Bootstrap

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ HAI VƯƠNG QUỐC (MA-THI-Ơ 11-17)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Khi đọc qua sách Tin Lành Ma-thi-ơ, chúng ta thấy sứ điệp và những việc làm của Chúa Giê-xu ngày càng bị chống đối nhiều hơn. Sự chống đối đã lên tới đỉnh điểm trong Ma-thi-ơ 12:14 khi những lãnh đạo tôn giáo quyết định ngăn chặn Chúa Giê-xu bằng mọi giá, thậm chí nếu cần thì giết Ngài. Điều này báo trước hồi kết: Chúa Giê-xu sẽ bị đóng đinh tại Giê-ru-sa-lem. Dẫu biết điều đang chờ đợi mình, Chúa Giê-xu vẫn nói cùng các môn đồ rằng:

“Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.” (Mat 11:28-30)

Nếu chúng ta làm việc dưới ách của Chúa, chúng ta sẽ tìm được sự thỏa nguyện cho chính mình và trải nghiệm mối liên hệ tốt đẹp với Đức Chúa Trời và với mọi người xung quanh.[1] Trong vườn Ê-đen, khi Đức Chúa Trời giao công việc cho A-đam, công việc dễ dàng và nhẹ nhàng khi ở dưới thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Nhưng khi con người bắt đầu chống lại Đấng đã tạo dựng nên mình, thì tính chất công việc của con người trở nên nặng nhọc với gai góc và cây tật lê (Sáng 3).
Chúa Giê-xu mời gọi chúng ta đến làm việc dưới ách của Ngài với lời hứa rằng chúng ta sẽ tìm được sự yên nghỉ cho linh hồn của mình.[2]

LÀM VIỆC TRONG NGÀY SA-BÁT (MA-THI-Ơ 12:1-8)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Một trong những lãnh vực nảy sinh sự xung đột giữa Chúa Giê-xu và những người chống đối Ngài là việc giữ ngày Sa-bát. Trong phân đoạn này, Chúa Giê-xu đã bị những lãnh đạo tôn giáo lên án vì các môn đồ của Ngài ngắt bông lúa mì trong ngày Sa-bát. Người Pha-ri-si xem việc ngắt bông lúa mì là thu hoạch vụ mùa, đây là một hình thức công việc. Làm việc trong ngày Sa-bát là điều cấm. Chúa Giêxu đã phủ nhận cách giải thích cũng như động cơ của người Pha-ri-si trong vấn đề này. Ngài lập luận việc ngắt bông lúa mì để giải quyết nhu cầu lương thực không hề phạm luật ngày Sa-bát, bởi vì cả vua Đa-vít và các thầy tế lễ trong đền thờ cũng đã làm như vậy mà không bị Đức Chúa Trời quở trách (Mat 12:3-5, 1 Sa 21:1-6). Hơn thế nữa, động cơ áp dụng luật pháp Môi-se phải là lòng nhân từ và thương xót (Mat 12:6). Trong Mi-chê 6:6-8, Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài xem lòng nhân từ và thương xót quan trọng hơn của tế lễ. Trong trường hợp nầy điều đó có nghĩa việc cho phép người đang đói ngắt bông lúa mì để ăn là quan trọng hơn yêu cầu tuân thủ những luật lệ ngày Sa-bát. Ngày nghỉ trong tuần là món quà của Đức Chúa Trời và cũng là lời hứa của Ngài: chúng ta không cần liên tục làm việc mới có thể đáp ứng đủ những nhu cầu của đời sống. Do đó việc giúp đỡ, tiếp trợ những người thiếu thốn trong ngày Sa-bát không phải là tội.[1]

NHỮNG ẨN DỤ VỀ NƯỚC THIÊN ĐÀNG (MA-THI-Ơ 13)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Khi đối mặt với sự chống đối, Chúa Giê-xu đã thay đổi phương cách giảng dạy bắt đầu từ chương 13. Thay vì công bố rõ ràng về nước thiên đàng, Ngài bắt đầu dạy dỗ bằng những ẩn dụ. Với những người tin Chúa Giê-xu, các ẩn dụ đầy ý nghĩa; nhưng với những người không tin thì các ẩn dụ không thể hiểu được. Phần lớn những câu chuyện ngắn này đều nói về những người làm việc: người gieo giống trên cánh đồng (Mat 13:3-9); người phụ nữ trộn men vào bột bánh mì (Mat 13:33); người đi tìm kho báu (Mat 13:44); người buôn ngọc trai (Mat 13:45-46); người đánh cá (Mat 13:47-50); và người chủ nhà (Mat 13:52). Đa số các câu chuyện không nhằm mục đích mô tả công việc. Chúa Giê-xu không có ý dạy chúng ta cách gieo giống trên đồng, cách nướng bánh mì, hay nên đầu tư vào những loại mặt hàng nào. Nhưng qua tình tiết của các câu chuyện này, Chúa Giê-xu đã dùng những điều cụ thể và việc làm của con người để truyền đạt những đặc điểm trong vương quốc Đức Chúa Trời. Công việc của chúng ta luôn hàm chứa ý nghĩa, thậm chí có thể dùng để minh họa cho những thực tại đời đời. Điều này nhắc chúng ta rằng con người cùng mọi vật xung quanh đều là tạo vật của Đức Chúa Trời và tất cả sẽ luôn là một phần trong vương quốc của Ngài.

NỘP THUẾ (MA-THI-Ơ 17:24-27, 22:15-22)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Trong thời của Chúa Giê-xu, người Do Thái vừa đóng thuế đền thờ lại phải đóng thuế cho chính quyền Rô-ma đang cai trị họ. Ma-thi-ơ đã ghi chép hai sự kiện cho thấy quan điểm của Chúa Giê-xu về vấn đề nộp thuế. Sự kiện thứ nhất được ghi lại trong Ma-thi-ơ 17:24-27, khi những người thâu thuế đền thờ đến hỏi Phi-e-rơ rằng Chúa Giê-xu có nộp thuế không. Biết được điều này, Chúa Giê-xu đã hỏi Phi-e-rơ rằng, “Si-môn ơi, con nghĩ sao? Các vua thế gian bắt ai làm sưu, đóng thuế? Các con trai mình hay người ngoài?” Phi-e-rơ đã trả lời, “người ngoài.” Chúa Giê-xu tiếp lời, “Vậy thì các con trai được miễn. Nhưng để khỏi tạo cớ vấp phạm cho họ, con hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào mắc câu đầu tiên, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc. Hãy lấy đồng bạc ấy đóng thuế cho Ta với con!”

Sự kiện thứ hai được ghi lại trong Ma-thi-ơ 22:15-22, khi những người thâu thuế cho đế quốc Rô-ma đã đến tìm Chúa Giê-xu. Trong sự việc này, những người Pha-ri-si và những người thuộc phe Hê-rốt đã bàn mưu để gài bẫy Chúa Giê-xu khi hỏi Ngài rằng, “Việc nộp thuế cho Sê-sa có đúng luật hay không?” Chúa Giê-xu biết rõ mưu kế trong lòng họ, nên Ngài đã đáp lại bằng một câu hỏi sắt bén, “Hỡi những kẻ đạo đức giả, tại sao các ngươi thử Ta? Hãy cho Ta xem một đồng tiền nộp thuế.” Khi họ đưa cho Ngài xem một đơ-ni-ê, Chúa Giê-xu đã hỏi rằng, “Hình và hiệu nầy của ai?” Họ đáp, “Của Sê-sa.” Và Chúa Giê-xu đã khép lại cuộc đối thoại này với những lời như sau, “Vậy hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa, và hãy trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời.”

Địa vị thật của chúng ta là công dân trong vương quốc của Đức Chúa Trời, vì vậy chúng ta phải tận hiến mọi nguồn lực cho những mục đích của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải trả cho các bậc cầm quyền trong thế giới này những gì thuộc về họ. Nộp thuế cho những phúc lợi mà mình được hưởng là một trong những nghĩa vụ căn bản mà bất cứ công dân trong mọi xã hội đều phải thực hiện. Những phúc lợi đó bao gồm các dịch vụ công ích đáp ứng cho những tình huống khẩn cấp như: cảnh sát, lính chữa lửa, nhân viên cứu thương, v.v…, cũng như những hỗ trợ pháp lý nhằm đảm bảo sự công bằng cho mọi người hay quỹ an sinh xã hội dành cho người nghèo, người cao tuổi cùng với những người khác có nhu cầu. Đế quốc Rô-ma không định hướng theo phương châm đem lại ích lợi cho mọi người, tuy nhiên chính quyền vẫn quan tâm đến vấn đề đường xá, cấp thoát nước, giữ gìn an ninh và đôi lúc cũng có cứu trợ người nghèo. Không phải lúc nào chúng ta cũng đồng ý với hình thức và quy mô của những loại phúc lợi mà chính quyền cung ứng, nhưng chúng ta biết phần thuế mà chúng ta đóng góp là thiết yếu trong việc đem lại sự an toàn cho cá nhân cũng như góp phần giúp đỡ cho những người có nhu cầu.

Mặc dù không phải mọi hoạt động của chính phủ đều đúng với những mục đích của Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giê-xu không kêu gọi chúng ta xem thường nghĩa vụ đóng thuế cho đất nước mà chúng ta đang sinh sống (Rô 13:1-10; 1 Tê 4:11-12). Tại đây, Chúa Giê-xu dạy chúng ta không nên trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. Nếu có thể được, chúng ta cần “hết sức sống hòa thuận với mọi người” (Rô 12:18; Hê 12:14; tham khảo 1 Phi 2:12), tuy nhiên, chúng ta cũng phải sống như ánh sáng soi trong nơi tối tăm (Mat 5:13-16; Phi 2:15). Nếu chúng ta làm việc nhưng lại từ chối đóng thuế thì điều đó không làm cho nước Đức Chúa Trời được vinh hiển, cũng không đem lại sự hòa thuận hay giúp đưa người khác đến với Chúa.

Điều này có rất nhiều áp dụng trực tiếp liên quan đến công việc. Ngoài vấn đề thuế, nơi làm việc luôn nằm dưới thẩm quyền và luật pháp của nhà nước. Có thể một số chính phủ có những luật lệ và tập quán đi ngược lại với những mục đích và đạo đức Cơ Đốc Giáo, giống như chính quyền Rô-ma trong thế kỷ thứ nhất. Cơ quan chính phủ hay nhân viên nhà nước có thể đòi chúng ta phải hối lộ, định cho chúng ta những nguyên tắc và luật lệ trái đạo lý, hà hiếp và đối xử bất công, cũng như xử dụng tiền thuế cho những mục đích đi ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Về việc nộp thuế, Chúa Giê-xu không đòi hỏi chúng ta phải chống trả lại những sai trật như vậy. Chúng ta giống như những điệp viên hay mật vụ hoạt động trong lãnh thổ của kẻ thù. Chúng ta không nên để mình bị sa lầy vào những cuộc chiến vặt vãnh. Nhưng chúng ta cần có chiến thuật hẳn hoi, hãy luôn tự hỏi bản thân, điều gì là hữu hiệu nhất giúp mở rộng vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất này. Tất nhiên, chúng ta không bao giờ dự phần trong những lề thói sai trật với mục đích trục lợi cho bản thân.[1]