CHÚA CỦA NGÀY SA-BÁT (MÁC 2:23-3:6)
Khi phân tích Mác 1:21-34, chúng ta đã biết ngày Sa-bát nằm trong nhịp sinh hoạt hằng tuần của Chúa Giê-xu. Xung đột nảy sinh giữa Chúa Giê-xu và người Pha-ri-si không phải là việc có nên giữ ngày Sa-bát hay không mà là giữ ngày Sabát như thế nào. Với người Pha-ri-si, việc giữ ngày Sa-bát chủ yếu được định nghĩa bởi những điều luật cấm không được làm việc. Điều họ quan tâm là điều răn cấm làm việc trong ngày Sa-bát (Xuất 20:8-11; Phục 5:12-15) khi áp dụng cụ thể nghĩa là không được làm việc gì?[1] Với người Pha-ri-si, ngay cả những việc làm bình thường của các môn đồ như bứt bông lúa cũng bị xem là vi phạm điều răn này. Điều cần lưu ý họ xem hành động này là không đúng luật (Mác 2:24), mặc dù trong điều răn thứ tư của Torah hoàn toàn không có chi tiết này. Người Pha-ri-si cho rằng cách giải nghĩa luật pháp của mình là có thẩm quyền và mang tính bắt buộc, mà không hề xét đến khả năng mình có thể hiểu sai điều răn. Ngoài ra, người Phari-si cũng xem việc Chúa Giê-xu chữa bệnh trong ngày Sa-bát (Mác 3:1-6) là đáng lên án. Đây là sự kiện chính khiến người Pha-ri-si bàn mưu chống lại Chúa Giê-xu. Trái ngược lại với người Pha-ri-si, Chúa Giê-xu có quan niệm tích cực về ngày Sa-bát: là ngày được thảnh thơi không phải làm việc, là món quà Đức Chúa Trời ban cho vì lợi ích của con người. “Sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày Sa-bát” (Mác 2:27). Hơn thế nữa, ngày Sa-bát mở ra những cơ hội để chúng ta bày tỏ tình yêu và lòng thương xót. Quan điểm tích cực này về ngày Sa-bát được hậu thuẫn bởi các sách tiên tri. Ê-sai 58 đã liên kết ngày Sa-bát với lòng thương xót và công bằng xã hội trong công tác phục vụ Đức Chúa Trời, với đỉnh điểm là mô tả ơn phước Đức Chúa Trời dành cho những ai “xem ngày Sa-bát là ngày vui thích” (Ê-sai 58:13-14). Ê-sai 58 đặt lòng thương xót, sự công bình và ngày Sa-bát cùng nhau gợi ý ngày Sa-bát sẽ trở thành ngày thờ phượng trọn vẹn khi chúng ta bày tỏ lòng thương xót và công chính. Mục đích chính của ngày Sa-bát là để ghi nhớ sự công bình và lòng thương xót của Đức Chúa Trời trong việc giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi thân phận nô lệ tại Ai Cập (Phục 5:15).
Phần ký thuật đầu tiên về ngày Sa-bát (Mác 2:23-28) bắt đầu từ việc các môn đồ của Chúa Giê-xu bứt bông lúa.[2] Trong sách Ma-thi-ơ cho biết thêm chi tiết các môn đồ của Chúa Giê-xu đang đói bụng, còn sách Lu-ca thì có thêm hành động họ vò bông lúa trên tay trước khi ăn. Sách Mác chỉ đơn thuần ghi lại các môn đồ của Chúa Giê-xu ngắt bông lúa, cho thấy đây là hành động mang tính ngẫu nhiên. Có thể các môn đồ chỉ vô tình bứt bông lúa và ăn. Khi bị những người Pha-ri-si chất vấn, cách Chúa Giê-xu trả lời mới nghe có vẻ thật kỳ lạ, bởi vì Ngài nhắc lại câu chuyện nói về đền thờ, chứ không phải về ngày Sa-bát.
Các ngươi chưa từng đọc về chuyện Đa-vít đã làm khi người cùng những người đi theo lâm vào cảnh túng đói sao? Trong thời A-bia-tha làm thầy tế lễ thượng phẩm, Đa-vít đã vào nhà Đức Chúa Trời ăn bánh cung hiến và cho những người đi theo ăn nữa, dù bánh ấy chỉ có những thầy tế lễ mới được phép ăn. (Mác 2:25–26)
Các học giả đã tranh luận lời biện hộ của Chúa Giê-xu có thật sự phù hợp với những nguyên tắc phân tích và tranh luận của người Do Thái hay không và nếu có thì phù hợp như thế nào?[3] Tại đây điểm nhấn là việc xác định về khái niệm “sự thánh khiết.” Cả ngày Sa-bát và đền thờ (cùng những vật dụng bên trong) đều được Kinh Thánh xem là “thánh.”[4] Ngày Sa-bát là một thời điểm thiêng liêng; đền thờ là một nơi chốn linh thiêng. Tuy nhiên bài học về thánh khiết rút ra từ điều này vẫn có thể áp dụng cho điều kia.
Điều Chúa Giê-xu muốn nói sự thánh khiết của đền thờ không hề ngăn trở hành động thương xót và công chính. Chốn linh thiêng trên đất là nơi dành cho sự thánh khiết, nhưng không phải để tách biệt khỏi thế giới. Nhưng ngược lại đó là nơi bày tỏ sự hiện diện của Đức Chúa Trời, là nơi Ngài bảo tồn và phục hồi thế giới này. Do đó nơi được biệt riêng cho Chúa về cơ bản phải là chổ bày tỏ sự công chính và lòng thương xót. “Ngày Sa-bát [bao hàm cả đền thờ] được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày Sa-bát” (Mác 2:27). Phần tường thuật của Ma-thi-ơ về câu chuyện này có thêm chi tiết, “Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải sinh tế,” trích từ Ô-sê 6:6 (Ma-thi-ơ 12:7) càng làm rõ hơn ý trên. Quan điểm này cũng đã được nhắc lại trong câu chuyện thứ hai xảy ra trong ngày Sa-bát, khi Chúa Giê-xu chữa lành ngay trong nhà hội (Mác 3:1-6). Câu hỏi then chốt Chúa Giê-xu đặt ra là: “Trong ngày sa-bát được phép làm việc lành hay việc dữ, nên cứu người hay giết người?” Sự im lặng của những người Pha-ri-si trước câu hỏi này như một lời khẳng định rằng ngày Sa-bát được tôn trọng thông qua những việc lành, với việc cứu mạng người.
Thế thì điều này áp dụng như thế nào trong công việc của chúng ta? Nguyên tắc của ngày Sa-bát là chúng ta phải dành riêng một khoảng thời gian không làm việc và dùng khoảng thời gian đó để thờ phượng Chúa. Điều này không có nghĩa ngày Sa-bát là khoảng thời gian duy nhất chúng ta thờ phượng Chúa, hay công việc không thể là hành động thờ phượng. Nhưng nguyên tắc về ngày Sa-bát giúp chúng ta có thời gian để tập trung hướng đến Chúa theo một cách khác hơn những ngày làm việc khác trong tuần cũng như giúp chúng ta vui hưởng ơn phước của Ngài cách đặc biệt. Điều không kém quan trọng đó là nguyên tắc về ngày Sa-bát giúp chúng ta có điều kiện để bày tỏ lòng thờ phượng Chúa qua những việc làm bày tỏ tình yêu, lòng thương xót và sự quan tâm dành cho người xung quanh. Sự thờ phượng vào ngày Sa-bát sẽ giúp công việc chúng ta làm trong tuần thêm ý nghĩa. Bộ giải kinh Thần Học Công Việc nhìn nhận không có một quan điểm (thống nhất) của Cơ Đốc Giáo về ngày Sa-bát, nên trong tập giải kinh sách Lu-ca đã khai triển một góc nhìn khác về đề tài này với tiêu đề “Ngày Sa-bát và Công việc”.