Bootstrap

SỰ LO NGẠI DÀNH CHO NGƯỜI GIÀU (LU 6:25; 12:13-21; 18:18-30)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Chúa Giê-xu chỉ ra vấn đề đầu tiên của sự giàu có là những người giàu vì lòng đam mê của cải dễ có khuynh hướng loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống. “Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Lu 12:34). Chúa Giê-xu muốn con người hiểu rằng giá trị cuộc sống không được định nghĩa dựa trên của cải, nhưng bằng tình yêu và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Lu-ca mong muốn khi chúng ta được gặp gỡ Chúa Giê-xu thì chúng ta, và công việc chúng ta làm, cũng được biến đổi.

Nhưng sự giàu có dường như khiến chúng ta ngoan cố chống cự bất kỳ sự thay đổi nào trong đời sống. Sự giàu có cho chúng ta có đủ phương tiện để duy trì nguyên trạng, để tự lập, để làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Sự sống đời đời hay sự sống thật là sống trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời (và với người khác).

Sự giàu có khiến chúng ta khước từ Đức Chúa Trời và dẫn đến sự chết đời đời. Chúa Giê-xu phán: “Nếu người nào được cả thế gian mà chính mình bị mất hoặc thiệt thân thì có ích gì?” (Lu 9:25). Của cải có thể dẫn dụ khiến người giàu sống xa cách Chúa, là số phận mà người nghèo (có thể) tránh khỏi. “Phước cho các con là những người nghèo khó, vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về các con” (Lu 6:20). Đây không phải là lời hứa về phần thưởng trong tương lai, nhưng là lời tuyên bố cho hiện tại. Người nghèo không bị của cải cản trở lòng yêu mến Đức Chúa Trời. Nhưng “Khốn cho các ngươi là những người hiện đang no, vì sẽ đói! ” (Lu 6:25). “Đói” dường như là cách nói giảm nhưng có hàm ý rất rõ ràng chỉ về việc “đánh mất sự sống đời đời vì không còn quan tâm đến Chúa”. Tuy vậy, có lẽ vẫn còn hy vọng ngay cả cho những người giàu có xấu xa.

Câu Chuyện Ẩn Dụ Về Người Giàu Dại Dột (Lu 12:13-21)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Sự dạy dỗ về chủ đề của cải được tiếp nối cách kịch tính với câu chuyện ẩn dụ về người giàu dại dột (Lu 12:13-21). “Ruộng của người giàu kia rất được mùa”, nhiều đến nỗi không thể chứa hết trong kho. “Ta sẽ làm gì?” ông ta lo lắng và quyết định phá bỏ kho hiện có để xây kho lớn hơn. Người giàu này thuộc về số người tin rằng càng có nhiều của cải thì càng bớt lo về tiền bạc. Nhưng trước khi ông phát hiện mình đã phải lo lắng vì thứ không thật sự có giá trị, thì người giàu này đối diện với số phận còn bi thảm hơn là cái chết. Khi người giàu sắp chết, câu hỏi của Chúa: “Những thứ mà người đã dự trữ sẽ thuộc về ai?” (Lu 12:20) có ý mỉa mai và đụng đến hai điểm cốt lõi. Thứ nhất là câu trả lời cho của cải: sẽ không thuộc về người giàu. Số của cải người giàu này trông cậy để đáp ứng nhu cầu của ông trong nhiều năm nữa sẽ lập tức được chuyển cho người khác. Điều thứ hai còn thâm sâu hơn là câu trả lời cho linh hồn: sẽ bị đòi lại. Người giàu có ngu dại sẽ nhận được những gì ông đã chuẩn bị cho bản thân: một cuộc sống không có Chúa sau khi qua đời, một cái chết thật sự. Sự giàu có đã ngăn trở ông xây dựng mối liên hệ với Chúa, được thể hiện bằng việc ông chẳng hề mảy may suy nghĩ sẽ dùng vụ mùa bội thu của mình để giúp đỡ những người có nhu cầu. “Ai thu trữ của cải cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu 12:21).

Tại đây, tình bạn với Đức Chúa Trời được diễn tả bằng ngôn ngữ kinh tế. Những người được làm bạn với Đức Chúa Trời và có của cải phải là những người giúp đỡ cho những người cũng là bạn hữu của Chúa và đang nghèo khổ. Vấn đề của người giàu dại dột là ông ta tích trữ mọi thứ cho mình, mà không tạo công ăn, việc làm hay cơ hội sinh sống cho người khác. Chúng ta có thể tưởng tượng một người giàu có yêu mến Chúa thật sự mà không tích trữ của cải cho mình sẽ ban cho cách rộng rãi, giúp người nghèo khổ, hay tốt hơn là đầu tư tiền bạc để sản xuất những sản phẩm và cung cấp những dịch vụ thật tốt, thuê mướn nhân viên, tạo việc làm và đối xử với những người làm việc cho mình bằng sự công bằng và lương thiện. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều người như vậy trong Kinh Thánh (ví dụ: Giô-sép người A-ri-ma-thê, Lu 23:50) và trong thế giới quanh ta. Những người như thế sẽ được phước cả trong đời này lẫn đời sau. Nhưng chúng ta không thể
loại bỏ điểm mấu chốt của ẩn dụ này: nếu con người có thể tích trữ của cải bởi sự tham lam thì cũng có thể tăng trưởng về mặt kinh tế và các phương diện khác trong đời sống nhờ ân sủng của Chúa. Sau hết tất cả, chính Chúa sẽ phán xét việc làm của mỗi người.

Vị Quan Giàu Có (Lu 18:18-30)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-xu với vị quan giàu có (Lu 18:18-30) cho thấy cơ hội được giải cứu khỏi vòng kìm kẹp của vật chất. Vị quan này đã không để sự giàu có của mình hoàn toàn thay thế tấm lòng khao khát Chúa. Ông bắt đầu với câu hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Trong câu trả lời, Chúa Giê-xu tóm tắt Mười Điều Răn. Vị quan giàu có trả lời rằng “Tôi đã giữ các điều ấy từ thời niên thiếu” (Lu 18:21). Chúa Giê-xu đã chấp nhận câu trả lời của vị quan nhưng Ngài nhìn thấy ảnh hưởng sai lạc của sự giàu có trên ông. Chúa Giê-xu cho vị quan một cách để chấm dứt ảnh hưởng nguy hại của sự giàu có. “Hãy bán tất cả những gì ngươi có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời, rồi hãy đến theo Ta” (Lu 18:22). Bất cứ ai thật sự có lòng khao khát tìm kiếm Chúa đều sẽ vui mừng sung sướng trước lời mời gọi bước vào mối liên hệ cá nhân mật thiết với Con Đức Chúa Trời. Nhưng thật quá muộn màng cho vị quan giàu có này, lòng yêu mến của cải của ông lớn hơn tình yêu ông dành cho Đức Chúa Trời. “Ông ta trở nên buồn rầu, vì ông rất giàu có” (Lu 18:23). Chúa Giê-xu nhận ra điều đó và phán rằng “Người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời thật khó biết bao! Vì lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời!” (Lu 18:24-25).

Ngược lại, người nghèo thường bày tỏ sự rộng rãi lạ lùng. Bà góa nghèo sẵn sàng cho đi tất cả những gì bà có vì yêu Chúa (Lu 21:1-4). Đây không phải là tóm tắt sự đoán phạt của Chúa dành cho những người giàu nhưng là một nhận xét dựa trên quan sát về sức cuốn hút và sự kìm kẹp của của cải. Trong câu chuyện này, những người xung quanh Chúa Giê-xu và vị quan giàu có cũng đều nhận ra vấn đề và thất vọng với thắc mắc có ai đủ sức chống lại sự hấp dẫn của của cải, dù chính họ (các môn đồ) đã bỏ tất cả để theo Chúa Giê-xu (Lu 18:28). Nhưng Chúa Giêxu không hề bi quan, vì “điều loài người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được” (Lu 18:27). Chính Đức Chúa Trời là nguồn sức lực để giúp con người khao khát yêu mến Đức Chúa Trời hơn của cải.

Có lẽ ảnh hưởng nguy hại của của cải là ngăn trở chúng ta mong ước một tương lai tốt hơn. Nếu bạn giàu có, mọi thứ đều tốt đẹp, khi đó sự thay đổi trở thành mối đe dọa chứ không phải cơ hội. Trong trường hợp của vị quan giàu có, của cải đã khiến ông mờ mắt, không nhận biết cuộc đời có Chúa tuyệt vời không chi sánh bằng. Chúa Giê-xu ban cho vị quan giàu có này ý nghĩa mới về giá trị bản thân và sự an ổn. Nếu ông ta có thể mường tượng ý nghĩa, giá trị mới Chúa ban vượt trổi hơn sự mất mát của cải, thì có lẽ vị quan đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giê-xu. Đỉnh điểm của câu chuyện là lúc các môn đồ của Chúa Giê-xu đề cập đến những gì họ đã từ bỏ để theo Ngài thì Chúa Giê-xu hứa rằng họ sẽ được giàu có dư dật trong nước Trời. Chúa Giê-xu phán, ngay cả trong đời này, họ sẽ được “nhận lãnh nhiều hơn” cả về những mối liên hệ lẫn vật chất, và trong đời sau sẽ được sự sống đời đời (Lu 18:29-30). Đây là cơ hội mà mà vị quan giàu có để mất. Ông ta chỉ thấy những thứ mình phải từ bỏ, chứ không thấy những điều mình sẽ nhận được.[1]