Bootstrap

NƯỚC TRỜI NƠI CÔNG SỞ (LU 1-5)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Ngày Làm Việc Đầy Kinh Ngạc của Xa-cha-ri (Lu 1:8-25)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Sách Tin Lành Lu-ca bắt đầu tại nơi công sở và tiếp tục câu chuyện lịch sử dài về sự xuất hiện của Đức Giê-hô-va tại nơi làm việc (ví dụ: Sáng 2:19-20; Xuất 3:1-5). Thiên sứ Gáp-ri-ên đã viếng thăm Xa-cha-ri vào ngày làm việc quan trọng nhất đời ông - ngày ông được chọn để hành lễ trong nơi chí thánh của đền thờ Giê-ru-sa-lem (Lu 1:8). Chúng ta không quen với suy nghĩ đền thờ là nơi làm việc, nhưng tại nơi đó, các thầy tế lễ và người Lê-vi đã tham dự vào việc giết mổ các con thú dâng làm của lễ, nấu nướng, trông nom, dọn dẹp, tính toán và nhiều hoạt động khác. Đền thờ không chỉ đơn thuần là một trung tâm tôn giáo, mà còn là trung tâm kinh tế và xã hội của người Do Thái. Xa-cha-ri đã chịu tác động rất mạnh mẽ bởi cuộc gặp gỡ với Đức Giê-hô-va đến nỗi ông không thể nói cho đến khi ông làm chứng về sự chân thật của Lời Chúa.

Người Chăn Nhân Lành Đến Giữa Những Người Chăn (Lu 2:8-20)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Cuộc gặp gỡ thứ hai tại nơi công sở diễn ra cách đền thờ vài dặm. Một nhóm người chăn đang thức đêm giữ bầy thì được một đoàn thiên sứ viếng thăm, loan báo sự ra đời của Chúa Giê-xu (Lu 2:9). Người chăn chiên thường bị coi là thành phần bất hảo, bị xã hội xem thường nhưng Đức Chúa Trời đoái xem họ với ân sủng. Cũng giống như thầy tế lễ Xa-cha-ri, những người chăn chiên đã bị Chúa làm gián đoạn công việc thường ngày bằng một phương cách hết sức bất ngờ. Luca mô tả một thực tế đó là việc gặp gỡ Chúa không chỉ dành riêng cho ngày chúa nhật, ngày bồi linh hay những chuyến công tác mục vụ. Thay vào đó, mỗi thời khắc đều chứa đựng cơ hội Chúa bày tỏ chính mình. Sự áp lực và sự đơn điệu của công việc hằng ngày có thể làm tâm linh của chúng ta chai lì, mất cảm giác, giống như những người sống cùng thời với Lót đã để cho thói quen “ăn uống, mua bán, trồng trọt và xây cất” làm mờ mắt, khiến họ không thấy được sự đoán phạt sắp xảy ra cho thành phố mà họ đang sống (Lu 17:28-30).[1] Nhưng Đức Chúa Trời có thể đem sự tốt lành và vinh hiển của Ngài vào giữa nhịp sống thường ngày của chúng ta.

Bản Mô Tả Công Việc Của Chúa Giê-Xu: Làm Vua (Lu 1:26-56, 4:14-22)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents
TẠO VIỆC LÀM Ở NƠI KHÔNG CÓ

Albert Black đã để tâm quan sát việc Đức Chúa Trời “thình lình can thiệp vào” công việc của ông. Ông bắt đầu kinh doanh tại khu phố nơi ông lớn lên bởi vì có quá nhiều người không có việc làm. Ông tin rằng mọi người cần việc làm. Công ty của Albert tên là On Target Supplies and Logistics, phân phối mọi thứ cho mọi người đúng lúc họ cần.

BÀI PHỎNG VẤN

HATTIE: Xin chào, tôi là HATTIE Bryant. Chương trình hôm nay là một ví dụ về chiến lược nhân lực đầy sáng tạo được triển khai bởi các chủ doanh nghiệp nhỏ trong vùng. Các doanh nghiệp nhỏ này đều phải tự triển khai chiến lược nhân sự vì không đủ lớn để thuê một nhân viên chuyên lo về mảng nhân lực. Những ông chủ doanh nghiệp hiểu rằng không thể nhét nhân viên vào những chỗ làm việc chật chội rồi để mặc họ làm sao thì làm. Cuộc đời con người không thể bị tách rời thành hai ngăn: ngăn công việc và ngăn cá nhân, còn ông chủ thì chẳng để ý gì đến đời sống cá nhân của nhân viên. Trong hàng trăm trường hợp mà chúng tôi đã nghiên cứu, chúng tôi đã được tiếp xúc với những ông chủ là những người nhận thấy vai trò của mình không chỉ là một CEO (giám đốc điều hành)
nhưng còn là huấn luyện viên, là người cố vấn, là giáo viên, là cha là mẹ, và là người hướng dẫn cho những nhân viên của họ. Bạn muốn phát triển công việc kinh doanh của mình? Hãy học từ một thiên tài. Một người thật sự biết cách giúp những người đồng hành với mình trong công việc có môi trường tốt nhất để thể hiện khả năng
trong họ.

HATTIE (thuyết minh): Albert Black là một nhà kinh doanh, ông tự mình gây dựng gia sản. Sinh ra trong gia đình bảy người con, gia đình Albert sống trong khu phố được chính phủ trợ cấp. Ông đã bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên khi mới được tám tuổi. Và ngày nay ông đã biến ước mơ của mình thành hiện thực.

ALBERT BLACK: Việc kinh doanh của tôi đã bắt đầu ngay tại Frasier Courts. Tôi nhớ mình đã từng đi thuê một máy cắt cỏ và gõ cửa từng nhà hỏi mời cắt cỏ với giá 50 xu. Những gì tôi làm hiện tại thì cha tôi đã nói với tôi khi tôi mới 8 tuổi. Cha tôi là một người lịch thiệp, hay giúp đỡ người khác. Ông làm gác cổng và khuân vác hành lý tại một
khách sạn. Chính nhờ làm gác cổng nên ông quen biết một số lãnh đạo doanh nghiệp của Dallas. Sau này, khi không còn làm công việc đó nữa, ông nói tôi hãy trở thành nhà kinh doanh và lãnh đạo doanh nghiệp.

HATTIE: (thuyết minh) Albert đã sáng lập On Target Supplies and Logistics vào năm 1982, và giờ đây ông thuê 114 người, doanh thu của công ty là 10,2 triệu đô-la. Công ty của ông cung cấp giấy phô-tô, giấy máy in và hiện tại công ty cũng cung cấp dịch vụ quản lý kho hàng. Danh sách khách hàng của công ty là những doanh nghiệp lớn
ở vùng Dallas như: EDS, Texas Instruments, Southwestern Bell, Texas Utilities, American Airlines và Verizon.

HATTIE: Ông đã có được khách hàng đầu tiên như thế nào?

ALBERT: Chúng tôi đã đi lang thang khắp nơi, thật sự là lang thang đấy! Chúng tôi lang thang trên đường phố khắp Dallas, những con hẻm nhỏ, bất cứ nơi đâu có khách hàng. Lý do tôi bước vào công việc kinh doanh cũng chính là lý do tôi tiếp tục kinh doanh trong hiện tại. Chúng tôi muốn tạo việc làm và thuê nhân công. Chúng tôi xem đó
là việc Chúa làm và chúng tôi muốn được dự phần. Chúng tôi cũng muốn cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực nội thành của các thành phố mà chúng tôi đang kinh doanh. Chúng tôi trả lương, thưởng hậu hĩnh cho nhân viên.

ALBERT: Với công việc cung cấp dịch vụ kho hàng và phân phối hàng hóa, trung bình thu nhập của một nhân viên ở On Target là 29.800 đô-la. Chúng tôi đã tạo việc làm ở các khu phố có nhiều người phải sống bằng trợ cấp từ tiền thuế và giúp họ trở thành những người có thu nhập và góp phần đóng thuế. Đây vốn là một tòa nhà bị bỏ hoang
trong khu ổ chuột, trước đây nó y như khu nhà bên kia đường. Chúng tôi cũng thuê một trung tâm cũ nát và biến nó thành một trung tâm thương mại.

HATTIE: Ô, Cách làm việc thật hiệu quả!

HATTIE (thuyết minh): Albert đã thành lập công ty On Target không lâu sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng vì không có đủ vốn nên cả hai vợ chồng ông đều phải kiếm việc làm thêm để hỗ trợ cho việc kinh doanh.

ALBERT: Tôi đã phải tìm một việc làm thêm. Tôi làm việc vào buổi tối. Nhưng tôi đặt ra mục tiêu cho công việc này. Mục tiêu làm thêm của tôi không chỉ để kiếm thêm thu nhập, nhưng là để học thêm các kỹ năng, năng lực quản lý, là những điều mà tôi có thể áp dụng cho công ty của tôi và giúp nó hoạt động hiệu quả hơn. Texas Utilities đã cho
phép tôi làm việc ở bộ phận máy tính của họ. Tôi đã quản lý hệ thống thông tin. Tôi quản lý công tác phát triển kỹ thuật. Tôi chăm sóc khách hàng ở mảng kỹ thuật.

HATTIE: Đó là việc ông làm vào buổi tối phải không?

ALBERT: Vâng, buổi tối, từ 5:00 chiều đến 1:00 sáng.

HATTIE: Vậy ông đến đây lúc...

ALBERT: Và tôi vẫn phải tiếp tục làm việc lúc 7:00 giờ sáng.

HATTIE: Ông đã ở đây từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, rồi sau đó đã tiếp tục làm thêm để kiếm tiền - kiếm vốn. Ông đã làm như vậy trong bao nhiêu tháng hay bao nhiêu năm?

ALBERT: 10 năm.

Cách Đức Chúa Trời công bố kế hoạch cứu chuộc thế giới trong bối cảnh tại hai nơi làm việc thật kỳ lạ; nhưng cách Ngài giới thiệu Chúa Giê-xu với một bản mô tả công việc lại càng lạ lùng hơn khi thiên sứ Gáp-ri-ên hiện đến báo cho Mari biết nàng sẽ sinh một con trai. “Con trai ấy sẽ được tôn trọng, được gọi là Con của Đấng Chí Cao. Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp; vương quốc Ngài mãi mãi trường tồn” (Lu 1:32-33).

Có thể chúng ta không quen với suy nghĩ công việc của Chúa Giê-xu là “vua dân Y-sơ-ra-ên”, nhưng theo sách Tin Lành Lu-ca thì đó chính là công việc của Ngài. Lu-ca cũng cho chúng ta biết chi tiết về công tác làm vua của Chúa Giê-xu: thi hành những việc quyền năng, đánh đuổi kẻ kiêu ngạo, truất ngôi những kẻ thống trị, cất nhắc những người khiêm nhường, cho người đói được đầy thức ngon, đuổi kẻ giàu về tay không, giúp đỡ Y-sơ-ra-ên là đầy tớ Ngài, và nhớ lại sự thương xót của Ngài với Áp-ra-ham và dòng dõi người đến muôn đời (Lu 1:51-55). Những câu Kinh Thánh nổi tiếng này thường được gọi là Magnificat - Bài Ca Ngợi của Ma-ri, khắc họa Chúa Giê-xu như một vị vua thực thi quyền lực kinh tế, chính trị và cả quân sự. Không giống những vị vua của thế giới tội lỗi, Chúa Giê-xu dùng quyền lực của vị vua để đem phúc lợi cho những thần dân cô thế, bị thiệt thòi nhất của mình. Chúa Giê-xu không tìm hậu thuẫn từ những người có thế lực hay có quan hệ rộng để giúp chống đỡ cho vương triều của Ngài. Chúa Giê-xu không đàn áp dân chúng hay bắt họ đóng thuế nhằm phục vụ cho những thói quen xa xỉ. Ngài thiết lập vương quốc được sự cai trị bởi sự chính trực, ở đó mọi người được hưởng hoa lợi từ đất đai, người thuộc về Chúa được nhận lãnh sự bình an và những ai ăn năn hối cải được thương xót. Ngài là một vị vua mà Y-sơ-ra-ên chưa bao giờ có.

Về sau, Chúa Giê-xu xác nhận bản mô tả công việc này khi áp dụng Ê-sai 61:1-2 cho chính mình: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên Ta, vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho Ta để giảng tin lành cho người nghèo. Ngài sai Ta đến để rịt lành những tấm lòng tan vỡ; để công bố tự do cho kẻ bị bắt giữ, và cho những người bị cầm tù được ra khỏi ngục; để công bố năm thi ân của Đức Giê-hô-va” (Lu 4:18-19). Đây là nhiệm vụ về chính trị và hành chính. Vì thế, ít ra trong sách Lu-ca, công
việc của Chúa Giê-xu liên hệ gần với việc chính trị hơn là tôn giáo hay là mục vụ.[1] Chúa Giê-xu rất tôn trọng các thầy tế lễ và vai trò đặc biệt của họ theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không xem đó là vị thế hay công tác chính của mình (Lu 5:14; 17:14). Những nhiệm vụ mà Chúa Giê-xu thực hiện mang ích lợi đến cho những người có nhu cầu. Không giống như những người cầm quyền của thế giới sa ngã này, Ngài cai trị vì lợi ích của người nghèo, của người tù tội, người mù lòa, người bị áp bức, và người rơi vào nợ nần (đất đai, tài sản họ đã thế chấp sẽ được trả lại trong năm ân sủng của Chúa; xem Lê 25:8-13). Mối quan tâm của Chúa Giê-xu không chỉ dành cho những người tuyệt vọng, trong những phần sau chúng ta sẽ thấy Ngài còn quan tâm đến mọi người trong mọi điều kiện và hoàn cảnh. Sự quan tâm của Chúa Giê-xu dành cho người nghèo, kẻ khốn khổ và bất lực cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Ngài với những người cầm quyền, là những kẻ mà Chúa Giêxu đến để thay thế.

GIĂNG BÁP-TÍT DẠY ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP (LU 3:8-14)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Sự dạy dỗ đầu tiên trong sách Lu-ca đề cập trực tiếp về công việc là của Giăng Báp-tít. Giăng khuyên những thính giả của mình “hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Lu 3:8) để không phải đối diện với sự đoán phạt. Khi họ hỏi cụ thể “Chúng tôi nên làm gì?” (Lu 3:10,12,14), thì câu trả lời của Giăng lại liên quan đến vấn đề kinh tế chứ không phải tôn giáo. Trước tiên, ông nói ai có nhiều tài sản (hai cái áo hay đồ ăn dư dật) hãy cho những người không có (Lu 3:10). Rồi ông đưa ra lời chỉ dẫn liên quan trực tiếp đến công việc của những người thu thuế và người lính. Những người thu thuế chỉ nên thu theo mức thuế đã định, không tự thêm số tiền thuế và bỏ vào túi phần chênh lệch. Người lính thì không nên dùng quyền để bòn rút tiền của dân hay buộc tội người khác cách oan sai. Họ nên bằng lòng với đồng lương của mình (Lu 3:13-14).

Khi Giăng nói với những người thu thuế “Đừng thu quá mức qui định” (Lu 3:13), thì đó là lời khuyên rất quyết liệt đối với những người làm nghề đầy tai tiếng có bản chất bóc lột và bất công cách có hệ thống. Tiền thuế trong xứ Pa-lét-tin được thu cách tập trung qua một hệ thống đấu thầu quyền thu thuế mà tổng đốc và các viên chức cấp cao đã lợi dụng để trục lợi cho bản thân.[1] Để có được quyền thu thuế, người trúng thầu phải nộp cho viên chức chính quyền một khoản tiền cao hơn mức thuế thực tế mà chính quyền Rô-ma quy định. Sau đó đến lượt người thu thuế trục lợi cho họ bằng cách áp đặt trên dân chúng mức thuế cao hơn mức họ đã trả cho các quan chức để “mua” quyền thu thuế. Vì người dân không có cách nào để biết chính xác mức thuế thực tế của chính quyền Rô-ma, do đó họ phải đóng thuế theo hạn mức mà người thu thuế ấn định. Người làm nghề thu thuế rất khó để chống lại cám dỗ làm giàu cho bản thân, và họ hầu như không thể nào thắng thầu, có được quyền thu thuế nếu không chấp nhận trả trước một khoản tiền lớn cho quan chức chính quyền.

Điều cần lưu ý là Giăng không khuyên những người thu thuế từ bỏ công việc thu thuế. Với những người Lu-ca gọi là “binh lính”, Giăng cũng không khuyên họ từ bỏ công việc của mình. Có lẽ những người này không phải là binh lính tuân thủ kỹ luật trong quân đội Rô-ma, nhưng là quân lính của vua Hê-rốt. Hê-rốt là vua chư hầu của đế quốc Rô-ma cai trị xứ Ga-li-lê lúc bấy giờ. Quân lính của Hê-rốt có thể đã sử dụng quyền lực của mình để dọa nạt, tống tiền và bảo vệ lợi ích cá nhân.[2]

Chỉ dẫn của Giăng cho những người làm công việc này là hãy mang sự công bằng vào một hệ thống vốn đầy dẫy sự bất công. Chúng ta không thể xem thường những khó khăn họ sẽ đối diện khi thực hiện lời khuyên của Giăng. Vô cùng nguy hiểm và đầy khó khăn khi là công dân nước Trời sống dưới sự cai trị của vua chúa thế giới tội lỗi này.

CHÚA GIÊ-XU BỊ CÁM DỖ TỪ BỎ CÔNG TÁC HẦU VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI (LU 4:1-13)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Ngay trước khi Chúa Giê-xu bắt đầu công việc của một vị vua thì Sa-tan cám dỗ Ngài từ bỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đi vào đồng vắng, ở đó Ngài kiêng ăn trong 40 ngày (Lu 4:2). Sau đó, Chúa Giê-xu đối diện với những cám dỗ tương tự như dân Y-sơ-ra-ên đã đối diện trong đồng vắng Si-nai.[1] Trước tiên, Ngài bị cám dỗ cậy sức riêng để đáp ứng nhu cầu của bản thân, thay vì nương cậy vào sự chu cấp của Đức Chúa Trời (Lu 4:1-3; Phục 8:3,17-20). “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời hãy khiến đá này thành bánh” (Lu 4:3). Kế đó, Chúa Giê-xu bị cám dỗ thay đổi lòng trung thành của mình với Đức Chúa Trời mà hướng về một đối tượng khác là Sa-tan. Sa-tan cám dỗ Ngài dùng phương cách dường như dễ dàng, nhanh chóng hơn để đạt được quyền lực và sự vinh hiển (Lu 4:5-8; Phục 6:13; 71-26). “Nếu ngươi thờ lạy ta, tất cả thế gian này sẽ là của ngươi.” Thứ ba, Chúa Giê-xu bị cám dỗ nghi ngờ liệu Đức Chúa Trời có thật sự ở với Ngài không, rồi tìm cách khiến Đức Chúa Trời phải hành động (Lu 4:9-12; Phục 6:16-25). “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời hãy từ đây gieo mình xuống đi” (từ đền thờ). Không giống như dân Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-xu chống lại những cám dỗ này bằng cách tin cậy vào Lời của Đức Chúa Trời. Hai con người đầu tiên, A-đam và Ê-va đã phạm tội khi bị cám dỗ, Y-sơ-ra-ên dân tộc được Đức Chúa Trời tuyển chọn cũng không tốt hơn. Chỉ có Chúa Giê-xu là hình mẫu nhân loại hoàn hảo theo đúng ý định ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài dựng nên loài người.

Những cám dỗ này không phải chỉ xảy đến cho Chúa Giê-xu, dân Y-sơ-ra-ên cũng đã đối diện với những cám dỗ tương tự trong Phục truyền Luật lệ Ký 6-8. Chúa Giê-xu cũng đã phải đối diện với nhiều cám dỗ chẳng khác gì chúng ta. “Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê 4:15). Giống như Y-sơ-ra-ên và Chúa Giê-xu, chúng ta cũng sẽ bị cám dỗ, trong công việc và trong cuộc sống.

Làm việc chỉ để đáp ứng nhu cầu bản thân là cám dỗ rất lớn. Chúng ta làm việc là để đáp ứng nhu cầu của bản thân (2 Tê 3:10), nhưng không chỉ để đáp ứng nhu cầu của bản thân mà thôi. Công việc cũng nhằm mục đích phục vụ người khác nữa. Không giống như Chúa Giê-xu, chúng ta không bị cám dỗ sử dụng phép lạ để phục vụ nhu cầu bản thân. Nhưng chúng ta có thể bị cám dỗ làm việc chỉ vì tiền lương, bị cám dỗ bỏ công việc ngay khi gặp khó khăn, bị cám dỗ tránh né, không chia sẻ trách nhiệm công việc với người khác, hay để mặc người khác nhận lãnh những hậu quả phát sinh từ việc làm bê bối của chúng ta. Trong công việc cám dỗ chọn lối tắt, nhanh chóng, dễ dàng hơn cũng rất lớn.

Nghi ngờ sự hiện diện và quyền năng của Đức Chúa Trời trong công việc của mình có thể là cám dỗ lớn nhất trong các cám dỗ trên. Chúa Giê-xu đã bị cám dỗ để thử Đức Chúa Trời bằng việc ép buộc Ngài phải hành động. Chúng ta làm điều tương tự khi chúng ta có thái độ lười biếng hay dại dột mà trông đợi Chúa lo liệu cho chúng ta. Thỉnh thoảng, điều này xảy ra khi ai đó cho rằng Chúa đã kêu gọi mình vào một vị trí hay nghề nghiệp nào đó, nhưng cứ thụ động, không làm gì cả mà đợi Chúa khiến điều đó xảy ra. Nhưng có lẽ chúng ta dễ bị cám dỗ khước từ sự hiện diện và quyền năng của Đức Chúa Trời trong công việc của mình. Chúng ta có thể nghĩ công việc của mình chẳng có giá trị gì với Chúa hay chúng ta có thể nghĩ Chúa chỉ quan tâm đến những sinh hoạt trong nhà thờ của chúng ta mà thôi. Những suy nghĩ này có thể khiến chúng ta không thể xin Chúa hiện diện và giúp đỡ chúng ta trong những công việc bình thường mỗi ngày. Chúa Giê-xu trông đợi Đức Chúa Trời dự phần vào công việc mỗi ngày, nhưng Chúa Giê-xu không đòi hỏi Đức Chúa Trời phải thay Ngài làm việc.

Toàn bộ câu chuyện bắt đầu bằng việc Thánh Linh dẫn Chúa Giê-xu vào đồng vắng để kiêng ăn 40 ngày. Thời đó, cũng như ngày nay, kiêng ăn và tham dự các chuyến bồi linh là cách đến gần Chúa trước khi bắt đầu một thay đổi quan trọng trong cuộc sống. Chúa Giê-xu sắp bắt đầu công tác làm vua, và Ngài muốn nhận lấy năng quyền, sự khôn ngoan và sự hiện diện của Đức Chúa Trời trước khi bắt đầu. Đó là cách Ngài đã làm. Khi Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-xu, Ngài đã dành 40 ngày tâm giao với Đức Chúa Trời. Ngài đã chuẩn bị đầy đủ để chống lại Sa-tan. Tuy nhiên, việc kiêng ăn cũng khiến những cám dỗ đến với Chúa Giê-xu mạnh mẽ hơn. “Ngài bị đói” (Lu 4:2). Cám dỗ thường đến với chúng ta nhanh hơn chúng ta tưởng, thậm chí ngay từ lúc chúng ta mới bắt đầu đi làm. Chúng ta có thể bị cám dỗ tham dự vào kế hoạch làm giàu nhanh chóng thay vì bắt đầu từ vị trí thấp nhất trong một công việc hay nghề nghiệp thật sự hữu ích. Chúng ta sẽ phải đối diện với những yếu đuối của bản thân, bị cám dỗ để bù đắp cho những yếu đuối đó bằng cách gian lận, bắt nạt hay dối gạt ai đó. Có lẽ chúng ta cho rằng với những kỹ năng hiện có, chúng ta không thể tìm được công việc như ý, vì thế chúng ta bị cám dỗ thể hiện không đúng về bản thân hoặc gian dối khai nhận những khả năng chuyên môn mình không có hoặc chưa đạt đến. Chúng ta có thể chọn một vị trí có lợi nhưng không thỏa lòng với ảo tưởng “chỉ làm vài năm thôi, đến khi ổn định thì” sẽ kiếm việc gì đó phù hợp hơn với sự kêu gọi của mình.

Chuẩn bị là chìa khóa để chiến thắng cám dỗ. Cám dỗ thường đến mà không hề báo trước. Người chủ, cấp trên của bạn có thể bắt bạn làm báo cáo khống. Bạn có thể sẽ được tiết lộ thông tin mật (về việc kinh doanh của công ty) trước khi thông tin đó công bố rộng rãi cho công chúng. Một cánh cửa quên khóa sẽ đem đến một cơ hội không trông đợi để lấy những thứ không thuộc về mình mà không ai biết. Áp lực để hùa theo đồng nghiệp đồn thổi, bàn tán về một đồng nghiệp khác có thể xảy đến bất ngờ trong bữa trưa. Cách chuẩn bị tốt nhất là hãy tưởng tượng tình huống có thể xảy ra, và cầu nguyện rồi lập kế hoạch để có cách phản ứng thích hợp, thậm chí bạn có thể viết xuống các tình huống có thể gặp cùng với cách phản ứng mà bạn cam kết với Chúa. Một cách khác nữa để giữ chính mình trước cám dỗ là có một nhóm những người biết rõ về bạn, mà bạn có thể gọi để thông báo vắn tắt và thảo luận về vấn đề bạn đang đối diện. Nếu cho họ biết trước, họ có thể giúp khi bạn gặp cám dỗ. Chúa Giê-xu cũng có cộng đồng của Ngài, đó là Ba Ngôi Đức Chúa Trời (nếu chúng ta có thể hiểu và chấp nhận cách mô tả này). Khi bị cám dỗ Chúa Giê-xu đã được sự hỗ trợ từ cộng đồng của mình, đó là mối tâm giao mật thiết với Đức Chúa Cha và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Dù có những điểm tương đồng, những cám dỗ chúng ta đối diện không hoàn toàn giống với những cảm dỗ Chúa Giê-xu đã gặp. Ai cũng có những cám dỗ riêng, lớn và nhỏ, tùy thuộc vào hoàn cảnh và bản chất công việc của chúng ta. Không ai trong chúng ta là Con Đức Chúa Trời, nhưng cách của chúng ta đối diện với cám dỗ sẽ dẫn đến những hệ quả làm thay đổi cuộc sống chúng ta. Thử tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao nếu Chúa Giê-xu từ bỏ sự kêu gọi làm Vua Trời và dùng cuộc đời để tìm kiếm sự xa hoa cho chính mình hay làm theo mệnh lệnh của ông chủ tội ác, hay thụ động không làm gì cả mà chờ Đức Chúa Cha làm thay cho Ngài.

CHÚA GIÊ-XU KÊU GỌI NHỮNG NGƯỜI ĐANG LÀM VIỆC (LU 5:1-11; 27-32)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Có hai lần Chúa Giê-xu đến nơi làm việc và kêu gọi những người đang làm việc đi theo Ngài. Lần thứ nhất là khi Ngài làm gián đoạn công việc của những người đánh cá và sử dụng con thuyền của họ làm bục giảng. Sau đó, Chúa Giê-xu cho họ lời khuyên cách đánh cá rất hiệu quả rồi kêu gọi họ trở thành những môn đồ đầu tiên của Ngài (Lu 5:1-11). Lần thứ hai là khi Chúa Giê-xu kêu gọi Lê-vi, đang khi ông thu thuế (Lu 5:27-32). Những người này được Chúa Giê-xu kêu gọi theo Ngài bằng cách từ bỏ nghề nghiệp của mình. Chúng ta hay nghĩ về họ giống như những người làm việc trọn thời gian cho hội thánh, nhưng chính xác hơn họ là những “đại sứ” của Chúa trọn thời gian (2 Cô 5:20). Mặc dù những cá nhân này được kêu gọi thực hiện một công việc cụ thể trong vương quốc của Chúa Giê-xu, nhưng Lu-ca không nói rằng có sự kêu gọi cao quý (ví dụ: giảng dạy), và sự kêu gọi ít cao quý (ví dụ: đánh cá). Một số môn đồ như Phi-e-rơ, Giăng và Lê-vi, là những người từ bỏ công việc hiện tại để đi theo Chúa Giê-xu (Lu 5:11). Chúng ta sẽ sớm gặp những người như Ma-ri và Ma-thê (Lu 10:38-41), một người thu thuế khác tên là Xa-chê (Lu 19:1-10) và một sĩ quan quân đội Rô-ma (Lu 1-10). Họ là những người theo Chúa bằng cách sống cuộc đời của người được Chúa thay đổi ngay trong nghề nghiệp hiện tại của mình. Trong một trường hợp khác (Lu 8:26-39), Chúa Giê-xu lại yêu cầu người xin được theo Chúa trở về với gia đình, quê hương chứ không đi đây đó với Ngài.

Những người đi đó đây với Chúa Giê-xu không còn làm những công việc có thu nhập nữa và họ sống dựa vào sự dâng hiến (Lu 9:1-6; 10:1-24). Nhưng điều này không có nghĩa biểu hiện cao quý nhất của một người môn đồ là rời bỏ công việc mình đang làm. Đây là sự kêu gọi dành riêng cho những cá nhân cụ thể này và nhắc nhở mọi điều chúng ta có đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ngài chu cấp cho chúng ta bằng nhiều cách, thông thường là qua công việc chúng ta làm. Có nhiều khuôn mẫu, cách thức theo Chúa khác nhau trong bối cảnh của từng nghề nghiệp.[1]

Không chỉ xuất hiện tại nơi làm việc, Chúa Giê-xu cũng đặt nhiều ẩn dụ của Ngài trong bối cảnh của nơi làm việc như ẩn dụ về miếng vải/bầu da mới (Lu 5:36-39), người thợ xây khôn ngoan và người thợ xây dại dột (Lu 6:46-49), người gieo giống (Lu 8:4-15), người đầy tớ tỉnh thức (Lu 12:35-41), người đầy tớ xấu xa (Lu 12:42-47), hạt cải (Lu 13:18-19), men (Lu 13:20-21), chiên lạc mất (Lu 15:1-7), đồng tiền lạc mất (Lu 15:8-10), con trai hoang đàng (Lu 15:11-32) và những người trồng nho gian ác (Lu 20:9-19). Nơi làm việc là bối cảnh Chúa Giê-xu sử dụng để kể các câu chuyện ẩn dụ bắt đầu với cụm từ “Nước Đức Chúa Trời giống như…” Những phân đoạn Kinh Thánh này nhìn chung không dạy nhiều về nơi làm việc, mặc dù đôi khi cũng có một vài chỉ dẫn cho công việc hay cách làm việc. Chúa Giê-xu sử dụng những khía cạnh quen thuộc của nơi làm việc để đưa ra những điểm dạy dỗ về nước Trời, là điều vượt trên bối cảnh cụ thể của các ẩn dụ. Điều này cho thấy với Chúa Giê-xu công việc bình thường có giá trị và ý nghĩa quan trọng.