Bootstrap

NGƯỜI LÀM CÔNG TRONG VƯỜN NHO (MA-THI-Ơ 20:1-16)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners
CÁCH TRẢ LƯƠNG CÔNG BẰNG CỦA CÔNG TY TORO

Ken Melrose đã mô tả tầm quan trọng của việc trả lương công bằng ở công ty Toro:

Vào năm 1981, khi tôi được chọn vào chức vụ CEO, công ty Toro đang trên bờ vực phá sản. Tôi cảm biết đây là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cho tôi để xây dựng lại môi trường làm việc dựa trên khái niệm người lãnh đạo phải là người phục vụ. Tôi nhận thấy rõ sức mạnh thực sự của công ty là ở những nhân viên “bình thường”.

Chúng tôi đã rất cẩn thận không để khoảng cách lương bổng giữa các nhân viên trong công ty quá cách biệt vì điều đó dễ dẫn đến sự bất mãn. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chương trình bán cổ phiếu đã được trợ giá của công ty cho các nhân viên, tránh không để nó đi quá giới hạn mà tạo nên khoảng cách giàu-nghèo giữa các nhân viên.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những nhân viên có mức lương thấp. Chúng tôi muốn mọi người đều có cùng một suy nghĩ đó là họ cùng chung một đội và đều có phần trong sự thành công của công ty. Để khởi động điều này chúng tôi đã cho mỗi nhân viên một cổ phiếu của Toro, và từ đó xây dựng chương trình 401k để hàng năm thưởng cổ phiếu cho tất cả nhân viên của công ty. Mặc dù những quản lý cấp cao sở hữu nhiều cổ phiếu hơn những người cấp dưới, nhưng mọi người đều thật sự là “người sở hữu” công ty. Sau đó chúng tôi đã thiết kế bảng tên cho nhân viên trên đó có tên của mỗi người và kèm theo là dòng chữ “người sở hữu”.

Ngoài ra để cụ thể hóa việc quan tâm các nhân viên, chúng tôi đã rất cố gắng để giữ nguyên số lượng nhân viên cũng như mức lương của họ những lúc công ty gặp hoàn cảnh khó khăn. Những năm công ty chúng tôi gặp khó khăn thường là do thời tiết. Việc sa thải nhân viên hay cắt giảm tiền lương vì lý do thời tiết là không hợp lý bởi vì năm sau thời thiết sẽ trở lại bình thường. Nếu chúng tôi buộc phải cắt giảm tiền lương, chúng tôi sẽ bắt đầu trước với các lãnh đạo, sau đến là những người quản lý (ví dụ, trước tiên là cắt thưởng, sau mới đến giảm lương và cứ như thế…). Kế hoạch của chúng tôi là cố gắng hết sức để bảo vệ những nhân viên có mức lương thấp. Sau hai năm biến động thời tiết nhưng vẫn không hề có sự cắt giảm nào, các nhân viên đã trở nên những người tin Chúa.

Điều này phản ánh triết lý của chúng tôi, mỗi nhân viên đều quan trọng và trách nhiệm của người quản lý là cố gắng bảo vệ mức thu nhập của người lao động.

Ví dụ này đã minh họa cho câu chuyện về những người làm công trong vườn nho trong Ma-thi-ơ 20:1-16.

Câu chuyện này chỉ có trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ. Người chủ vườn nho đã thuê các nhân công làm việc vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Những người được thuê lúc 6 giờ sáng phải làm việc trọn một ngày. Những người được thuê vào lúc 5 giờ chiều chỉ phải làm việc trong một giờ. Nhưng người chủ lại trả công cho mọi người bằng nhau là một đơ-ni-ê. Người chủ muốn mọi người đều biết họ được trả công như nhau mặc dù thời gian làm việc là khác nhau. Không ngạc nhiên khi những người được thuê từ sáng sớm đã than phiền dù họ làm việc nhiều hơn nhưng cũng chỉ được trả công như những người vừa mới làm lúc cuối ngày. “Nhưng chủ trả lời với… bọn họ rằng, ‘Bạn ơi, tôi không đối xử bất công với bạn đâu! Chẳng phải bạn đã thỏa thuận với tôi một đơ-ni-ê đó sao? …Chẳng lẽ tôi không được phép sử dụng những gì tôi có theo ý tôi sao? Hay là bạn thấy tôi rộng lượng mà ganh tị?’ Như vậy, người cuối sẽ nên đầu, còn người đầu sẽ nên cuối” (Mat 20:13, 15-16).

Khác với câu chuyện về người gieo giống trong Mat 13:3-9; 18-23, Chúa Giêxu không hề đưa ra lời giải thích rõ ràng cho câu chuyện này. Do đó các học giả đã đưa ra rất nhiều cách giải nghĩa khác nhau. Bởi vì những nhân vật trong câu chuyện là những người làm công và người quản lý (“người chủ”), do đó một số người cho rằng câu chuyện có hàm ý đề cập đến công việc. Nếu hiểu câu chuyện theo cách giải thích này thì dường như hàm ý của câu chuyện là: đừng so sánh mức lương của bạn với người khác hay đừng bất mãn nếu người khác được trả lương cao hơn hoặc không phải làm việc nhiều như bạn dù công việc là giống nhau. Đây có thể xem là những thói quen tốt mà người làm công nên có. Nếu mức lương của bạn khá tốt, vì sao lại buồn bực chỉ vì người khác được trả lương cao hơn? Tuy nhiên, cách giải thích này cũng có thể được dùng để bào chữa cho những sai trật trong việc đối xử bất công hay bóc lột người lao động. Một số người lao động bị đối xử bất công và trả lương thấp hơn vì những lý do như: kỳ thị chủng tộc, giới tính hoặc vì họ là người nhập cư. Có phải Chúa Giê-xu muốn dạy chúng ta phải thỏa lòng khi chính mình hay những người cùng làm việc bị đối xử bất công hay không?

Hơn thế nữa, việc trả lương đồng đều mà không xét đến khối lượng công việc phải làm là điều vô lý trong kinh doanh. Chẳng phải điều này sẽ dẫn đến việc ngày hôm sau, mọi công nhân đều chỉ hiện diện lúc 5 giờ chiều và làm việc đến 6 giờ rồi nghỉ? Còn về việc công khai tiền lương của mọi người thì sao? Có thể điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch của việc trả lương. Nhưng liệu việc cho những người làm việc nhiều hơn biết họ được trả lương như những người làm việc ít hơn là một ý kiến hay? Có lẽ điều này sẽ làm nảy sinh xung đột. Nếu hiểu câu chuyện theo nghĩa đen và áp dụng cách trả lương không theo năng lực thì dường như đó không phải là bí quyết để thành công trong kinh doanh. Phải chăng Chúa Giê-xu ủng hộ cho cách trả lương này?

Có lẽ câu chuyện ở đây không nói về công việc. Câu chuyện này là một trong các ví dụ đầy kinh ngạc của Chúa Giê-xu cho biết ai thuộc về vương quốc Đức Chúa Trời. Trong Mat 19:14, Chúa Giê-xu cho biết vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những con trẻ, là những người không thể tự chủ bản thân. Ngài cho biết vương quốc này cũng không dành cho người giàu có, hay ít nhất là đa số người giàu (Mat 19:23-26). Nhưng vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những ai theo Ngài, cụ thể là những người từng trải sự mất mát, vì sẽ “có nhiều người đầu sẽ trở nên cuối, và người cuối sẽ trở nên đầu” (Mat 19:30). Tại đây, câu chuyện này cũng kết thúc với cùng những từ ngữ như vậy,
“người cuối sẽ nên đầu, còn người đầu sẽ nên cuối” (Mat 20:16). Mạch ý tưởng này cho thấy câu chuyện ở đây tiếp tục với chủ đề những người thuộc về nước thiên đàng. Chúng ta không bước vào nước Đức Chúa Trời bằng việc làm hay công đức của bản thân, nhưng chỉ nhờ lòng rộng lượng của Ngài.

Một khi chúng ta hiểu câu chuyện ở đây nói về lòng rộng lượng của Đức Chúa Trời trong nước thiên đàng, thì chúng ta vẫn có thể thắc mắc “…nhưng áp dụng điều này vào công việc ra sao?” Nếu các bạn đang được trả lương cách xứng đáng, thì lời khuyên về việc thỏa lòng vẫn có thể được áp dụng ở đây. Nếu một đồng nghiệp bất ngờ được ưu đãi hay nhận phúc lợi nào đó, thì chúng ta chung vui với họ vẫn tốt hơn là có thái độ ganh tị, than phiền. Tuy nhiên, phần áp dụng ở đây có tầm mức rộng lớn hơn. Người chủ trong câu chuyện này trả lương cho mỗi người đủ để họ có thể chăm lo cho gia đình của mình.[1] Bối cảnh xã hội trong thời của Chúa Giê-xu là có nhiều người nông dân nghèo đã buộc phải bán đất bởi vì họ nợ tiền thuế của chính quyền Rô-ma. Việc làm này vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời là trong vòng dân Y-sơ-ra-ên không ai được sở hữu phần đất đai là sản nghiệp của người khác (Lê 25:8-13). Tất nhiên, chính quyền Rô-ma không quan tâm đến điều này. Hậu quả là có rất nhiều người thất nghiệp thường tụ tập mỗi buổi sáng, hy vọng rằng sẽ có ai đó thuê họ làm việc. Trong thời bấy giờ, nhóm người này là những người bị tước đoạt đất đai, thất nghiệp và không có việc làm. Những người đến 5 giờ chiều mà chưa tìm được việc làm sẽ rất khó kiếm đủ tiền để mua thức ăn cho gia đình của mình trong ngày hôm đó. Nhưng ở đây, người chủ vườn nho đã trả công cho họ bằng lương của người đã làm việc trọn một ngày.

Nếu người chủ vườn nho ở đây đại diện cho Đức Chúa Trời, thì đây là một thông điệp vô cùng mạnh mẽ cho biết trong vương quốc của Đức Chúa Trời, những ai bị tước đoạt và thất nghiệp sẽ tìm được công việc để đáp ứng những nhu cầu của bản thân và của những người lệ thuộc vào mình. Chúng ta đã nghe Chúa Giê-xu nói rằng, “người làm việc đáng được thức ăn” (Mat 10:10). Điều này không đồng nghĩa với việc những người chủ trên đất này có trách nhiệm phải đáp ứng mọi nhu cầu của người làm công cho mình. Những người chủ trên đất này không phải là Đức Chúa Trời. Nhưng câu chuyện này là một thông điệp đem lại hy vọng cho những ai đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm thích hợp. Trong vương quốc của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều sẽ tìm được công việc để đáp ứng cho những nhu cầu của mình. Câu chuyện này cũng là một lời thách thức đối với những ai đang có địa vị và thẩm quyền trong việc định hình những cơ chế việc làm trong xã hội. Cơ Đốc Nhân có thể làm gì để mở rộng khía cạnh này của vương quốc Đức Chúa Trời ngay trong hiện tại hay không?