Bootstrap

CHÚA GIÊ-XU DẠY VỀ SỰ CHU CẤP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (LU 12:4-7; 12:22-31)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners
XUA TAN LO LẮNG BẰNG CÁCH GIÚP NGƯỜI KHÁC THÀNH CÔNG

Joe Kreutz là người sáng lập, CEO và Chủ tịch của Ngân hàng Thương mại ở Quận Ventura, California. Joe đã xây dựng nhiều mối liên hệ trong nghề nghiệp. Khi những nhà đầu tư yêu cầu ông mở một ngân hàng mới, ông đã nhanh chóng liên hệ với những người đã làm việc với ông trong nhiều năm qua. Thay vì lo cho bản thân, ông tập trung vào việc giúp đỡ người khác thành công.

BÀI PHỎNG VẤN

JOE KREUTZ: Ngân hàng Thương mại Quận Ventura của chúng tôi là ngân hàng truyền thống. Chúng tôi là ngân hàng tập trung cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cộng đồng. Chúng tôi cung cấp tất cả các dịch vụ ngân hàng tiêu biểu như các ngân hàng lớn trong khu vực. Nhưng chúng tôi thường phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và giúp họ đạt được mục tiêu của mình.

HATTIE: (thuyết minh) Joe Kreutz là người sáng lập, là CEO và Chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Quận tại Ventura, California.

JOE: Tôi đã làm trong ngành ngân hàng khoảng 30 năm. Tôi là giám đốc của quỹ tiết kiệm và tín dụng trong thập niên 70 và 80. Sau đó tôi đã thành lập công ty tài chính, tín dụng hoạt động trong lĩnh vực địa ốc. Tôi đầu tư rất nhiều vốn vào ngân hàng này và cùng với đội ngũ quản lý, tôi đã có thể xây dựng loại hình ngân hàng mà chúng tôi muốn và phát triển theo đường hướng mà chúng tôi nhận định sẽ thành công.

Tôi và đội ngũ quản lý đã làm việc với nhau tại một ngân hàng khác. Chúng tôi nhận thấy có nhu cầu cần một ngân hàng cộng đồng ở Ventura. Lúc đó không có ngân hàng cộng đồng nào vì tất cả đã bị sáp nhập hay bị các ngân hàng lớn thu tóm vào những năm cuối thập niên 90. Chúng tôi đã quyết định cùng với nhau thành lập Ngân hàng
Thương mại Quận Ventura với khoảng 170 nhà đầu tư từ cộng đồng. Ngân hàng đã hoạt động rất tốt kể từ khi chúng tôi khai trương vào tháng Hai năm 2002.

Chúng tôi đã lên kế hoạch kinh doanh và nghĩ rằng sẽ mất hai năm rưỡi đến ba năm thì ngân hàng mới có lợi nhuận, nhưng chỉ sau chín tháng chúng tôi đã bắt đầu có lãi. Theo tiêu chuẩn của ngành ngân hàng, có lãi chỉ sau chín tháng hoạt động là rất sớm. Thường một ngân hàng phải hoạt động khoảng 30 tháng mới bắt đầu có lãi. Tìm nhà đầu tư là việc không mấy khó khăn. Trên thực tế, số vốn huy động từ các nhà đầu tư để thành lập ngân hàng còn vượt mức dự định của chúng tôi.

Sự khác biệt giữa ngân hàng lớn, ngân hàng khu vực và ngân hàng cộng đồng đó là chúng tôi có thể cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ cho đa số các hộ kinh doanh và các công ty, doanh nghiệp nhỏ. Những khách hàng chúng tôi làm việc mỗi ngày là các doanh nghiệp đã từng gặp rắc rối khi giao dịch với những ngân hàng lớn hơn, hoặc là họ đã bị từ chối hoặc là có quá nhiều vấn đề nan giải, phiền phức. Một trong những điều tốt cho cộng đồng và cũng là điều tốt cho ngân hàng của chúng tôi đó là những người làm việc ở đây đều xuất thân ở vùng này. Hầu hết đội ngũ quản lý của chúng tôi đã lớn lên ở đây. Nhân viên cũng từ cộng đồng này. Chúng tôi hiểu cộng đồng và chúng tôi hiểu các công ty, doanh nghiệp địa phương. Vì thế chúng tôi có thể chấp nhận thêm những rủi ro mà những ngân hàng lớn khác không sẵn sàng, thậm chí có khi các ngân hàng lớn nhận định các doanh nghiệp địa phương là đầy rủi ro, còn chúng tôi thì không nghĩ vậy.

Chúng tôi biết những con người này, chúng tôi biết công ty, doanh nghiệp của họ và chúng tôi sẵn sàng làm việc với họ để cung cấp vốn mà họ cần để phát triển công việc kinh doanh.

HATTIE: (thuyết minh) Joe và Phó giám đốc Điều hành David Bruabker đang đi thăm khách hàng. Chúng tôi đang có mặt tại công ty Data Prose. Ban lãnh đạo rất phấn khởi vì công ty được nới rộng và có thể mua sắm thêm trang thiết bị mới nhờ khoản vay từ Ngân hàng Thương mại Quận Ventura.

JOE: Chúng tôi không thu lợi nhuận “khủng”. Chúng tôi cung cấp dịch vụ chất lượng cho cộng đồng. Chúng tôi thuê nhân viên từ cộng đồng và chúng tôi rất gắn bó với cộng đồng và chúng tôi cũng trao tặng lại cho cộng đồng rất nhiều tiền.

Là một ngân hàng nhỏ, tổng thu của chúng tôi chỉ được khoảng 3 triệu đô-la một năm và với khoản thu đó chúng tôi chi trả cho tất cả chi phí hoạt động và hy vọng có lời trả cổ tức cho những nhà đầu tư. Vì vậy tôi cho rằng ngân hàng của chúng tôi thuộc loại doanh nghiệp nhỏ giống như một cửa hàng thức ăn hay tiệm bán giày chứ không
phải là một doanh nghiệp lớn. Chúng tôi cũng phải tự cân đối nguồn lực giới hạn giống như những khách hàng của chúng tôi. Người ta nghĩ tài sản ngân hàng là 85 triệu đô-la. Điều đó không có nghĩa rằng chúng tôi có 85 triệu đô-la, nhưng có nghĩa rất nhiều người gửi tiền vào ngân hàng của chúng tôi. Chúng tôi vay số tiền đó rồi chúng tôi đi cho vay lại với hy vọng có thể kiếm được chút lợi nhuận.

Nếu chúng tôi có thể thu được 1% lợi nhuận từ khoản tiền gửi tức là công việc của chúng tôi đang thuận lợi. Chúng tôi thấy tiêu chuẩn đó chấp nhận được vì hầu hết các ngân hàng thu được 1% hoặc dưới 1% lợi nhuận từ tổng số vốn vay.

Chúng tôi biết khách hàng của mình, biết gia đình họ, chúng tôi hiểu công việc kinh doanh của họ. Họ là người mà bạn muốn được cùng làm việc. Đó là lý do chúng tôi gắn kết với cộng đồng, chúng tôi gắn kết với con người và khi đó cộng đồng cũng muốn gắn bó với chúng tôi.

Chúng tôi có 22 nhân viên, 50% trong số đó đã cùng làm việc với nhau trên 10 năm và 20% đã làm việc với nhau gần được 30 năm. Chúng tôi đã làm việc với nhau từ rất lâu và chuyện thay nhân viên của chúng
tôi là rất hiếm.

Thái độ là điều quan trọng. Ở bất cứ công ty, xí nghiệp nào, thái độ được hình thành từ trên xuống. Tôi cũng vậy. Tôi cũng thối chí khi mọi việc không theo đúng dự định, hay khi chúng tôi không đạt được những mục tiêu đã đề ra. Nhưng ngay lập tức tôi nhìn lại chính mình và nói “Mình cần phải thay đổi tình hình. Mình cần phải học từ những gì đang diễn ra rồi cố gắng tìm ra giải pháp.” Tôi nói với những nhân viên của mình rằng tôi đang học mỗi ngày…

Trong Lu-ca 12:22-31, Chúa Giê-xu dạy về sự chu cấp của Đức Chúa Trời. “Vậy nên, Ta bảo các con, đừng vì sự sống mà lo đồ ăn, cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc… Hơn nữa, có ai trong các con nhờ lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khoảnh khắc không? Vậy, nếu các con không thể làm được một việc nhỏ như thế, tại sao các con lại lo lắng về những việc khác?” (Lu 12:22, 26). Điều Chúa Giê-xu dạy có nghĩa “vì lo lắng không thể giúp chúng ta sống lâu hơn, nên lo lắng không ích lợi.” Chúa Giê-xu không dạy đừng làm việc, nhưng Ngài dạy đừng lo lắng việc làm của mình có đủ trang trải cho những nhu cầu cuộc sống hay không. Đây là lời khuyên tuyệt vời cho thời đại của sự thừa thãi. Nhiều người trong chúng ta bị chi phối bởi sự lo lắng đến nỗi cứ phải làm những công việc mình không thích, hay làm việc quá độ giờ này qua giờ khác mà chẳng có thời gian tận hưởng niềm vui cuộc sống và bỏ bê nhu cầu của những người xung quanh. Đối với chúng ta, mục tiêu không phải là kiếm “thêm” tiền nhưng là kiếm “đủ” tiền. “Đủ” được định nghĩa là khi chúng ta cảm thấy an tâm. Thế nhưng hiếm khi chúng ta có cảm giác an tâm, dù cho chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa. Thật ra, càng thành công, càng kiếm được nhiều tiền, thì chúng ta càng ít thấy an tâm vì bây giờ chúng ta có thêm thứ để mất. Dường như sẽ là tốt hơn khi chúng ta “được” phước như người nghèo, nghĩa là chỉ phải lo lắng về những điều thiết yếu của cuộc sống, “Phước cho các con là những người hiện đang đói, vì sẽ được no đủ” (Lu 6:21).

Chúa Giê-xu đã phá bỏ vòng lẩn quẩn này khi Ngài phán “nhưng hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho các con những điều ấy nữa.” (Lu 12:31). Vì sao? Bởi vì nếu bạn xác định mục tiêu tối hậu của tôi là cho nước Trời, hướng về nước Trời, thì bạn được đảm bảo chắc chắn rằng mục tiêu tối hậu của bạn sẽ được hoàn tất. Khi sống với sự đảm bảo này, bạn sẽ nhận ra tiền bạc mình kiếm được thật sự là đủ, vì Đức Chúa Trời đang chu cấp cho nhu cầu của tôi. Kiếm được một triệu đô-la rồi phải lo lắng sợ đánh mất thì cũng giống như đang mắc nợ một triệu đô-la; nhưng nếu chỉ kiếm được một ngàn đô-la và biết rằng mình được yên ổn thì giống như được cho một ngàn đô-la vậy.

Nhưng nếu bạn không có được một ngàn đô-la thì sao? Hiện tại có khoảng một phần ba dân số thế giới có mức sống hằng năm ít hơn một ngàn đô-la.[1] Dù đủ sống trong hôm nay, nhưng họ phải đối diện với nguy cơ thiếu đói hay nhiều điều tồi tệ hơn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dĩ nhiên trong số này có cả những Cơ Đốc Nhân. Thật khó để dung hòa thực tế của sự nghèo khổ và đói kém với lời hứa chu cấp của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu biết điều này, Ngài biết có một số người rất nghèo nên Ngài đã phán: “Hãy bán gia tài ngươi mà phân phát cho kẻ nghèo” (Lu 12:33). Đó là lý do chúng ta phải ban cho, giúp đỡ người nghèo. Nếu những người tin Chúa sử dụng công việc và của cải mình có để giảm bớt và ngăn chặn sự nghèo khó, thì khi đó chúng ta sẽ trở thành phương tiện Đức Chúa Trời dùng để chu cấp cho những người nghèo. Nhưng không phải lúc nào các Cơ Đốc Nhân cũng làm như vậy, nên chúng ta cũng không thể nói thay cho những người vì nghèo khổ mà hồ nghi về sự chu cấp của Chúa dành cho họ. Thay vào đó, chúng ta hãy tự hỏi
chính mình có đang nghi ngờ về sự chu cấp của Chúa không? Nguyên nhân lo lắng của chúng ta có phải vì chúng ta đang thiếu thốn những điều thật sự cần thiết cho đời sống? Những thứ khiến chúng ta lo lắng có phải thật sự là những điều chúng ta cần? Những nhu cầu bản thân khiến chúng ta phải lo lắng có quá xa xỉ khi so sánh với những thứ mà những người khó khăn đang cần, mà chúng ta lại chẳng làm gì để giúp đỡ họ?