Bootstrap

NHỮNG VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH (MÁC 10-12)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Của Cải (Mác 10:17-22)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Một trong các phân đoạn của sách Mác đề cập trực tiếp đến phương diện kinh tế-tài chính là câu chuyện một thanh niên giàu có đến gặp Chúa Giê-xu và hỏi: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Câu trả lời của Chúa Giêxu trong Mác 10:18 liệt kê sáu mạng lệnh trong số Mười Điều Răn liên quan trực tiếp đến khía cạnh xã hội. Điểm thú vị ở đây là điều răn “không được tham muốn” (Xuất 20:17; Phục 5:21) lại được trình bày với định nghĩa giao dịch-thương mại là “đừng lừa đảo.” Người thanh niên giàu có này xác nhận đã “giữ mọi điều đó từ thuở niên thiếu” (Mác 10:20). Chúa Giê-xu chỉ ra điều anh ta còn thiếu là của cải trên thiên đàng, là điều chỉ nhận được bằng cách trao ban của cải trên đất này và đi theo Ngài, một người Ga-li-lê lang thang đây đó. Đây là trở ngại mà người thanh niên này không thể vượt qua. Dường như anh ta yêu thích sự tiện nghi và an ổn mà số của cải rất lớn đem lại. Mác 10:22 nhấn mạnh đến khía cạnh cảm xúc trong tình huống này khi cho biết “nghe vậy, anh sa sầm nét mặt, rồi buồn bã bỏ đi.” Chàng thanh niên này đã trăn trở trước sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu, cho thấy trong anh có sự cởi mở với chân lý, nhưng anh ta không thể đeo đuổi đến cùng. Luyến tiếc, không thể tách rời của cải và địa vị đã chiến thắng thái độ sẵn sàng làm theo những lời dạy của Chúa Giê-xu.

Áp dụng điều này vào công việc của chúng ta ngày nay đòi hỏi sự nhạy bén và thành thật về những thiên hướng, tiêu chuẩn, giá trị của chúng ta; vì công việc cũng có thể ngăn cản chúng ta đi theo Chúa Giê-xu. Nếu chúng ta có địa vị như chàng trai trẻ này, thì công việc có thể trở nên quan trọng hơn việc phục vụ người khác, làm việc lành hay thậm chí là dành thời gian cho gia đình, xã hội và đời sống thuộc linh, thậm chí cũng có thể ngăn trở chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Chúa. Của cải và đặc quyền có thể khiến chúng ta trở nên kiêu ngạo hay vô cảm với những người xung quanh. Tất nhiên, nan đề này không chỉ xảy đến cho những người có địa vị và giàu có. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-xu với chàng trai trẻ này chứng tỏ sẽ rất khó để tự thúc đẩy bản thân thay đổi khi đang ở trên đỉnh cao của sự thành đạt. Trước khi chúng ta những người không có địa vị hay tiền bạc gì đáng kể cho rằng mình chắc sẽ không rơi vào trường hợp này, hãy tự hỏi bản thân, dựa theo tiêu chuẩn của đời, phải chăng chúng ta đã trở nên tự mãn bởi sự giàu có cùng với chút địa vị (tương đối) của mình.

Trước khi chúng ta khép lại câu chuyện này, có một khía cạnh quan trọng khác cần được nhắc đến. Đó là việc “Chúa Giê-xu trìu mến nhìn anh” (Mác 10:21). Mục đích của Chúa Giê-xu không phải để làm chàng trai trẻ này cảm thấy xấu hổ cũng không phải để dọa nạt, mà là yêu thương anh. Ngài kêu gọi anh từ bỏ của cải mình có là vì lợi ích của bản thân, đó là lý do Ngài nói: “Ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta.” Chính chúng ta sẽ là người bị thiệt thòi khi chúng ta để của cải hay công việc khiến chúng ta xa cách người khác và cắt đứt mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Giải pháp ở đây không phải là nỗ lực để trở nên tốt, nhưng là tiếp nhận Chúa; nghĩa là đi theo Đấng Christ. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ học biết có thể hoàn toàn phó thác những nhu cầu của cuộc sống cho Đức Chúa Trời, và chúng ta không cần bám víu của cải và địa vị mới có được sự đảm bảo đó.[1]

Địa Vị (Mác 10:13-16, 22)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Khía cạnh đặc trưng của sách Mác trong cách tường thuật là sắp xếp các phân đoạn nói về việc các con trẻ được đem đến với Chúa Giê-xu ngay cạnh lời tuyên bố vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như các con trẻ ấy (Mác 10:13-16). Nương dựa vào Chúa, không tìm kiếm sự an ổn hay dựa dẫm vào của cải thường được xem là ý tưởng chung gắn kết các phân đoạn này. Nhưng thật ra, sự liên kết ở đây là vấn đề địa vị. Trong xã hội ở vùng Địa Trung Hải thời xưa, trẻ em hoàn toàn không có địa vị hoặc nếu có thì cũng bị xem là thấp kém.[1] Chúng không đạt đến bất cứ tiêu chuẩn nào mà con người thường dùng để đánh giá. Quan trọng hơn hết, chúng chẳng có tài sản gì. Ngược lại, chàng trai trẻ lại có quá nhiều thứ là biểu tượng cho địa vị (Mác 10:22) và anh ta sở hữu rất nhiều của cải. Trong phần tường thuật Lu-ca 18:18, anh ta được gọi là một vị quan. Nô lệ cho địa vị và của cải có lẽ đã khiến chàng trai trẻ giàu có bỏ lỡ cơ hội được vào vương quốc Đức Chúa Trời.

Trong công sở ngày nay, địa vị và của cải có thể đi đôi với nhau. Với những ai nhờ công việc, có thêm của cải lẫn địa vị, thì đây là một lời cảnh báo kép. Ngay cả khi chúng ta có thể quản lý tốt cách sử dụng của cải, thì việc tránh bị sụp bẫy nô lệ cho địa vị khó hơn nhiều. Gần đây, một nhóm tỉ phú đã nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng khi họ hứa sẽ cho đi ít nhất là phân nửa tài sản của mình.[2] Lòng rộng rãi của họ thật đáng kinh ngạc, và tất nhiên chúng tôi không có ý chỉ trích bất cứ ai trong số đó. Tuy nhiên, chúng tôi tự hỏi, nếu họ đã có thể cho đi số tài sản nhiều đến thế, thì tại sao họ không cho đi nhiều hơn một nửa tài sản của mình? Nửa tỷ Mỹ kim vẫn là quá dư dả để có thể hưởng thụ một đời sống thoải mái. Phải chăng việc muốn giữ lại địa vị là một tỷ phú (hay ít nhất là “nửa” tỷ phú) đã ngăn trở họ cho đi toàn bộ tài sản vì những mục đích mà họ biết rõ là quan trọng? Đối với những người làm công bình thường thì điều này có gì khác không? Phải chăng việc duy trì địa vị đã ngăn cản chúng ta dành nhiều thời gian, tài năng và của cải để đầu tư vào những điều thật sự quan trọng?

Câu hỏi này vẫn đặt ra cho những ai có địa vị nhưng không có của cải. Học giả, chính trị gia, mục sư, nghệ sĩ và rất nhiều người khác có thể có địa vị cao trọng nhờ công việc của mình nhưng không hẳn là họ sẽ kiếm được nhiều tiền, ví dụ: địa vị có thể đến từ việc được làm ở một trường đại học nào đó hay được một nhóm người coi trọng, tán tụng. Liệu địa vị có ngăn trở chúng ta dám trả giá để bảo vệ quan điểm không được số đông ủng hộ hay ra đi để làm một công việc có kết quả hơn?

Chúng ta có chấp nhận để địa vị trong công việc của mình bị ảnh hưởng vì các mục đích như phục vụ người khác, chống lại sự bất công, gìn giữ phẩm chất đạo đức, hay tra xét chính mình theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời? Chúng ta chấp nhận để địa vị của mình bị ảnh hưởng đến mức nào? Chỉ một chút thôi? Chúa Giêxu đã có tất cả những địa vị cao trọng và còn hơn thế nữa. Có lẽ đó là lý do Ngài cầu nguyện mỗi ngày với Đức Chúa Cha, để gạt địa vị sang một bên và thường xuyên tiếp xúc với những người tai tiếng.

Ân Điển Của Đức Chúa Trời (Mác 10:23-31)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Những lời tiếp theo của Chúa Giê-xu (Mác 10:23-25) giải thích chi tiết hơn về tầm quan trọng của cuộc gặp trước đó, khi Chúa Giê-xu nhấn mạnh sự khó khăn mà người giàu phải đối diện khi bước vào vương quốc Đức Chúa Trời. Phản ứng của chàng trai trẻ cho thấy người giàu bị ràng buộc bởi tài sản cũng như địa vị. Một điều quan trọng đó là chính các môn đồ cũng “ngạc nhiên” trước những lời tuyên bố của Chúa Giê-xu về sự giàu có. Có lẽ điều đáng lưu ý ở đây là khi Chúa Giê-xu lặp lại lời Ngài đã phán trong Mác 10:24 gọi các môn đồ là “các con”[1] cho thấy họ không còn ở dưới gánh nặng của địa vị; trước đó khi các môn đồ đi theo Chúa Giê-xu thì họ đã được thoát khỏi ách của sự giàu có.

Tại đây khi Chúa Giê-xu dùng hình ảnh ẩn dụ về con lạc đà và lỗ kim (Mác 10:25) có lẽ Ngài không có ý ám chỉ về cái cửa nhỏ nào đó ở thành Giê-ru-sa-lem (chỉ là truyền thuyết)[2] nhưng có thể là cách chơi chữ giữa hai từ tương tự nhau trong tiếng Hy Lạp: kamelos có nghĩa là lạc đà và kamilos có nghĩa là loại dây thừng lớn, nặng. Việc cố ý dùng hình ảnh vô cùng phi lý chỉ đơn thuần để nhấn mạnh đến tính chất bất khả thi của việc người giàu được cứu mà không cần đến sự giúp đỡ thiên thượng. Điều này cũng được áp dụng cho cả người nghèo, thế thì “ai có thể được cứu?” (Mác 10:26). Lời hứa về sự giúp đỡ thiên thượng được nhắc đến trong Mác 10:27, “loài người không thể làm được việc nầy, nhưng với Đức Chúa Trời thì khác; vì Đức Chúa Trời làm được mọi sự.” Lời khẳng định này giúp những độc giả như chúng ta khỏi bị cuốn theo lối suy nghĩ có ác cảm về người giàu là gian dối và chỉ biết thủ lợi cho chính mình.

Điều này đã dẫn đến việc Phi-e-rơ biện minh cho thái độ của các môn đồ, cũng như việc họ đã bỏ lại tất cả để theo Chúa Giê-xu. Lời đáp của Chúa Giê-xu khẳng định trên thiên đàng đã dành sẵn những phần thưởng cho những ai bằng lòng hy sinh. Một lần nữa, những điều mà họ đã từ bỏ (“nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng”) có thể chỉ về địa vị chứ không chỉ là sự từ bỏ cuộc sống dư dật về vật chất. Cho đến đây, phần ký thuật này có thể phản ánh lòng yêu mến những thứ ở đời hay địa vị mà những thứ đó đem lại. Nhưng Mác 10:31 đã kết lại phần tường thuật với lời nhấn mạnh rất sinh động về địa vị, “có nhiều người đầu sẽ trở nên cuối, và người cuối sẽ trở nên đầu.” Lời kết này rõ ràng nhấn mạnh đây là vấn đề về địa vị. Sau đó Chúa Giê-xu đã công bố điều này cách cụ thể bằng ngôn ngữ trong môi trường công sở: “Ai muốn làm lớn trong các con thì phải làm đầy tớ còn ai muốn đứng đầu trong các con thì phải làm nô lệ cho mọi người” (Mác 10:43-44). Suy cho cùng, nô lệ đơn thuần là người làm việc mà không hề có địa vị, họ thậm chí không có quyền được sở hữu kết quả công việc họ đã làm (những điều này thuộc về người chủ). Địa vị đúng đắn của một người đi theo Chúa Giê-xu là địa vị của con trẻ hoặc nô lệ, chính xác hơn là không có địa vị. Dù chúng ta có nắm giữ những vị trí cao trọng hay có thẩm quyền đi nữa, chúng ta nên xem chủ sở hữu của địa vị và quyền lực đó là Đức Chúa Trời chứ không phải chính mình. Chúng ta chỉ đơn thuần là những nô lệ của Chúa, đại diện cho Ngài nhưng không hề có địa vị vốn chỉ thuộc về Ngài mà thôi.

SỰ KIỆN XẢY RA TẠI ĐỀN THỜ (MÁC 11:15-18)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Sự kiện Chúa Giê-xu đuổi những người buôn bán và đổi tiền ra khỏi đền thờ chứa đựng hàm ý về buôn bán, thương mại. Đã có những tranh luận về ý nghĩa thật sự của hành động này, dựa theo sự tường thuật của các sách Tin Lành cũng như từ các nghiên cứu về Chúa Giê-xu dựa trên lịch sử và truyền thống.[1] Thái độ của Chúa Giê-xu dường như là “hung hăng, gây hấn” khi Ngài đuổi tất cả những người tham gia việc mua bán trong sân đền thờ, dù đó là buôn bán những con vật tinh sạch và chim chóc dùng cho việc dâng của lễ hay đổi bạc để dùng dâng hiến cho đền thờ. Có ý kiến cho rằng đây là sự phản đối việc những người buôn bán áp đặt giá bán quá cao, là một hình thức bóc lột người nghèo khi họ đến đền thờ dâng hiến.[2] Có cách giải thích khác thì cho rằng đây là hành động bác bỏ việc đóng thuế đền thờ mỗi năm nửa siếc-lơ.[3] Cũng có cách giải thích khác nữa xem đây là một hành động tiên báo cho điều sắp xảy ra: việc mua bán trong đền thờ sẽ bị chấm dứt như là hình bóng về sự sụp đổ sắp đến của đền thờ.[4]

Với giả định chúng ta đồng nhất đền thờ (trong thời Chúa Giê-xu) với Hội Thánh ngày nay, thì sự kiện này gần như nằm ngoài phạm vi áp dụng của chúng ta, là các công việc trong môi trường không liên hệ với Hội Thánh. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể lưu ý một điều đó là sự kiện này soi sáng cho chúng ta đôi chút trong các tình huống về những người muốn lợi dụng Hội Thánh để bảo vệ quyền lợi cá nhân tại nơi làm việc. Việc gia nhập hay lợi dụng Hội Thánh để bảo vệ, duy trì những quyền lợi trong kinh doanh hay ưu thế tại nơi làm việc sẽ gây tổn hại về phương diện kinh tế cho cộng đồng (Hội Thánh) và phá hoại trong phương diện tâm linh của chính cá nhân đó. Ở đây chúng tôi không có ý cho rằng tín hữu và Hội Thánh không nên giúp nhau để làm việc hay hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng nếu Hội Thánh trở thành công cụ kinh doanh, thì đặc tính minh bạch của Hội Thánh sẽ bị hủy hoại và lời chứng của Hội Thánh sẽ bị phai mờ.

ĐÓNG THUẾ VÀ SÊ-SA (MÁC 12:13-17)

Back to Table of Contents Back to Table of Contents

Đề tài đóng thuế đã xuất hiện cách gián tiếp trong phần tường thuật về sự kêu gọi Lê-vi (Mác 2:13-17, xem phần trên). Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về phương diện ý nghĩa, nhưng trong phân đoạn này đề tài đóng thuế được đề cập trực tiếp hơn. Điểm cần lưu ý là về bản chất sự kiện được mô tả ở đây là một kế hoạch để gài bẫy Chúa Giê-xu. Nếu Chúa Giê-xu ủng hộ việc đóng thuế cho chính quyền Rô-ma, những người đi theo Ngài sẽ bất mãn. Ngược lại, nếu Chúa Giê-xu phản đối việc đóng thuế, Ngài sẽ bị tố cáo là phản quốc. Vì sự kiện này xoay quanh một bối cảnh cụ thể, nên chúng ta cần cẩn thận trong việc áp dụng phân đoạn này cho những bối cảnh khác.

Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho âm mưu gài bẫy Ngài xoay quanh hai khái niệm về biểu tượng và quyền sở hữu. Khi người ta đưa cho Chúa Giê-xu một đồng đơ-ni-ê là tiền lương một ngày, Chúa Giê-xu đã hỏi “hình ảnh” (còn có nghĩa là “biểu tượng”) của ai được in trên đồng tiền. Có thể ẩn ý của câu hỏi này nhắc đến Sáng Thế Ký 1:26-27 cho biết con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời để tạo nên một sự tương phản có chủ ý. Đồng tiền mang hình ảnh của hoàng đế, nhưng con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Hãy trả cho hoàng đế những gì của hoàng đế (tiền), nhưng hãy trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời (đó là đời sống của chúng ta). Con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời là trọng tâm không được nhắc đến, nhưng chắc chắn điều đó ẩn chứa trong cấu trúc lập luận song hành.

Khi sử dụng lập luận này, Chúa Giê-xu đặt vấn đề nộp thuế bên dưới đòi hỏi của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta, nhưng không phải vì đó mà Ngài phản đối việc đóng thuế, mặc dù hệ thống thuế của chính quyền Rô-ma có thể đã bị lạm dụng. Nhưng Chúa Giê-xu cũng không hề phủ nhận tiền bạc thuộc về Đức Chúa Trời. Nếu như tiền bạc thuộc về Sê-sa, mà chính Sê-sa ở dưới thẩm quyền của Chúa (Rô 13:1-17; 1 Phi 2:13-14) thì quyền sở hữu của Đức Chúa Trời trên tiền bạc càng lớn hơn nữa. Phân đoạn Kinh Thánh này không phải là lời biện hộ cho quan điểm sai lầm tách biệt giữa kinh doanh thuần túy là lợi nhuận với tôn giáo hoàn toàn là niềm tin. Đức Chúa Trời phủ nhận sự phân rẽ giữa thiêng liêng và thế tục. Chúng ta không thể bày tỏ mình là một người đi theo Đấng Christ nhưng lại hành xử như thể Chúa không quan tâm gì đến việc làm của chúng ta. Trong công việc, Chúa Giê-xu không cho chúng ta quyền để làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, nhưng cho chúng ta sự bình an trong những việc mà chúng ta không thể kiểm soát. Chúng ta có thể quyết định làm việc cách trung thực (Mác 10:18), vì vậy đừng lừa gạt, gian dối trong công việc. Ngược lại, chúng ta không có quyền quyết định về việc có đóng thuế hay không (Mác 12:17), vì vậy hãy cứ đóng thuế.[1]