Bootstrap

SÁCH GIĂNG

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners
John

GIỚI THIỆU SÁCH GIĂNG

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chủ đề công việc tràn ngập sách Tin Lành Giăng và khởi đầu với phần trình bày về công tác của Đấng Mê-si-a, Ngài là tác nhân của Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo. Công tác sáng tạo của Đấng Christ đã có trước sự sa ngã, trước cả sự nhập thể trở thành Giê-xu người Na-xa-rét, và trước cả công tác cứu chuộc. Đức Chúa Trời giao cho Đấng Christ công tác của Đấng Cứu Chuộc vì Ngài là Đấng đồng sáng tạo thế giới. Công tác cứu chuộc của Đấng Christ không phải là chuyện lạ thường, nhưng là sự phục hồi thế giới trở về với ý định ban đầu và làm ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời cho tạo vật.

Việc làm của con người là một phần không thể thiếu trong tiến trình Đức Chúa Trời hoàn tất sự sáng tạo (Sáng 2:5). Nhưng việc làm của con người đã bị hư hoại, bởi vậy chuộc lại công việc là một phần trong sự cứu chuộc thế giới của Đấng Mê-si-a. Trong chức vụ của Ngài trên đất, chúng ta nhận thấy Đức Chúa Giê-xu hoàn tất công tác Đức Chúa Cha giao phó chính là một khía cạnh không thể thiếu trong tình thương giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. “Những lời Ta nói với các con không phải Ta tự nói, nhưng chính Cha là Đấng ở trong Ta đang làm những việc của Ngài” (Giăng 14:10). Đây là khuôn mẫu cho việc làm của con người khi đã được cứu chuộc, đó là nuôi dưỡng tình yêu của chúng ta dành cho nhau khi chúng ta cùng nhau làm việc trong thế giới tốt lành của Đức Chúa Trời.

Ngoài việc trình bày khuôn mẫu của việc lành, Đức Chúa Giê-xu cũng dạy các chủ đề nơi làm việc như: sự kêu gọi, các mối liên hệ, sáng tạo và hiệu quả, đạo đức, chân thật và giả dối, lãnh đạo, phục vụ, hy sinh, chịu khổ và chân giá trị của sự lao động.

Một trong những mối quan tâm chính của Giăng là nhắc nhở mọi người nếu chỉ thờ ơ, không chú tâm vào Chúa Giê-xu thì chẳng có ích lợi gì. Ai cứ ở trong Ngài sẽ thấy những hình ảnh giản đơn Chúa Giê-xu sử dụng mở ra một cách nhìn thế giới hoàn toàn mới mẻ. Điều này áp dụng cho công việc cũng như trong mọi lĩnh vực. Chữ ergon trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “công việc” xuất hiện trên 25 lần trong sách Tin Lành này, còn chữ poieō nghĩa là “làm” thì thông dụng hơn, xuất
hiện trên 100 lần. Trong đa số trường hợp, các từ đó chỉ về công việc Đức Chúa Giê-xu làm cho Đức Chúa Cha; nhưng chúng cũng chứa đựng lời hứa dành cho công việc của con người. Điểm chính giúp chúng ta hiểu những phân đoạn này là phải nghiên cứu để tìm ý nghĩa mà sách Tin Lành Giăng hướng đến. Ý nghĩa thường tiềm ẩn nếu chỉ đọc lướt qua thì không thể nắm bắt được. Vì vậy, chúng ta sẽ đào xới chỉ trong một số phân đoạn Kinh Thánh mà từ công việc, người làm công và nơi làm việc có nghĩa cụ thể. Chúng ta sẽ lướt qua những phân đoạn không có những đóng góp thiết thực cho chủ đề việc làm.

CÔNG VIỆC CỦA NGÔI LỜI TRONG THẾ GIỚI (GIĂNG 1:1-18)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Từ ban đầu, Ngài ở với Đức Chúa Trời. Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài.” Phần mở đầu trang trọng của sách Tin Lành Giăng cho chúng ta thấy sự vô hạn trong công tác của Ngôi Lời. Ngài là sự bày tỏ đầy trọn của Đức Chúa Trời. Từ ban đầu, Đức Chúa Trời tạo dựng muôn vật qua Ngôi Lời. Ngài dang rộng cõi hoàn vũ như bức tranh bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Từ ban đầu Ngôi Lời đã làm việc, Ngài đang làm việc và tất cả những việc con người làm đều bắt nguồn từ công việc Ngôi Lời đã làm. Sử dụng cụm từ “bắt nguồn từ” không phải là cách nói quan trọng hoá vấn đề bởi vì mọi yếu tố trong công việc của con người đều đã được Ngài tạo nên. Công việc Đức Chúa Trời thi hành trong Sáng Thế Ký 1 và 2 được thực thi bởi Ngôi Lời. Tại đây cần nhấn mạnh một điểm dường như bị xem là không quan trọng: nhiều Cơ Đốc Nhân tiếp tục làm việc với niềm tin sai lạc rằng Đấng Mê-si-a chỉ bắt đầu hành động khi mọi thứ đã hư hoại đến mức không thể cứu vãn. Nghĩa là công tác của Đấng Mê-si-a chỉ giới hạn trong việc cứu chuộc phần thể chất vô hình là linh hồn con người để đem lên thiên đàng là cõi phi vật chất. Một khi chúng ta nhận ra Đấng Mê-si-a đã cùng làm việc tích cực với Đức Chúa Trời từ ban đầu, chúng ta có thể bác bỏ mọi thần học chối bỏ sự sáng tạo và cũng là các tư tưởng thần học xem thường công việc.

Vì thế, chúng ta cần sửa lại cách hiểu sai nhưng khá phổ biến này. Sách Tin Lành Giăng không đặt nền móng dựa trên các cặp khái niệm đối lập như: tâm linh đối lập với vật chất, hay thiêng liêng đối lập với xác thịt hoặc bất cứ cặp khái niệm đối lập nào khác theo thuyết nhị nguyên. Sự cứu rỗi không phải là giải phóng tâm linh con người khỏi những xiềng xích của thân xác vật chất. Thật đáng buồn vì các tư tưởng triết học nhị nguyên lại rất phổ biến giữa vòng các Cơ Đốc Nhân. Những người đề xướng triết lý này hay dùng từ ngữ trong sách Tin Lành Giăng để biện hộ cho quan điểm của mình. Đúng là Giăng thường ghi lại cách Chúa Giê-xu dùng các cặp đối lập như: ánh sáng/bóng tối (Giăng 1:5; 3:19; 8:12; 11:9-10; 12:35-36), tin/không tin (Giăng 3:12-18; 4:46-54; 5:46-47; 10:25-30; 12:37-43; 14:10-11; 20:24-39) và Thánh Linh/xác thịt (Giăng 3:6-7). Những cặp đối lập này nhấn mạnh sự xung đột giữa phương cách của Đức Chúa Trời và phương cách tội lỗi; nhưng chúng không định hình sự phân chia cõi tạo vật thành nhiều cặp đối lập. Chúa Giê-xu chắc chắn không sử dụng những cặp đối lập để kêu gọi những người theo Ngài từ bỏ thế giới “thế tục” mà bước vào thế giới “tâm linh”. Nhưng Chúa Giê-xu mượn những cặp đối lập này để kêu gọi những người theo Ngài đón nhận và sử dụng năng quyền của Thánh Linh Đức Chúa Trời trong thế giới hiện tại. Chúa Giê-xu nói điều này cụ thể trong Giăng 3:17: “Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu.” Chúa Giê-xu đến để phục hồi thế giới trở lại như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời; Ngài không lãnh đạo một cuộc xuất hành ra khỏi thế giới này.

Giăng 1:14 là chứng cứ về mối liên hệ gắn kết, trường tồn của Đức Chúa Trời đối với tạo vật, “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta.” Sự nhập thể không mang ý nghĩa tâm linh chiến thắng thể xác, nhưng làm trọn mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài dựng nên thể xác. Thể xác không phải là căn cứ hoạt động tạm thời, mà là nơi cư ngụ lâu dài của Ngôi Lời. Sau khi phục sinh, Chúa Giê-xu mời Thô-ma và những người khác rờ đụng vào thịt xương Ngài (Giăng 20:24-31) và sau đó Ngài mời họ ăn sáng với cá nướng (Giăng 21:1-15). Cuối sách Tin Lành Giăng, Chúa Giê-xu nói các môn đồ của Ngài hãy đợi “cho tới lúc Ta đến” (Giăng 21:22-23), không phải “cho đến lúc ta đem tất cả các con ra khỏi đây.” Nếu Đức Chúa Trời chống cự hoặc không màng gì tới thế giới vật chất thì Ngài sẽ không chọn trú ngụ lâu dài trong thế giới vật chất. Nếu thế giới được Đức Chúa Trời quan tâm nhiều như vậy, thì việc làm trong thế giới rất quan trọng với Ngài.

ĐƯỢC GỌI LÀM MÔN ĐỒ ĐƯỢC XEM LÀ BẠN HỮU (GIĂNG 1:35-51)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chúng ta sẽ nghiên cứu thuật ngữ “môn đồ” sau, nhưng cốt lõi của việc Giăng mô tả các môn đồ được thể hiện trong từ “bạn”. Trong Giăng 15:15, Chúa Giê-xu đã phán với các môn đồ của Ngài “Ta gọi các con là bạn hữu”. Yếu tố liên hệ là điều then chốt; chính những người bạn của Chúa Giê-xu là những người đầu tiên và trước nhất ở trong sự hiện diện của Ngài (Giăng 1:35-39; 11:54; 15:4-11). Sách Giăng chương 1 khác với văn phong quen thuộc của sứ đồ Giăng, mạch văn giống như đang cố nhồi nhét để có càng nhiều nhân vật xuất hiện với Chúa Giê-xu càng tốt. Giăng Báp-tít chỉ Chúa Giê-xu cho Anh-rê và một môn đồ khác. Anh-rê đem anh mình là Si-môn đến gặp Ngài. Phi-líp, là người cùng thành với Anh-rê và Simôn, tìm gặp Na-tha-na-ên và mời đến gặp Chúa Giê-xu. Đây không chỉ đơn giản là cách Chúa Giê-xu sẽ thi hành sứ mạng của Ngài thông qua các mối liên hệ cá nhân; nhưng điểm chính là việc kết nối các mối liên hệ cá nhân thành một mạng lưới.

Các môn đồ không phải là những người chỉ biết phơi mình hưởng thụ tình bạn nồng ấm của Chúa Giê-xu. Họ cũng là những người làm việc. Chương 1 chưa mô tả rõ ràng các môn đồ làm việc, mặc dù họ có “làm” công tác truyền giảng là dẫn anh em, hàng xóm đến gặp Chúa Giê-xu. Nhưng chắc chắn các môn đồ sẽ làm việc. Sự nối kết giữa tình bạn và công việc chính là cánh cửa dẫn chúng ta vào thần học về công việc của sứ đồ Giăng. Công việc đem đến kết quả, đồng thời nó cũng xây dựng các mối liên hệ, và điều này giống như tiếng vọng lại từ Sáng Thế Ký 2:18-22.

CHUYÊN GIA TỔ CHỨC TIỆC CƯỚI (GIĂNG 2:1-11)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chúa Giê-xu thi hành “dấu lạ” đầu tiên biến nước thành rượu trong Giăng 2:11 đã đặt nền tảng giúp chúng ta hiểu những dấu lạ về sau. Đây không phải là một trò bịp bợm rẻ tiền nhằm thu hút sự chú ý. Ngài làm dấu lạ đó một cách miễn cưỡng, và giấu nhẹm ngay cả với người tổ chức bữa tiệc. Chúa Giê-xu chỉ làm dấu lạ này khi đối diện với nhu cầu cấp thiết của con người và vì tôn trọng lời đề nghị của mẹ Ngài. Hết rượu trong tiệc cưới có lẽ là nỗi nhục rất lớn cho cô dâu, chú rể và gia đình của họ. Nỗi nhục đó sẽ còn âm ỉ dai dẳng trong văn hóa làng xã ở thành Ca-na. Không phải là một vị thần quyền năng vô cảm theo quan niệm về Chúa Trời của một số người Hy Lạp, Chúa Giê-xu bày tỏ chính mình là Con yêu quý và hiểu chuyện của Cha Đời Đời; Ngài cũng yêu quý người mẹ về phần xác của mình.

Việc Chúa Giê-xu hóa nước thành rượu cho thấy Ngài không chỉ giống Đức Chúa Cha trong sự yêu thương, mà còn trong năng quyền trên tạo vật. Người đọc sách Giăng cách cẩn thận sẽ phải ngạc nhiên về Ngôi Lời. Ngài là Đấng đã tạo nên muôn vật nhưng lại trở nên xác thịt, và đem những phước hạnh vật chất đến cho người thuộc về Ngài. Chối bỏ Chúa Giê-xu có thể làm phép lạ đồng nghĩa chối bỏ Đấng Christ đã ở cùng Đức Chúa Trời từ lúc ban đầu. Mặc dù rõ ràng xảy ra ngoài dự kiến, nhưng thật ngạc nhiên, phép lạ này đã bày tỏ mục tiêu tối hậu của Chúa Giê-xu một cách không thể nhầm lẫn: Ngài đã đến để kéo mọi người vào dự tiệc cưới tuyệt vời của Đức Chúa Trời, nơi mà họ sẽ cùng nhau hân hoan dùng bữa với Ngài. Chúa Giê-xu đã sử dụng những thứ thuộc về thế giới hiện tại để thi hành những việc đầy quyền năng. Chúng không chỉ là những phước hạnh diệu kỳ cho thế giới trong hiện tại, nhưng còn chỉ về những phước hạnh vĩ đại hơn trong thế giới sẽ đến.

CHÚA GIÊ-XU: ĐẤNG “LÀM” MỌI VIỆC (GIĂNG 3:1-36)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Cuộc trò chuyện của Chúa Giê-xu với Ni-cô-đem và các môn đồ của Ngài chứa đựng những kho báu vô giá. Chúng ta sẽ bắt đầu với một câu mang nhiều hàm ý sâu sắc liên quan đến việc làm của con người. “Cha yêu thương Con và giao tất cả mọi sự trong tay Con” (Giăng 3:35). Bối cảnh tại đây nhấn mạnh việc Đức Chúa Con truyền đạt lời của Đức Chúa Cha, nhưng trong phần còn lại của sách Tin Lành Giăng, cụm từ “mọi sự” cần được hiểu theo nghĩa đen là tất cả mọi việc. Đức Chúa Trời ủy thác cho Đấng Mê-si-a tạo dựng mọi sự, duy trì mọi sự và khiến mọi sự hoàn tất theo ý định từ trước.

Phân đoạn này lặp lại những gì chúng ta đã học trong phần mở đầu: Đức Chúa Con dự phần với Đức Chúa Cha trong việc thiết lập và duy trì thế giới này. Cái mới ở đây chính là sự mặc khải bản chất việc Đức Chúa Cha chọn để Đức Chúa Con được dự phần: đó là hành động của tình yêu. Đức Chúa Cha bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho Đức Chúa Con bằng việc đặt mọi sự trong tay Đức Chúa Con, bắt đầu với việc sáng tạo. Thế giới, kết quả của sự sáng tạo, là “công việc của tình yêu” trong ý nghĩa tuyệt đối. Nếu hành động thêm công việc cho ai đó được xem là việc làm xuất phát từ tình yêu thì công việc phải là điều gì đó tuyệt vời hơn cách suy nghĩ, cảm nhận bình thường của chúng ta. Chúng ta sẽ khai triển ý tưởng quan trọng này nhiều hơn qua việc xem xét cách Chúa Giê-xu hành động trong phần còn lại của sách Tin Lành Giăng.

Chương ba không chỉ lặp lại cách Ngôi Lời mặc lấy xác thịt loài người, nhưng còn minh họa tiến trình ngược lại, xác thịt con người được đầy dẫy Thần Linh của Đức Chúa Trời như thế nào. “Thật, Ta bảo thật ngươi: nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra thì không thể vào vương quốc Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5). Chúng ta được sinh ra “vào vương quốc của Ngài” khi chúng ta đón nhận Thánh Linh Đức Chúa Trời. Được sinh ra là một tiến trình của thân xác. Khi chúng ta trở nên thật sự “thuộc linh”, chúng ta không vứt bỏ thân xác và bước vào một trạng thái phi vật chất nào đó. Ngược lại, chúng ta sẽ được sinh ra một cách hoàn hảo hơn – được sinh ra “từ trên” (Giăng 3:3) – trong sự hiệp nhất giữa Thánh Linh và xác thịt, giống như Chúa Giê-xu.

Trong cuộc trò chuyện với Ni-cô-đem, Chúa Giê-xu nói rằng những ai được sinh ra từ trên sẽ “đến với ánh sáng để các việc mình làm trong Đức Chúa Trời được thấy rõ” (Giăng 3:21). Về sau Ngài sử dụng hình ảnh ẩn dụ bước đi trong ánh sáng để minh họa cho ý tưởng này (Giăng 8:12; 11:9-10; 12:35-36). Điều này mang ý nghĩa quan trọng về đạo đức khi áp dụng trong công việc. Nếu chúng ta làm mọi việc một cách công khai, thì chúng ta có một công cụ hỗ trợ hiệu quả để tiếp tục giữ tiêu chuẩn đạo đức của vương quốc Đức Chúa Trời. Nhưng nếu chúng ta trốn tránh hoặc che đậy công việc của mình, đó thường là tín hiệu báo động rõ ràng chúng ta đang đi theo một phương cách trái đạo đức. Đây không phải là một nguyên tắc cứng nhắc, vì chính Chúa Giê-xu cũng có khi hành động một cách âm thầm (Giăng 7:10), các môn đồ của Ngài cũng vậy, như Giô-sép người Ma-ri-mathê chẳng hạn (Giăng 19:38). Nhưng ít nhất chúng ta có thể hỏi: “Tôi đang giữ bí mật với ai?”

Hãy suy nghĩ về ví dụ sau, có một người đến Châu Phi với công tác đóng tàu ở hồ Victoria. Anh ấy nói rằng mình thường bị các viên chức địa phương đến “xin” tiền hối lộ. Đòi hỏi này luôn luôn là bí mật. Không có giấy tờ, không thể chi trả công khai, nó giống như tiền quà hoặc tiền trả dịch vụ ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ. Chẳng có hóa đơn nào cả và giao dịch này chẳng thể khai trình trong sổ sách. Anh ta đã sử dụng Giăng 3:20-21 như một nguồn khích lệ để đem những yêu cầu hối lộ này ra ánh sáng. Anh sẽ nói với viên chức đòi tiền rằng: “Tôi không biết nhiều về việc phải trả những khoản phí nầy. Để tôi mời ngài đại sứ hoặc bộ phận quản lý đến để xem quy định này ở đâu ra.” Anh thấy đây là một chiến thuật khá hữu ích để giải quyết chuyện hối lộ.

Điểm quan trọng cần lưu ý là ẩn dụ bước đi trong ánh sáng không phải là nguyên tắc áp dụng cho mọi trường hợp. Trong môi trường việc làm, giữ bí mật hay bảo mật có vị trí của nó, như trong những vấn đề cá nhân, sự riêng tư trên mạng truyền thông hoặc những bí mật kinh doanh. Nhưng ngay cả khi chúng ta đối diện với những thông tin không nên công khai, thì cũng hiếm khi chúng ta cần phải hành động hoàn toàn trong bóng tối. Nếu chúng ta đang che giấu hành động
của mình với những người cùng phòng ban hoặc với những người có trách nhiệm pháp lý, hoặc nếu những việc làm của chúng ta bị tường thuật trên báo chí và khiến chúng ta xấu hổ, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc chúng ta đang làm là vi phạm đạo đức.

TÌM NƯỚC. CẤP NƯỚC (GIĂNG 4)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Giống như các câu chuyện trong sách Giăng, câu chuyện người phụ nữ bên giếng nước (Giăng 4:1-40) cũng bàn trực tiếp đến công việc của con người; nhưng chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ mới có thể nếm hết mùi vị của nó. Nhiều Cơ Đốc Nhân chú ý đến đặc điểm của người phụ nữ này không thể liên kết giữa công việc múc nước hằng ngày và những lời công bố về quyền năng ban phát sự sống của Chúa Giê-xu. Chủ đề này tràn ngập khắp sách Tin Lành Giăng: đám đông nhiều lần chứng tỏ họ không thể vượt trên những mối quan tâm hằng ngày để có thể hiểu về lĩnh vực thuộc linh trong đời sống. Họ không thể hiểu làm sao Chúa Giê-xu có thể ban thân thể của Ngài để làm bánh cho họ (Giăng 6:51-61). Họ nghĩ họ biết quê quán của Ngài là Na-xa-rét (Giăng 1:45), nhưng họ không thể thấy quê quán thật sự của Ngài là từ trời đến; và họ cũng chẳng biết Ngài đi đâu (Giăng 14:1-6).

Khi suy ngẫm về công việc, tất cả những điều này rõ ràng là có liên hệ. Dù chúng ta nghĩ gì về sự quan trọng và ích lợi của một nguồn cung cấp nước ổn định, dù cho mỗi khi uống nước chúng ta có xác nhận đó là việc rất tốt đi nữa, chắc chắn câu chuyện này cho chúng ta thấy rõ nước thuộc thể không thể ban cho chúng ta sự sống đời đời. Không chỉ vậy, rất khó cho người phương Tây hiện đại hiểu được sự vất vả cực nhọc trong việc gánh nước mỗi ngày của người phụ nữ này, rồi đổ lỗi cho cô là lười nhác nên có thái độ miễn cưỡng đi múc nước. Nhưng lời rủa sả trên công việc (Sáng 3:14-19) vẫn đeo bám con người, và việc người phụ nữ ấy muốn có một hệ thống cấp nước tốt hơn là điều có thể cảm thông. Tuy nhiên, chúng ta không nên kết luận rằng Chúa Giê-xu đến để giải phóng chúng ta khỏi công việc trong thế giới nhơ nhớp tội lỗi, để chúng ta được tắm gội trong mé nước bình tịnh của cõi tâm linh. Như thường lệ, trước hết chúng ta cần lưu ý bản chất toàn diện trong công tác của Đấng Christ như đã được ký thuật trong Giăng 1: Đấng Mê-si-a là Đấng Sáng Tạo, chính Ngài đã tạo nên nước trong giếng, và mọi điều Ngài đã tạo ra là tốt lành. Nếu Ngài sử dụng nước trong giếng để minh họa đặc tính năng động của công tác Đức Thánh Linh thi hành trong lòng những người sẽ thờ phượng Ngài, thì có thể xem cách minh họa này là sự tôn cao chứ không phải hạ thấp giá trị của nước. Việc chúng ta đặt Đấng Tạo Hóa trước tạo vật không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ tạo vật, đặc biệt khi một chức năng của tạo vật là bày tỏ cho chúng ta biết về Đấng Tạo Hóa. Tương tự trong phần sau của câu chuyện, Chúa Giê-xu cũng dùng việc gặt hái làm phép ẩn dụ để giúp các môn đồ của Ngài hiểu về sứ mạng của họ trong thế giới này:

“Chẳng phải các con nói: ‘Còn bốn tháng nữa là đến mùa gặt sao?’ Nhưng Ta nói với các con: ‘Hãy ngước mắt lên và xem những cánh đồng đã vàng sẵn sàng cho mùa gặt. Người gặt nhận tiền công và thu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, để cả người gieo lẫn người gặt đều vui mừng” (Giăng 4:35-36).

Công việc đồng áng là phương cách Chúa dùng để ban phước, cung cấp cho con người thức ăn mỗi ngày; đây cũng là điều Chúa đã dạy chúng ta cầu xin (Mat 6:11). Không chỉ vậy, công việc đồng áng còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự phát triển của vương quốc Đức Chúa Trời; trong phân đoạn này, Chúa Giê-xu đã trực tiếp tôn cao giá trị của công việc.

Trong Giăng 4:34 “Lương thực của Ta là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta, và hoàn tất công việc của Ngài”, chữ “công việc” được dịch từ chữ Hy Lạp ergon. Cần phải lưu ý rằng lần đầu tiên từ ergon xuất hiện trong bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp mà Chúa Giê-xu và các môn đồ, sứ đồ đã sử dụng (bản LXX), là Sáng Thế Ký 2:2 “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời hoàn tất các công việc Ngài [tiếng Hy Lạp là erga] đã làm. Vì thế, vào ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Ngài đã làm xong mọi công việc [tiếng Hy Lạp là erga]”. Dù chúng ta không biết chắc Chúa Giê-xu có đang ám chỉ câu Kinh Thánh này trong Sáng Thế Ký hay không, nhưng theo sự soi sáng của cả sách Tin Lành Giăng thì có thể hiểu khái niệm “công việc của Đức Chúa Trời” trong Giăng 4:34 là sự phục hồi toàn diện hoặc sự hoàn tất công tác Đức Chúa Trời đã làm từ ban đầu, từ lúc sáng tạo.

Ở đây có một chi tiết khá tinh tế. Trong Giăng 4:38, Chúa Giê-xu đã phán một câu khá khó hiểu “Ta đã sai các con gặt những gì mình không phải làm khó nhọc. Những người khác đã làm khó nhọc, còn các con thì vào chia sẻ công khó của họ.” Ngài đang nói với các môn đồ về cánh đồng đã chín vàng là người Sa-ma-ri đã sẵn sàng cho nước Trời, nếu họ sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Nhưng “những người khác đã làm khó nhọc” là ai? Một phần của câu trả lời chính là người phụ nữ bên giếng.

Chúng ta thường chỉ nhớ bà là người chậm hiểu thuộc linh hơn là người đã có lời chứng rất hiệu quả cho Chúa Giê-xu sau đó. “Nhiều người Sa-ma-ri ở thành đó tin Ngài, vì người phụ nữ đã làm chứng rằng: ‘Ngài đã nói ra hết mọi điều tôi đã làm’” (Giăng 4:39). Các môn đồ chỉ đơn giản gặt tại nơi mà người phụ nữ này đã gieo. Ngoài ra còn có một người khác cũng đã làm việc khó nhọc, đó chính là Đấng Christ. Ở đầu câu chuyện, lời văn tường thuật Chúa Giê-xu “mệt mỏi” vì đi đường. Từ Hy Lạp được dịch “mệt mỏi” là kekopiakōs, có nghĩa đen là “khó nhọc”. Do đó, câu Kinh Thánh trên khi dịch theo nghĩa đen sẽ là Chúa Giê-xu đang “khó nhọc” vì đi đường. Đây là lần xuất hiện duy nhất của từ này trong sách Tin Lành Giăng.

Nhưng trong Giăng 4:38 xuất hiện các từ khác có cùng gốc với từ kekopiakōs “…các con không phải làm khó nhọc [tiếng Hy Lạp là kekopiakate]… Những người khác đã làm khó nhọc [tiếng Hy Lạp là kekopiakasin]… các con thì vào chia sẻ công khó của họ [tiếng Hy Lạp là kopon]…” Thật vậy, Chúa Giê-xu đã khó nhọc vì chuyến đi đến Sa-ma-ri. Cánh đồng Sa-ma-ri đã chín vàng sẵn sàng cho mùa gặt một phần là vì Đấng Christ đã làm việc tại đó. Khi chúng ta bước theo Đấng Christ, mọi việc chúng ta làm đều được bao phủ trong vinh hiển của Đức Chúa Trời, bởi vì chính Đức Chúa Giê-xu Christ đã làm việc trước trong công tác đó, Ngài chuẩn bị sẵn sàng cho chúng ta.

Như chúng ta đã thấy, công tác cứu chuộc của Đấng Christ được xếp cùng loại với công tác sáng tạo mà Ngài đã thi hành từ thuở ban đầu. Cũng vậy, công tác cứu chuộc của chúng ta là những người theo Chúa Giê-xu cũng được xếp cùng loại với công việc sáng tạo/sản xuất tiêu biểu như việc múc nước của người nội trợ, việc thu hoạch mùa màng của người nông dân. Chứng đạo là một trong nhiều loại hình công việc của con người, nó không cao trọng hơn hay thấp kém hơn việc nội trợ hoặc việc làm nông. Chứng đạo là một loại hình công việc đặc biệt mà không công việc nào khác có thể thay thế; việc múc nước hay việc thu hoạch mùa màng cũng vậy. Chứng đạo không thể thay thế công việc sáng tạo/sản xuất để trở thành hoạt động duy nhất thật sự đáng làm của con người, bởi vì bất cứ công việc nào mà Cơ Đốc Nhân làm tốt, hoàn tất, đều là lời chứng về năng quyền đổi mới của Đấng Tạo Hóa.

AI LÀM, LÀM KHI NÀO VÀ VÌ SAO LẠI LÀM? (GIĂNG 5)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chúa Giê-xu chữa lành cho người bại liệt nằm bên hồ Bết-sai-đa đã làm bộc phát cuộc tranh cãi về việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Đây cũng là lý do thường khiến nảy sinh nhiều cuộc tranh cãi trong các sách Ma-thi-ơ, Mác và Luca. Nguyên nhân dẫn đến sự kiện này thì không lạ nhưng tại đây cách Chúa Giê-xu biện giải để đối đáp thì hơi khác thường một chút. Dòng lập luận chi tiết của Ngài được tóm tắt sống động trong 5:17 “Cha Ta vẫn đang làm việc cho đến bây giờ, Ta
cũng làm việc như vậy.” Tại đây trình bày nguyên tắc: Trong ngày Sa-bát, Đức Chúa Trời vẫn làm việc để giữ cho cõi tạo vật vận hành, và vì thế Chúa Giê-xu, Đấng có đồng bản thể với Đức Chúa Trời, cũng được phép làm điều tương tự. Dĩ nhiên không phải chỉ có Chúa Giê-xu đặt tiên đề cho lý luận của mình từ việc Đức Chúa Trời vẫn hành động cả trong ngày Sa-bát, nhưng chỉ có Ngài dùng tiền đề này để chứng minh việc làm của mình là hợp lý.

Kết quả là chúng ta không thể sử dụng câu chuyện này để chứng minh làm việc trong ngày Sa-bát là đúng hay sai. Có thể chúng ta đang làm việc của Chúa, nhưng chúng ta không có thần tính như Đấng Christ. Khi con người làm những việc có tính quyết định giữa sự sống-cái chết, thì dù là làm trong ngày Sa-bát vẫn được xem là hợp pháp, ví dụ: kéo con vật từ hố lên hay tự vệ bằng quân sự như trong cuộc kháng chiến của dòng họ Mạc-ca-bê. Nếu Chúa Giê-xu đợi qua ngày Sa-bát rồi mới chữa lành cho người bại thì ông ta cũng chẳng bị thiệt thòi gì. Điều cần chú ý trong câu chuyện này là sự chữa lành của Chúa Giê-xu không bị chất vấn, nhưng Ngài bị chỉ trích vì cho phép anh ta vác giường mà theo Luật Do Thái là một hình thức làm việc, là điều cấm trong ngày Sa-bát. Có phải điều này ám chỉ Chúa Giê-xu cho phép chúng ta đi du lịch trong ngày Sa-bát không? Còn việc đáp chuyến bay đi công tác trong ngày Chúa nhật để chuẩn bị làm việc vào sáng thứ hai thì sao? Chúa có cho phép vận hành các nhà máy hoạt động 24/7/365 không?

Ở đây không có ý nói rằng Chúa Giê-xu chỉ đơn thuần mở rộng danh sách những hoạt động được phép làm trong ngày Sa-bát. Thay vào đó, chúng ta hãy diễn giải điều này theo chủ đề xuyên suốt sách Giăng đó là: công tác duy trì và chuộc lại tạo vật cả vật chất và tâm linh cũng như góp phần làm cho mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời và người khác quan trọng hơn là điều được phép làm trong ngày Sa-bát. Chính bạn phải xác định trong các công việc của mình, việc nào có các đặc tính này.[1]

Trong phần ký thuật này, bài học rõ ràng và quan trọng là Đức Chúa Trời vẫn đang hành động để duy trì cõi tạo vật trong hiện tại, và Chúa Giê-xu mở rộng công tác đó qua chức vụ chữa lành của Ngài. Những dấu lạ Chúa Giê-xu thực hiện trên một phương diện là sự mở ra thế giới mới, minh chứng cho “quyền năng của thời đại sẽ đến” (Hê 6:5). Đồng thời, chúng cũng là sự tiếp nối của thế giới hiện tại. Đây là hình mẫu lý tưởng cho nhiều nghề nghiệp khác nhau. Nếu đặc tính công việc của bạn là phục hồi những thứ đã cạn kiệt, hư hỏng như bác sĩ, y tá, thợ máy, v.v… thì công việc của bạn là hành động của đức tin để kêu gọi và hướng người khác đến sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa. Nếu đặc tính công việc của bạn là phát triển những khả năng của tạo vật Chúa đã dựng nên như lập trình viên, giáo viên, họa sĩ, v.v…, thì công việc của bạn là hành động bằng đức tin để mời gọi mọi người suy ngẫm về sự tốt lành trong vai trò quản trị thế giới mà Chúa đã ban cho loài người. Khi được thực hiện bởi đức tin thì cả công tác cứu chuộc hay sáng tạo/sản xuất do chúng ta thực hiện đều bày tỏ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời là Đấng hiện có, đã có và còn đến. Qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã dựng nên muôn vật. Qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời đang phục hồi muôn vật trở lại như ý định nguyên thủy của Ngài. Và cũng qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời sẽ đem muôn vật đến ý định tốt lành mà Ngài đã định từ trước.

BÁNH SỰ SỐNG (GIĂNG 6)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Câu chuyện Chúa hóa bánh cho năm ngàn người ăn trong Giăng 6:1-15 tái hiện nhiều chủ đề trước đó trong câu chuyện về tiệc cưới tại Ca-na và sự chữa lành người bại. Tại đây, Chúa Giê-xu tiếp tục làm việc để duy trì sự sống trong thế giới hiện tại dù dấu lạ Ngài làm là để chỉ về sự sống đầy trọn trong tương lai mà chỉ có Chúa Giê-xu có thể ban cho con người. Tuy nhiên, Giăng 6:27-29 đặt ra vài thách thức cho thần học về công việc:

“Đừng làm việc vì thức ăn hay hư nát, mà vì thức ăn còn mãi đến sự sống đời đời, là thức ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Đấng mà Đức Chúa Trời, là Cha, đã ấn chứng cho.” Họ thưa: “Chúng tôi phải làm gì để được làm công việc của Đức Chúa Trời?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Công việc của Đức Chúa Trời là các ngươi tin Đấng mà Ngài đã sai đến.”

Tại đây có ít nhất hai vấn đề: thứ nhất, dường như Chúa Giê-xu truyền lệnh đừng làm việc; và thứ hai, có vẻ như Ngài gia giảm việc thi hành công tác của Đức Chúa Trời chỉ còn là tin cậy Chúa.

Vấn đề thứ nhất khá dễ giải quyết. Kinh Thánh, giống như trong mọi phương thức truyền thông đều phải xem xét ý nghĩa dựa theo bối cảnh. Trong Giăng 6 đám đông muốn giữ Chúa Giê-xu lại để phục vụ họ như một ông-vua-có-phép-thầnthông cứ hóa bánh mãi không ngừng. Vì vậy khi Chúa Giê-xu phán: “Các ngươi tìm ta không phải vì đã thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Giăng 6:26), Ngài đang quở trách sự thiển cận thuộc linh của họ. Họ ăn bánh, nhưng họ không nhận biết ý nghĩa dấu lạ ấy bày tỏ. Đây chính là điều chúng ta học được từ chương 4. Sự sống đời đời không đến từ nguồn thực phẩm vô tận, nhưng từ Lời sự sống ra từ miệng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu không tiếp tục ban bánh cho đám đông khi việc làm đó không còn dẫn đến kết quả như mong đợi là giúp đám đông có mối liên hệ đúng với Đức Chúa Trời. Người làm công nào cũng đều làm như vậy. Nếu nêm thêm muối mà vẫn không làm cho món súp đậm đà hơn, thì người đầu bếp sẽ không nêm thêm muối nữa. Chúa Giê-xu không có ý “đừng làm việc nữa”, nhưng Ngài dạy đừng làm việc để chỉ có thêm đồ ăn, có thêm nhiều thứ mà con người không cần. Lời dạy này nghe như quá hiển nhiên, không cần phải có Lời Chúa truyền dạy thì chúng ta mới biết, nhưng ai trong chúng ta lại không cần được nghe lại chân lý này một lần nữa? Lời dạy của Chúa Giê-xu cấm làm việc vì những lợi ích chỉ có giá trị tạm thời là một hình thức diễn đạt thậm xưng tập trung vào mối liên hệ của đám đông với Đức Chúa Trời cần được thay đổi, phục hồi.

Còn vấn đề dường như Chúa Giê-xu gia giảm làm việc chỉ là tin cậy Chúa thì cần phải được xem xét dựa trên nền tảng thần học của sách Tin Lành Giăng và các thư tín của Giăng. Sứ đồ Giăng thích đưa mọi thứ đến thái cực. Giăng có quan điểm tôn cao sự tể trị và quyền sáng tạo của Đức Chúa Trời dẫn đến việc ông nhấn mạnh sự lệ thuộc của con người vào Chúa, như trong chương này. Những việc Đức Chúa Trời đã làm vì chúng ta, cho chúng ta là không giới hạn vì vậy chúng ta chỉ cần tin nơi Ngài và tiếp nhận công việc Đức Chúa Trời đã làm (cho chúng ta) qua Đấng Christ. Ở phương diện ngược lại, Chúa Giê-xu cũng nhấn mạnh thái độ thuận phục tích cực. Giăng trình bày điều này trong 1 Giăng 2:6 “Ai nói mình ở trong Ngài thì phải bước đi như chính Ngài đã bước đi” cũng như trong 1 Giăng 5:3 “Yêu Đức Chúa Trời tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài”. Chúng ta có thể kết hợp hai thái cực này lại qua cách diễn đạt của Phao-lô “sự thuận phục của đức tin” (Rô 1:5) hoặc của Gia-cơ 2:18 “tôi sẽ cho bạn thấy đức tin bằng hành động của tôi.”

THẤY VÀ TIN (GIĂNG 9)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Giăng đoạn 9 kể lại câu chuyện Chúa Giê-xu và các môn đồ thấy một người bị mù từ khi sinh ra. Các môn đồ xem anh ta như một bài học hay một ví dụ điển hình về nguồn gốc của tội lỗi. Ngược lại, Chúa Giê-xu nhìn với lòng thương xót, rồi Ngài hành động để chữa lành cho anh. Phương pháp chữa bệnh kỳ lạ của Đấng Christ và những việc làm sau đó của người đàn ông không-còn-bị-mù cho thấy vương quốc Đức Chúa Trời ở giữa thế giới của xương-và-thịt. Cách thức chữa lành cho người mù của Chúa Giê-xu trộn nước miếng với bụi đất thành bùn và bôi lên mắt người mù không phải là việc làm kỳ quặc của người mất trí, nhưng là sự lặp lại cách có chủ đích câu chuyện Đức Chúa Trời tạo dựng con người từ bụi đất (Sáng 2:7). Trong truyền thống của Kinh Thánh cũng như văn hóa Hy Lạp, bùn (trong tiếng Hy Lạp là pēlos) được sử dụng để mô tả chất liệu cơ bản tạo dựng nên con người. Ví dụ, Gióp 10:9 “Xin Chúa nhớ rằng Ngài đã nhồi nắn con từ đất sét; sao bây giờ Chúa lại muốn trả con trở về cát bụi?”[1]

SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT HẦU ĐẾN (GIĂNG 10-12)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Trong lần cuối lên thành Giê-ru-sa-lem, tại Bê-tha-ni, Chúa Giê-xu đã làm dấu lạ vĩ đại nhất là khiến La-xa-rơ sống lại (Giăng 11:1-44). Những người chống đối Chúa Giê-xu đã tìm cách ném đá Ngài (Giăng 8:59; 10:31), họ quả quyết cả Chúa Giê-xu và La-xa-rơ đều phải chết. Với viễn cảnh về sự chết, Chúa Giê-xu đã nói về thập tự giá một cách đầy nghịch lý. Ngài sử dụng ngôn từ như có vẻ tán tụng, rằng Ngài sẽ được “treo lên” và kéo mọi người đến với Ngài. Nhưng Giăng nói rõ trong phần ghi chú kèm theo rằng điều này chỉ về việc Ngài sẽ bị “treo lên” thập tự giá. Có phải đây chỉ là cách chơi chữ không? Không hề! Richard Bauckham đã giải thích rằng chính trong công tác hy sinh tận cùng trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã bày tỏ một cách đầy trọn rằng Ngài thật sự là Con cao quý của Đức Chúa Trời.

“Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chính mình Ngài cách đầy ân sủng, nên chúng ta có thể nói rằng phẩm tính của Đức Chúa Trời không chỉ được bày tỏ mà còn được thực thi qua biến cố cứu chuộc thế giới mà trong đó Con Ngài đã hoàn tất sự phục vụ và hạ mình chịu đựng mọi sự nhục nhã.”[1]

Sự hy sinh sắp tới của Chúa Giê-xu sẽ đòi hỏi Ngài phải trả giá nhiều điều trong nhiều phương diện. Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu phải trả giá bằng cái chết của Ngài, với nỗi đau về thể xác bị cơn đói khát dằn vặt (Giăng 19:28). Chúa Giê-xu trả giá với tấm lòng tan vỡ khi các môn đồ của Ngài (trừ Giăng) đều bỏ trốn và Ngài phải rời xa Ma-ri, mẹ của mình (Giăng 19:26-27). Và Chúa Giê-xu đã phải trả giá khi bị sỉ nhục, hiểu nhầm và kết tội oan (Giăng 18:18-24). Để thực hiện những công tác mà Đức Chúa Trời đã định trước thì không thể tránh né những điều này. Thế giới không thể hiện hữu nếu không có công tác được Đấng Christ thi hành lúc ban đầu. Thế giới không thể được phục hồi trở về như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời nếu không có công tác cứu chuộc được Đấng Christ hoàn tất trên thập tự giá.

Công việc có thể cũng đòi hỏi chúng ta phải trả giá đắt, không hề tương xứng, nhưng để hoàn thành công việc thì đó là điều chúng ta không thể tránh né. Chúa Giê-xu đã làm việc để đem sự sống thật đến cho người khác. Vì vậy khi chúng ta dùng công việc của mình như một phương tiện để tôn cao bản thân, thì chúng ta tách biệt khỏi khuôn mẫu của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu có biết khi làm điều gì đó cho người khác thì không thể tránh được việc phải đánh đổi nhiều thứ? Có lẽ có. Ở các nước phương tây ngày nay, bác sĩ được trả lương cao để chữa bệnh cho người khác, nhưng phải chịu đựng, không thể tránh né việc chứng kiến bệnh nhân của mình bị đau đớn. Thợ sửa ống nước có mức lương thu nhập khiến phải ghen tị, nhưng lúc nào quanh người cũng toàn những mùi hôi thối khó chịu. Những viên chức được công chúng bầu lên để đem lại sự công bằng và thịnh vượng cho người dân, nhưng giống Chúa Giê-xu, lúc nào họ cũng mang gánh nặng khi biết rằng “các con luôn có người nghèo ở với mình” (Giăng 12:8). Trong mỗi nghề nghiệp, có lẽ đều có những cách để không phải chịu đựng việc chia sẻ nỗi đau với người khác.

Bác sĩ có thể giảm việc tiếp xúc với những bệnh nhân ở tình trạng cơ thể không còn có thể tiếp nhận thuốc giảm đau. Thợ sửa ống nước chỉ nhận sửa ống nước của những nhà mới xây, sạch sẽ; hoặc các viên chức chính quyền không bận lòng quan tâm về những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Nhưng những cách làm việc đó có giống gương mẫu của Chúa Giê-xu không? Mặc dù chúng ta thường xem công việc là cách chúng ta kiếm sống, nhưng người nào tận tụy làm việc đều có trải nghiệm làm việc còn là cách tự bạn khiến lòng mình tan vỡ. Khi đó, bạn làm việc như cách Chúa Giê-xu đã làm.

LÃNH ĐẠO BẰNG TINH THẦN TÔI TỚ (GIĂNG 13)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Đến điểm này của sách Giăng, chúng ta đã thấy Chúa Giê-xu làm những việc mà chưa ai từng làm – biến nước thành rượu, chữa lành người mù, gọi người chết sống lại. Giờ đây Ngài làm việc dường như ai cũng có thể làm nhưng ít ai muốn: rửa chân cho người khác. Vị vua lại làm việc của một đầy tớ.

Khi Chúa Giê-xu rửa chân, Ngài khiến chúng ta đặt câu hỏi đã theo đuổi chúng ta qua cả sách Tin Lành Giăng: “Việc làm của Chúa Giê-xu là khuôn mẫu cho công việc của chúng ta đến mức độ nào?” Thật dễ dàng để trả lời “Đó không phải là khuôn mẫu! Có ai trong chúng ta làm Chúa đâu? Ai trong chúng ta có thể chết thay tội lỗi của cả thế giới?” Nhưng khi Chúa rửa chân cho các môn đồ, Ngài đã nói rõ ràng với họ (và cho chúng ta) rằng chúng ta phải làm theo gương của Ngài. “Nhưng nếu Ta là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Ta đã làm gương cho các con” (Giăng 13:14-15).

Thái độ phục vụ khiêm nhường này cần có trong mọi việc chúng ta làm. Nếu một CEO đi đến nhà máy để thị sát dây chuyền sản xuất, thì phải đến như để rửa chân cho các công nhân trong công ty của mình. Cũng vậy, một nhân viên làm việc ở cây xăng lau dọn sàn nhà vệ sinh như thể lau chân cho những người người khách đến đổ xăng. Đây không phải là vấn đề về hành động mà là vấn đề của thái độ. Khi vị CEO cũng như nhân viên làm việc ở cây xăng làm tốt công việc của mình, họ đều có thể phục vụ người khác nhiều hơn chỉ là rửa chân cho các công nhân hay các khách hàng. Họ cần xem mình đang phục vụ cách khiêm nhường. Chúa Giê-xu, người thầy được đầy dẫy Thánh Linh, Đấng cai trị trên toàn cõi hoàn vũ, đã thực hiện cách có chủ ý một hành động phục vụ cụ thể để bày tỏ thái độ những người thuộc về Ngài cần phải có. Khi Chúa Giê-xu rửa chân, Ngài vừa đề cao và vừa đòi hỏi các môn đồ của mình phục vụ cách khiêm nhường. Việc Chúa Giê-xu làm khiến các môn đồ của Ngài cũng như chúng ta đối diện với thực tế là lòng tin kính phải được bày tỏ qua việc làm vì ích lợi của người khác, chứ không chỉ đơn thuần để thỏa mãn bản thân.

Quan niệm lãnh đạo với tinh thần tôi tớ những năm gần đây đã nhận được sự quan tâm rộng rãi trong cả giới doanh nhân lẫn trong chính quyền. Quan niệm lãnh đạo này không chỉ xuất hiện trong sách Tin Lành Giăng mà còn xuất hiện trong nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh.[1]

LỜI TẠM BIỆT (GIĂNG 14-17)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chương 14 đến 17 ghi lại những lời Chúa Giê-xu lời trên phòng cao, thường được biệt riêng thành một phân đoạn vì chứa đựng nhiều ý nghĩa thần học rất sâu sắc mà chúng ta chỉ có thể đề cập vài điểm nổi bật. Nhưng điều quan trọng cần chú ý là những lời Chúa Giê-xu nói không phải là bài diễn thuyết vô cảm. Vì không bao lâu nữa Chúa Giê-xu sẽ phải rời xa những môn đồ, là những người Ngài yêu thương. Chúa Giê-xu đang đau lòng. Những lời Ngài nói trước hết là nhằm an ủi họ trong nỗi buồn đau.

CÔNG VIỆC VÀ CÁC MỐI LIÊN HỆ (GIĂNG 14-17)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Nhấn mạnh vào các mối liên hệ cá nhân là sự kết nối chính về thần học trong những chương này. Chúa Giê-xu không gọi các môn đồ “là đầy tớ nữa… nhưng là bạn hữu” (Giăng 15:15). Họ làm việc vì Ngài, nhưng trong tinh thần bạn bè và đồng nghiệp, như trong một “công ty gia đình” đúng nghĩa. Công việc và mối liên hệ hòa quyện vào nhau vì Chúa Giê-xu không làm việc một mình. “Những lời Ta nói với các con không phải Ta tự nói, nhưng chính Cha là Đấng ở trong Ta đang làm những việc của Ngài. Khi Ta nói Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta thì hãy tin Ta” (Giăng 14:10-11). Các môn đồ cũng không bị từ bỏ như trẻ mồ côi phải rối trí bởi thế gian này (Giăng 14:18). Qua Đức Thánh Linh, Chúa Giê-xu sẽ ở với các môn đồ, và họ sẽ làm những việc mà Ngài đã làm (Giăng 14:12).

Tưởng như đơn giản nhưng điều này thật sâu sắc. Sau khi Chúa Giê-xu chết, các môn đồ/bạn hữu của Ngài vẫn có thể kinh nghiệm Chúa Giê-xu trong sự cầu nguyện, nhưng không chỉ như vậy, điều này còn có nghĩa họ là những người được dự phần cách tích cực vào việc sáng tạo/phục hồi thế giới, đây cũng chính là tác nhân cho mối liên hệ yêu thương giữa Đức Chúa Cha với Đức Chúa Con. Họ được làm công việc của Đức Chúa Con và của Đức Chúa Cha, và được dự phần trong sự thân mật giữa Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha (và Đức Thánh Linh, như chúng ta sẽ thấy ngay sau đó). Đức Chúa Cha bày tỏ tình yêu của Ngài đối với Đức Chúa Con bằng cách cho phép Đức Chúa Con chia sẻ vinh hiển trong việc sáng tạo và tái tạo thế giới này.[1] Đức Chúa Con bày tỏ tình yêu đối với Đức Chúa Cha bằng cách luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, sáng tạo và tái tạo thế giới
cho vinh hiển của Đức Chúa Cha, theo ý muốn của Đức Chúa Cha, trong năng quyền của Đức Thánh Linh. Các môn đồ/bạn hữu được dự phần trong tình yêu mãi tuôn tràn của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Họ không chỉ được trải nghiệm sự huyền nhiệm trong mối liên hệ này mà còn được tiếp nối thi hành sứ mạng và công tác của Đức Chúa Con như Ngài đã làm. Sự kêu gọi chia sẻ trong tình yêu không thể tách rời với sự kêu gọi chia sẻ trong công việc. Lời cầu
nguyện của Chúa Giê-xu cho các môn đồ “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hiệp nhất trọn vẹn” (Giăng 17:23) được gắn kết với lời hiệu triệu cho sứ mạng “Như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai họ vào thế gian” (Giăng 17:18), và rồi sau đó được trao ban với lời mời gọi “Con yêu ta chăng?... Hãy chăm sóc chiên Ta” (Giăng 21:17).

Một khía cạnh thiết yếu trong công việc của con người là tạo cơ hội cho sự giao tiếp khi cùng làm việc với nhau. Đối với nhiều người, công sở là môi trường hình thành những mối liên hệ cá nhân quan trọng nhất bên ngoài gia đình. Ngay cả những người làm việc một mình cũng thường phải kết nối với một “nùi” các mối liên hệ với nhà cung cấp, với khách hàng, v.v… Như đã đề cập trong phần trước, Chúa Giê-xu không chỉ gọi các môn đồ là những đồng nghiệp mà còn là những bạn hữu. Trong công việc các khía cạnh thường được nhắc đến là thực dụng, sinh lợi; còn mối liên hệ trong công việc thường bị xem là phụ phẩm, ngoài kế hoạch. Nhưng thật ra từ lúc ban đầu, khi A-đam và Ê-va cùng nhau làm việc trong khu vườn Ê-đen thì mối liên hệ trong công việc đã là điều chính yếu. “Giêhô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm
nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng 2:18). Sự sáng tạo chính là cách thức tạo nên sự kết nối giữa con người với nhau khi họ cùng làm việc, và khi con người làm việc với nhau, họ dự phần trong công tác của Đức Chúa Trời là đem cõi tạo vật đến sự đầy trọn.

Đây có thể là sự khích lệ to lớn đối với những người của công việc. Họ là những người thường miễn cưỡng khi phải bày tỏ cảm xúc của mình nên đôi khi họ bị người khác dán nhãn là ít thân thiện, thực dụng. Chia sẻ với người khác là một việc cần thiết để phát triển các mối quan hệ, nhưng chúng ta cũng không quên tầm quan trọng của công việc như một phương tiện để nuôi dưỡng các mối liên hệ. Cùng làm việc với nhau có thể giúp xây dựng các mối quan hệ; không phải
ngẫu nhiên mà chúng ta dành rất nhiều thời gian làm việc với nhau và làm việc cho người khác. Chúng ta có thể tìm được mối liên hệ trong công việc từ chính khuôn mẫu về công việc diễn ra bên trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Làm việc hướng đến mục tiêu chung là một trong những phương cách chính Đức Chúa Trời mang chúng ta lại với nhau và khiến cho chúng ta trở thành những con người thật sự.

CÔNG VIỆC VÀ TÍNH HIỆU QUẢ (GIĂNG 15)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Hình ảnh ẩn dụ cây nho và nhánh nho bắt đầu bằng phước hạnh của mối liên hệ với Chúa Giê-xu và với Đức Chúa Cha thông qua Chúa Giê-xu (Giăng 15:1). “Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta” (Giăng 15:9). Tuy nhiên, kết quả của tình yêu này không phải là được thụ hưởng niềm hạnh phúc đầy trọn nhưng là lao động hiệu quả, được thể hiện qua hình ảnh “kết quả”. “Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả” (Giăng 15:5). Đức Chúa Trời là Đấng làm việc và cõi hoàn vũ chính là kết quả công việc của Ngài; chính Đấng sáng tạo vũ trụ muốn người thuộc về Ngài cũng làm việc và có kết quả. “Bởi điều này Cha Ta được tôn vinh, ấy là các con kết quả nhiều và trở nên môn đồ Ta” (Giăng 15:8). Đức Chúa Trời ban cho chúng ta món quà tuyệt vời đó chính là khả năng làm việc để tạo nên sự biến đổi có ảnh hưởng lâu dài trên thế giới này. “Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha thì Ngài ban cho các con” (Giăng 15:16). Lời hứa “kết nhiều quả” lặp lại lời hứa trước đó của Chúa Giê-xu “người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa” (Giăng 14:12).

Đôi khi hình ảnh ẩn dụ những người tin theo Chúa Giê-xu “kết quả” được giải nghĩa là qua họ có nhiều người tin và gia nhập Cơ Đốc Giáo. Theo cách giải nghĩa này cụm từ “những việc lớn hơn nữa” được hiểu là “(khiến) nhiều người tin hơn Ta đã làm”. Với những người được kêu gọi thực hiện việc giảng đạo, làm chứng thì điều này hoàn toàn đúng. Nếu phân đoạn này Chúa Giê-xu chỉ phán cho các sứ đồ, là những người được kêu gọi để rao truyền Tin Mừng thì có lẽ “kết quả” là chỉ về những người tin Chúa. Nhưng nếu Chúa Giê-xu đang nói chung cho mọi người theo Ngài, thì “kết quả” phải chỉ về những thành tựu đạt được trong mọi thức hình công việc của các tín hữu. Vì cả thế giới này đều được Chúa tạo dựng, nên “những việc Ta làm” bao gồm mọi việc “tốt lành” mà chúng ta có thể nghĩ đến.

Do đó ý nghĩa làm “những việc lớn hơn” có thể là: thiết kế phần mềm tốt hơn, cung cấp thức ăn cho nhiều người hơn, dạy nhiều học sinh giỏi hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các cơ quan và tổ chức, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng, sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả hơn và cai trị đất nước một cách công bằng hơn. Giá trị của “kết quả” không phụ thuộc vào lãnh vực làm việc của chúng ta, đó có thể là kinh doanh, quản lý, y tế, giáo dục, tôn giáo hay bất cứ lĩnh vực nào khác phục vụ nhu cầu của con người. “Ta truyền dạy điều nầy cho các con để các con yêu thương nhau” (Giăng 15:17). Phục vụ là yêu thương cách tích cực.

NGƯỜI LẠ GIỮA MẢNH ĐẤT LẠ (GIĂNG 18:20)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Thay vì tóm gọn phần ký thuật về sự thương khó của Chúa Giê-xu theo chủ đề công việc một cách gượng ép, chúng ta sẽ xem xét chỉ một câu Kinh Thánh đơn lẻ nhưng quan trọng từ cả hai phương diện: nội dung được đề cập, và điều được ám chỉ nhưng không nói rõ. “Đức Chúa Giê-xu đáp: ‘Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian nầy. Nếu vương quốc của Ta thuộc về thế gian nầy thì những người theo Ta đã chiến đấu, không để Ta bị nộp vào tay người Do Thái. Nhưng vương quốc của Ta không thuộc về thế gian này’” (Giăng 18:36). Xét về mặt tích cực, đây là nội dung tóm tắt xúc tích về sự khổ nạn của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đang công bố rằng Ngài là một vị vua có thẩm quyền, không phải loại thẩm quyền mà Phi-lát, một chính trị gia quỷ quyệt, được đế quốc Rô-ma ban cho. Nếu Chúa Giê-xu phải hy sinh chính mình vì sự sống của toàn thế giới, thì Ngài sẽ làm như vậy. Và Chúa Giê-xu đã hy sinh chính mình, bởi vì vương quyền của Ngài, vừa là thẩm quyền tuyệt đối, cũng là sự tận hiến trọn vẹn, nên chắc chắn sẽ khiến các thế lực khác tìm cách tiêu diệt, kết án tử hình.

Nhưng ở phương diện ngược lại, cũng quan trọng không kém là điều Chúa Giê-xu không công bố. Chúa Giê-xu không nói rằng vương quốc của Ngài là một kinh nghiệm tôn giáo nội tâm, phù du không liên quan hay tác động gì đến thực tại với những vấn đề về kinh tế, chính trị và xã hội. Chúa Giê-xu phán vương quốc của Ngài “không thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36). Chúa Giê-xu, cũng như sự cai trị của Ngài, có nguồn gốc từ thiên đàng. Nhưng Chúa Giê-xu đã đến trần gian này, và vương quốc của Ngài là một vương quốc có thực trên đất, thực hơn cả đế quốc Rô-ma. Vương quốc của Ngài vào trong thế giới này với một nguyên tắc vận hành khác: hành động cách đầy năng quyền nhưng không nhận lệnh từ những người cai trị hiện thời của thế giới này. Trong bản văn tại đây, Chúa Giê-xu không giải thích vương quốc của Ngài từ thế giới khác đến nhưng vẫn ở trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo có ý nghĩa gì. Nhưng về sau, Chúa Giê-xu bày tỏ cách rất sống động trong khải tượng được tường thuật ở Khải Huyền 21 và 22, khi thành Giê-rusa-lem từ trời xuống. Khi đó vương quốc của Chúa Giê-xu “từ nơi Đức Chúa Trời ở” giáng trần để nhận lấy vị trí xứng hợp là thủ phủ của thế giới này. Đây cũng là nơi có ngôi nhà đời đời dành cho các môn đồ của Ngài. Bất cứ khi nào Chúa Giêxu nói về sự sống đời đời hay vương quốc Đức Chúa Trời, Ngài đều ám chỉ trái đất mà hiện giờ chúng ta đang sinh sống, được biến đổi đến sự trọn vẹn bởi Ngôi Lời và năng quyền của Đức Chúa Trời.

NHỮNG MÔN ĐỒ ĐƯỢC CHÚA YÊU (GIĂNG 21)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Chương cuối cùng của sách Giăng tạo cơ hội để suy nghĩ về danh tính của người làm việc hơn là về đặc tính của công việc. Khi gặp Chúa Giê-xu, các môn đồ đang thả lưới đánh cá. Chi tiết này đôi khi bị xem là một việc làm không phù hợp, như thể lẽ ra các môn đồ phải rao giảng về nước Trời thì họ lại đi đánh cá. Nhưng trong bản văn tại đây cho thấy điều này không có gì đáng chê trách. Ngược lại, Chúa Giê-xu chúc phước cho việc làm của các môn đồ bằng một mẻ lưới kỳ diệu. Sau đó, các môn đồ trở về với công tác họ đã được kêu gọi là người giảng đạo; nhưng điều này cũng chỉ phản ánh sự kêu gọi đặc biệt của họ chứ không hề có ý xem nhẹ việc đánh cá.

Dù chúng ta phân tích bối cảnh từ góc độ nào, thì trọng tâm của chương này là sự phục hồi của Phi-e-rơ và sự tương phản (trong tương lai) giữa Phi-e-rơ với người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” (Giăng 21:20). Trước đó, trong đêm Chúa Giê-xu bị bắt, Phi-e-rơ đã ba lần chối Chúa Giê-xu; đến đây ông ba lần xác nhận tình yêu của ông dành cho Ngài và được phục hồi mối liên hệ với Chúa Giêxu. Trong tương lai, Phi-e-rơ sẽ phải chịu tử đạo; trong khi đó lời Chúa Giê-xu phán về người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” lại thật khó hiểu như có hàm ý rằng người môn đồ này sẽ sống thọ. Chúng ta sẽ tập trung sự chú ý vào nhân vật thứ hai, bởi vì cách nhân vật thứ hai tự xưng về chính mình trực tiếp đề cập đến danh tính của con người.

Điều lạ lùng là danh tính của “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” không hề được tiết lộ trong sách Tin Lành thứ tư này. Hầu hết các học giả đều suy luận rằng người đó là sứ đồ Giăng (mặc dù có một số người có cách giải thích khác78), nhưng câu hỏi thực sự là tại sao ông phải giấu kín tên của mình. Có lẽ một cách trả lời là vì Giăng muốn phân biệt mình với các môn đồ khác rằng ông được Chúa yêu thương một cách đặc biệt. Nhưng cách trả lời này sẽ thật là kỳ quặc trong một sách Tin Lành thấm đẫm gương mẫu về sự khiêm nhường và hy sinh quên mình của Đấng Christ.

Cách giải thích tốt hơn là Giăng dùng cụm từ người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” cho chính mình như một cách mô tả thích hợp cho tất cả các môn đồ. Tất cả chúng ta đều tìm thấy danh tính của mình từ sự thật đó là Chúa Giêxu yêu chúng ta. Khi bạn hỏi Giăng: “Ông là ai?” Giăng sẽ không trả lời bằng tên của mình, hay mối liên hệ gia đình hoặc nghề nghiệp của mình. Ông đáp: “Tôi là người Chúa Giê-xu yêu quý.” Theo lời của Giăng, người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” “đang tựa vào lòng Đức Chúa Giê-xu” (Giăng 13:23); tương tự như vậy, danh tính của Đấng Mê-si-a là “Con Một ở trong lòng Cha” (Giăng 1:18). Chúng ta phải tìm biết mình là ai, không tùy thuộc nơi những việc chúng ta làm hay những người chúng ta quen biết, hoặc những gì chúng ta sở hữu, nhưng trong tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta.

Nhưng nếu tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta, hay chúng ta có thể nói, tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta thông qua Chúa Giê-xu là nguồn cội cho danh tính của chúng ta và cũng là động lực sống của cuộc đời chúng ta, thì chúng ta phải thể hiện tình yêu này qua các việc làm của mình trong cõi tạo vật của Đức Chúa Trời. Một lĩnh vực tối quan trọng đó là công việc hằng ngày của chúng ta. Trong ân sủng của Chúa, công việc có thể trở thành nơi chúng ta sống bày tỏ mối quan hệ của mình với Chúa và với người khác thông qua sự phục vụ yêu thương. Việc làm hằng ngày của chúng ta, dù người khác đáng giá là bình thường hay cao trọng, cũng đều trở thành nơi bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bởi ân sủng của Chúa, khi chúng ta làm việc, chúng ta trở thành những câu chuyện ngụ ngôn sống động về tình yêu và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.