Bootstrap

ĐẠO ĐỨC ỨNG XỬ KHI XUNG ĐỘT (LU 6:27-36; 17:3-4)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

LÀM ƠN CHO NGƯỜI GHÉT MÌNH (LU 6:27-36)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Nơi làm việc nào cũng có xung đột, Chúa Giê-xu đề cập đến vấn đề này trong Lu-ca 6:27-36. “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình” (Lu 6:27-28). Lu-ca cho biết rõ bối cảnh của sự dạy dỗ này là kinh doanh khi ông đề cập cụ thể đến việc cho vay tiền. “Hãy cho [kẻ thù của bạn] mượn mà đừng mong trả lại” (Lu 6:35). Dường như đây không phải là một lời khuyên thực tế trong việc cho vay, cần được hiểu theo ý nghĩa trừu tượng. Cơ Đốc Nhân không được dùng quyền lực để đàn áp nhưng ngược lại phải tích cực hành động vì ích lợi của những người đang có xung đột với mình. Điều này có thể áp dụng trong vấn đề xung đột tại công sở ở hai mức độ.

Áp dụng điều này ở mức độ cá nhân có nghĩa là chúng ta phải làm việc vì ích lợi của những người đang có xung đột với mình. Điều này không phải là tránh né xung đột hay từ bỏ cạnh tranh, ví dụ, nếu bạn và đồng nghiệp đang thi đua để được thăng chức, bạn phải giúp đỡ đồng nghiệp làm việc tốt trong khả năng của họ, đồng thời bạn vẫn phải cố gắng hoàn tất công việc của mình tốt hơn. Ở mức độ tập thể, áp dụng điều này có nghĩa là không triệt hạ đối thủ, nhà cung cấp hay khách hàng bằng những hành vi không công bằng như kiện tụng thiếu chứng cớ, kinh doanh độc quyền, tung tin đồn thất thiệt, thao túng giá cổ phiếu và những điều tương tự. Mỗi ngành nghề đều có điểm đặc trưng riêng nên không thể đưa ra một cách áp dụng cho tất cả mọi tình huống dựa trên phân đoạn Kinh Thánh tại đây. Vì thế, vai trò cần thiết của những người tin Chúa khi tham gia vào một ngành nghề đó là xác định quy tắc ứng xử thích hợp khi xảy ra xung đột và hình thức cạnh tranh chính đáng dựa trên sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu.

QUỞ TRÁCH - ĂN NĂN - THA THỨ (LU 17:3-4)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Trong phân đoạn Lu-ca 17:3-4, Chúa Giê-xu đề cập đến vấn đề xung đột cá nhân. “Nếu anh em con phạm tội, hãy quở trách! Nếu họ ăn năn, hãy tha thứ!” (Lu 17:3). Chúng ta không nên xem lời dạy này chỉ dành cho gia đình, vì Chúa Giê-xu áp dụng chữ “anh em” cho tất cả những người theo Ngài (Mác 3:35). Giải quyết xung đột bằng cách gặp mặt, nói chuyện trực tiếp và hướng đến phục hồi mối liên hệ là cách ứng xử tốt đẹp. Nhưng câu Kinh Thánh kế tiếp lại phá đổ những giới hạn của hiểu biết thông thường. “Dù trong một ngày, anh em con phạm lỗi với con bảy lần, và bảy lần trở lại cùng con mà nói: ‘Tôi ăn năn’ thì con cũng phải tha thứ.” (Lu 17:4). Trên thực tế, Chúa Giê-xu không chỉ yêu cầu phải tha thứ, mà còn đòi hỏi không được xét đoán. “Đừng xét đoán ai thì các con sẽ không bị xét đoán. Đừng lên án ai thì các con sẽ không bị lên án. Hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ.” (Lu 6:37). “Sao con thấy cái dằm trong mắt anh em mà lại không thấy cây đà trong mắt mình?” (Lu 6:41).

Làm việc không nhận xét, đánh giá có phải là cách làm việc đúng, khôn ngoan? Làm sao có thể quản lý tốt công việc và hiệu suất làm việc mà lại không nhận xét, đánh giá? Có lẽ điều Chúa Giê-xu nói đến không phải là không có đánh giá phù hợp; nhưng là từ bỏ chủ nghĩa xét đoán, chỉ trích và kết tội, cùng với thái độ đạo đức giả cho rằng những vấn đề xảy ra hoàn toàn là lỗi của người khác. Có lẽ Chúa Giê-xu không có ý “hãy làm ngơ trước những sai phạm đạo đức cứ tái diễn hay việc làm thiếu trách nhiệm hoặc không đủ năng lực” nhưng “hãy tự xét những việc làm của mình đã góp phần tạo nên vấn đề này như thế nào.” Tương tự có lẽ Ngài không có ý “Đừng đánh giá năng lực hay công việc của người khác” nhưng là “Hãy xem thử chính mình có thể làm gì để giúp người khác thành công”. Có lẽ điểm chính Chúa Giê-xu muốn dạy không phải là chuyện khoan dung mà là lòng thương xót. “Các con muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy” (Lu 6:31).