Bootstrap

CHÚA GIÊ-XU: ĐẤNG “LÀM” MỌI VIỆC (GIĂNG 3:1-36)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Cuộc trò chuyện của Chúa Giê-xu với Ni-cô-đem và các môn đồ của Ngài chứa đựng những kho báu vô giá. Chúng ta sẽ bắt đầu với một câu mang nhiều hàm ý sâu sắc liên quan đến việc làm của con người. “Cha yêu thương Con và giao tất cả mọi sự trong tay Con” (Giăng 3:35). Bối cảnh tại đây nhấn mạnh việc Đức Chúa Con truyền đạt lời của Đức Chúa Cha, nhưng trong phần còn lại của sách Tin Lành Giăng, cụm từ “mọi sự” cần được hiểu theo nghĩa đen là tất cả mọi việc. Đức Chúa Trời ủy thác cho Đấng Mê-si-a tạo dựng mọi sự, duy trì mọi sự và khiến mọi sự hoàn tất theo ý định từ trước.

Phân đoạn này lặp lại những gì chúng ta đã học trong phần mở đầu: Đức Chúa Con dự phần với Đức Chúa Cha trong việc thiết lập và duy trì thế giới này. Cái mới ở đây chính là sự mặc khải bản chất việc Đức Chúa Cha chọn để Đức Chúa Con được dự phần: đó là hành động của tình yêu. Đức Chúa Cha bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho Đức Chúa Con bằng việc đặt mọi sự trong tay Đức Chúa Con, bắt đầu với việc sáng tạo. Thế giới, kết quả của sự sáng tạo, là “công việc của tình yêu” trong ý nghĩa tuyệt đối. Nếu hành động thêm công việc cho ai đó được xem là việc làm xuất phát từ tình yêu thì công việc phải là điều gì đó tuyệt vời hơn cách suy nghĩ, cảm nhận bình thường của chúng ta. Chúng ta sẽ khai triển ý tưởng quan trọng này nhiều hơn qua việc xem xét cách Chúa Giê-xu hành động trong phần còn lại của sách Tin Lành Giăng.

Chương ba không chỉ lặp lại cách Ngôi Lời mặc lấy xác thịt loài người, nhưng còn minh họa tiến trình ngược lại, xác thịt con người được đầy dẫy Thần Linh của Đức Chúa Trời như thế nào. “Thật, Ta bảo thật ngươi: nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra thì không thể vào vương quốc Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5). Chúng ta được sinh ra “vào vương quốc của Ngài” khi chúng ta đón nhận Thánh Linh Đức Chúa Trời. Được sinh ra là một tiến trình của thân xác. Khi chúng ta trở nên thật sự “thuộc linh”, chúng ta không vứt bỏ thân xác và bước vào một trạng thái phi vật chất nào đó. Ngược lại, chúng ta sẽ được sinh ra một cách hoàn hảo hơn – được sinh ra “từ trên” (Giăng 3:3) – trong sự hiệp nhất giữa Thánh Linh và xác thịt, giống như Chúa Giê-xu.

Trong cuộc trò chuyện với Ni-cô-đem, Chúa Giê-xu nói rằng những ai được sinh ra từ trên sẽ “đến với ánh sáng để các việc mình làm trong Đức Chúa Trời được thấy rõ” (Giăng 3:21). Về sau Ngài sử dụng hình ảnh ẩn dụ bước đi trong ánh sáng để minh họa cho ý tưởng này (Giăng 8:12; 11:9-10; 12:35-36). Điều này mang ý nghĩa quan trọng về đạo đức khi áp dụng trong công việc. Nếu chúng ta làm mọi việc một cách công khai, thì chúng ta có một công cụ hỗ trợ hiệu quả để tiếp tục giữ tiêu chuẩn đạo đức của vương quốc Đức Chúa Trời. Nhưng nếu chúng ta trốn tránh hoặc che đậy công việc của mình, đó thường là tín hiệu báo động rõ ràng chúng ta đang đi theo một phương cách trái đạo đức. Đây không phải là một nguyên tắc cứng nhắc, vì chính Chúa Giê-xu cũng có khi hành động một cách âm thầm (Giăng 7:10), các môn đồ của Ngài cũng vậy, như Giô-sép người Ma-ri-mathê chẳng hạn (Giăng 19:38). Nhưng ít nhất chúng ta có thể hỏi: “Tôi đang giữ bí mật với ai?”

Hãy suy nghĩ về ví dụ sau, có một người đến Châu Phi với công tác đóng tàu ở hồ Victoria. Anh ấy nói rằng mình thường bị các viên chức địa phương đến “xin” tiền hối lộ. Đòi hỏi này luôn luôn là bí mật. Không có giấy tờ, không thể chi trả công khai, nó giống như tiền quà hoặc tiền trả dịch vụ ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ. Chẳng có hóa đơn nào cả và giao dịch này chẳng thể khai trình trong sổ sách. Anh ta đã sử dụng Giăng 3:20-21 như một nguồn khích lệ để đem những yêu cầu hối lộ này ra ánh sáng. Anh sẽ nói với viên chức đòi tiền rằng: “Tôi không biết nhiều về việc phải trả những khoản phí nầy. Để tôi mời ngài đại sứ hoặc bộ phận quản lý đến để xem quy định này ở đâu ra.” Anh thấy đây là một chiến thuật khá hữu ích để giải quyết chuyện hối lộ.

Điểm quan trọng cần lưu ý là ẩn dụ bước đi trong ánh sáng không phải là nguyên tắc áp dụng cho mọi trường hợp. Trong môi trường việc làm, giữ bí mật hay bảo mật có vị trí của nó, như trong những vấn đề cá nhân, sự riêng tư trên mạng truyền thông hoặc những bí mật kinh doanh. Nhưng ngay cả khi chúng ta đối diện với những thông tin không nên công khai, thì cũng hiếm khi chúng ta cần phải hành động hoàn toàn trong bóng tối. Nếu chúng ta đang che giấu hành động
của mình với những người cùng phòng ban hoặc với những người có trách nhiệm pháp lý, hoặc nếu những việc làm của chúng ta bị tường thuật trên báo chí và khiến chúng ta xấu hổ, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc chúng ta đang làm là vi phạm đạo đức.