Bootstrap

NGƯỜI LẠ GIỮA MẢNH ĐẤT LẠ (GIĂNG 18:20)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Thay vì tóm gọn phần ký thuật về sự thương khó của Chúa Giê-xu theo chủ đề công việc một cách gượng ép, chúng ta sẽ xem xét chỉ một câu Kinh Thánh đơn lẻ nhưng quan trọng từ cả hai phương diện: nội dung được đề cập, và điều được ám chỉ nhưng không nói rõ. “Đức Chúa Giê-xu đáp: ‘Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian nầy. Nếu vương quốc của Ta thuộc về thế gian nầy thì những người theo Ta đã chiến đấu, không để Ta bị nộp vào tay người Do Thái. Nhưng vương quốc của Ta không thuộc về thế gian này’” (Giăng 18:36). Xét về mặt tích cực, đây là nội dung tóm tắt xúc tích về sự khổ nạn của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đang công bố rằng Ngài là một vị vua có thẩm quyền, không phải loại thẩm quyền mà Phi-lát, một chính trị gia quỷ quyệt, được đế quốc Rô-ma ban cho. Nếu Chúa Giê-xu phải hy sinh chính mình vì sự sống của toàn thế giới, thì Ngài sẽ làm như vậy. Và Chúa Giê-xu đã hy sinh chính mình, bởi vì vương quyền của Ngài, vừa là thẩm quyền tuyệt đối, cũng là sự tận hiến trọn vẹn, nên chắc chắn sẽ khiến các thế lực khác tìm cách tiêu diệt, kết án tử hình.

Nhưng ở phương diện ngược lại, cũng quan trọng không kém là điều Chúa Giê-xu không công bố. Chúa Giê-xu không nói rằng vương quốc của Ngài là một kinh nghiệm tôn giáo nội tâm, phù du không liên quan hay tác động gì đến thực tại với những vấn đề về kinh tế, chính trị và xã hội. Chúa Giê-xu phán vương quốc của Ngài “không thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36). Chúa Giê-xu, cũng như sự cai trị của Ngài, có nguồn gốc từ thiên đàng. Nhưng Chúa Giê-xu đã đến trần gian này, và vương quốc của Ngài là một vương quốc có thực trên đất, thực hơn cả đế quốc Rô-ma. Vương quốc của Ngài vào trong thế giới này với một nguyên tắc vận hành khác: hành động cách đầy năng quyền nhưng không nhận lệnh từ những người cai trị hiện thời của thế giới này. Trong bản văn tại đây, Chúa Giê-xu không giải thích vương quốc của Ngài từ thế giới khác đến nhưng vẫn ở trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo có ý nghĩa gì. Nhưng về sau, Chúa Giê-xu bày tỏ cách rất sống động trong khải tượng được tường thuật ở Khải Huyền 21 và 22, khi thành Giê-rusa-lem từ trời xuống. Khi đó vương quốc của Chúa Giê-xu “từ nơi Đức Chúa Trời ở” giáng trần để nhận lấy vị trí xứng hợp là thủ phủ của thế giới này. Đây cũng là nơi có ngôi nhà đời đời dành cho các môn đồ của Ngài. Bất cứ khi nào Chúa Giêxu nói về sự sống đời đời hay vương quốc Đức Chúa Trời, Ngài đều ám chỉ trái đất mà hiện giờ chúng ta đang sinh sống, được biến đổi đến sự trọn vẹn bởi Ngôi Lời và năng quyền của Đức Chúa Trời.