TÌM NƯỚC. CẤP NƯỚC (GIĂNG 4)
Giống như các câu chuyện trong sách Giăng, câu chuyện người phụ nữ bên giếng nước (Giăng 4:1-40) cũng bàn trực tiếp đến công việc của con người; nhưng chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ mới có thể nếm hết mùi vị của nó. Nhiều Cơ Đốc Nhân chú ý đến đặc điểm của người phụ nữ này không thể liên kết giữa công việc múc nước hằng ngày và những lời công bố về quyền năng ban phát sự sống của Chúa Giê-xu. Chủ đề này tràn ngập khắp sách Tin Lành Giăng: đám đông nhiều lần chứng tỏ họ không thể vượt trên những mối quan tâm hằng ngày để có thể hiểu về lĩnh vực thuộc linh trong đời sống. Họ không thể hiểu làm sao Chúa Giê-xu có thể ban thân thể của Ngài để làm bánh cho họ (Giăng 6:51-61). Họ nghĩ họ biết quê quán của Ngài là Na-xa-rét (Giăng 1:45), nhưng họ không thể thấy quê quán thật sự của Ngài là từ trời đến; và họ cũng chẳng biết Ngài đi đâu (Giăng 14:1-6).
Khi suy ngẫm về công việc, tất cả những điều này rõ ràng là có liên hệ. Dù chúng ta nghĩ gì về sự quan trọng và ích lợi của một nguồn cung cấp nước ổn định, dù cho mỗi khi uống nước chúng ta có xác nhận đó là việc rất tốt đi nữa, chắc chắn câu chuyện này cho chúng ta thấy rõ nước thuộc thể không thể ban cho chúng ta sự sống đời đời. Không chỉ vậy, rất khó cho người phương Tây hiện đại hiểu được sự vất vả cực nhọc trong việc gánh nước mỗi ngày của người phụ nữ này, rồi đổ lỗi cho cô là lười nhác nên có thái độ miễn cưỡng đi múc nước. Nhưng lời rủa sả trên công việc (Sáng 3:14-19) vẫn đeo bám con người, và việc người phụ nữ ấy muốn có một hệ thống cấp nước tốt hơn là điều có thể cảm thông. Tuy nhiên, chúng ta không nên kết luận rằng Chúa Giê-xu đến để giải phóng chúng ta khỏi công việc trong thế giới nhơ nhớp tội lỗi, để chúng ta được tắm gội trong mé nước bình tịnh của cõi tâm linh. Như thường lệ, trước hết chúng ta cần lưu ý bản chất toàn diện trong công tác của Đấng Christ như đã được ký thuật trong Giăng 1: Đấng Mê-si-a là Đấng Sáng Tạo, chính Ngài đã tạo nên nước trong giếng, và mọi điều Ngài đã tạo ra là tốt lành. Nếu Ngài sử dụng nước trong giếng để minh họa đặc tính năng động của công tác Đức Thánh Linh thi hành trong lòng những người sẽ thờ phượng Ngài, thì có thể xem cách minh họa này là sự tôn cao chứ không phải hạ thấp giá trị của nước. Việc chúng ta đặt Đấng Tạo Hóa trước tạo vật không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ tạo vật, đặc biệt khi một chức năng của tạo vật là bày tỏ cho chúng ta biết về Đấng Tạo Hóa. Tương tự trong phần sau của câu chuyện, Chúa Giê-xu cũng dùng việc gặt hái làm phép ẩn dụ để giúp các môn đồ của Ngài hiểu về sứ mạng của họ trong thế giới này:
“Chẳng phải các con nói: ‘Còn bốn tháng nữa là đến mùa gặt sao?’ Nhưng Ta nói với các con: ‘Hãy ngước mắt lên và xem những cánh đồng đã vàng sẵn sàng cho mùa gặt. Người gặt nhận tiền công và thu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, để cả người gieo lẫn người gặt đều vui mừng” (Giăng 4:35-36).
Công việc đồng áng là phương cách Chúa dùng để ban phước, cung cấp cho con người thức ăn mỗi ngày; đây cũng là điều Chúa đã dạy chúng ta cầu xin (Mat 6:11). Không chỉ vậy, công việc đồng áng còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự phát triển của vương quốc Đức Chúa Trời; trong phân đoạn này, Chúa Giê-xu đã trực tiếp tôn cao giá trị của công việc.
Trong Giăng 4:34 “Lương thực của Ta là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta, và hoàn tất công việc của Ngài”, chữ “công việc” được dịch từ chữ Hy Lạp ergon. Cần phải lưu ý rằng lần đầu tiên từ ergon xuất hiện trong bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp mà Chúa Giê-xu và các môn đồ, sứ đồ đã sử dụng (bản LXX), là Sáng Thế Ký 2:2 “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời hoàn tất các công việc Ngài [tiếng Hy Lạp là erga] đã làm. Vì thế, vào ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Ngài đã làm xong mọi công việc [tiếng Hy Lạp là erga]”. Dù chúng ta không biết chắc Chúa Giê-xu có đang ám chỉ câu Kinh Thánh này trong Sáng Thế Ký hay không, nhưng theo sự soi sáng của cả sách Tin Lành Giăng thì có thể hiểu khái niệm “công việc của Đức Chúa Trời” trong Giăng 4:34 là sự phục hồi toàn diện hoặc sự hoàn tất công tác Đức Chúa Trời đã làm từ ban đầu, từ lúc sáng tạo.
Ở đây có một chi tiết khá tinh tế. Trong Giăng 4:38, Chúa Giê-xu đã phán một câu khá khó hiểu “Ta đã sai các con gặt những gì mình không phải làm khó nhọc. Những người khác đã làm khó nhọc, còn các con thì vào chia sẻ công khó của họ.” Ngài đang nói với các môn đồ về cánh đồng đã chín vàng là người Sa-ma-ri đã sẵn sàng cho nước Trời, nếu họ sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Nhưng “những người khác đã làm khó nhọc” là ai? Một phần của câu trả lời chính là người phụ nữ bên giếng.
Chúng ta thường chỉ nhớ bà là người chậm hiểu thuộc linh hơn là người đã có lời chứng rất hiệu quả cho Chúa Giê-xu sau đó. “Nhiều người Sa-ma-ri ở thành đó tin Ngài, vì người phụ nữ đã làm chứng rằng: ‘Ngài đã nói ra hết mọi điều tôi đã làm’” (Giăng 4:39). Các môn đồ chỉ đơn giản gặt tại nơi mà người phụ nữ này đã gieo. Ngoài ra còn có một người khác cũng đã làm việc khó nhọc, đó chính là Đấng Christ. Ở đầu câu chuyện, lời văn tường thuật Chúa Giê-xu “mệt mỏi” vì đi đường. Từ Hy Lạp được dịch “mệt mỏi” là kekopiakōs, có nghĩa đen là “khó nhọc”. Do đó, câu Kinh Thánh trên khi dịch theo nghĩa đen sẽ là Chúa Giê-xu đang “khó nhọc” vì đi đường. Đây là lần xuất hiện duy nhất của từ này trong sách Tin Lành Giăng.
Nhưng trong Giăng 4:38 xuất hiện các từ khác có cùng gốc với từ kekopiakōs “…các con không phải làm khó nhọc [tiếng Hy Lạp là kekopiakate]… Những người khác đã làm khó nhọc [tiếng Hy Lạp là kekopiakasin]… các con thì vào chia sẻ công khó của họ [tiếng Hy Lạp là kopon]…” Thật vậy, Chúa Giê-xu đã khó nhọc vì chuyến đi đến Sa-ma-ri. Cánh đồng Sa-ma-ri đã chín vàng sẵn sàng cho mùa gặt một phần là vì Đấng Christ đã làm việc tại đó. Khi chúng ta bước theo Đấng Christ, mọi việc chúng ta làm đều được bao phủ trong vinh hiển của Đức Chúa Trời, bởi vì chính Đức Chúa Giê-xu Christ đã làm việc trước trong công tác đó, Ngài chuẩn bị sẵn sàng cho chúng ta.
Như chúng ta đã thấy, công tác cứu chuộc của Đấng Christ được xếp cùng loại với công tác sáng tạo mà Ngài đã thi hành từ thuở ban đầu. Cũng vậy, công tác cứu chuộc của chúng ta là những người theo Chúa Giê-xu cũng được xếp cùng loại với công việc sáng tạo/sản xuất tiêu biểu như việc múc nước của người nội trợ, việc thu hoạch mùa màng của người nông dân. Chứng đạo là một trong nhiều loại hình công việc của con người, nó không cao trọng hơn hay thấp kém hơn việc nội trợ hoặc việc làm nông. Chứng đạo là một loại hình công việc đặc biệt mà không công việc nào khác có thể thay thế; việc múc nước hay việc thu hoạch mùa màng cũng vậy. Chứng đạo không thể thay thế công việc sáng tạo/sản xuất để trở thành hoạt động duy nhất thật sự đáng làm của con người, bởi vì bất cứ công việc nào mà Cơ Đốc Nhân làm tốt, hoàn tất, đều là lời chứng về năng quyền đổi mới của Đấng Tạo Hóa.