SỐNG TRONG VƯƠNG QUỐC MỚI (MA-THI-Ơ 18-25)
Từ chương 18 cho đến chương 25 của sách Tin Lành Ma-thi-ơ, Chúa Giê-xu đã đưa ra những hình ảnh cụ thể về đời sống trong vương quốc Đức Chúa Trời. Rất nhiều hình ảnh trong số đó có liên quan trực tiếp đến công việc.
GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT (MA-THI-Ơ 18:15-35)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsTrong mọi nơi làm việc đều xảy ra xung đột. Trong phân đoạn này, Chúa Giêxu đã trình bày một khuôn mẫu về cách giải quyết xung đột. Ngài không hề nói rằng, “Hãy trả đũa!” hay “Tấn công lại!” Nhưng Chúa Giê-xu đã thiết lập một tiến trình giải quyết xung đột bắt đầu với việc tìm kiếm cơ hội giải hòa giữa hai người với nhau. Sự nhu mì trong các phước lành có nghĩa là gạt sang một bên việc biện hộ cho chính mình để có thể cư xử đúng mực và thật lòng với người đã làm tổn thương chúng ta, cũng như mở lòng để tiếp thu quan điểm của họ (Mat 18:15). Điều này không có nghĩa chúng ta cứ phải chịu đựng sự bất công, nhưng chúng ta cần xét đến khả năng quan điểm của chúng ta không hẳn được mọi người chấp nhận. Nếu điều này không giải quyết được vấn đề, thì ở mức độ thứ hai, chúng ta đề nghị một người khác có quen biết cả chúng ta và người xung đột với chúng ta cùng đến gặp và giải quyết vấn đề. Nếu vẫn không giải quyết được, thì chúng ta cần đem vấn đề này trình lên cấp lãnh đạo để có phán quyết công bằng (trong Mathi-ơ 18:16 nêu cụ thể là xung đột xảy ra trong Hội Thánh). Nếu phán quyết cuối cùng vẫn không giải quyết được vấn đề, người có lỗi vẫn không chấp nhận phán quyết đó thì họ sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng (Mat 18:17).
Mặc dù Chúa Giê-xu đang nói đến xung đột nảy sinh với “một thành viên khác trong Hội Thánh” (Mat 18:15), nhưng phương pháp của Ngài chính là tiền thân của tiến trình giải quyết xung đột hiện đang được áp dụng tại nơi làm việc. Thậm chí trong những môi trường làm việc tốt nhất thì xung đột vẫn xảy ra. Khi xảy ra xung đột thì cách tốt nhất để giải quyết là hai người trực tiếp giải quyết với nhau, đừng nên lôi kéo thêm người khác. Thay vì phơi bày xung đột cá nhân trước mọi người, hãy giải quyết cách kín đáo với người mà chúng ta đang xung đột. Trong thời đại thông tin điện tử ngày nay, phương cách của Chúa Giê-xu lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ cần thêm vài cái tên trong phần gửi kèm của thư điện tử (email) hay nhấn nút “hồi âm cho mọi người” là chúng ta có thể biến xung đột cá nhân thành một cuộc chiến tại nơi làm việc. Thậm chí nếu hai người có thể giữ bí mật và chỉ trao đổi với nhau qua thư điện tử cá nhân, thì sự hiểu lầm có thể càng tăng thêm vì thư điện tử là phương tiện truyền thông không thể diễn tả cảm xúc. Tốt nhất chúng ta nên áp dụng phương pháp của Chúa Giêxu theo đúng nghĩa đen, “nếu anh em con có lỗi với con, hãy gặp riêng và nói cho người ấy biết điều đó” (Mat 18:15).
Việc chỉ ra lỗi lầm của người khác bao giờ cũng có hai chiều. Chúng ta cũng phải mở lòng mình để lắng nghe người khác chỉ ra những sai trật bản thân. Trong những câu Kinh Thánh trên, Chúa Giê-xu lặp lại từ “nghe” đến ba lần cho thấy đây là yếu tố quan trọng. Phương cách giải quyết xung đột trong hiện tại thường tập trung vào việc khiến cả hai bên chịu ngồi lại để trình bày quan điểm từ cả hai phía, mà vẫn được giữ quyền không đồng ý với nhau. Thông thường, việc chịu khó lắng nghe sẽ giúp chúng ta tìm được giải pháp chung. Nếu phương cách này không đem lại kết quả, thì có lẽ chúng ta nên nhờ đến những người có đủ kỹ năng và thẩm quyền giải quyết.
NGƯỜI THANH NIÊN GIÀU CÓ (MA-THI-Ơ 19:16-30)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsVấn đề tiền bạc đã được đề cập trong Ma-thi-ơ 6, được tiếp tục nhắc đến trong câu chuyện về người thanh niên giàu có tại đây. Người thanh niên giàu có tìm đến Chúa Giê-xu và hỏi, “tôi phải làm điều lành nào để được sự sống đời đời?” Chúa Giê-xu bảo anh phải giữ các điều răn; anh đáp rằng mình đã giữ hết những điều đó từ khi còn nhỏ. Anh ta hỏi tiếp, “tôi còn thiếu điều gì không?” Đây là chi tiết chỉ có trong phần tường thuật của sách Ma-thi-ơ. Chàng thanh niên cho thấy anh có một sự hiểu biết sâu sắc khi đặt câu hỏi này. Kể cả khi chúng ta có thể làm mọi việc tốt, đúng và chính trực thì tận bên trong chúng ta vẫn cảm thấy còn điều gì đó chưa trọn vẹn. Chúa Giê-xu đáp rằng, “hãy bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta” (Mat 19:21).
Trong cả bốn sách Tin Lành Chúa Giê-xu không hề kêu gọi những người nghe Ngài giảng phải đi bán hết tài sản của mình. Không phải ai cũng mang gánh nặng tài sản giống chàng thanh niên này. Trong trường hợp này, thách thức Chúa Giê-xu đặt ra cho chàng thanh niên rất thực tế bởi vì anh ta bị ràng buộc bởi tài sản của mình (Mat 19:22). Đức Chúa Trời biết rõ những điều trong tấm lòng chúng ta và Ngài biết chúng ta cần từ bỏ điều gì để có thể phục vụ Ngài.
Phải chăng kho báu của chúng ta là việc làm, năng lực, kỹ năng và tiền lương hưu? Tất cả là những món quà mà Chúa ban cho chúng ta; chúng đều tốt lành trong vai trò Đức Chúa Trời sắp đặt. Nhưng tất cả đều không quan trọng nếu so sánh với việc tìm kiếm nước Đức Chúa Trời (Mat 6:33) và có mối liên hệ đúng đắn với Ngài cũng như với những người xung quanh. Chúng ta chỉ nên xem của cải và công việc như một phương tiện trong đời sống; nếu không chúng ta sẽ giống như chàng thanh niên giàu có này, mà ngoảnh mặt tránh xa Chúa cách buồn bã.[1]
NGƯỜI LÀM CÔNG TRONG VƯỜN NHO (MA-THI-Ơ 20:1-16)
Back to Table of Contents Back to Table of Contents
CÁCH TRẢ LƯƠNG CÔNG BẰNG CỦA CÔNG TY TOROKen Melrose đã mô tả tầm quan trọng của việc trả lương công bằng ở công ty Toro: Vào năm 1981, khi tôi được chọn vào chức vụ CEO, công ty Toro đang trên bờ vực phá sản. Tôi cảm biết đây là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cho tôi để xây dựng lại môi trường làm việc dựa trên khái niệm người lãnh đạo phải là người phục vụ. Tôi nhận thấy rõ sức mạnh thực sự của công ty là ở những nhân viên “bình thường”. Chúng tôi đã rất cẩn thận không để khoảng cách lương bổng giữa các nhân viên trong công ty quá cách biệt vì điều đó dễ dẫn đến sự bất mãn. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chương trình bán cổ phiếu đã được trợ giá của công ty cho các nhân viên, tránh không để nó đi quá giới hạn mà tạo nên khoảng cách giàu-nghèo giữa các nhân viên. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những nhân viên có mức lương thấp. Chúng tôi muốn mọi người đều có cùng một suy nghĩ đó là họ cùng chung một đội và đều có phần trong sự thành công của công ty. Để khởi động điều này chúng tôi đã cho mỗi nhân viên một cổ phiếu của Toro, và từ đó xây dựng chương trình 401k để hàng năm thưởng cổ phiếu cho tất cả nhân viên của công ty. Mặc dù những quản lý cấp cao sở hữu nhiều cổ phiếu hơn những người cấp dưới, nhưng mọi người đều thật sự là “người sở hữu” công ty. Sau đó chúng tôi đã thiết kế bảng tên cho nhân viên trên đó có tên của mỗi người và kèm theo là dòng chữ “người sở hữu”. Ngoài ra để cụ thể hóa việc quan tâm các nhân viên, chúng tôi đã rất cố gắng để giữ nguyên số lượng nhân viên cũng như mức lương của họ những lúc công ty gặp hoàn cảnh khó khăn. Những năm công ty chúng tôi gặp khó khăn thường là do thời tiết. Việc sa thải nhân viên hay cắt giảm tiền lương vì lý do thời tiết là không hợp lý bởi vì năm sau thời thiết sẽ trở lại bình thường. Nếu chúng tôi buộc phải cắt giảm tiền lương, chúng tôi sẽ bắt đầu trước với các lãnh đạo, sau đến là những người quản lý (ví dụ, trước tiên là cắt thưởng, sau mới đến giảm lương và cứ như thế…). Kế hoạch của chúng tôi là cố gắng hết sức để bảo vệ những nhân viên có mức lương thấp. Sau hai năm biến động thời tiết nhưng vẫn không hề có sự cắt giảm nào, các nhân viên đã trở nên những người tin Chúa. Điều này phản ánh triết lý của chúng tôi, mỗi nhân viên đều quan trọng và trách nhiệm của người quản lý là cố gắng bảo vệ mức thu nhập của người lao động. Ví dụ này đã minh họa cho câu chuyện về những người làm công trong vườn nho trong Ma-thi-ơ 20:1-16. |
Câu chuyện này chỉ có trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ. Người chủ vườn nho đã thuê các nhân công làm việc vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Những người được thuê lúc 6 giờ sáng phải làm việc trọn một ngày. Những người được thuê vào lúc 5 giờ chiều chỉ phải làm việc trong một giờ. Nhưng người chủ lại trả công cho mọi người bằng nhau là một đơ-ni-ê. Người chủ muốn mọi người đều biết họ được trả công như nhau mặc dù thời gian làm việc là khác nhau. Không ngạc nhiên khi những người được thuê từ sáng sớm đã than phiền dù họ làm việc nhiều hơn nhưng cũng chỉ được trả công như những người vừa mới làm lúc cuối ngày. “Nhưng chủ trả lời với… bọn họ rằng, ‘Bạn ơi, tôi không đối xử bất công với bạn đâu! Chẳng phải bạn đã thỏa thuận với tôi một đơ-ni-ê đó sao? …Chẳng lẽ tôi không được phép sử dụng những gì tôi có theo ý tôi sao? Hay là bạn thấy tôi rộng lượng mà ganh tị?’ Như vậy, người cuối sẽ nên đầu, còn người đầu sẽ nên cuối” (Mat 20:13, 15-16).
Khác với câu chuyện về người gieo giống trong Mat 13:3-9; 18-23, Chúa Giêxu không hề đưa ra lời giải thích rõ ràng cho câu chuyện này. Do đó các học giả đã đưa ra rất nhiều cách giải nghĩa khác nhau. Bởi vì những nhân vật trong câu chuyện là những người làm công và người quản lý (“người chủ”), do đó một số người cho rằng câu chuyện có hàm ý đề cập đến công việc. Nếu hiểu câu chuyện theo cách giải thích này thì dường như hàm ý của câu chuyện là: đừng so sánh mức lương của bạn với người khác hay đừng bất mãn nếu người khác được trả lương cao hơn hoặc không phải làm việc nhiều như bạn dù công việc là giống nhau. Đây có thể xem là những thói quen tốt mà người làm công nên có. Nếu mức lương của bạn khá tốt, vì sao lại buồn bực chỉ vì người khác được trả lương cao hơn? Tuy nhiên, cách giải thích này cũng có thể được dùng để bào chữa cho những sai trật trong việc đối xử bất công hay bóc lột người lao động. Một số người lao động bị đối xử bất công và trả lương thấp hơn vì những lý do như: kỳ thị chủng tộc, giới tính hoặc vì họ là người nhập cư. Có phải Chúa Giê-xu muốn dạy chúng ta phải thỏa lòng khi chính mình hay những người cùng làm việc bị đối xử bất công hay không?
Hơn thế nữa, việc trả lương đồng đều mà không xét đến khối lượng công việc phải làm là điều vô lý trong kinh doanh. Chẳng phải điều này sẽ dẫn đến việc ngày hôm sau, mọi công nhân đều chỉ hiện diện lúc 5 giờ chiều và làm việc đến 6 giờ rồi nghỉ? Còn về việc công khai tiền lương của mọi người thì sao? Có thể điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch của việc trả lương. Nhưng liệu việc cho những người làm việc nhiều hơn biết họ được trả lương như những người làm việc ít hơn là một ý kiến hay? Có lẽ điều này sẽ làm nảy sinh xung đột. Nếu hiểu câu chuyện theo nghĩa đen và áp dụng cách trả lương không theo năng lực thì dường như đó không phải là bí quyết để thành công trong kinh doanh. Phải chăng Chúa Giê-xu ủng hộ cho cách trả lương này?
Có lẽ câu chuyện ở đây không nói về công việc. Câu chuyện này là một trong các ví dụ đầy kinh ngạc của Chúa Giê-xu cho biết ai thuộc về vương quốc Đức Chúa Trời. Trong Mat 19:14, Chúa Giê-xu cho biết vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những con trẻ, là những người không thể tự chủ bản thân. Ngài cho biết vương quốc này cũng không dành cho người giàu có, hay ít nhất là đa số người giàu (Mat 19:23-26). Nhưng vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những ai theo Ngài, cụ thể là những người từng trải sự mất mát, vì sẽ “có nhiều người đầu sẽ trở nên cuối, và người cuối sẽ trở nên đầu” (Mat 19:30). Tại đây, câu chuyện này cũng kết thúc với cùng những từ ngữ như vậy,
“người cuối sẽ nên đầu, còn người đầu sẽ nên cuối” (Mat 20:16). Mạch ý tưởng này cho thấy câu chuyện ở đây tiếp tục với chủ đề những người thuộc về nước thiên đàng. Chúng ta không bước vào nước Đức Chúa Trời bằng việc làm hay công đức của bản thân, nhưng chỉ nhờ lòng rộng lượng của Ngài.
Một khi chúng ta hiểu câu chuyện ở đây nói về lòng rộng lượng của Đức Chúa Trời trong nước thiên đàng, thì chúng ta vẫn có thể thắc mắc “…nhưng áp dụng điều này vào công việc ra sao?” Nếu các bạn đang được trả lương cách xứng đáng, thì lời khuyên về việc thỏa lòng vẫn có thể được áp dụng ở đây. Nếu một đồng nghiệp bất ngờ được ưu đãi hay nhận phúc lợi nào đó, thì chúng ta chung vui với họ vẫn tốt hơn là có thái độ ganh tị, than phiền. Tuy nhiên, phần áp dụng ở đây có tầm mức rộng lớn hơn. Người chủ trong câu chuyện này trả lương cho mỗi người đủ để họ có thể chăm lo cho gia đình của mình.[1] Bối cảnh xã hội trong thời của Chúa Giê-xu là có nhiều người nông dân nghèo đã buộc phải bán đất bởi vì họ nợ tiền thuế của chính quyền Rô-ma. Việc làm này vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời là trong vòng dân Y-sơ-ra-ên không ai được sở hữu phần đất đai là sản nghiệp của người khác (Lê 25:8-13). Tất nhiên, chính quyền Rô-ma không quan tâm đến điều này. Hậu quả là có rất nhiều người thất nghiệp thường tụ tập mỗi buổi sáng, hy vọng rằng sẽ có ai đó thuê họ làm việc. Trong thời bấy giờ, nhóm người này là những người bị tước đoạt đất đai, thất nghiệp và không có việc làm. Những người đến 5 giờ chiều mà chưa tìm được việc làm sẽ rất khó kiếm đủ tiền để mua thức ăn cho gia đình của mình trong ngày hôm đó. Nhưng ở đây, người chủ vườn nho đã trả công cho họ bằng lương của người đã làm việc trọn một ngày.
Nếu người chủ vườn nho ở đây đại diện cho Đức Chúa Trời, thì đây là một thông điệp vô cùng mạnh mẽ cho biết trong vương quốc của Đức Chúa Trời, những ai bị tước đoạt và thất nghiệp sẽ tìm được công việc để đáp ứng những nhu cầu của bản thân và của những người lệ thuộc vào mình. Chúng ta đã nghe Chúa Giê-xu nói rằng, “người làm việc đáng được thức ăn” (Mat 10:10). Điều này không đồng nghĩa với việc những người chủ trên đất này có trách nhiệm phải đáp ứng mọi nhu cầu của người làm công cho mình. Những người chủ trên đất này không phải là Đức Chúa Trời. Nhưng câu chuyện này là một thông điệp đem lại hy vọng cho những ai đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm thích hợp. Trong vương quốc của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều sẽ tìm được công việc để đáp ứng cho những nhu cầu của mình. Câu chuyện này cũng là một lời thách thức đối với những ai đang có địa vị và thẩm quyền trong việc định hình những cơ chế việc làm trong xã hội. Cơ Đốc Nhân có thể làm gì để mở rộng khía cạnh này của vương quốc Đức Chúa Trời ngay trong hiện tại hay không?
LÃNH ĐẠO TRONG TINH THẦN TÔI TỚ (MA-THI-Ơ 20:20-28)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsMặc dù các môn đồ đã được nghe Chúa Giê-xu kể ẩn dụ về ân điển và lòng rộng lượng của Đức Chúa Trời, họ cũng nghe Chúa Giê-xu nhấn mạnh “người đầu sẽ nên cuối và người cuối sẽ lên đầu” đến hai lần, nhưng các môn đồ vẫn chưa hiểu ý chính của Chúa Giê-xu. Mẹ của Gia-cơ và Giăng đã đến xin Chúa Giê-xu ban cho hai con trai của bà những vị trí cao trọng nhất trong vương quốc của Ngài. Cả hai người đều có mặt tại đó và Chúa Giê-xu đã xoay qua họ mà hỏi rằng, “Các con có thể uống chén Ta sắp uống không?” Họ đáp rằng, “Thưa, có thể được.” Khi mười môn đồ khác nghe được chuyện này, họ rất tức giận. Chúa Giê-xu dùng cơ hội này để thách thức những quan niệm về địa vị của họ.
Các con biết các nhà cầm quyền của dân ngoại thống trị dân, còn những quan chức cao cấp thì dùng quyền lực mà cai trị. Nhưng giữa các con thì không phải vậy; trái lại, ai muốn làm lớn trong các con, thì phải làm đầy tớ, còn ai muốn đứng đầu, thì phải làm nô lệ cho các con; Ngay cả Con Người đã đến, không phải để được người ta phục vụ mình, nhưng để phục vụ người ta và phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người. (Mat 20:25-28)
Người lãnh đạo chân chính là người phục vụ người khác. Điều này khác nhau tùy điều kiện và bối cảnh nơi làm việc. Nó không có nghĩa một CEO phải sắp lịch mỗi tháng để lau nhà, chùi nhà vệ sinh hay một người nhân viên có thể viện cớ rằng mình phải giúp đỡ người khác nên không làm tốt công việc của bản thân. Nhưng điều này có nghĩa là chúng ta làm mọi việc vì mục tiêu phục vụ khách hàng, đồng nghiệp, cổ đông và những người chịu ảnh hưởng từ công việc của chúng ta. Max De Pree là CEO lâu năm của hãng Herman Miller. Ông được vinh danh trong danh sách những doanh nhân, lãnh đạo thành công của Fortune Hall of Fame. Ông đã viết trong quyển sách “Lãnh Đạo Là Một Nghệ Thuật” của mình như sau: “Trách nhiệm trước nhất của người lãnh đạo là xác định tình hình thực tế. Và trách nhiệm sau cùng là nói lời cám ơn. Trong khoảng giữa hai điều đó, người lãnh đạo phải như một người đầy tớ, một con nợ. Đó là tất cả những gì mà một lãnh đạo giỏi cần có để thành công.”[1]
Đầy tớ là người biết tình trạng nghèo nàn thuộc linh của bản thân (Mat 5:3) và sử dụng quyền lực mình có dưới sự điều khiển của Chúa (Mat 5:5) nhằm duy trì những mối liên hệ cách đúng đắn. Người lãnh đạo trong tinh thần đầy tớ phải xin lỗi khi làm sai (Mat 5:4), phải thương xót khi người khác thất bại (Mat 5:7), phải làm cho người hòa thuận (Mat 5:9), sẵn sàng chịu đựng những lời chỉ trích vô cớ khi phục vụ Chúa (Mat 5:10) với tấm lòng trong sạch (Mat 5:8). Chúa Giê-xu đã làm gương cho chúng ta qua những công tác Ngài thi hành (Mat 20:28). Nếu chúng ta noi gương Chúa Giê-xu, thì mọi người sẽ biết chúng ta là môn đồ Đấng Christ.
LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM (MA-THI-Ơ 21:28-41)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsẨn dụ về hai con trai trong Mat 21:28-32 kể về hai người anh em được cha sai làm việc trong vườn nho. Một người nói rằng sẽ đi nhưng lại không đi. Người kia thì nói với cha rằng sẽ không đi nhưng cuối cùng lại đi và làm việc cả ngày trong vườn nho. Sau đó, Chúa Giê-xu đã đặt câu hỏi “Trong hai con trai đó, người nào làm theo ý cha?” Câu trả lời là người con đã làm việc, mặc dù lúc đầu anh ta đã từ chối. Ẩn dụ này là phần tiếp theo của những câu chuyện về những người thật sự thuộc về vương quốc Đức Chúa Trời trong sách Ma-thi-ơ. Khi đám đông đang vây quanh lắng nghe, Chúa Giê-xu đã nói với những lãnh đạo tôn giáo rằng “người thu thuế và gái mại dâm sẽ được vào vương quốc Đức Chúa Trời trước các ngươi” (Mat 21:31).[1] Những người không có vẻ sùng đạo sẽ bước vào nước Đức Chúa Trời trước cả những lãnh đạo tôn giáo, bởi vì sau cùng họ là những người làm theo ý muốn của Chúa.
Trong công việc, điều này nhắc chúng ta rằng việc làm có ảnh hưởng nhiều hơn lời nói. Sứ mệnh của rất nhiều tổ chức khẳng định các mục tiêu quan trọng nhất của họ là: chăm sóc khách hàng, chất lượng sản phẩm, trung thực, chăm lo đời sống nhân viên và những điều tương tự. Tuy nhiên, những tổ chức như vậy lại có chất lượng, dịch vụ, sự trung thực và mối liên hệ với nhân viên rất kém. Ở mức độ cá nhân cũng vậy, nhiều người lập những kế hoạch “vĩ đại”, nhưng lại không thể triển khai thực hiện. Những tổ chức và cá nhân rơi vào tình trạng này có thể có ý tốt, nhưng họ không nhận ra mình không thể thực hiện những thứ đã bị thổi phồng. Nơi làm việc cần có cơ cấu triển khai mục tiêu và kế hoạch cách hiệu quả cũng như cách thức lượng giá phân minh để có được sự phản hồi thẳng thắn.
Tiếp theo là ẩn dụ về những người làm công gian ác (Mat 21:33-41) cũng diễn ra tại vườn nho. Chúa Giê-xu không có ý nói về việc điều hành vườn nho, nhưng là việc Ngài bị hắt hủi và bị giết bởi sự xúi giục của các lãnh đạo tôn giáo người Do Thái lúc bấy giờ (Mat 21:45). Câu 43 cho biết cách áp dụng điều này trong nơi làm việc ngày nay, “vương quốc Đức Chúa Trời sẽ bị cất khỏi các ngươi và ban cho một dân sẽ đem kết quả về cho vương quốc ấy.” Tất cả chúng ta đều được giao những trách nhiệm trong công việc của mình. Nếu chúng ta từ chối thực hiện trách nhiệm của mình trong sự vâng phục Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta đang chống cự vương quốc của Ngài. Trong mọi việc, chúng ta cần phải trông mong mình sẽ được Chúa khen ngợi.
PHỤC VỤ CẤP TRÊN LẪN CẤP DƯỚI (MA-THI-Ơ 24:45-51)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsẨn dụ này kể về một người nô lệ được chủ giao trách nhiệm quản lý toàn bộ nhà cửa. Công việc này bao gồm trách nhiệm cấp phát thức ăn cho những người nô lệ khác đúng giờ. Chúa Giê-xu phán, “Phước cho đầy tớ ấy, khi chủ đến thấy làm như vậy” (Mat 24:46). Người nô lệ đó sẽ được giao trách nhiệm lớn hơn. Mặc khác, Chúa Giê-xu cũng cảnh báo,
Nhưng nếu là đầy tớ gian ác, nó thầm nghĩ rằng: ‘Chủ ta chưa về ngay đâu;’ rồi bắt đầu đánh đập các bạn cùng làm đầy tớ như mình, và ăn uống với phường say rượu. Chủ sẽ đến trong ngày nó không ngờ, trong giờ nó không biết, trừng phạt nó nặng nề, và cho nó chịu chung số phận với những kẻ đạo đức giả ở nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. (Mat 24:48-51)
Trong môi trường làm việc ngày nay, có thể xem người nô lệ này như người quản lý chịu trách nhiệm điều hành những nhân viên khác. Lợi ích của người chủ chỉ được đảm bảo khi nhu cầu của các nhân viên được đáp ứng. Chúa Giê-xu dạy rằng, trách nhiệm của người lãnh đạo với tinh thần phục vụ là chăm lo nhu cầu của người cấp trên (người chủ) lẫn người cấp dưới (các đầy tớ). Không thể biện minh cho việc đối xử bất công với cấp dưới của mình vì lý do đảm bảo lợi ích cho cấp trên. Chúa Giê-xu đã mô tả hình phạt ghê rợn cho những ai chỉ biết quan tâm đến lợi ích riêng của bản thân (Mat 24:48-51).
ẨN DỤ VỀ CÁC TA-LÂNG (MA-THI-Ơ 25:14-30)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsMột trong những ẩn dụ quan trọng của Chúa Giê-xu liên quan đến công việc được trình bày trong bối cảnh của việc đầu tư (Mat 25:14-30). Một người giàu có đã trao quyền quản lý tài sản của ông cho những người làm công của mình, giống như những nhà đầu tư ngày nay vẫn làm. Người chủ đã giao năm ta-lâng (một số tiền lớn) [1] cho người làm công thứ nhất, hai ta-lâng cho người thứ nhì và một ta-lâng cho người thứ ba. Hai người đầu tiên đã nhân đôi số tiền mình được giao bằng cách kinh doanh, nhưng người thứ ba lại đem chôn giấu số tiền mình có và không sinh lợi nhuận. Khi người chủ trở về, ông thưởng hai người làm công đã sử dụng số tiền được giao và sinh lợi, nhưng trừng phạt nặng nề người đã không làm gì cả.
Ý nghĩa của ẩn dụ này không chỉ nói về việc đầu tư tài chính. Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người những tài năng khác nhau và Chúa muốn chúng ta sử dụng những tài năng đó để phục vụ Ngài. Việc cất giấu hay phớt lờ những tài năng Chúa ban là điều không thể chấp nhận. Giống như ba người làm công, mỗi người trong chúng ta có những tài năng ở các mức độ khác nhau. Đức Chúa Trời muốn chúng ta phục vụ tương xứng với những tài năng đã được Chúa ban. Người làm công được giao một ta-lâng không bị phạt vì người đó không làm lợi ra năm ta-lâng; nhưng bị phạt vì đã không làm gì với số vốn được giao. Tài năng Chúa ban cho chúng ta bao gồm những kỹ năng, khả năng, mối liên hệ, gia đình, địa vị xã hội, trình độ học vấn, kinh nghiệm từng trải và nhiều điều khác. Ý nghĩa của ẩn dụ này là chúng ta cần sử dụng mọi điều Chúa đã ban cho những mục đích của Ngài. Những hình phạt nặng nề dành cho người làm công vô ích không chỉ giới hạn
trong lãnh vực đầu tư, kinh doanh mà còn có mục đích răn dạy chúng ta phải dùng cuộc đời mình để đầu tư, không được bỏ phí.
Ta-lâng trong ẩn dụ này cụ thể là tiền bạc. Ngày nay một ta-lâng có giá trị khoảng một triệu mỹ kim. Trong tiếng Anh ngày nay thường không đề cập từ “talent” theo ý nghĩa này nhưng hay dùng để chỉ những kỹ năng hay khả năng. Nếu việc đầu tư thực hiện những mục đích thiên thượng bằng phương cách chính trực thì ẩn dụ này chứng tỏ đầu tư chứ không phải tích trữ mới là việc đúng. Phần cuối câu chuyện, người chủ đã khen ngợi hai người làm công đáng tin cậy của mình
rằng, “hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm” (Ma-thi-ơ 25:23). Trong lời khen ngợi này, chúng ta thấy người chủ quan tâm đến kết quả (“được lắm”), phương cách (“ngay lành”) và động cơ (“trung tín”).
Ở đây còn có một điểm khác liên quan rất nhiều đến công việc là sự khích lệ việc mạo hiểm đầu tư vì mục tiêu sinh lợi. Đôi khi, Cơ Đốc Nhân xem sự tăng trưởng, tăng năng suất và thu về lợi tức là bất khiết trước mặt Đức Chúa Trời; nhưng ẩn dụ ở đây đã phủ nhận quan niệm đó. Chúng ta cần đầu tư tất cả điều chúng ta có cho vương quốc của Đức Chúa Trời cả những kỹ năng và khả năng của bản thân, cũng như tài sản và mọi nguồn lực trong công việc. Điều này bao gồm cả sản xuất những sản phẩm và cung cấp các dịch vụ cần thiết. Vì vậy những giáo viên tình nguyện dạy Trường Chúa Nhật là người thực hiện đúng ý nghĩa của ẩn dụ này; cũng như những người chủ khởi nghiệp kinh doanh tạo việc làm cho những người khác, hay người quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe khởi xướng các chiến dịch nâng cao ý thức về bệnh AIDS hay người thợ máy phát kiến một tiến trình vận hành mới. Tất cả đều là những người sống đúng với ý nghĩa của ẩn dụ này.
Chúa không ban tài năng giống nhau hay ở tầm mức bằng nhau cho mọi người. Nếu chúng ta cố gắng hết sức để sử dụng những tài năng Chúa ban, chúng ta sẽ được Ngài khen “được lắm.” Đây không chỉ là lời khen ngợi về việc sử dụng tài năng, mà còn là sự xác nhận giá trị của mỗi người. Ẩn dụ đã được khép lại với việc giao thêm ta-lâng của người thứ ba cho người đã có mười ta-lâng. Giá trị của mỗi người đầy tớ ngang nhau không đồng nghĩa với việc họ sẽ được thưởng như nhau. Trong công việc có những vị trí đòi hỏi nhiều kỹ năng hay khả năng hơn và do vậy được trả công tương xứng. Trong câu chuyện này, hai người đầy tớ trung tín được thưởng khác nhau nhưng cả hai đều được khen ngợi giống nhau. Áp dụng của ẩn dụ này là nếu chúng ta biết tận dụng mọi tài năng Chúa ban vì sự vinh hiển của Ngài chúng ta sẽ được kể là ngang hàng với những người đầy tớ trung tín và đáng tin cậy của Đức Chúa Trời.[2]
CHIÊN VÀ DÊ (MA-THI-Ơ 25:31-46)
Back to Table of Contents Back to Table of ContentsĐiều cuối cùng Chúa Giê-xu dạy dỗ trong phần này giúp chúng ta tự xét mình đã đối xử với những người cần được giúp đỡ ra sao. Ở đây cho biết khi Chúa Giê-xu trở lại trong sự vinh quang, Ngài sẽ ngồi trên ngai và chia mọi người ra như “người chăn chia chiên và dê ra” (Mat 25:32). Cách Chúa phân chia tùy thuộc vào việc chúng ta đối đãi với những người cần được giúp đỡ như thế nào. Với những người thuộc nhóm “chiên”, Chúa sẽ nói rằng,
Hỡi những người được Cha Ta ban phước, hãy đến thừa hưởng vương quốc thiên đàng đã chuẩn bị sẵn cho các con từ khi tạo dựng trời đất. Vì Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con tiếp rước Ta, Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; Ta ốm đau, các con chăm sóc Ta; Ta bị tù, các con thăm viếng Ta. (Mat 25:34-36)
Chúa Giê-xu liệt kê những người cần cứu giúp đã được các “con chiên” của Chúa phục vụ. Chúa Giê-xu giải thích, “khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta” (Mat 25:40). Với những ai bị kể là “dê”, Ngài phán rằng,
Hãy lui ra khỏi Ta... Vì Ta đói, các ngươi không cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi không cho Ta uống, Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước Ta; Ta trần truồng, các ngươi không mặc cho Ta; Ta ốm đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng Ta... khi các ngươi không làm điều đó cho một người thấp kém nhất trong những người nầy, tức là các ngươi đã không làm cho Ta. (Mat 25:41-43, 45)
Dù là cá nhân hay tập thể, chúng ta đều được kêu gọi cứu giúp những ai cần được giúp đỡ. Chúng ta là những người được sống dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời (1 Sa 25:29) nên chúng ta không thể phớt lờ những hoàn cảnh khó khăn của người khác khi họ đói khát, trần truồng, không nhà ở, ốm đau, hay tù đày.
Chúng ta làm việc để đáp ứng nhu cầu của bản thân lẫn nhu cầu của những người lệ thuộc nơi chúng ta; nhưng chúng ta cũng làm việc để có chút gì đó giúp cho những ai cần được giúp đỡ (Hê 13:1-3). Chúng ta cần hiệp tác với những người khác để tìm ra phương cách giúp đỡ những người thiếu thốn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà đôi khi chúng ta không cảm thấy trân trọng. Nếu chúng ta xem xét sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong phân đoạn này cách nghiêm túc, chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều người cần được chúng ta giúp đỡ.
Chúa Giê-xu không mô tả cụ thể những người được Chúa gọi là “chiên” đã phục vụ người khác ra sao. Có thể bằng cách tặng quà hay công tác từ thiện. Nhưng cũng có thể là những việc làm bình thường như chuẩn bị đồ ăn và thức uống; giúp đỡ những đồng nghiệp mới làm việc hiệu quả hơn; thiết kế, gia công và bán quần áo. Tất cả những công việc làm ra những sản phẩm và cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người đều là sự phục vụ người khác, và qua đó, cũng
là phục vụ Chúa Giê-xu.