Bootstrap

MƯỜI HAI SỨ ĐỒ (MÁC 3:13-19)

Bible Commentary / Produced by TOW Project and Partners

Bên cạnh những phần ký thuật về sự kêu gọi cá nhân, chúng ta cũng có phần ghi chép về việc Chúa Giê-xu chọn mười hai sứ đồ. Điểm cần lưu ý trong Mác 3:13-14 là mười hai sứ đồ là một nhóm riêng biệt trong số các môn đồ của Chúa Giê-xu. Sứ đồ là chức vụ đặc biệt, thực hiện một công tác quan trọng mà phần lớn chúng ta không trải nghiệm. Nếu chúng ta muốn học hỏi từ kinh nghiệm của họ, thì chúng ta phải xem xét từ góc nhìn về hành động và niềm tin của các sứ đồ liên hệ với vương quốc Đức Chúa Trời như thế nào, chứ không chỉ đơn thuần là họ đã từ bỏ công việc để theo Chúa Giê-xu.

Các phẩm chất của Si-môn, Gia-cơ, Giăng và Giu-đa được liệt kê trong Mác 3:16-19 là những điểm chúng ta cần quan tâm. Si-môn đã được Chúa Giê-xu đặt tên mới là “Phi-e-rơ,” gần giống với chữ petros tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hòn đá”. Chi tiết này khiến chúng ta thắc mắc liệu tên này có vừa mang tính châm biếm nhưng cũng là một lời hứa hay không. Phần sau của sách cho biết Si-môn là một người không kiên định nhưng rồi ông đã sống đúng với tên gọi của mình, Hòn Đá. Giống như Phi-e-rơ, công tác phục vụ Chúa của chúng ta trong mọi lĩnh vực, kể cả nơi công sở, sẽ không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo tức thì, nhưng là tiến trình trưởng thành qua những thất bại. Nhận thức này sẽ giúp ích cho chúng ta những lúc cảm thấy mình thất bại và tạo ảnh hưởng không tốt cho vương quốc Đức Chúa Trời.

Giống như Si-môn, hai con trai của Xê-bê-đê cũng được đặt tên mới là “Con Trai Của Sấm Sét” (Mác 3:17). Đây là một tên gọi khá kỳ lạ và có vẻ khôi hài, nhưng lại rất phù hợp với tính khí của họ.[1] Tại đây có điểm phải lưu ý là dường như tính khí của những con người này không hề phai mờ khi họ gia nhập vương quốc Đức Chúa Trời. Điều này có hai ý nghĩa. Một mặt, tính khí vẫn là một phần của chúng ta trong vương quốc Đức Chúa Trời. Việc chúng ta bày tỏ Nước Trời tại nơi làm việc vẫn được chuyển tải thông qua tính khí của mỗi người. Điều này thách thức chúng ta cần nhận dạng tính khí riêng của mình, không thể rập khuôn chỉ có một loại tính khí “Cơ Đốc” như nhau. Nhưng đồng thời, trong tính khí của mỗi người cũng có những yếu tố cần được thay đổi bởi Tin Lành. Câu trả lời cho chúng ta ẩn chứa trong tên gọi Chúa đặt cho các con trai của Xê-bê-đê. Tên gọi này cho thấy tính khí nóng nảy và dễ xung đột. Dù tên gọi này được Chúa Giê-xu đặt cách trìu mến, nhưng đây không phải là cái tên khiến họ tự hào.

Hiểu tính khí con người góp phần quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ cách áp dụng niềm tin Cơ Đốc trong công việc. Đa số chúng ta đều thừa nhận những trải nghiệm trong công việc, cả tốt lẫn xấu, phụ thuộc rất nhiều nơi tính khí của những đồng nghiệp. Những phẩm chất tạo nên một đồng nghiệp tràn đầy năng lượng luôn truyền cảm hứng làm việc cho người khác thường khiến cho người đó khó tính. Một người tích cực và xông xáo thường dễ bị xao lãng bởi những ý tưởng, dự án mới, lại hay có định kiến và vội vàng bày tỏ quan điểm. Tính khí của chúng ta giữ vai trò quan trọng. Việc chúng ta cảm thấy dễ dàng hay khó khăn khi làm việc với một ai đó phụ thuộc vào tính khí của chúng ta và của người cùng làm việc.

Tuy nhiên, tính khí không chỉ ảnh hưởng đến công việc. Tính khí đặc trưng của chúng ta sẽ định hình cách chúng ta đóng góp cho một tổ chức và qua đó cách chúng ta phục vụ, cống hiến cho vương quốc Đức Chúa Trời. Tính khí định hình những ưu điểm và nhược điểm của chúng ta. Ở một góc độ nào đó, tin theo Đấng Christ đồng nghĩa với việc để Ngài kiểm soát tính khí của bạn, như Chúa đã quở trách các “Con Trai Của Sấm Sét” về tham vọng muốn được ngồi bên phải và bên trái của Ngài (Mác 10:35-45). Nhưng đồng thời, Cơ Đốc Nhân cũng sai lầm khi áp đặt những đặc điểm tính khí cụ thể như một hình mẫu chung cho mọi người. Trong một số cộng đồng Cơ Đốc, những đặc tính như hướng ngoại, ôn hòa, dè dặt trong việc sử dụng quyền lực được “tôn thánh”, còn những đặc tính khác như: chi phối, điều khiển, ít khoan dung và cả tin thường bị “định tội”. Một số Cơ Đốc Nhân nhận thấy những đặc tính là ưu điểm của họ trong công việc như quyết đoán, không vội tin việc chưa kiểm chứng (tin kiểu giáo điều) và có tham vọng lại thường khiến họ có mặc cảm tội lỗi và bị xa lánh trong Hội Thánh. Khi người tin Chúa cố gắng để trở thành người khác, hay cố gắng rập khuôn theo một hình mẫu Cơ Đốc Nhân “chuẩn” trong môi trường công sở, họ có thể khiến người khác cảm thấy thiếu chân thật. Chúng ta được kêu gọi noi gương Đấng Christ (Phil 2:5) và bắt chước những lãnh đạo của mình (Hê 13:7), nghĩa là bắt chước những đức tính tốt, chứ không phải rập khuôn tính khí. Chúa Giê-xu thường chọn những người với nhiều tính khí khác nhau làm bạn và cùng làm việc với Ngài. Có rất nhiều phương cách để hỗ trợ các cá nhân và tổ chức sử dụng những người với tính khí khác nhau cách hiệu quả trong việc đưa ra quyết định, lựa chọn nghề nghiệp, nâng cao năng lực làm việc, điều hành, lãnh đạo, giải quyết xung đột và xây dựng mối liên hệ trong công việc.

Điều này cần phải được xem xét từ hai phương diện: trong tương tác với thần học về của cải và trong liên hệ với điểm chung giữa thần học về Hội Thánh và thần học về công việc. Việc duy trì mối liên hệ giữa các Cơ Đốc Nhân trong môi trường làm việc để hỗ trợ lẫn nhau nghe dường như là điều hấp dẫn và ít thực tế, nhưng thực ra là một nhiệm vụ phải thực hiện. Dù đây là mục tiêu đáng ca ngợi, nhưng chúng ta cần thừa nhận có một số người tin Chúa đặt sai thứ tự ưu tiên và khiến quan điểm của họ bị ảnh hưởng. Những lúc như vậy, trong vai trò là người tin Chúa, trách nhiệm của chúng ta là luôn sẵn sàng để gây dựng nhau trong tình thương, nhắc nhở nhau để hành động của chúng ta thật sự dựa trên những tiêu chuẩn của vương quốc Đức Chúa Trời.