Bootstrap

CÔNG VIỆC CỦA NGÔI LỜI TRONG THẾ GIỚI (GIĂNG 1:1-18)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Từ ban đầu, Ngài ở với Đức Chúa Trời. Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài.” Phần mở đầu trang trọng của sách Tin Lành Giăng cho chúng ta thấy sự vô hạn trong công tác của Ngôi Lời. Ngài là sự bày tỏ đầy trọn của Đức Chúa Trời. Từ ban đầu, Đức Chúa Trời tạo dựng muôn vật qua Ngôi Lời. Ngài dang rộng cõi hoàn vũ như bức tranh bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Từ ban đầu Ngôi Lời đã làm việc, Ngài đang làm việc và tất cả những việc con người làm đều bắt nguồn từ công việc Ngôi Lời đã làm. Sử dụng cụm từ “bắt nguồn từ” không phải là cách nói quan trọng hoá vấn đề bởi vì mọi yếu tố trong công việc của con người đều đã được Ngài tạo nên. Công việc Đức Chúa Trời thi hành trong Sáng Thế Ký 1 và 2 được thực thi bởi Ngôi Lời. Tại đây cần nhấn mạnh một điểm dường như bị xem là không quan trọng: nhiều Cơ Đốc Nhân tiếp tục làm việc với niềm tin sai lạc rằng Đấng Mê-si-a chỉ bắt đầu hành động khi mọi thứ đã hư hoại đến mức không thể cứu vãn. Nghĩa là công tác của Đấng Mê-si-a chỉ giới hạn trong việc cứu chuộc phần thể chất vô hình là linh hồn con người để đem lên thiên đàng là cõi phi vật chất. Một khi chúng ta nhận ra Đấng Mê-si-a đã cùng làm việc tích cực với Đức Chúa Trời từ ban đầu, chúng ta có thể bác bỏ mọi thần học chối bỏ sự sáng tạo và cũng là các tư tưởng thần học xem thường công việc.

Vì thế, chúng ta cần sửa lại cách hiểu sai nhưng khá phổ biến này. Sách Tin Lành Giăng không đặt nền móng dựa trên các cặp khái niệm đối lập như: tâm linh đối lập với vật chất, hay thiêng liêng đối lập với xác thịt hoặc bất cứ cặp khái niệm đối lập nào khác theo thuyết nhị nguyên. Sự cứu rỗi không phải là giải phóng tâm linh con người khỏi những xiềng xích của thân xác vật chất. Thật đáng buồn vì các tư tưởng triết học nhị nguyên lại rất phổ biến giữa vòng các Cơ Đốc Nhân. Những người đề xướng triết lý này hay dùng từ ngữ trong sách Tin Lành Giăng để biện hộ cho quan điểm của mình. Đúng là Giăng thường ghi lại cách Chúa Giê-xu dùng các cặp đối lập như: ánh sáng/bóng tối (Giăng 1:5; 3:19; 8:12; 11:9-10; 12:35-36), tin/không tin (Giăng 3:12-18; 4:46-54; 5:46-47; 10:25-30; 12:37-43; 14:10-11; 20:24-39) và Thánh Linh/xác thịt (Giăng 3:6-7). Những cặp đối lập này nhấn mạnh sự xung đột giữa phương cách của Đức Chúa Trời và phương cách tội lỗi; nhưng chúng không định hình sự phân chia cõi tạo vật thành nhiều cặp đối lập. Chúa Giê-xu chắc chắn không sử dụng những cặp đối lập để kêu gọi những người theo Ngài từ bỏ thế giới “thế tục” mà bước vào thế giới “tâm linh”. Nhưng Chúa Giê-xu mượn những cặp đối lập này để kêu gọi những người theo Ngài đón nhận và sử dụng năng quyền của Thánh Linh Đức Chúa Trời trong thế giới hiện tại. Chúa Giê-xu nói điều này cụ thể trong Giăng 3:17: “Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu.” Chúa Giê-xu đến để phục hồi thế giới trở lại như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời; Ngài không lãnh đạo một cuộc xuất hành ra khỏi thế giới này.

Giăng 1:14 là chứng cứ về mối liên hệ gắn kết, trường tồn của Đức Chúa Trời đối với tạo vật, “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta.” Sự nhập thể không mang ý nghĩa tâm linh chiến thắng thể xác, nhưng làm trọn mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài dựng nên thể xác. Thể xác không phải là căn cứ hoạt động tạm thời, mà là nơi cư ngụ lâu dài của Ngôi Lời. Sau khi phục sinh, Chúa Giê-xu mời Thô-ma và những người khác rờ đụng vào thịt xương Ngài (Giăng 20:24-31) và sau đó Ngài mời họ ăn sáng với cá nướng (Giăng 21:1-15). Cuối sách Tin Lành Giăng, Chúa Giê-xu nói các môn đồ của Ngài hãy đợi “cho tới lúc Ta đến” (Giăng 21:22-23), không phải “cho đến lúc ta đem tất cả các con ra khỏi đây.” Nếu Đức Chúa Trời chống cự hoặc không màng gì tới thế giới vật chất thì Ngài sẽ không chọn trú ngụ lâu dài trong thế giới vật chất. Nếu thế giới được Đức Chúa Trời quan tâm nhiều như vậy, thì việc làm trong thế giới rất quan trọng với Ngài.