Bootstrap

SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT HẦU ĐẾN (GIĂNG 10-12)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Trong lần cuối lên thành Giê-ru-sa-lem, tại Bê-tha-ni, Chúa Giê-xu đã làm dấu lạ vĩ đại nhất là khiến La-xa-rơ sống lại (Giăng 11:1-44). Những người chống đối Chúa Giê-xu đã tìm cách ném đá Ngài (Giăng 8:59; 10:31), họ quả quyết cả Chúa Giê-xu và La-xa-rơ đều phải chết. Với viễn cảnh về sự chết, Chúa Giê-xu đã nói về thập tự giá một cách đầy nghịch lý. Ngài sử dụng ngôn từ như có vẻ tán tụng, rằng Ngài sẽ được “treo lên” và kéo mọi người đến với Ngài. Nhưng Giăng nói rõ trong phần ghi chú kèm theo rằng điều này chỉ về việc Ngài sẽ bị “treo lên” thập tự giá. Có phải đây chỉ là cách chơi chữ không? Không hề! Richard Bauckham đã giải thích rằng chính trong công tác hy sinh tận cùng trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã bày tỏ một cách đầy trọn rằng Ngài thật sự là Con cao quý của Đức Chúa Trời.

“Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chính mình Ngài cách đầy ân sủng, nên chúng ta có thể nói rằng phẩm tính của Đức Chúa Trời không chỉ được bày tỏ mà còn được thực thi qua biến cố cứu chuộc thế giới mà trong đó Con Ngài đã hoàn tất sự phục vụ và hạ mình chịu đựng mọi sự nhục nhã.”[1]

Sự hy sinh sắp tới của Chúa Giê-xu sẽ đòi hỏi Ngài phải trả giá nhiều điều trong nhiều phương diện. Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu phải trả giá bằng cái chết của Ngài, với nỗi đau về thể xác bị cơn đói khát dằn vặt (Giăng 19:28). Chúa Giê-xu trả giá với tấm lòng tan vỡ khi các môn đồ của Ngài (trừ Giăng) đều bỏ trốn và Ngài phải rời xa Ma-ri, mẹ của mình (Giăng 19:26-27). Và Chúa Giê-xu đã phải trả giá khi bị sỉ nhục, hiểu nhầm và kết tội oan (Giăng 18:18-24). Để thực hiện những công tác mà Đức Chúa Trời đã định trước thì không thể tránh né những điều này. Thế giới không thể hiện hữu nếu không có công tác được Đấng Christ thi hành lúc ban đầu. Thế giới không thể được phục hồi trở về như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời nếu không có công tác cứu chuộc được Đấng Christ hoàn tất trên thập tự giá.

Công việc có thể cũng đòi hỏi chúng ta phải trả giá đắt, không hề tương xứng, nhưng để hoàn thành công việc thì đó là điều chúng ta không thể tránh né. Chúa Giê-xu đã làm việc để đem sự sống thật đến cho người khác. Vì vậy khi chúng ta dùng công việc của mình như một phương tiện để tôn cao bản thân, thì chúng ta tách biệt khỏi khuôn mẫu của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu có biết khi làm điều gì đó cho người khác thì không thể tránh được việc phải đánh đổi nhiều thứ? Có lẽ có. Ở các nước phương tây ngày nay, bác sĩ được trả lương cao để chữa bệnh cho người khác, nhưng phải chịu đựng, không thể tránh né việc chứng kiến bệnh nhân của mình bị đau đớn. Thợ sửa ống nước có mức lương thu nhập khiến phải ghen tị, nhưng lúc nào quanh người cũng toàn những mùi hôi thối khó chịu. Những viên chức được công chúng bầu lên để đem lại sự công bằng và thịnh vượng cho người dân, nhưng giống Chúa Giê-xu, lúc nào họ cũng mang gánh nặng khi biết rằng “các con luôn có người nghèo ở với mình” (Giăng 12:8). Trong mỗi nghề nghiệp, có lẽ đều có những cách để không phải chịu đựng việc chia sẻ nỗi đau với người khác.

Bác sĩ có thể giảm việc tiếp xúc với những bệnh nhân ở tình trạng cơ thể không còn có thể tiếp nhận thuốc giảm đau. Thợ sửa ống nước chỉ nhận sửa ống nước của những nhà mới xây, sạch sẽ; hoặc các viên chức chính quyền không bận lòng quan tâm về những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Nhưng những cách làm việc đó có giống gương mẫu của Chúa Giê-xu không? Mặc dù chúng ta thường xem công việc là cách chúng ta kiếm sống, nhưng người nào tận tụy làm việc đều có trải nghiệm làm việc còn là cách tự bạn khiến lòng mình tan vỡ. Khi đó, bạn làm việc như cách Chúa Giê-xu đã làm.