Bootstrap

“Phước cho những người nhu mì, vì sẽ thừa hưởng đất” (Ma-thi-ơ 5:5)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Rất nhiều người đi làm ngày nay không hiểu ý nghĩa của phước lành này. Một phần vì họ không hiểu nhu mì là như thế nào. Một số cho rằng từ này có nghĩa là yếu đuối, hiền lành, hay thiếu can đảm. Tuy nhiên, Kinh Thánh định nghĩa sự nhu mì là khả năng kiểm soát quyền lực. Trong Cựu Ước, Môi-se được gọi là người nhu mì hơn hết mọi người trên thế gian (Dân 12:3). Chúa Giê-xu mô tả chính Ngài như là một người “nhu mì và khiêm nhường” (Mat 11:28-29), nhưng điều đó vẫn nhất quán với việc Ngài quyết liệt dọn sạch đền thờ (Mat 21:12-13).

Việc kiểm soát quyền lực bao gồm hai điều: thứ nhất, không tôn cao bản thân; và thứ hai, không làm bất cứ việc gì vì lợi ích của cá nhân. Phao-lô đã mô tả đặc điểm thứ nhất này rất rõ trong Rô-ma 12:3. “Vì nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em, đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người.” Người nhu mì luôn ý thức mình là đầy tớ của Đức Chúa Trời và không tôn cao bản thân hơn những gì mình có. Nhu mì có nghĩa là chấp nhận những điểm tốt và những giới hạn thay vì luôn cố gắng tìm mọi cách tô vẽ bản thân. Tuy nhiên, người nhu mì không phải là người phủ nhận những điểm mạnh và khả năng của mình. Khi người ta hỏi Chúa Giê-xu rằng Ngài có phải là Đấng Mê-si-a hay không, Chúa Giê-xu đã trả lời rằng, “Người mù được sáng, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết được sống lại, và người nghèo được nghe Tin Lành. Phước cho người nào không vấp phạm vì cớ Ta” (Mat 11:4-6). Chúa Giê-xu không hề tôn cao hay tự ti về bản thân, nhưng bày tỏ tấm lòng “đúng mực” của một người đầy tớ mà Phao-lô nói trong Rô-ma 12:3.

Khía cạnh thứ hai của sự nhu mì có điểm mấu chốt là tấm lòng của người phục vụ: không làm bất cứ việc gì vì lợi ích cá nhân, không sử dụng quyền lực mình có vì lợi ích của bản thân, nhưng phải vì lợi ích của mọi người. Khía cạnh thứ hai này đã được mô tả rõ trong Thi Thiên 37:1-11a. Phân đoạn này bắt đầu bằng câu “chớ phiền lòng vì kẻ làm dữ,” và kết thúc bằng câu “còn người nhu mì sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp.” Điều này có nghĩa chúng ta cần kiềm chế bản thân không trả thù người khác vì những điều xấu họ đã làm cho chúng ta, nhưng hãy dùng bất cứ quyền lực nào chúng ta có để phục vụ những người khác. Đây là hệ quả từ phước lành thứ hai, khi chúng ta đau buồn về sự yếu đuối của chính mình. Nếu chúng ta thật sự đau buồn về tội lỗi chính mình, thì làm sao chúng ta có thể trả thù những người khác vì tội lỗi của họ?

Việc giao phó quyền lực của chúng ta ở nơi làm việc dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời thật sự là một điều vô cùng thách thức. Trong thế giới sa ngã này, dường như những người trơ trẽn, biết đề cao bản thân lại luôn là những kẻ thành công. “Bạn có là nhờ bạn mặc cả chứ không hẳn vì bạn xứng đáng.”[1] Trong nơi làm việc, kẻ kiêu ngạo và quyền thế luôn chiến thắng, nhưng đến cuối cùng họ sẽ là người thua cuộc. Họ không có những mối thân tình cá nhân. Không ai muốn có một
người bạn kiêu ngạo, luôn chỉ tìm điều lợi cho chính mình. Những người thèm khát quyền lực luôn là những người đơn độc. Họ cũng không có được sự đảm bảo về tài chính. Họ nghĩ mình sở hữu cả thế giới, nhưng thật ra, thế giới đang sở hữu họ. Càng có nhiều tiền bao nhiêu, họ lại càng cảm thấy bất an bấy nhiêu.

Ngược lại Chúa Giê-xu đã dạy “người nhu mì sẽ thừa hưởng đất”. Chúng ta đã đề cập trong phần trước, nước thiên đàng đã vào thế giới này. Chúng ta thường cho rằng nước thiên đàng là một nơi hoàn toàn khác lạ so với những gì chúng ta từng biết. Ví dụ những con đường lót vàng, những cánh cổng ngọc trai, ngôi nhà lớn trên đỉnh đồi. Nhưng lời hứa của Đức Chúa Trời về thiên đàng là trời mới và đất mới (Khải 21:1). Những ai bằng lòng phó thác quyền lực của mình dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời sẽ thừa hưởng một vương quốc trọn vẹn đến trên đất này. Trong vương quốc đó, bởi ân điển của Chúa chúng ta sẽ được nhận lãnh những điều tốt lành mà kẻ kiêu ngạo trên đất này đang nhọc công tìm kiếm nhưng chẳng đạt được. Điều này không chỉ xảy đến trong tương lai nhưng ngay trong đời này, những ai biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình vẫn có thể kinh nghiệm một đời sống bình an. Những người biết sử dụng quyền lực của mình vì lợi ích của
người khác luôn được khen ngợi. Người nhu mì biết lắng nghe những người khác khi đưa ra quyết định nhờ đó họ có những kết quả tốt hơn cùng những mối liên hệ sâu sắc hơn.