Bootstrap

NHỮNG MÔN ĐỒ ĐƯỢC CHÚA YÊU (GIĂNG 21)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Chương cuối cùng của sách Giăng tạo cơ hội để suy nghĩ về danh tính của người làm việc hơn là về đặc tính của công việc. Khi gặp Chúa Giê-xu, các môn đồ đang thả lưới đánh cá. Chi tiết này đôi khi bị xem là một việc làm không phù hợp, như thể lẽ ra các môn đồ phải rao giảng về nước Trời thì họ lại đi đánh cá. Nhưng trong bản văn tại đây cho thấy điều này không có gì đáng chê trách. Ngược lại, Chúa Giê-xu chúc phước cho việc làm của các môn đồ bằng một mẻ lưới kỳ diệu. Sau đó, các môn đồ trở về với công tác họ đã được kêu gọi là người giảng đạo; nhưng điều này cũng chỉ phản ánh sự kêu gọi đặc biệt của họ chứ không hề có ý xem nhẹ việc đánh cá.

Dù chúng ta phân tích bối cảnh từ góc độ nào, thì trọng tâm của chương này là sự phục hồi của Phi-e-rơ và sự tương phản (trong tương lai) giữa Phi-e-rơ với người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” (Giăng 21:20). Trước đó, trong đêm Chúa Giê-xu bị bắt, Phi-e-rơ đã ba lần chối Chúa Giê-xu; đến đây ông ba lần xác nhận tình yêu của ông dành cho Ngài và được phục hồi mối liên hệ với Chúa Giêxu. Trong tương lai, Phi-e-rơ sẽ phải chịu tử đạo; trong khi đó lời Chúa Giê-xu phán về người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” lại thật khó hiểu như có hàm ý rằng người môn đồ này sẽ sống thọ. Chúng ta sẽ tập trung sự chú ý vào nhân vật thứ hai, bởi vì cách nhân vật thứ hai tự xưng về chính mình trực tiếp đề cập đến danh tính của con người.

Điều lạ lùng là danh tính của “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” không hề được tiết lộ trong sách Tin Lành thứ tư này. Hầu hết các học giả đều suy luận rằng người đó là sứ đồ Giăng (mặc dù có một số người có cách giải thích khác78), nhưng câu hỏi thực sự là tại sao ông phải giấu kín tên của mình. Có lẽ một cách trả lời là vì Giăng muốn phân biệt mình với các môn đồ khác rằng ông được Chúa yêu thương một cách đặc biệt. Nhưng cách trả lời này sẽ thật là kỳ quặc trong một sách Tin Lành thấm đẫm gương mẫu về sự khiêm nhường và hy sinh quên mình của Đấng Christ.

Cách giải thích tốt hơn là Giăng dùng cụm từ người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” cho chính mình như một cách mô tả thích hợp cho tất cả các môn đồ. Tất cả chúng ta đều tìm thấy danh tính của mình từ sự thật đó là Chúa Giêxu yêu chúng ta. Khi bạn hỏi Giăng: “Ông là ai?” Giăng sẽ không trả lời bằng tên của mình, hay mối liên hệ gia đình hoặc nghề nghiệp của mình. Ông đáp: “Tôi là người Chúa Giê-xu yêu quý.” Theo lời của Giăng, người “môn đồ Chúa Giê-xu yêu thương” “đang tựa vào lòng Đức Chúa Giê-xu” (Giăng 13:23); tương tự như vậy, danh tính của Đấng Mê-si-a là “Con Một ở trong lòng Cha” (Giăng 1:18). Chúng ta phải tìm biết mình là ai, không tùy thuộc nơi những việc chúng ta làm hay những người chúng ta quen biết, hoặc những gì chúng ta sở hữu, nhưng trong tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta.

Nhưng nếu tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta, hay chúng ta có thể nói, tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta thông qua Chúa Giê-xu là nguồn cội cho danh tính của chúng ta và cũng là động lực sống của cuộc đời chúng ta, thì chúng ta phải thể hiện tình yêu này qua các việc làm của mình trong cõi tạo vật của Đức Chúa Trời. Một lĩnh vực tối quan trọng đó là công việc hằng ngày của chúng ta. Trong ân sủng của Chúa, công việc có thể trở thành nơi chúng ta sống bày tỏ mối quan hệ của mình với Chúa và với người khác thông qua sự phục vụ yêu thương. Việc làm hằng ngày của chúng ta, dù người khác đáng giá là bình thường hay cao trọng, cũng đều trở thành nơi bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bởi ân sủng của Chúa, khi chúng ta làm việc, chúng ta trở thành những câu chuyện ngụ ngôn sống động về tình yêu và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.