chất lượng công việc trong hai khía cạnh. Thứ nhất, khi sai phạm bị che giấu, thì sau đó sẽ rất khó để giải quyết. Thử tưởng tượng một công nhân làm sai khi thi công móng của công trình xây dựng. Đây là điều rất dễ sửa chữa nếu được phát hiện sớm. Nhưng sẽ tốn kém rất nhiều chi phí để sửa chữa một khi công trình đã được xây lên và phần móng đã bị chôn vùi bên dưới. Thứ hai, những kinh nghiệm tốt nhất rút ra từ những thất bại. Soichiro Honda có nói, “chỉ có thể đạt được thành công sau nhiều lần thất bại và rút kinh nghiệm. Trên thực tế, thành công chỉ đại diện cho 1% của công việc mà các bạn đã rút ra từ 99% mà chúng ta gọi là thất bại.”[1] Tổ chức sẽ không có cơ hội để rút kinh nghiệm nếu những sai trật không được phơi bày.
“Phước cho những người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:8)
Back to Table of Contents Back to Table of Contents
SỰ CHÍNH TRỰC TRONG VIỆC MUA BÁN XE HƠIGiá trị của sự chính trực trong kinh doanh có thể được minh họa qua hình ảnh của Don Flow, ông là CEO của công ty mua bán xe hơi Flow Automotive. Don Flow có lòng khao khát sự công bằng. Nhưng ông đã nhận ra phương cách bán hàng trong các cửa hàng của mình dẫn đến sự bất công cho những khách hàng là người ít tiền. Don Flow không muốn tách rời công việc kinh doanh khỏi việc cam kết thực hiện sự công bằng. Vì vậy, ông đã thay đổi phương cách kinh doanh, ông giải thích phương cách kinh doanh mới của mình như sau: “Chúng tôi có một tiến trình bán hàng lấy người mua làm trung tâm. Chúng tôi không còn giữ tiến trình mua bán cũ khi mà giá cả cứ phải thương lượng tới lui nhiều lần; chúng tôi đã thiết lập một hệ thống giá cả cố định. Sự thật là giá thành của chúng tôi đã giảm xuống đôi chút nhờ qui trình quản lý nội bộ giúp kiểm soát chi phí tốt hơn. Các bạn không cần là một người có tài thương lượng giá cả, hay có học thức cao để mua xe không bị hớ. Dù các bạn là tiến sĩ hay chỉ là một người lao công, thì giá bán một chiếc xe là như nhau. Chúng tôi đã làm một nghiên cứu và kết quả cho biết những người có tiền, thường giỏi mặc cả nên ít bị mua hớ; còn những người ít tiền thường không giỏi thương lượng nên dễ bị mua hớ. Với tôi, việc lợi dụng những người không giỏi mặc cả, ít tiền là một sự vi phạm nguyên tắc của Kinh Thánh trong sách Châm Ngôn. Do đó chúng tôi đã ngồi lại và tái cơ cấu việc kinh doanh của công ty. Cấu trúc lợi nhuận của chúng tôi cần được kiểm soát chặt chẽ hơn và chúng tôi cần truyền đạt giá trị này đúng cách để thuyết phục người mua rằng giá bán của chúng tôi là hợp lý.”[1] |
Ý nghĩa của phước lành thứ sáu này như lặp lại ý của Thi Thiên 24:3-5
Ai sẽ lên núi Đức Giê-hô-va?
Ai sẽ đứng nổi trong nơi thánh Ngài?
Đó là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết,
Không hướng linh hồn mình vào thần tượng hư không,
Cũng chẳng thề nguyện giả dối.
Người ấy sẽ nhận được phước từ nơi Đức Giê-hô-va V
à sự công chính từ nơi Đức Chúa Trời là Đấng cứu rỗi mình.
“Tay trong sạch và lòng thanh khiết” đều thể hiện ý nghĩa chính trực, tận tụy, hết mực trung thành. Sự chính trực không chỉ dừng lại ở việc không lừa dối, không có hành vi xấu; nhưng cốt lõi của sự chính trực là sự trọn vẹn. Điều này có nghĩa hành vi của chúng ta không chỉ đơn thuần là những chọn lựa dựa trên tiêu chí tiện lợi, nhưng nó phải phát xuất từ chính con người của chúng ta. Điểm cần lưu ý Chúa Giê-xu không công bố phước lành của người có lòng trong sạch ngay sau phước lành của người đói khát sự công chính, nhưng Ngài lại đặt nó sau phước lành của người có lòng thương xót. Điều này bày tỏ lòng trong sạch không bắt nguồn từ cố gắng kiện toàn ý chí của con người, nhưng đến từ việc con người tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể tự kiểm chứng chính mình đã được nhận lãnh phước lành này như thế nào với các câu hỏi: trong những trường hợp tôi có thể dễ dàng “qua mặt” bằng mánh khóe tinh vi, và có thể sẽ không ai biết, tôi có kiên quyết chọn lựa sự chính trực không? Tôi có quyết tâm không để quan điểm cá nhân về một người nào đó bị chi phối bởi những tin đồn cho dù chúng (có vẻ) rất thuyết phục? Hành động và lời nói có bày tỏ đúng con người thật của tôi hay không? Sự chính trực tại nơi làm việc là điều không ai có thể phủ nhận, nhưng trong thế giới sa ngã này, nó lại trở thành thứ bị giễu cợt. Sự chính trực thường bị xem là nhu nhược, yếu đuối giống như lòng thương xót và nhu mì. Nhưng người chính trực sẽ được “thấy Đức Chúa Trời.” Mặc dù Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng vô hình và “ngự giữa ánh sáng không ai có thể đến gần được” (1 Ti 1:17, 6:16), nhưng người chính trực có thể nhận biết và ý thức được sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống. Trên thực tế, nếu không có sự chính trực thì những sự dối trá mà con người đồn thổi chống đối nhau sẽ khiến chúng ta không thể nhận biết được đâu là chân lý nữa. Khi đó, con người sẽ bắt đầu tin vào những lời bịa đặt của chính mình. Điều này sẽ tàn phá môi trường làm việc của chúng ta, bởi vì khi làm việc dựa trên những điều giả dối thì sẽ không thể đem lại kết quả. Người không có lòng trong sạch không hề muốn nhìn thấy Đức Chúa Trời, nhưng những ai là một phần trong vương quốc của Đấng Christ sẽ được phước bởi vì họ nhìn biết thực tại cách rõ ràng, họ được “thấy” sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
“Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:9)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsPhước lành thứ bảy đem mọi người tin Chúa vào công tác hòa giải xung đột. Xung đột xảy ra khi con người có những ý kiến trái ngược nhau. Trong thế giới sa ngã này, con người luôn có xu hướng hoặc phớt lờ sự xung đột hoặc dập tắt xung đột bằng vũ lực hay sự đe dọa. Nhưng cả hai giải pháp đó đều vi phạm nguyên tắc chính trực trong phước lành thứ sáu đối với những người đang ở trong sự xung đột. Trong vương quốc của Đức Chúa Trời, việc hòa giải những người đang xung đột và đem họ trở lại với nhau là một phước lành. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể giải quyết mâu thuẫn và phục hồi những mối liên hệ.[1]
Kết quả của việc giải hòa xung đột là hòa bình, và người hòa giải sẽ được gọi là “con Đức Chúa Trời.” Là con của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ phản chiếu bản tính thiêng liêng của Chúa qua những việc làm của mình vì Ngài là Đức Chúa Trời của hòa bình (1 Tê 5:16). Chúng ta bày tỏ chính mình là con của Đức Chúa Trời khi chúng ta là người giải hòa tại nơi làm việc, trong cộng đồng, trong gia đình và trong thế giới này.
“Phước cho những người chịu bắt bớ vì sự công chính” (Ma-thi-ơ 5:10)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsPhước lành thứ tám có thể khiến chúng ta có cảm giác tiêu cực. Đến đây các phước lành chủ yếu tập trung vào những điều tích cực như sự khiêm nhường, nhu mì, các mối liên hệ đúng đắn, lòng nhân từ, tấm lòng trong sạch, và sự hòa giải. Nhưng tại đây Chúa Giê-xu cho biết chúng ta có thể phải chịu “bắt bớ vì sự công chính.” Phước lành này phát xuất từ bảy phước lành trước đó, bởi vì những thế lực chống đối Đức Chúa Trời trong thế gian vẫn rất mạnh mẽ.
Cần lưu ý nếu ai đó bị trừng phạt vì sự bất chính thì điều đó không kể là ơn phước. Nếu chúng ta thất bại vì cớ sai lầm của bản thân, thì đương nhiên chúng ta phải gánh chịu những hậu quả. Nhưng ở đây Chúa Giê-xu nói về phước lành của việc chịu bắt bớ vì làm điều đúng. Tại sao chúng ta lại bị bắt bớ vì sự công chính? Trong thế giới sa ngã này, nếu chúng ta sống cách công chính, thì sẽ có nhiều người hắt hủi chúng ta. Chúa Giê-xu đã dùng các tiên tri làm ví dụ để giải thích thêm. Các tiên tri là những người cũng giống như Ngài, rao báo về vương quốc của Đức Chúa Trời và cũng phải chịu bắt bớ. “Phước cho các con khi vì Ta mà các con bị mọi người nhục mạ, bắt bớ, vu cáo đủ mọi điều xấu. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của các con ở trên trời là rất lớn; bởi vì các nhà tiên tri trước các con cũng từng bị người ta bắt bớ như vậy” (Mat 5:11-12). Những người công chính trong nơi làm việc sẽ phải đối diện với sự bắt bớ thường xuyên, hay thậm chí là rất dữ dội bởi những người trục lợi, hay từ những người tin rằng họ được hưởng lợi từ sự bất công. Ví dụ khi các bạn lên tiếng bênh vực cho một người là nạn nhân của những lời đồn đoán vô căn cứ, hay bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, thì chắc chắn các bạn sẽ bị bắt bớ. Nếu bạn là chủ tịch hiệp hội thương mại và lên tiếng phản đối sự bất công trong việc phân chia tiền tài trợ cho thành viên của hội thì đừng mong họ sẽ đề cử bạn trong nhiệm kỳ sau. Chịu sự bắt bớ vì những lý do chính trực là một phước lành, bởi vì điều đó cho thấy thế lực chống đối Đức Chúa Trời tin rằng các bạn đang thành công trong việc mở rộng vương quốc của Chúa.
Ngay cả những tổ chức tốt nhất và những con người đáng kính nhất vẫn
không toàn hảo, mọi người đều bị ảnh hưởng bởi tội lỗi. Phước lành thứ tám là sự
nhắc nhở: chúng ta cần có lòng dũng cảm khi làm việc trong một thế giới sa ngã.