Bootstrap

ĐÓNG THUẾ VÀ SÊ-SA (MÁC 12:13-17)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Đề tài đóng thuế đã xuất hiện cách gián tiếp trong phần tường thuật về sự kêu gọi Lê-vi (Mác 2:13-17, xem phần trên). Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về phương diện ý nghĩa, nhưng trong phân đoạn này đề tài đóng thuế được đề cập trực tiếp hơn. Điểm cần lưu ý là về bản chất sự kiện được mô tả ở đây là một kế hoạch để gài bẫy Chúa Giê-xu. Nếu Chúa Giê-xu ủng hộ việc đóng thuế cho chính quyền Rô-ma, những người đi theo Ngài sẽ bất mãn. Ngược lại, nếu Chúa Giê-xu phản đối việc đóng thuế, Ngài sẽ bị tố cáo là phản quốc. Vì sự kiện này xoay quanh một bối cảnh cụ thể, nên chúng ta cần cẩn thận trong việc áp dụng phân đoạn này cho những bối cảnh khác.

Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho âm mưu gài bẫy Ngài xoay quanh hai khái niệm về biểu tượng và quyền sở hữu. Khi người ta đưa cho Chúa Giê-xu một đồng đơ-ni-ê là tiền lương một ngày, Chúa Giê-xu đã hỏi “hình ảnh” (còn có nghĩa là “biểu tượng”) của ai được in trên đồng tiền. Có thể ẩn ý của câu hỏi này nhắc đến Sáng Thế Ký 1:26-27 cho biết con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời để tạo nên một sự tương phản có chủ ý. Đồng tiền mang hình ảnh của hoàng đế, nhưng con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Hãy trả cho hoàng đế những gì của hoàng đế (tiền), nhưng hãy trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời (đó là đời sống của chúng ta). Con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời là trọng tâm không được nhắc đến, nhưng chắc chắn điều đó ẩn chứa trong cấu trúc lập luận song hành.

Khi sử dụng lập luận này, Chúa Giê-xu đặt vấn đề nộp thuế bên dưới đòi hỏi của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta, nhưng không phải vì đó mà Ngài phản đối việc đóng thuế, mặc dù hệ thống thuế của chính quyền Rô-ma có thể đã bị lạm dụng. Nhưng Chúa Giê-xu cũng không hề phủ nhận tiền bạc thuộc về Đức Chúa Trời. Nếu như tiền bạc thuộc về Sê-sa, mà chính Sê-sa ở dưới thẩm quyền của Chúa (Rô 13:1-17; 1 Phi 2:13-14) thì quyền sở hữu của Đức Chúa Trời trên tiền bạc càng lớn hơn nữa. Phân đoạn Kinh Thánh này không phải là lời biện hộ cho quan điểm sai lầm tách biệt giữa kinh doanh thuần túy là lợi nhuận với tôn giáo hoàn toàn là niềm tin. Đức Chúa Trời phủ nhận sự phân rẽ giữa thiêng liêng và thế tục. Chúng ta không thể bày tỏ mình là một người đi theo Đấng Christ nhưng lại hành xử như thể Chúa không quan tâm gì đến việc làm của chúng ta. Trong công việc, Chúa Giê-xu không cho chúng ta quyền để làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, nhưng cho chúng ta sự bình an trong những việc mà chúng ta không thể kiểm soát. Chúng ta có thể quyết định làm việc cách trung thực (Mác 10:18), vì vậy đừng lừa gạt, gian dối trong công việc. Ngược lại, chúng ta không có quyền quyết định về việc có đóng thuế hay không (Mác 12:17), vì vậy hãy cứ đóng thuế.[1]