Bootstrap

GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT (MA-THI-Ơ 18:15-35)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Trong mọi nơi làm việc đều xảy ra xung đột. Trong phân đoạn này, Chúa Giêxu đã trình bày một khuôn mẫu về cách giải quyết xung đột. Ngài không hề nói rằng, “Hãy trả đũa!” hay “Tấn công lại!” Nhưng Chúa Giê-xu đã thiết lập một tiến trình giải quyết xung đột bắt đầu với việc tìm kiếm cơ hội giải hòa giữa hai người với nhau. Sự nhu mì trong các phước lành có nghĩa là gạt sang một bên việc biện hộ cho chính mình để có thể cư xử đúng mực và thật lòng với người đã làm tổn thương chúng ta, cũng như mở lòng để tiếp thu quan điểm của họ (Mat 18:15). Điều này không có nghĩa chúng ta cứ phải chịu đựng sự bất công, nhưng chúng ta cần xét đến khả năng quan điểm của chúng ta không hẳn được mọi người chấp nhận. Nếu điều này không giải quyết được vấn đề, thì ở mức độ thứ hai, chúng ta đề nghị một người khác có quen biết cả chúng ta và người xung đột với chúng ta cùng đến gặp và giải quyết vấn đề. Nếu vẫn không giải quyết được, thì chúng ta cần đem vấn đề này trình lên cấp lãnh đạo để có phán quyết công bằng (trong Mathi-ơ 18:16 nêu cụ thể là xung đột xảy ra trong Hội Thánh). Nếu phán quyết cuối cùng vẫn không giải quyết được vấn đề, người có lỗi vẫn không chấp nhận phán quyết đó thì họ sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng (Mat 18:17).

Mặc dù Chúa Giê-xu đang nói đến xung đột nảy sinh với “một thành viên khác trong Hội Thánh” (Mat 18:15), nhưng phương pháp của Ngài chính là tiền thân của tiến trình giải quyết xung đột hiện đang được áp dụng tại nơi làm việc. Thậm chí trong những môi trường làm việc tốt nhất thì xung đột vẫn xảy ra. Khi xảy ra xung đột thì cách tốt nhất để giải quyết là hai người trực tiếp giải quyết với nhau, đừng nên lôi kéo thêm người khác. Thay vì phơi bày xung đột cá nhân trước mọi người, hãy giải quyết cách kín đáo với người mà chúng ta đang xung đột. Trong thời đại thông tin điện tử ngày nay, phương cách của Chúa Giê-xu lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ cần thêm vài cái tên trong phần gửi kèm của thư điện tử (email) hay nhấn nút “hồi âm cho mọi người” là chúng ta có thể biến xung đột cá nhân thành một cuộc chiến tại nơi làm việc. Thậm chí nếu hai người có thể giữ bí mật và chỉ trao đổi với nhau qua thư điện tử cá nhân, thì sự hiểu lầm có thể càng tăng thêm vì thư điện tử là phương tiện truyền thông không thể diễn tả cảm xúc. Tốt nhất chúng ta nên áp dụng phương pháp của Chúa Giêxu theo đúng nghĩa đen, “nếu anh em con có lỗi với con, hãy gặp riêng và nói cho người ấy biết điều đó” (Mat 18:15).

Việc chỉ ra lỗi lầm của người khác bao giờ cũng có hai chiều. Chúng ta cũng phải mở lòng mình để lắng nghe người khác chỉ ra những sai trật bản thân. Trong những câu Kinh Thánh trên, Chúa Giê-xu lặp lại từ “nghe” đến ba lần cho thấy đây là yếu tố quan trọng. Phương cách giải quyết xung đột trong hiện tại thường tập trung vào việc khiến cả hai bên chịu ngồi lại để trình bày quan điểm từ cả hai phía, mà vẫn được giữ quyền không đồng ý với nhau. Thông thường, việc chịu khó lắng nghe sẽ giúp chúng ta tìm được giải pháp chung. Nếu phương cách này không đem lại kết quả, thì có lẽ chúng ta nên nhờ đến những người có đủ kỹ năng và thẩm quyền giải quyết.