RỦI RO TRONG VIỆC ĐẦU TƯ: ẨN DỤ VỀ MƯỜI NÉN BẠC (LU 19:11-27)
Ẩn dụ về mười nén bạc được đặt trong bối cảnh làm việc của thế giới tài chính. Một vị thái tử đi xa để được phong chức làm vua. Ông là người giàu có và sẽ sớm trở thành người đầy quyền thế. Đa phần dân chúng đều ghét vị thái tử và đã sai người báo tin họ phản đối việc ông lên ngôi vua (Lu 19:14). Trong lúc đi vắng, vị thái tử chọn ba người đầy tớ giao cho họ tiền để đầu tư. Hai người đầy tớ đã mạo hiểm đầu tư tiền của chủ và thu được lợi nhuận lớn. Người đầy tớ thứ ba sợ mạo hiểm, vì vậy anh ta đem giấu tiền ở một nơi an toàn và không thu được lợi nhuận gì. Khi người chủ trở về, ông đã trở thành vị vua cai trị cả vùng đất. Vị vua ban thưởng và thăng chức cho hai người đầy tớ đã đầu tư và đem lại lợi nhuận cho ông.
Vua cũng trừng phạt người đầy tớ đã đem giấu tiền ở nơi an toàn và không làm lợi được đồng nào. Sau đó, vua ra lệnh giết tất cả những ai đã chống lại ông. Chúa Giê-xu kể ẩn dụ này ngay trước khi Ngài đi lên Giê-ru-sa-lem, là nơi Ngài được dân chúng chúc tụng và tôn làm vua: “Chúc tụng Vua nhân danh Chúa mà đến!” (Lu 19:38); nhưng không lâu sau đó họ chối bỏ Ngài. Trong câu chuyện ẩn dụ, hình ảnh vị thái tử giống như Chúa Giê-xu được tôn làm vua, còn những người chống đối vị thái tử đăng quang làm vua thì giống như đám đông đã kêu la “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!” (Lu 23:21). Qua cách ví sánh từ câu chuyện ẩn dụ, chúng ta nhận thấy dân chúng đã đánh giá vô cùng sai lầm về Đấng sẽ sớm trở thành vị vua của họ, ngoại trừ số ít người giống như hai người đầy tớ chăm chỉ làm việc khi chủ vắng mặt. Bối cảnh của ẩn dụ này cảnh tỉnh chúng ta về quyết định cá nhân với Chúa Giê-xu. Tôi có thật sự xưng nhận Chúa Giê-xu là vị vua được Đức Chúa Trời thiết lập? Tôi quyết định phục vụ hay chống đối Ngài? Và tôi có sẵn sàng chấp nhận hệ quả từ quyết định của mình?[1]
Ẩn dụ này cho thấy rõ công dân nước Trời có trách nhiệm làm việc vì mục tiêu và ý định của Đức Chúa Trời. Trong ẩn dụ này, vị thái tử nói cụ thể với các đầy tớ điều ông mong đợi nơi họ là dùng tiền ông giao để đầu tư sinh lợi. Sự kêu gọi hay mạng lệnh đặc biệt này cho thấy Đức Chúa Trời không kêu gọi người thuộc về Ngài chỉ để giảng dạy, chữa lành và truyền giảng và ngược lại không phải ai thuộc về nước Trời cũng được kêu gọi để đầu tư. Trong ẩn dụ này, chỉ có ba người đầy tớ được vị thái tử chọn để làm công việc đầu tư. Ẩn dụ này dạy chúng ta bài học quan trọng, dù chúng ta làm việc gì, khi chúng ta xưng nhận Chúa Giê-xu là vua thì chúng ta phải hướng đến mục đích của Ngài trong công việc của mình. Theo sự dạy dỗ từ ẩn dụ này nếu chúng ta tôn Chúa Giê-xu làm vua, thì chúng ta phải chấp nhận mạo hiểm trong cuộc sống. Người đầy tớ đầu tư tiền của chủ đối diện với nguy cơ bị những người xung quanh, là những người đã khước từ thẩm quyền của vị thái tử ngược đãi, tấn công. Họ cũng đối diện với nguy cơ đầu tư thất bại, số tiền chủ giao bị tiêu hao hay bị mất hoàn toàn. Ngay cả sự thành công cũng có thể đem đến những điều không tốt. Khi thành công và được cất nhắc, người đầy tớ có thể bị cám dỗ trở nên tham quyền cố vị. Trong lần đầu tư tiếp theo, họ đối diện với rủi ro lớn hơn khi được giao số tiền đầu tư lớn hơn; và nếu thất bại họ sẽ phải đối diện với hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ở Tây Phương, CEO của các doanh nghiệp hay huấn luyện viên trưởng của các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp thường xuyên bị sa thải khi kết quả kinh doanh, hay kết quả thi đấu chỉ đạt mức trung bình. Nhưng các nhân viên ở vị trí thấp hơn thường chỉ bị sa thải khi có kết quả làm việc rất kém. Trong ẩn dụ này thành công hay thất bại đều không an toàn; thế giới công việc ngày nay cũng vậy. Điều này thường cám dỗ chúng ta tìm cách che giấu hoặc thỏa hiệp, trì hoãn trong lúc chờ đợi hoàn cảnh thay đổi tốt hơn. Nhưng trong ẩn dụ này, Chúa Giê-xu lên án việc né tránh, che đậy. Người đầy tớ cố gắng né tránh rủi ro bị coi là người đầy tớ không trung thành. Chúng ta không biết chuyện gì xảy ra nếu hai người đầy tớ đã đầu tư tiền của chủ bị thất bại và không thu hồi được số tiền chủ đã giao, nhưng ngụ ý trong ẩn dụ này là tất cả những sự đầu tư vì động cơ trung tín phục vụ Chúa dù có đạt được kết quả hay không đều khiến Ngài hài lòng.[2]